Giao thông Việt Nam thời Pháp ( 1890 – 1945). Đường thuộc địa, đường sắt và cảng sông, biển mở đầu phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam

2014/12/2 16:38 - Nguồn : CHU ĐỨC SOÀN

...... Sau khi hoàn tất cuộc xâm lược Việt Nam về mặt quân sự, đầu năm 1897, người Pháp đã triển khai ngay công cuộc khai thác thuộc địa ở Việt Nam nói riêng cũng như Đông Dương nói chung một cách quy mô. Trong đó người Pháp đã tập trung xây dựng hạ tầng giao thông vận tải lớn ở Việt Nam như: Xây dựng hệ thống bến cảng, đường sắt, đường bộ, sân bay... để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa. Trong chủ yếu là khai thác mỏ và lập đồn điền trồng cây công nghiệp, vơ vét tài nguyên, của cải, lúa gạo ở đồng bằng Nam bộ và Bắc bộ, vận chuyển ra các cảng biển lớn chở về Pháp. A. Đường sắt, đường bộ xuyên Việt hình thành Song song với cải tạo mở rộng tuyến đường thuộc địa số 1 Bắc – Nam, người Pháp đã triển khai xây dựng tuyến đường sắt, theo công nghệ đường sắt của Pháp với khổ đường ray 1 mét, để vận chuyển hàng hóa.

Tuyến đường sắt được khởi công sớm nhất là Sài Gòn –Mỹ Tho (71km) được hoàn thành vào năm 1885. Năm 1902, Pháp xây dựng xong Đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng và Bằng Tường Trung Quốc; Năm 1902, Pháp xây dựng xong Đường sắt Hà Nội – Hải Phòng; Năm 1906, Pháp xây dựng xong Đường sắt Hà Nội – Lào Cai và Côn Minh - Vân Nam Trung Quốc; Năm 1931, Pháp xây dựng xong Đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt; Năm 1933, Pháp xây dựng xong Đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh; Đến năm 1936, người Pháp mới xây dựng xong tuyến Đường sắt Bắc Nam với chiều dài 2600km.

Các trục đường bộ song trùng với các tuyến đường sắt này cũng được nâng cấp, trở thành các trục đường liên tỉnh. Đường săt được xây dựng cùng với các cầu thép đi chung đường bộ đường sắt. Ở miền Bắc các tuyến đường thuộc xứ ( Bắc Kỳ ), đi song trùng với các tuyến đường sắt cũng đường khai mở. như: Đường 2, đường 70 ( Hà Nội - Tuyên Quang- Lao Cai) đường 3 ( Hà Nội -Thái Nguyên – Cao Bằng), đường 5 (Hà Nội - Hải Phòng)

Hầu hết các cầu được kiên cố, các cầu vượt sông lớn, đều đi chung với đường sắt. Đường bộ: một số tuyến đường liên tỉnh được hoàn thành như ...cùng với đó hàng trăm cây cầu kiên cố cũng được xây dựng, trong đó có các cầu lớn như Cầu Bình Lợi (Thành phố HCM) cầu Gềnh ( Đồng Nai), Đà Ràng ( Tuy Hòa), cầu Bạch Hổ ( Huế): cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), Cầu Long Biên ( Hà Nội)...

Đến năm 1931 Việt Nam đã có 2389 km đường sắt. với các tuyến đường Bắc – Nam, Hà nội đi: Hải Phòng, Đồng Đăng Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Tháp Chàm – Đà Lạt và Sài Gòn – Lộc Ninh.

B. Xây dựng đường thuộc địa khai thác tài nguyên:

Dựa trên hệ thống đường bộ vốn được đắp đất, nhỏ bé của triều nhà Nguyễn, người Pháp là tăng cường hệ thống giao thông vận tải để phục vụ cho phát triển kinh tế, vận hành bộ máy hành chính đến các cấp và vận chuyển quân đội đàn áp phong trào nổi dậy.

Vào thời đó, ở nước ta chưa có trục đường lớn nối với các nước Lào và Campuchia, Đến năm 1912 người Pháp mới tiến hành xây dựng hệ thống đường bộ cho 3 nước Đông Dương, trong đó chủ yếu là Việt Nam. Từ đó Việt Nam hình thành 3 loại đường bộ gồm: Đường thuộc địa – Trục đường quan trọng của quốc gia và xuyên Đông Dương. Đường thuộc Xứ -Trục đường trong phạm vi 3 xứ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ) và đường nối 3 xứ. Đường thâm nhập, là các trục đường giàu tài nguyên như rừng, khoáng sản, đường nối và các đồn điền...từ đó đã hình thành mạng lưới đường bộ chính yếu Việt Nam.

Con đường bộ được khảo sát và xây dựng sớm nhất từ Sài Gòn về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là đoạn từ thành phố Mỹ Tho được khởi công từ năm 1866 đến năm 1880 thì hoàn thành. Đường thiên lý Bắc Nam được xây dựng dưới triều Nguyễn,đã được người Pháp nâng cấp, mở rộng, gọi là đường thuộc địa số 1. Đến năm 1913 trục đường này mới chỉ có từng đoạn xe kéo và xe ô tô đi được và cho đến năm 1943 vẫn còn có đoạn chưa hoàn thiện. Cùng với xây dựng đường số 1, dài khoảng 2000km, các trục đường thuộc địa khác cũng được xây dựng như: Các trục đường số 2,3,4,5,6 ..ở miền Bắc; Trục đường: 7,8,9,11,12 (cũ),14...ở miền Trung và các trục đường 13, 15,16,51, 20, 21 (cũ), 22, Sài Gón – Cà Mau (đường số 1 kéo dài)...Tổng chiều dài các đường thuộc địa khác ngoài đường số 1 là và khoảng trên 6.600km được rải đá.

Cùng với việc xây dựng các trục đường xuyên Đông Dương, các trục đường bộ được mở đến các đồn điền. Gấp rút xây dựng các trục đường tỉnh và vươn tới nhưng vùng xa xôi hẻo lánh, có các mỏ quặng, than đá và vùng biên giới. Đến đầu thế kỷ 20, Pháp đã làm được 20.000km đường bộ. Điển hình là các trục đường: Hà Nội- Cao Bằng, Việt Trì- Tuyên Quang, Vinh- Sầm Nưa.

Đến năm 1919 cùng với xây dựng đường sắt, người pháp đã xây dựng 21 con đường thuộc địa, trong đó có đường Thiên Lý xuyên Việt.

Khi đó Trục đường Thiên Lý Bắc - Nam được người Pháp củng cố, đổ cấp phối đất sét nện với nền đường đào đắp là 6m, được rải đá cấp phối, sau đó mới tráng nhựa. Phần lớn các cầu bắc qua sông nhỏ, đều bằng bê tông cốt thép, có thể chịu được tải trọng từ 5 đến 8 tấn. Con đường này được đặt tên là Đường Thuộc địa số 1. Từ trục đường xương sống này, còn có các đường tỉnh lộ dẫn về các huyện lỵ, các vùng miền trong tỉnh, Ở làng quê thì có đường liên thôn, liên xã, nối làng này với làng khác. Như vậy, về đại thể Đường Thuộc địa số 1 và các tuyến đường tỉnh, hình răng lược dẫn về các vùng trong tỉnh, chất là sự kế thừa các tuyến đường đã có, có sự chỉnh sửa, đào đắp, xây dựng thêm.

Như vậy vào thời gian này, hệ thống giao thông vận tải đường bộ ở Việt Nam đã được chia làm ba loại đường: đường quốc lộ là loại đường rộng nhất, dài nhất và là tuyến đường vận tải chính nối các tỉnh, lộ trong cả nước; đường hàng tỉnh là loại đường nối các trấn, tỉnh trong cả nước; đường hàng xã là loại đường nhỏ nối liền các thôn, xã, làng, bản với nhau hoặc hình thành từ những con đê chạy dọc sông ngòi cả nước, các loại đường nhỏ này được hình thành do thói quen đi lại tự nhiên của người dân.

