CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Đường hai làn có gọi là cao tốc?

2014/10/15 9:39

Trả lời phỏng vấn Báo Giao thông liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho rằng, tuy chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của đường cao tốc nhưng đầu tư xây dựng các đoạn đường cao tốc ở giai đoạn phân kỳ cũng phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật cơ bản của đường cao tốc.


Đường cao tốc ở giai đoạn phân kỳ (hai làn xe) từ Yên Bái đến Lào Cai

 

Đường cao tốc ở giai đoạn phân kỳ

 

Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa được thông xe, trong đó đoạn Yên Bái - Lào Cai chỉ có hai làn đường. Vậy đoạn đường này có thể coi là đường cao tốc hay không, thưa ông?

 

Các tuyến đường ô tô cao tốc đã và đang được xây dựng ở nước ta hiện nay được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5729 : 1997 trước đây, nay được bổ sung cập nhật thành TCVN 5729 : 2012. Đây là tiêu chuẩn được nghiên cứu, xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hiện đại của các nước trên thế giới. Đoạn đường cao tốc Nội Bài - Yên Bái được xây dựng và tuân thủ theo tiêu chuẩn này.

 

"Mức cước phí trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được tính trên nguyên tắc 1.500 đồng/km đường đối với đoạn đường bốn làn, đoạn Nội Bài - Yên Bái (từ Km0 - Km123) và 1.000 đồng/km đường đối với đoạn đường hai làn xe, đoạn Yên Bái - Lào Cai (Km123 - Km 244). Riêng với mức phí đoạn hai làn xe được coi là mức thấp so với mức phí tại hàng chục dự án BOT đang được Bộ GTVT triển khai đầu tư”.

 

Ông Mai Tuấn Anh - Tổng Giám đốc

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN

 

Tuy nhiên, với đoạn Yên Bái - Lào Cai, do quá trình nghiên cứu thiết kế cho thấy nhu cầu lưu lượng giao thông chưa lớn, nếu xây dựng hoàn chỉnh theo qui mô của đoạn Nội Bài - Yên Bái sẽ dẫn đến hiệu quả đầu tư kém. Vì vậy, Bộ GTVT đã nghiên cứu thiết kế xây dựng đoạn đường này theo quy mô đường cao tốc ở giai đoạn phân kỳ.

 

Về nguyên tắc, các tuyến đường cao tốc phải được quy hoạch, thiết kế và bố trí chiều rộng mặt bằng để khi xây dựng hoàn chỉnh đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Ở giai đoạn phân kỳ, các yếu tố kỹ thuật chủ yếu của đường như: Bán kính đường cong, độ dốc, nút giao cắt… đều tuân thủ theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tuy nhiên, số làn xe chạy và tổng chiều rộng mặt đường có thể thu hẹp. Bên cạnh đó, kết cấu mặt đường sẽ được phân kỳ đầu tư để tiết kiệm kinh phí và phù hợp yêu cầu lưu lượng xe lưu thông thực tế ở thời điểm xây dựng.

 

Như vậy, ở giai đoạn phân kỳ, tuyến đường được xây dựng còn có một số yếu tố kỹ thuật chưa đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc nên không gọi là đường cao tốc mà có thể gọi là đường cao tốc ở giai đoạn phân kỳ, đường cao tốc hạn chế.

 

Trên thế giới đã có nhiều nước sử dụng giải pháp phân kỳ đường cao tốc chưa, thưa ông?

 

Rất nhiều giải pháp phân kỳ xây dựng đường cao tốc cũng đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, Anh, Ireland,… tương tự như đoạn cao tốc Yên Bái - Lào Cai vừa được hoàn thành.

 

Hiện Bộ GTVT đã giao Vụ KHCN tiến hành nghiên cứu biên soạn tài liệu để sớm ban hành Hướng dẫn về thiết kế và tổ chức giao thông đường ô tô cao tốc trong giai đoạn phân kỳ phục vụ cho việc khai thác tuyến cao tốc Yên Bái - Lào Cai và các tuyến cao tốc phân kỳ đã và đang được thực hiện.

 

 Cao tốc hai làn xe ở Mỹ

 

Mức phí tại các đoạn cao tốc hai làn xe là hợp lý

 

Vậy theo ông, ở giai đoạn phân kỳ của đường cao tốc, tuyến đường sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn nào?

 

Đường cao tốc xây dựng ở giai đoạn phân kỳ sẽ là cơ sở để mở rộng thành đường cao tốc hoàn chỉnh trong tương lai. Để tận dụng hiệu quả phần đường cao tốc đã xây dựng ở giai đoạn phân kỳ, khi mở rộng không phải phá bỏ để tránh lãng phí. Trong giai đoạn phân kỳ, các yêu cầu kỹ thuật chủ yếu như: Độ dốc, bán kính đường cong, nút giao… phải theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

 

Như vậy, tiêu chuẩn chính để thiết kế và xây dựng đường cao tốc ở giai đoạn phân kỳ là tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc. Ngoài ra còn phải tuân thủ bổ sung các chỉ dẫn kỹ thuật phù hợp với giai đoạn phân kỳ. Các chỉ dẫn kỹ thuật bổ sung này đã được áp dụng khi nghiên cứu thiết kế và xây dựng đoạn tuyến giai đoạn phân kỳ của đường cao tốc Yên Bái - Lào Cai.

 

Ông có thể cho biết, với tốc độ lưu thông cao ở đường cao tốc, vấn đề an toàn khi khai thác đối với đường cao tốc xây dựng ở giai đoạn phân kỳ được giải quyết như thế nào?

 

Khi thiết kế, xây dựng đường cao tốc ở giai đoạn phân kỳ cần nghiên cứu, bổ sung các yêu cầu kỹ thuật phù hợp, trong đó có cả các chỉ dẫn về tổ chức khai thác như: Tốc độ khai thác tối đa chỉ là 80 km/h, yêu cầu đi đúng làn đường, chỉ được vượt xe ở những vị trí cho phép, có thêm các biển báo chỉ dẫn… nhằm đảm bảo tổ chức khai thác an toàn.

 

Có ý kiến cho rằng, mức độ phục vụ của đường cao tốc ở giai đoạn phân kỳ không thể bằng các đoạn đường cao tốc thông thường. Vì vậy mức thu phí giống như đường cao tốc thông thường là chưa hợp lý. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

 

Thực tế, tuy chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của đường cao tốc nhưng đầu tư xây dựng các đoạn đường cao tốc ở giai đoạn phân kỳ cũng phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật cơ bản của đường cao tốc như đã nói trên nên kinh phí đầu tư tuy đã được tiết kiệm, nhưng vẫn còn cao hơn các loại đường thông thường cùng quy mô chiều rộng, số làn xe. Ngoài ra, về mặt tổ chức khai thác các đoạn đường này đều có rào chắn bảo vệ và chỉ dành cho xe cơ giới, không có thành phần phương tiện giao thông hỗn hợp nên tốc độ lưu thông cũng cao hơn, thông thoáng hơn so với các tuyến đường thông thường có cùng quy mô.

 

Hiện tại, Nhà nước đang có chủ trương khuyến khích huy động các nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, do đó cũng cần xem xét mức phí một cách hợp lý, hài hòa lợi ích để khuyến khích các nhà đầu tư.

 

Cảm ơn ông!

Theo giaothongvantai.com.vn



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH