CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com

TBT: T.S Nguyễn Văn Nhân
PTBT: Ngô Đức Hành

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cả đời đau đáu mở đường Hồ Chí Minh

2019/4/8 18:37 - Theo báo Giao thông

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh.


 
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh
 
Ban đầu ý tưởng này bị một số ý kiến phản đối vì cho rằng, dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng nên cứ lấy tên gọi là đường Trường Sơn công nghiệp hóa hay công trình Xa lộ Bắc - Nam.
 
Người đặt tên cho công trình xuyên suốt chiều dài đất nước
 
Hơn một ngày sau khi biết tin Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban QLDA 2, nguyên Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh - người từng gắn bó thời gian dài và được làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Trung tướng tại dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh vẫn chưa muốn tin đó là sự thật.
 
Mất vài phút định thần, ông Sơn chia sẻ, cuối năm 1997, khi đó đang giữ chức Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum, ông được điều chuyển ra làm việc tại Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình Xa lộ Bắc - Nam. Lúc này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là đặc phái viên của Thủ tướng phụ trách dự án.
 
Theo ông Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh. Ban đầu ý tưởng này bị một số người phản đối vì cho rằng, dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng nên cứ lấy tên gọi là đường Trường Sơn công nghiệp hóa hay công trình Xa lộ Bắc - Nam.
 
“Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý với đề xuất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và một số cán bộ lão thành cách mạng. Kể từ đó, công trình Xa lộ Bắc - Nam chính thức lấy tên gọi mới là đường Hồ Chí Minh và bắt đầu khởi công xây dựng”, ông Sơn kể.
 
Tại Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước về dự án đường Hồ Chí Minh, cuộc họp nào Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng đều tham dự và đưa ra những góp ý rất quan trọng. Ngoài các yếu tố về kỹ thuật của ngành Giao thông, Trung tướng đặc biệt lưu ý đến cách bài trí hướng tuyến của đường Hồ Chí Minh, bởi ông cho rằng, tuyến đường này không chỉ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế mà còn gắn với an ninh - quốc phòng.
 
“Tôi còn nhớ rõ, sau một cuộc họp, ông đến cầm lấy tay tôi và căn dặn: Khi làm đường Hồ Chí Minh, chúng ta phải tính toán đến yếu tố quân sự nhưng khi nói ra ngoài chúng ta chỉ nói là làm kinh tế thôi. Bao đời nay, mỗi khi đất nước có chiến sự xảy ra, chúng ta đều bám vào dãy Trường Sơn để kháng chiến, nên hướng tuyến của đường Hồ Chí Minh cố gắng càng đẩy về phía Tây càng tốt. Hơn nữa, tuyến đường cần đi vào những căn cứ cách mạng, an toàn khu, khu di tích lịch sử chiến tranh, bởi đây là những khu vực người dân còn khổ, đi lại khó khăn, mình làm đường Hồ Chí Minh đi qua những khu vực đó cũng là để tri ân đồng bào đã một lòng, một dạ đi theo cách mạng”, ông Sơn kể.
 
Tâm huyết với dự án đến những ngày tháng cuối cùng
 
Được hỏi về những kỷ niệm trong đời với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, giọng ông Sơn như nghẹn lại, đôi mắt chỉ trực trào rơi lệ. Ông bảo: “Hồi đó, trong ban chỉ đạo chỉ có vài người, ngoài tôi còn có ông Hà Đình Cẩn, ông Dương Tuấn Minh. Anh em trong văn phòng ban chỉ đạo thay nhau tháp tùng, đi công tác với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào công trường dự án mới khởi công. Có năm tôi đi cùng ông đến hơn hai chục lần vào tuyến, dù khi ấy ông đã gần 80 tuổi. Mỗi lần như thế, nhanh cũng khoảng 5 ngày, chậm thì hai tuần. Có hôm, buổi tối vừa đặt chân về đến Hà Nội thì nhận được điện thoại chỉ đạo của ông, sáng sớm mai tiếp tục vào tuyến cùng để giải quyết các vướng mắc, khó khăn dự án đang gặp phải”, ông Sơn cho biết.
 
Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên hướng dẫn với Tổng Bí thư Lê Duẩn về cầu Thăng Long (Hà Nội)
 
Theo ông Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người rất sâu sát với công việc. Đi trên tuyến, phát hiện việc gì còn vướng mắc, khó khăn, ông đều dừng lại và tìm hiểu kỹ ngọn nguồn. Cái nào thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT hay các bộ, ngành khác, ông yêu cầu xử lý, giải quyết ngay. Công việc nào vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, sau chuyến công tác, ông báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ xử lý.
 
“Có lần đang đi xe trên tuyến, ông yêu cầu dừng lại tại công trường trước mặt. Thấy anh em báo cáo một số đoạn thi công đang vướng mặt bằng, ông đi thẳng vào từng nhà dân thuyết phục, vận động và lắng nghe các ý kiến, tâm tư của người dân. Sau đó, toàn bộ mặt bằng còn vướng mắc được người dân bàn giao cho các nhà thầu thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án. Qua sự việc này, ông cũng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, tư vấn và các đơn vị liên quan, chỗ nào đi qua khu đông dân cư cố gắng phải chỉnh tuyến, bởi vừa chậm GPMB lại mất đất của bà con”, ông Sơn nhớ lại và cho biết, nhờ uy tín, tầm ảnh hưởng lớn, cũng như sự sâu sát của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nên công tác GPMB đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 rất nhiều điều kiện thuận lợi.
 
Câu chuyện bị ngắt quãng bởi ông Sơn không kìm nén được cảm xúc khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Sau một lúc lấy lại bình tĩnh, vẫn bằng chất giọng đặc miền Trung nhưng chùng hẳn xuống: “Đó là một buổi tối trên công trường đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Quảng Nam. Khi ấy, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 mới khởi công đoạn từ A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đến Thạnh Mỹ, Tam Giang (Quảng Nam), cả đoàn đi trên QL14 cũ về đến Thạnh Mỹ lúc 18h, ăn cơm ngay trên tuyến. Thời điểm đó, trên tuyến rất hoang vu, chưa có nhà khách, nhà nghỉ. Lúc đó, ông đã rất mệt vì phải băng rừng cả ngày, chúng tôi ra báo cáo giờ phải đi thêm 60km về Khâm Đức, ranh giới giữa Quảng Nam và Kon Tum mới có nơi dừng nghỉ”.
 
“Ông đồng ý, chúng tôi lại bắt đầu hành quân hơn 60km đường rừng, sau hơn 4 giờ đồng hồ, đoàn đến Khâm Đức lúc hơn 23h. Địa điểm nghỉ chân lúc này là nhà khách UBND huyện Khâm Đức. Vừa vào lấy phòng, tôi chạy ngay sang phòng ông. Lúc này, ông đang ngồi trên ghế, máu trên mũi tràn xuống miệng do bị chảy máu cam, bên cạnh là bác sĩ tên Du, trên tay cầm một chiếc khăn thấm đẫm máu đỏ. Khoảnh khắc ấy trào dâng trong tôi niềm xúc động và kính phục tinh thần làm việc của một vị tướng gần 80 tuổi. Sau lần đó, chỉ vài tuần sau, ông lại tiếp tục cùng chúng tôi quay trở lại công trường để xử lý những công việc của dự án đường Hồ Chí Minh”, ông Sơn kể.
 
“Sau này, khi chuyển công tác về Ban QLDA2, tôi vẫn đến thăm ông. Mới nhất, ngày 1/3/2019, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 96 của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tôi vào thăm trong Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Bên giường bệnh, ông đã phải thở bằng máy, nhưng vẫn còn tỉnh táo, chậm rãi nắm lấy tay tôi căn dặn: Anh em cố gắng bảo ban nhau làm cho thông sớm đường Hồ Chí Minh. Đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn rất tâm huyết với đường Hồ Chí Minh. Đó là những kỷ niệm không bao giờ tôi có thể quên được về một vị Tướng đáng kính của dân tộc”, ông Sơn bùi ngùi.
 
Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn:
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người nhìn xa trông rộng
 
Tôi vẫn nhớ trước đây khi làm cầu Chương Dương, mọi người lên ý tưởng làm cầu cáp, nhưng thời đó không có dây cáp nên ý tưởng là bó tròn các thanh thép lại làm cáp. Tướng Đồng Sỹ Nguyên khi đó kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT hỏi, làm theo cách đó 4-5 năm có xong không, lấy gì để căng dây cáp? Sau đó, ông hỏi đến vật tư để xem có khả năng làm thế nào và đã quyết định làm cầu như bây giờ và chỉ 5-6 tháng sau làm xong. Ông là con người của thực tiễn, từ thực tiễn để sáng tạo, đúc kết kinh nghiệm để làm phong phú thêm lý luận.

Trong chiến tranh, thời chỉ huy mở đường Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chủ trương dùng xe cơ giới mở đường để thay cho sức người, phương tiện thô sơ. Với tầm nhìn của vị tướng, khi làm cố vấn đặc biệt của Chính phủ, ông cũng là người quyết liệt ủng hộ xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh, góp phần mở ra tuyến đường Hồ Chí Minh hiện nay.

Tôi có vinh dự được biết và làm việc với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ thời tham gia đội thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam thời chiến tranh chống Mỹ. Thời đó, Đội TNXP 39 do tôi phụ trách làm đường bằng xe cơ giới cả ngày lẫn đêm, làm xong đoạn nào lấy cây xanh che phủ tránh máy bay địch phát hiện, đánh phá. Khi chỉ huy việc mở đường và đi kiểm tra tình hình làm đường thấy vậy nên ông nói anh em bảo tôi đến dự giao ban công việc hàng tuần.
 

Huy Lộc (Ghi) 



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH