Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - Dấu ấn sau 14 năm

2018/7/6 8:30 - Nguồn : Nguồn: VEC

Kết quả này là rất đáng ghi nhận, đặc biệt sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị Trung ương lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

 

Trạm thu phí Dầu Giây

 

Hiện tại, Tổng công ty đang vận hành 415 km đường cao tốc, chiếm trên 50% tổng chiều dài đường cao tốc quốc gia; đã phục vụ trên 130 triệu lượt phương tiện. Từ nay đến cuối năm 2019, Tổng công ty sẽ hoàn thành 135km đường cao tốc.
 
Các tuyến đường cao tốc Tổng công ty đưa vào khai thác được ví như một dấu cộng thêm vào các lợi thế của các địa phương (có tuyến cao tốc đi qua) khi kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư; hỗ trợ các địa phương thực hiện thành công chính sách xóa đói, giảm nghèo trong quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế… Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, từ khi có các tuyến cao tốc, như tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đã kéo giảm 85% số vụ tai nạn trên các tỉnh lộ và 95% số vụ tai nạn dẫn đến tử vong trên các tỉnh lộ và quốc lộ lân cận đường cao tốc.
 
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh môi trường đầu tư liên tục được cải thiện…, việc phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường cao tốc, đã góp phần tăng sức hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài. 
 
Có thể liệt kê thêm một số giá trị to lớn mà những tuyến đường cao tốc mang lại cho người dân và xã hội:
 
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai
 
- Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng đánh giá, cao tốc Nội Bài – Lào Cai là đường cao tốc dài nhất, hiện đại nhất của Việt Nam. Con đường này không chỉ đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh đi qua, mà còn có ý nghĩa với cả vùng Tây Bắc và cả nước, cũng như thúc đẩy sự hợp tác phát triển các nước trong khu vực…
 
Sau khi tuyến cao tốc này đi vào hoạt động thì hoạt động giao thương tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai phát triển mạnh. Không gian du lịch sẽ được mở rộng và chủ động hơn để đón khách. Hàng loạt những địa danh dọc tuyến như: Đền Hùng (Phú Thọ), Mù Cang Chải, lòng hồ Thác Bà (Yên Bái); Sa Pa, Phan Xi Păng, đèo Ô Quy Hồ và Bắc Hà – Mường Khương – Xi Ma Cai cùng nền văn hóa đa dạng của các dân tộc bản địa sẽ được kết nối dễ dàng hơn với du khách trong và ngoài nước.
 
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của du lịch và hạ tầng, giá bất động sản Lào Cai tăng vọt. Tỉnh cũng trở thành một trong những thị trường hấp dẫn bậc nhất, thu hút hàng loạt nhà đầu tư lớn vào bất động sản.
 
- Nếu như trước đây, giao thông thường là yếu tố khiến các nhà đầu tư “nản lòng” khi muốn tiếp cận với tỉnh Yên Bái, thì kể từ khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động năm 2014 và kết nối với Yên Bái qua nút giao IC12, nhiều dự án có vốn FDI “khủng” đã lựa chọn Yên Bái làm nơi đặt “đại bản doanh”. Hiện Yên Bái được ví như thỏi nam châm hút các nhà đầu tư và đang nổi lên là một điểm sáng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án có tính thân thiện với môi trường từ các nhà đầu tư nước ngoài.
 
- Ngày 13/5 vừa qua, trong chuyến đi khảo sát thực tế đường nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đoàn công tác Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Hệ thống đường cao tốc đang phát huy hiệu quả đối với sự phát triển của các địa phương. Đường giao thông tốt sẽ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng... 
 
- Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội (ngày 19-20/9/2017) về triển khai Dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn các tỉnh miền Trung, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, việc triển khai dự án cao tốc rất thiết thực, góp phần nâng cấp hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, phát triển toàn diện kinh tế-xã hội. Việc hình thành các trục giao thông cao tốc cũng sẽ tạo đà thúc đẩy lưu thông, kết nối các khu kinh tế, khu du lịch. Ngoài ra, với tốc độ phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, lưu lượng giao thông trên trục Quốc lộ 1 đang tăng trưởng nhanh hơn so với dự báo, việc triển khai cao tốc rất cấp thiết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối liên hoàn các tỉnh miền Trung (Quảng Trị đến Quảng Ngãi) và Tây Nguyên.
 
- Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh Thái Văn Chung nhận xét, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là công trình giao thông rất có ý nghĩa và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao; giúp kéo giảm cự ly cũng như thời gian cho các loại phương tiện từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đi Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung rất nhiều. Đây là một phương án quy hoạch giao thông đúng đắn.
Ông Đặng Trọng Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang - cho biết, tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây có ý nghĩa rất lớn trong việc tiết kiệm thời gian cũng như chi phí xăng dầu.
 
Nút giao thông Đại Xuyên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
 
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, VEC đã phục vụ thông suốt 20,18 triệu lượt phương tiện (chưa kể 353.000 phương tiện miễn phí), tăng 10%; doanh thu tăng 15% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, liên tiếp nhiều tháng, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình luôn giữ vị trí dẫn đầu khi đưa đón hơn 7,6 triệu lượt phương tiện; xếp ngay sau là tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây khi có xấp xỉ 7,2 triệu lượt phương tiện thông qua. Cũng trong khoảng thời gian trên, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tiếp nhận gần 5  triệu lượt phương tiện. 
 
Song song với nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, VEC tiếp tục triển khai công tác kiểm soát tải trọng phương tiện 7/7 ngày và 24/24h, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ sự bền vững của kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu chi phí khai thác và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Trong nửa đầu năm nay, hệ thống kiểm soát tải trọng của VEC đã phát hiện 28.000 lượt phương tiện vi phạm trong tổng số 1,285 triệu lượt phương tiện qua cân, qua đó buộc quay đầu 22.600 phương tiện. Giữ kỷ lục về chiều dài tuyến, cao tốc Nội Bài – Lào Cai cũng là tuyến phát hiện và từ chối nhiều nhất số phương tiện vi phạm tải trọng, với 24.700 lượt và 19.160 lượt. Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, trung bình mỗi ngày có 20 phương tiện tạm thời không được lưu thông trên tuyến do chất chở quá tải.
 
Cũng trong 2 quý đầu năm 2018, VEC từ chối phục vụ 72 phương tiện do vi phạm quy định dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc, 02 trường hợp sang tải trên tuyến, 17 trường hợp quá tải vượt trạm, chống đối nhân viên và 9 phương tiện đi ngược chiều. 
 
Nhằm hỗ trợ người tham gia giao thông nâng cao nhận thức về an toàn khi lưu thông trên đường cao tốc, VEC thường xuyên triển khai và phối hợp triển khai công tác tuyên truyền với nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, thời gian qua, VEC tăng cường phối hợp các địa phương tích cực tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi người dân nâng cao ý thức, giảm thiểu nguy cơ của việc đốt rơm rạ, tránh để các sự cố, tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra. 
 
6 tháng qua, mặc dù lưu lượng phương tiện tăng cao, tuy nhiên số vụ tai nạn xảy ra trên các tuyến cao tốc VEC quản lý ghi nhận 41 vụ tai nạn, khiến 05 người thiệt mạng và 57 người bị thương. Số sự cố trên đường cao tốc giảm đáng kể so cùng kỳ 2017. VEC đang có nhiều giải pháp nhằm bảo đảm phát huy tác dụng của hệ thống đường cao tốc đã và đang quản lý khai thác vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và kiểm chế tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí, bảo đảm phát triển bền vững./.