Giảm thiểu tai nạn giao thông đối với trẻ em

2018/5/15 14:37 - Dương Khánh

Những năm qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2012 đến hết 2017, tai nạn giao thông (TNGT) đã kéo giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Năm 2017 số người chết do TNGT giảm xuống dưới 8.500 người; ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từng bước được khắc phục.

 
Năm 2018, trước nhiều thách thức to lớn cho công tác bảo đảm trật tự ATGT, Ủy ban ATGT Quốc gia đã xây dựng chương trình Năm ATGT 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em” trên tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”, với mục tiêu phấn đấu giảm từ 5 đến 10% cả ba tiêu chí; đặc biệt là giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017, khắc phục ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các trục giao thông chính.
 
Tại Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội, đồng thời đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, hoàn thiện chương trình đào tạo gắn liền giữa lý thuyết với thực hành về văn hóa giao thông và đưa vào chương trình chính khóa trong hệ thống giáo dục phổ thông...
 
Theo kết quả nghiên cứu về ATGT tại Việt Nam do PGS, TS Chu Công Minh (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) phụ trách, vừa được Ủy ban ATGT Quốc gia công bố, học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây, trong đó nhóm đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất, khoảng 0,5 vụ/học sinh (nghĩa là cứ 2 học sinh thì có 1 học sinh có xảy ra TNGT liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện). Nguyên nhân chính vẫn là ý thức tham gia giao thông ở lứa tuổi này còn kém, một phần do sự thay đổi phương tiện từ đi bộ, đi xe đạp sang xe điện và xe máy càng làm gia tăng nguy cơ TNGT ở nhóm đối tượng này.
 
Để giảm thiểu TNGT, đã có nhiều biện pháp tuyên truyền được áp dụng. Việc lồng ghép phổ biến luật giao thông vào các hoạt động cộng đồng, văn hóa văn nghệ của học sinh, sinh viên làm cho nội dung tuyên truyền trở nên dễ hiểu và gần gũi.
 
Song hành cùng các hoạt động sản xuất và cung cấp những sản phẩm chất lượng và an toàn nhất cho khách hàng, Công ty Honda Việt Nam (HVN) đã và đang phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công An) chú trọng và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và đào tạo kiến thức cũng như kỹ năng lái xe an toàn cho tất cả người dân, nhất là giáo dục ATGT trong học đường cho học sinh, sinh viên - những công dân tương lai của đất nước nhằm hướng tới một xã hội giao thông an toàn, lành mạnh và văn minh. Vừa qua, HVN cùng Vụ Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và các đơn vị phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức ATGT cho các cán bộ, giáo viên tiểu học tại hai tỉnh Phú Thọ và Hậu Giang, chính thức khởi động chương trình giáo dục “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” năm học 2017-2018. Bước sang năm thứ mười, chương trình đã mở rộng triển khai tới 17 tỉnh, thành phố, tạo cơ hội để các thầy, cô giáo và các em học sinh trau dồi thêm những hiểu biết và kiến thức về ATGT, tham gia giao thông an toàn hơn và tích cực hưởng ứng những hoạt động ATGT tại trường học, chia sẻ với người thân để góp phần xây dựng một xã hội giao thông văn minh an toàn hơn.
 

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, phần lớn xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của chính các em. Chấm dứt TNGT là điều khó có thể xảy ra, song hoàn toàn có thể hạn chế hiểm họa này thông qua tuyên truyền, giáo dục, nhất là với học sinh, sinh viên. Vì thế, việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT là vô cùng cần thiết và hữu ích, giúp các em nâng cao kiến thức về luật giao thông đường bộ, phán đoán và lường trước được tình huống giao thông để ứng biến, xử lý kịp thời. 



GỬI Ý KIẾN