CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com

TBT: T.S Nguyễn Văn Nhân
PTBT: Ngô Đức Hành

Không nâng mặt đường QL1 cao hơn nhà dân

2014/5/26 8:39 - GTVT

Đây là khẳng định của ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT khi trao đổi với PV Báo Giao thông liên quan đến cao độ mặt đường và cầu tại các dự án mở rộng, nâng cấp QL1, nhất là những đoạn qua thị trấn, thị tứ.


Bộ GTVT yêu cầu không nâng cao độ các cầu và đường tại các dự án

mở rộng QL1, nhất là các đoạn qua thị trấn, thị tứ

 

Nâng cao mặt đường sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân


Tại cuộc họp chiều 21/5 với Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông có nhắc đến vấn đề nhiều đoạn thuộc các dự án mở rộng, nâng cấp QL1 đang bị nâng cao so với đường cũ đến vài chục phân do xử lý nâng cường độ mặt đường. Ông có thể cho biết nguyên nhân do đâu?

 

Qua kiểm tra hiện trường, phần lớn toàn tuyến trong khu vực thị trấn, thị tứ thuộc các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,... mặt đường và rãnh thoát nước dọc sau khi nâng cấp sẽ cao hơn so với đường cũ và cao hơn nhà dân. Điều này do nhiều nguyên nhân. Trước hết, cường độ mặt đường cũ theo thiết kế là 140Mpa. Nay nâng cấp yêu cầu tăng cường lên 160Mpa, do vậy phải tăng cường kết cấu mặt đường. Thứ nữa, giải pháp thiết kế để tăng cường cường độ mặt đường của tư vấn thiết kế (TVTK) là tận dụng mặt đường cũ, không cào bóc mặt đường cũ nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư. Do vậy, đã làm tăng cao độ mặt đường và thoát nước dọc sau khi đã được nâng cấp.

 

Cùng với đó, giải pháp tăng cường kết cấu áo đường cũng đang thiên về yếu tố kinh tế nên chưa thiết kế loại vật liệu đắt tiền có thể giảm được cao độ nhưng vẫn đạt được cường độ mặt đường theo yêu cầu. Đường cũ đang khai thác với vận tốc 60km/h, khi cải tạo nâng cấp, mở rộng QL1 vận tốc thiết kế được nâng lên 80km/h. Vì vậy, cần phải điều chỉnh một số yếu tố hình học, chiều dài đoạn đổi dốc, bán kính đường cong đứng,… Một lý do lớn nữa là theo quyết định đầu tư của dự án đã được phê duyệt, TVTK phải cập nhật yếu tố thủy văn, chống biến đổi khí hậu, tránh ngập lụt. Vì vậy, hồ sơ thiết kế đã cải tạo cao độ mặt đường và các công trình thoát nước dẫn đến làm tăng cao độ.

 

Nếu không châm chước yếu tố hình học, cao độ thủy văn và không sử dụng kết cấu áo đường đặc biệt, việc nâng cao cao độ đường cũ là cần thiết. Tuy nhiên, xét điều kiện thực tế các đoạn qua khu vực thị trấn, thị tứ đông dân cư, nếu nâng cao mặt đường cũ sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân, do đó Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu các Thứ trưởng chỉ đạo ban QLDA, TVTK, TVGS nghiên cứu các giải pháp thiết kế đặc biệt và phải châm chước một số yếu tố kỹ thuật để cao độ mặt đường và rãnh thoát nước dọc không được cao hơn nhà dân sau khi cải tạo.

 

Với các cầu xây mới thì sao, cao độ có bị nâng như mặt đường không, thưa ông?

 

Đa số các cầu cũ trên QL1 đã đưa vào khai thác khoảng 30 - 40 năm, nhiều cầu xây dựng trước những năm 1975. Quá trình khai thác để đảm bảo an toàn đã phải sửa chữa nhằm tiếp tục khai thác. Cao độ mặt cầu một số cầu không đảm bảo theo quy định về tần suất thiết kế. Phần lớn cầu cũ dùng kết cấu dầm thép liên hợp, nhịp ngắn, chiều cao dầm cầu cũ thấp, khi làm một đơn nguyên cầu mới bên cạnh, dùng loại dầm BTCT DƯL có chiều dài nhịp lớn (để giảm trụ cầu), chiều cao kiến trúc lớn hơn cầu cũ, do đó cao độ mặt cầu mới cao hơn cao độ mặt cầu cũ.

 

Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa có điều kiện xây dựng đồng bộ hai đơn nguyên cầu mới cùng một lúc và phải tận dụng sử dụng cầu cũ thêm một thời gian nữa. Do đó, TVTK đã thiết kế cầu mới trong điều kiện thỏa mãn đầy đủ các tiêu chuẩn, dẫn đến cầu mới cao hơn cầu cũ. Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ thị các Thứ trưởng chỉ đạo Ban QLDA, TVTK, TVGS nghiên cứu các giải pháp để hạ thấp cao độ mặt cầu mới bằng cao độ mặt cầu cũ, TVTK phải nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp, châm chước điều kiện thủy văn như cầu cũ để đạt được mục tiêu trên.


Ưu tiên đầu tư các cầu treo, cầu dân sinh


56 cây cầu trước đây đề nghị phá bỏ nhưng sau đó thẩm định lại, Bộ GTVT quyết định “không đập”. Việc làm này được đánh giá tiết kiệm hơn 1.500 tỷ đồng cho Nhà nước. Đến giờ, đã có ai bị xử lý vì đề xuất đập cầu này chưa?