Ở Việt Nam khi đó đã có vào khoảng 350 chiếc xe ôtô, phần lớn là xe của quân đội, được tập trung chủ yếu ở Sài Gòn và Hà Nội.

Đến năm 1930, Pháp đã mở được 15.000 km đường bộ, trong đó 1 khoảng 2.000 km đường rải nhựa. Nếu như đường sắt, đường bộ có vị trí. Đường bộ từ các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn khi đó, tiếp tục được xây dựng, nhiều con đường quốc lộ và liên tỉnh đã được rải đá cấp phối và tráng nhựa.

Riêng hệ thống sân bay thời Pháp đến năm 1945, Việt Nam có khoảng 11 sân bay, bao gồm: Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Gia Lâm, Cát Bi, Bạch Mai, Đồng Hới, Huế, Nha Trang, Cà Mau, Phan Thiết, Sóc Trăng... Trong đó sân bay Đồng Hới và sân bay Tân Sơn Nhất được xây dựng vào năm 1930. Sân bay Đà Nẵng được xây dựng năm 1940. Chuyến bay đầu tiên từ Paris đến Sài Gòn ở sân bay Tân Sơn Nhất là vào năm 1933 kéo dài 18 ngày.

C. Đường thủy vẫn là chủ đạo

Ở Việt Nam thời đó, giao thông đường thủy đóng vai trò chủ đạo, vì thế ngay sau những đợt tấn công quân sự đầu tiên xâm lược Việt Nam, năm 1860, người Pháp tuyên bố mở cửa biển cho tàu buôn Pháp tự do vào Sài Gòn. Từ đó đường thủy ven biển và các kênh rạch ở miền Nam được khai thác..

Theo đó năm 1862 mở cửa biển Đà Nẵng, Cam Ranh, cảng Hải Phòng được xây dựng vào năm 1876, cảng Sài Gòn được xây dựng vào năm 1884. Tiếp theo là các cảng Bến Thủy, Quy Nhơn, Hòn Gai, Cẩm Phả...Trong những năm đầu đã có tàu buôn của các nước Anh, Trung Quốc, Hà Lan đến buôn bán trao đổi hàng hóa và cạnh tranh với người Pháp.

Mạng lưới vận tải đường sông của vùng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long và các sông lớn miền Trung cũng được khai thác triệt để.

Các cảng sông số lượng tàu thuyền tăng đáng kể, năm 1939 cảng Hà Nội có 5886 tàu thuyền, Quảng Yên có 5.108 tàu thuyền, cảng Mỹ Tho có 171 tàu thuyền, cảng Nam Định có 1.402 tàu thuyền. Riêng tại Nam bộ người Pháp đã sử dụng các sông Mỹ Tho, Vàm Cỏ, Rạch Cát Mang Thít, Rạch Giá ...để chở lúa gạo.

Lực lượng tàu vận tải đường sông tiêu biểu thời đó có các Hãng Sô Va ( người Pháp), Bạch Thái Bưởi, Vĩnh Long ( người Việt Nam). Đến đầu thế kỉ XX, đặc biệt là từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, hoạt động vận tải đường thủy, đặc biệt là vận tải biển được phát triển.

Tóm lại từ năm 1890 đến năm 1945, xét về phương diện giao thông thuần túy, từ một nước phong kiến lạc hậu, chỉ trong một thời gian trên 50 năm, vào thời thuộc Pháp, Việt Nam đã có một giai đoạn phát triển toàn diện và cơ bản nhất của hạ tầng giao thông trên quy mô toàn quốc, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải với các loại hình: Đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và cảng hàng không...phục vụ cho các hoạt động giao thương cho những năm sau này ở Việt Nam. Thời điểm này nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào về những công trình xây dựng hạ tầng giao thông vận tải./.

Còn tiếp...