Cầu Vàm Cống nứt do chất lượng đường hàn

2018/6/6 10:41 - Nguồn : Đoàn Loan
Phát hiện vết nứt cầu Vàm Cống vào tháng 11/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã kiểm định, đánh giá độc lập. Bộ đồng thời phối hợp với Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) và các chuyên gia đầu ngành đánh giá nguyên nhân, lựa chọn giải pháp khắc phục.
 
3 nhóm nguyên nhân gây vết nứt dầm thép cầu Vàm Cống
 
Theo ông Lê Kim Thành, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), các đơn vị chuyên môn đánh giá có 3 nhóm nguyên nhân gây nứt dầm thép CB6 trên đỉnh trụ P29 cầu Vàm Cống là tập trung ứng suất, ứng suất dư và chất lượng đường hàn để ráp nối các cấu kiện.
 
Cầu dây văng có tính chất đối xứng nên khi dầm CB6 trên đỉnh trụ neo P29 bị nứt đã ảnh hưởng đến dầm ngang trên đỉnh trụ P28 phía bên kia, gây rạn nứt ở mức độ nhẹ. Để đảm bảo chất lượng công trình, việc khắc phục được tiến hành đồng thời với cả hai dầm ngang trên đỉnh trụ P28 và P29. 
 
 
Vết xé tại dầm CB6 trụ P29 của cầu Vàm Cống rộng hơn 4 cm, kéo dài ngang dầm khoảng 2 m. Ảnh: Anh Duy. 
 
Theo ông Thành, về nguyên lý khi gia nhiệt để hàn dầm thép sẽ có những ảnh hưởng nhất định nên quy định kỹ thuật về việc này rất chặt chẽ. Các sản phẩm thép đều được nhập khẩu từ Hàn Quốc, được nhà thầu chính, tư vấn giám sát kiểm tra kỹ lưỡng từ quá trình nhập khẩu, chế tạo dầm. 
 
Khi chế tác tổ hợp dầm ở ngoài hiện trường, ứng suất dư sinh ra khi hàn. Vết nứt là do kết hợp của cả ba nhóm nguyên nhân nên một số thí nghiệm phân tích cơ học phá hủy vật liệu, phân tích kỹ thuật luyện kim sẽ tiếp tục được thực hiện trong quá trình thi công khắc phục để xác định cơ chế gây nứt. 
 
Đến nay, qua kiểm tra và thí nghiệm độc lập cho thấy, chỉ có nứt cục bộ trên dầm ngang CB6 ở đỉnh trụ P29. Dầm ngang này được tổ hợp ngoài hiện trường từ các khối ghép nên trong cả quá trình chế tạo, tổ hợp tại công trường cũng có thể có những bất lợi gây nứt sau khi hợp long cầu. 
 
Theo ông Thành, Vàm Cống là cầu dây văng khẩu độ lớn, kết cấu phức tạp, việc nứt dầm ngang là rất hiếm gặp. Do đó, công tác xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục đã được triển khai thận trọng. Bộ Giao thông đã nghiên cứu giải pháp khắc phục toàn bộ nguyên nhân có thể xảy ra nhằm đảm bảo chất lượng, tuổi thọ công trình và phân chia rõ trách nhiệm của các bên.  
 
Sẽ thay 60% diện tích dầm thép ngang
 
Dầm thép ngang bị nứt sẽ được thay thế 60%. Ảnh: Cửu Long.
 
Ông Lê Kim Thành cho biết, sau sự cố, Bộ Giao thông đã chỉ định Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải kiểm định, đánh giá độc lập, đồng thời mời tư vấn đến từ nước thứ ba là tư vấn quốc tế Arup, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, đánh giá độc lập để đảm bảo khách quan. 
 
Trên cơ sở kết quả thẩm tra của tư vấn quốc tế Arup, Viện khoa học công nghệ giao thông và ý kiến của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, Bộ Giao thông đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật phương án khắc phục là thay bán phần dầm ngang, với phạm vi thay thế trên 60% diện tích dầm ngang. Chiều dày bản đáy sẽ tăng từ 6 lên 8 cm để làm tăng độ cứng của dầm. Cabin hàn tại hiện trường được lắp đặt đảm bảo các điều kiện hàn tương tự như trong nhà máy, với thiết bị và nhân công từ Hàn Quốc. 
 
Theo ông Thành, các bên sẽ tiếp tục thí nghiệm chuyên sâu để xác định cơ chế gây nứt. Do việc thí nghiệm chuyên sâu sẽ mất rất nhiều thời gian và chỉ thực hiện được khi tháo dỡ dầm ngang, nên Bộ đã cân nhắc lựa chọn phương án đảm bảo khắc phục được toàn bộ nhóm nguyên nhân.
 
Cầu Vàm Cống dự kiến hoàn thành cuối năm 2017, đã phải lùi lại để xử lý các vết nứt dầm. Ảnh: Cửu Long. 
 
Tại cuộc họp Bộ Giao thông ngày 5/6, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá, cầu Vàm Cống là công trình trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện cho người dân trong vùng đi lại, giao thương. Do đó, Chính phủ và Bộ Giao thông rất chú trọng, quan tâm chỉ đạo các đơn vị thực hiện khẩn trương để đưa công trình vào sử dụng sớm nhất. Bộ yêu cầu nhà thầu và các đơn vị phối hợp chặt chẽ để thực hiện đúng tiến độ đặt ra là hoàn thành công tác khắc phục vết nứt vào cuối năm 2018 để đưa vào sử dụng. 
 
Đại diện nhà thầu Hàn Quốc GS E&C cho biết đang huy động vật liệu, thiết bị và nhân công có tay nghề cao từ Hàn Quốc để thi công. Tuy nhiên, nhà thầu gặp một số khó khăn về kỹ thuật do thi công trên cao, địa hình hẹp, vật liệu đặt hàng sản xuất khối lượng nhỏ với yêu cầu kỹ thuật cao và không có sẵn trên thị trường. Ngoài ra, đang là mùa mưa cũng ảnh hưởng đến tiến độ. 
 
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), mới được hợp long cuối tháng 9, chuẩn bị thông xe vào cuối năm 2017. Dự án được đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, được khởi công 5 năm trước. Công trình được thực hiện bởi các nhà thầu Hàn Quốc.
 

Chiều 14/11/2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị đã phát hiện dầm ngang CB6 bị nứt. Vết xé rộng hơn 4 cm, kéo dài ngang dầm khoảng 2 m. Bộ Giao thông đã chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long, tư vấn, nhà thầu thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để đảm bảo ổn định công trình. Công tác quan trắc, theo dõi tình trạng kỹ thuật của cầu được tiến hành thực hiện thường xuyên, đến nay công trình vẫn đảm bảo trạng thái ổn định.