 

Việc rà soát các cầu cũ đã có thiết kế phá dỡ, làm lại cầu mới để kiểm tra “sức khỏe” của các cầu này, xem có sử dụng thêm được nữa hay không. Qua rà soát 131 cầu trên các tuyến quốc lộ, tổ rà soát của Bộ GTVT đã đề xuất để lại 56 cầu tiếp tục kiểm định và đưa ra giải pháp sửa chữa, gia cố tiếp tục khai thác sử dụng thêm một thời gian nữa. Về lâu dài vẫn phải đập bỏ để làm lại cầu mới nhằm đảm bảo ATGT và đảm bảo khai thác đồng bộ cùng các công trình trên tuyến.

 

Để nâng cao chất lượng tư vấn, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chấn chỉnh. Bộ cũng đã ban hành Quy định đánh giá xếp hạng năng lực các tổ chức tư vấn xây dựng ngành GTVT. Đồng thời, Bộ GTVT đã có các quyết định đánh giá xếp hạng năng lực tư vấn trong các năm 2012, 2013, nhằm giúp các chủ đầu tư có dữ liệu thông tin để xem xét, lựa chọn được các ứng thầu tư vấn thích hợp nhất, phù hợp với quy mô và tính chất dự án.

 

Do vậy, các tổ chức và cá nhân đề xuất chủ trương thiết kế và làm mới 131 cầu đó không có lỗi để phải xử lý kỷ luật. Cũng như cái nhà của chúng ta ở vậy, lúc đầu định bỏ cái nhà cũ bị mối mọt thiếu an toàn để thiết kế xây dựng một nhà mới. Tuy nhiên, do điều kiện tài chính hạn hẹp nên tiếp tục giữ lại sửa chữa, trừ mối mọt, tăng cường chống đỡ để sử dụng thêm một thời gian khi có điều kiện sẽ đập bỏ, làm mới.

 

Việc giữ lại 56 cầu chưa đập bỏ để làm mới cũng tương tự như vậy, song cần phải bỏ kinh phí sửa chữa nhằm đảm bảo ATGT tuyệt đối. Việc làm này có ý nghĩa rất to lớn trong giai đoạn hiện nay, khi kinh tế của nước ta đang khó khăn. Nếu có điều kiện nên tập trung ưu tiên cho đầu tư các cầu treo, cầu dân sinh, cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồi núi như Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo.

 

Ông đánh giá thế nào về tình trạng TVTK yếu kém dẫn tới thiết kế công trình gây lãng phí trong các dự án giao thông?

 

Nhìn chung công tác khảo sát thiết kế các dự án giao thông của các tổ chức tư vấn cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, tại một số dự án, công tác khảo sát thiết kế còn có thiếu sót, chưa cập nhật đầy đủ số liệu đầu vào dùng để thiết kế. Một số tư vấn chưa có kinh nghiệm trong công tác thiết kế cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, áp dụng qui trình thiết kế máy móc...

 

Phải tính đến các yếu tố kinh tế - kỹ thuật và mục đích phục vụ xã hội

 

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã nói nhiều chủ đầu tư, ban QLDA và tư vấn quá dập khuôn, áp những tiêu chuẩn, quy định trong thiết kế. Vậy theo ông, trách nhiệm của các đơn vị trên về việc thiết kế dự án có sự thay đổi và “đội” vốn như thế nào?

 

Các đơn vị tư vấn khi lập thiết kế các dự án, công trình đều phải tuân theo Khung tiêu chuẩn khảo sát, thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế đang khó khăn như hiện nay, tùy thuộc từng trường hợp cụ thể, để đạt được một số mục tiêu về kinh tế, chất lượng, dân sinh,… tư vấn phải nghiên cứu, so sánh báo cáo cấp có thẩm quyền việc áp dụng hay châm chước một số chỉ tiêu kỹ thuật của dự án.

 

Quá trình khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, thẩm tra, thẩm định,… đều được các chủ đầu tư, ban QLDA, tư vấn thực hiện nghiêm túc. Nếu đơn vị tư vấn đưa ra các giải pháp bất hợp lý, quá trình thẩm định phê duyệt, cơ quan thẩm định sẽ yêu cầu chỉnh sửa hồ sơ theo qui định. Trong quá trình thi công, ban QLDA, tư vấn giám sát phát hiện sự bất hợp lý về các giải pháp thiết kế, các bên liên quan đã xử lý theo qui định.


Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc thiết kế nâng cao độ cầu và đường tại các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 là rất lãng phí. Vậy tới đây, theo ông làm thế nào để tránh sự lãng phí này?

 

Một công trình giao thông khi được thiết kế xây dựng phải tính tới các yếu tố kinh tế - kỹ thuật và mục đích phục vụ xã hội. Đối với công trình xây dựng mới trên địa bàn chưa có dân cư, các yếu tố nêu trên có thể được đáp ứng thỏa mãn. Đối với công trình nâng cấp mở rộng QL1 và QL14 là công trình cải tạo trên cơ sở công trình cũ đã tồn tại từ nhiều năm về trước. Tình hình xã hội ven QL1 và QL14 đã hình thành từ lâu. Do đó, để đáp ứng thỏa mãn nhu cầu xã hội, cần phải có chủ trương châm chước vận dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, để khắc phục kỹ thuật có khi phải làm tăng yếu tố kinh tế. Nhà nước có thể tăng một phần kinh phí cho xử lý kỹ thuật nhưng xã hội sẽ tiết kiệm được rất nhiều do không phải sửa chữa các công trình của nhân dân để phù hợp với cao độ cầu, đường sau khi nâng cấp.

 

Cảm ơn ông!



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH