“Chặt khúc” quốc lộ bán vé, dân oằn mình vì phí: Đề nghị Quốc hội giám sát, chấn chỉnh

Sau khi đăng loạt bài điều tra “Chặt khúc” quốc lộ bán vé, dân oằn mình vì phí”, Báo Lao Động nhận được hàng trăm thư phản hồi từ bạn đọc. Hầu hết đều hoan nghênh phản ánh của báo, đồng thời đề nghị Bộ trưởng GTVT, Quốc hội, Chính phủ kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề bất cập trong việc dựng trạm thu phí dày đặc trên quốc lộ.


Trạm thu phí Liêm Tuyền trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
 
Cần rà soát, điều chỉnh ngay bất cập
 
Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng lo ngại, “liệu BOT có lũng đoạn như ngân hàng, tài chính chục năm qua? Một số đại gia BOT hạ tầng giao thông sẽ không “dính đòn” như bầu Kiên, bầu Thắm... trong ngành ngân hàng?”. Đồng quan điểm, bạn đọc La To nghi vấn: “Lợi ích nhóm đấy?...”. Còn bạn Nguyễn Văn Hà bức xúc: “Sao lại bất hợp lý vậy, bức xúc quá, việc gì cũng vô lý như vậy thử hỏi vai trò giám sát của Đảng, Quốc hội ở đâu? Mọi thứ đều đổ xuống người dân”. Bạn Lê Hà đòi hỏi: “Nhà nước nên xem lại việc cấp phép thực hiện các dự án BOT. Bất cứ hoạt động nào cũng phải có giám sát chặt chẽ, xem xét tính toán có trách nhiệm rõ ràng chứ đâu mà cái gì cũng đợi dân kêu ca thì mới biết thì sao mà dân tin được”. Bạn đọc Tiến Hùng viết: “Nhà nước còn có Quốc hội, Đảng, Chính phủ với một hệ thống luật pháp chặt chẽ… rất mong Quốc hội thấy vấn đề này để kịp thời ngăn chặn, uốn nắn để dân đỡ khổ”
 

Loạt bài điều tra “Chặt khúc” QL bán vé, dân oằn mình vì phí” đăng trên Lao Động đã nhận được đông đảo
sự ủng hộ từ người dân. Ảnh: HẢI NGUYỄN 
 
Trong khi đó, một số khác tiếp tục “tố” các dự án BOT thu phí bất cập. Trong đó, bạn Hồng Trường bức xúc: “Việc chặt khúc đường bộ để thu phí đang là mồi ngon của tham nhũng. Đoạn đường từ Pháp Vân đi Cầu Giẽ chưa tới 30km, đường cao tốc cửa ngõ phía nam thủ đô Hà Nội đã được xây dựng bằng tiền ngân sách 4 làn xe. Đến một ngày đẹp trời, con đường được giao cho một nhà đầu tư BOT mà không qua đấu thầu. DN này chỉ rải thêm một lớp nhựa, sơn kẻ lắp biển báo, rồi chặn đường thu phí với giá của đường cao tốc là 1.500 đồng/km. Trong khi họ không phải xây dựng hay giải phóng mặt bằng gì cả. Vậy mà họ đưa giá thành xây dựng lên tới 280 tỉ/km có nghĩa là gần 14 triệu USD/km. Với giá trên trời này, họ mặc sức thu phí đến khi nào họ muốn. Tại sao, một con đường huyết mạch cửa ngõ Hà Nội, Nhà nước không đầu tư để thu phí mà lại giao cho các nhà đầu tư mà không qua đấu thầu? Đề nghị thanh tra và kiểm toán vào cuộc kiểm tra con đường có nhiều dấu hiệu khuất tất này”. Bạn đọc Hải Nguyễn thì bi đát: “Giờ qua cầu Bến Thủy mất 30.000. Đầu năm 2016 sẽ lên 60.000. Cho dù là thu 600 ngàn hay 6 triệu cũng phải đi, vì xe không bơi qua sông được. Bức xúc quá mà không biết làm gì”.
 
Cần công khai thu chi BOT
 
Hàng chục trạm thu phí trên QL, dựng dày đặc từ bắc vào nam, nhưng hầu như ở trạm thu phí BOT nào cũng bộc lộ rõ những tồn tại phi lý, gây thiệt hại cho DN vận tải, người dân. Chính vì vậy, nhiều bạn đọc chưa thỏa mãn với loạt bài phản ánh của Báo Lao Động. Nhiều người đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính cần phải công khai minh bạch thu chi, đầu tư, hoàn vốn tại các dự án hạ tầng giao thông bằng hình thức đầu tư BOT. Bạn đọc Nguyễn Hoàng hỏi: “Tại sao đường chưa làm xong đã bắt đầu thu phí, tại sao người dân không sử dụng đoạn công trình BOT cũng vẫn bị mất phí, vì sao dự án BOT không đấu thầu cạnh tranh công khai mà cứ dấm dúi kiểu ban phát, xin - cho? BOT là thiết yếu nhưng cần phải làm một cách công khai, minh bạch và sòng phẳng để người dân không bị thiệt và Chính phủ cũng không thất thu ngân sách, còn tiền lại rơi vào túi một nhóm lợi ích”. Bạn Gia Bảo viết: “Phí bảo trì đường bộ thu theo xe ôtô, phí thu qua giá xăng dầu... Nhưng không biết phí cầu đường BOT thu chi như thế nào mà giá vẫn cao ngất ngưởng?”. Bạn Tạ Văn Phương thì đòi hỏi Nhà nước cần minh bạch phí bảo trì đường bộ đã sử dụng ở những đoạn đường nào?
 
Một số ít bạn đọc cũng chia sẻ với nhà đầu tư BOT, nhưng cũng đòi hỏi sự minh bạch. Bạn Nguyễn Trai nói: “Muốn thu tiền, nhà đầu tư phải đầu tư một con đường mới, thuận tiện hơn. Ai muốn dùng thì phải mất tiền. Đó là đương nhiên. Sửa hay nâng cấp đường cũ rồi bắt người sử dụng mất tiền là không đúng. Sao gọi là vì dân được?”. Nhiều bạn đọc bày tỏ lo ngại, các dự án BOT hiện nay có dấu hiệu nâng vốn vô tội vạ, kê khai chi phí ngất ngưởng để kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn. Quốc hội, Chính phủ cần phải giám sát, tránh tiêu cực tại các dự án này, đồng thời công khai để có buộc phải đóng phí, người dân cũng đồng tình.
 

Ngày 19.5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề báo Lao Động phản ánh tình trạng thu phí và bố trí các trạm thu phí đường bộ bất hợp lý. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 20.5.2015. Thông báo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nêu rõ: “Trước đó, một số thông tin báo chí phản ánh liên quan đến tình trạng thu phí và bố trí các trạm thu phí đường bộ bất hợp lý, nhất là trên các tuyến đường bộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”. 



GỬI Ý KIẾN