Quảng Bình xây dựng, nâng cấp đường giao thông về vùng sâu, vùng xa

2015/5/9 11:41 - Nguồn : Nguồn: Báo Nhân Dân
 
Ðường lên biên giới, đường về vùng sâu
 
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường 20 Quyết thắng - con đường thể hiện ý chí và lòng quả cảm của bộ đội, thanh niên xung phong đã góp phần làm nên Ðại thắng mùa Xuân-1975. Nhiều năm sau chiến tranh, đường 20 Quyết thắng xuống cấp đến mức, nhiều người cho rằng, đây là tuyến đường "xấu nhất Việt Nam". Cộng đồng các tộc người A Rem, Ma Coong, Khùa, Mày...ở vùng biên cương phía tây tỉnh Quảng Bình gần như biệt lập với thế giới bên ngoài cũng vì "con đường đau khổ" đó. Ý định nâng cấp con đường lên khu vực biên giới này của tỉnh Quảng Bình được đặt ra nhiều lần, nhiều năm trước song đều chưa thực hiện được vì nhiều lý do.
 
Dự án nâng cấp, mở rộng đường 20 Quyết thắng từ Km số 0 đến Km 61 được Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Bình thực hiện với tổng số vốn đầu tư hơn 384 tỷ đồng, không chỉ để tri ân những mất mát, hy sinh của thế hệ cha, anh mà còn góp phần ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch. Bên cạnh đó, việc nâng cấp đường 20 Quyết thắng nối trung tâm Phong Nha với cửa khẩu Cà Roòng - Noọng Ma sang tỉnh Khăm Muộn (Lào) để phát triển thương mại và du lịch. Khó nói hết niềm vui của người A Rem, người Ma Coong trong ngày tuyến đường được khai mở, sửa sang. Ông Ðinh Tình ở bản Khe Rung, xã Thượng Trạch, đến Km 39 đường 20 Quyết thắng từ khi con gà rừng chưa cất tiếng gáy sáng để xem công nhân san ủi đường. Ông nói trong xúc động: "Xưa bộ đội dùng đường này để chuyển vũ khí, lương thực sang Lào rồi đi vô nam giải phóng đất nước. Nay con đường được mở rộng để dân bản đi lại thuận cái chân, đem cái no ấm về với bản làng. Già thấy sướng cái bụng lắm". Già Ðinh Rầu ở xã Tân Trạch tâm sự: "Ðường làm xong, dân bản về huyện mau hơn. Bà con nuôi được con heo, con bò hay lấy được cây măng muốn bán cũng có người dưới xuôi lên mua. Có đường là có nhiều thứ".
 
Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Bình Phạm Quang Hải chia sẻ: "Làm đường trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên thế giới nên ngành giao thông hết sức thận trọng. Hơn nữa, đây là tuyến đường độc đạo cho nên phương án thi công phải tính rất kỹ để vừa lưu thông nhưng cũng bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình". Hơn một nghìn ngày "thi gan" với bao khó khăn và mưa nắng Trường Sơn, con đường huyền thoại xưa, con đường của ý Ðảng, lòng dân, giúp đồng bào A Rem, Ma Coong nơi vùng biên cương xích lại gần hơn với đồng bằng đã hoàn thành. Bây giờ từ TP Ðồng Hới, chỉ khoảng hai giờ rưỡi bằng xe ô-tô, chúng tôi đã mặt tại Km 61, để được mềm môi trong men rượu cần của người Ma Coong ở vùng biên viễn Thượng Trạch.
 
Ở huyện vùng cao Minh Hóa, chỉ sau một trận mưa to là đường về xã Tân Hóa bị ngập. Mà mùa mưa lũ năm nào cũng thế, xã rốn lũ này ngập có khi cả tuần. Xác định rằng, để ổn định đời sống cho người dân, trước hết phải đầu tư tuyến đường, UBND huyện Minh Hóa đã dành nguồn vốn của Chương trình 30a (theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ) cho dự án nâng cấp đường về xã Tân Hóa. Nghe tin đường được nâng cấp, người dân vận động nhau hiến đất, chặt cây để mở rộng đường. Sau gần một năm thi công, tuyến đường nối quốc lộ 12A đến xã Tân Hóa bằng bê-tông được hoàn thành. Anh Cao Thái Bình, ở thôn 1 Yên Thọ, xã Tân Hóa vui mừng nói: "Giờ mưa to không còn sợ tắc đường do các cầu tràn bị ngập như trước. Từ khi đường liên xã được nâng cấp, bà con đóng góp tiền của, công sức làm các tuyến đường trong thôn xóm, nên đi lại thuận tiện hơn. Chủ tịch UBND xã Tân Hóa Cao Văn Lục cho biết: "Từ nguồn vốn Chương trình 30a đầu tư cho tuyến đường có tính chất "kích cầu", xã huy động thêm các nguồn lực khác và sự đóng góp của nhân dân hơn 10 tỷ đồng để phát triển hệ thống giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn Tân Hóa thêm khởi sắc".
 
Huy động nhiều nguồn vốn đầu tư
 
Quảng Bình có 159 xã, phường, thị trấn, trong đó có 28 xã vùng sâu, vùng xa địa hình bị chia cắt nên việc đi lại của người dân còn khó khăn. Giám đốc Sở GTVT Phạm Quang Hải cho biết, từ năm 2010 đến 2014, tỉnh Quảng Bình đầu tư hơn 2.261 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông, trong đó dành một phần không nhỏ đầu tư giao thông ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều tuyến đường, cây cầu ở vùng miền núi, vùng sâu được xây dựng để tạo điều kiện đi lại thuận tiện và an toàn cho người dân.
 
Mới đây, được sự đồng ý của Bộ GTVT, Sở GTVT Quảng Bình đã sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ để sửa chữa các cầu treo hư hỏng tại các xã vùng sâu, vùng xa. Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn (Sở GTVT Quảng Bình) Lê Quang Minh cho biết, sau trận bão lịch sử tháng 10-2013, nhiều công trình giao thông trên địa bàn bị hư hỏng nặng, trong đó có chín cây cầu treo dân sinh ở ba huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Bố Trạch. Hằng ngày, người dân và các em học sinh ở các bản làng này phải dùng thuyền hoặc liều mình bơi qua sông mỗi khi lên rẫy, đến trường... Xác định đây không chỉ là công trình giao thông đơn thuần mà là nhiệm vụ chính trị, có ý nghĩa xã hội lớn đối với nhân dân, học sinh các xã vùng sâu, vùng xa, vì vậy Ban quản lý dự án chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương để xây dựng phương án sửa chữa các cầu treo với thời gian nhanh nhất nhưng phải bảo đảm chất lượng công trình. Ban quản lý dự án đã chọn những nhà thầu có năng lực, có kinh nghiệm làm cầu treo để đảm nhận các phần việc. Trước khi đưa các cầu treo vào sử dụng trở lại, Sở GTVT Quảng Bình mời Viện Khoa học công nghệ GTVT kiểm định từng cây cầu. Kết quả cho thấy, tất cả chín cầu đều đạt và vượt các chỉ số về tải trọng, độ an toàn. Việc đưa chín cầu treo vào sử dụng đầu năm 2015 đã mang lại nhiều niềm vui cho người dân ở các xã khó khăn của tỉnh Quảng Bình.
 
Giám đốc Sở GTVT Phạm Quang Hải chia sẻ: "Ở Quảng Bình, ngành giao thông lo vốn làm đường liên tỉnh, đường liên huyện, liên xã; chính quyền địa phương và người dân lo làm đường liên thôn, đường làng ngõ xóm. Hai việc làm này hỗ trợ nhau để tạo nên bức tranh giao thông nông thôn khá hoàn chỉnh như hiện nay. Bốn năm qua, toàn tỉnh đã mở mới 419km đường, trong đó có 57 km đường tỉnh và huyện, còn lại đường xã và đường thôn xóm, nội đồng. Ðến cuối năm 2014, tất cả các xã của tỉnh Quảng Bình có đường ô-tô đến trung tâm. Như vậy, Quảng Bình đã hoàn thành cơ bản mục tiêu trong chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của Bộ GTVT".
 
Dù đã đạt được một số kết quả, song để phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, tỉnh Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực và ảnh hưởng của bão lũ hằng năm. Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Ðinh Quý Nhân cho biết, hiện 16/16 xã và thị trấn của huyện có đường ô-tô đến trung tâm xã, đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân và góp phần thúc đẩy sản xuất; lưu thông hàng hóa. Song, trong điều kiện của một huyện miền núi nghèo đang hưởng chính sách từ Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP của Chính phủ, thu nhập bình quân đầu người còn quá thấp so với bình quân chung của tỉnh, cho nên việc huy động nguồn nội lực để đầu tư cho hệ thông giao thông nông thôn còn nhiều hạn chế. Do vậy, mục tiêu nâng tỷ lệ đường thôn, xóm được cứng hóa đạt 50% đang gặp khó. 
 
Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, trong đó ưu tiên nâng cấp các tuyến đường ở vùng sâu, vùng xa.