Bảo trì tốt, nâng hiệu quả khai thác đường cao tốc

2016/12/30 15:11 - PV

Đường cao tốc hay các tuyến quốc lộ do các chủ đầu tư xây dựng, nếu được bảo trì, khai thác hợp lý sẽ tăng đáng kể hiệu quả khai thác...

Mất an toàn nếu không bảo trì, khai thác tốt

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị Diễn đàn Otofun cho rằng, hiện Việt Nam chưa có quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan quản lý, bảo trì, vận hành đường cao tốc. Có không ít vụ TNGT xảy ra trong khi đơn vị quản lý, vận hành chăm sóc cây ở dải phân cách mà chưa được quy trách nhiệm cụ thể. Việc quản lý thiếu chặt chẽ khiến tình trạng các phương tiện tham gia giao thông vẫn thường xuyên dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc; Người dân sinh sống dọc theo đường cao tốc phá dỡ hàng rào, ném đá vào các phương tiện lưu thông trên đường... “Thực trạng này làm tăng nguy cơ mất ATGT, khiến lái xe lưu thông trên đường rất căng thẳng, gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông”, ông Thắng nói.

Theo ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, thời điểm xây dựng Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008, Việt Nam chưa có km đường cao tốc nào. Luật GTĐB năm 2008 cũng chỉ có một điều quy định về đường cao tốc nên quy định chưa cụ thể, chặt chẽ về công tác khai thác, bảo trì. Đến nay, Việt Nam có trên 700km đường cao tốc. Đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên khoảng 2.000km. Hiện, các quy định liên quan đến quản lý đường cao tốc chủ yếu được đề cập ở các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư. Nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ khó quản lý, khai thác hiệu quả.

Thời gian qua, để tổ chức quản lý khai thác có hiệu quả các tuyến đường cao tốc, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tập trung tuần tra, kiểm soát, bảo vệ tài sản, đảm bảo ATGT, tổ chức phân luồng, điều tiết, ngăn chặn phương tiện giao thông không được phép lưu thông trên đường cao tốc theo đúng quy định. Theo ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC, năm 2010, khi tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa đi vào khai thác, tỉnh Hà Nam chỉ có 2 khu công nghiệp thì đến nay, tỉnh đã có 7 khu công nghiệp. Trong năm 2015, Hà Nam đã thu hút 70 dự án đầu tư mới. Cũng từ khi tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mở ra, các tuyến giao thông, nút giao từ Đại Xuyên đến Cao Bồ đã giảm thiểu tình trạng ùn tắc. Thời gian lưu thông trên tuyến rút ngắn một nửa, giảm được 12 – 15% chi phí so với lưu thông theo tuyến QL1 cũ và giảm áp lực giao thông trên tuyến QL1.

Chất lượng bảo trì đường cao tốc, BOT phải tốt hơn đường ngân sách

Cho biết về quy trình thực hiện công tác bảo trì các dự án BOT, trong đó có các dự án đường cao tốc, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, việc bảo trì các dự án này được thực hiện không khác gì các dự án ngân sách, nghĩa là cũng được chia ra làm các giai đoạn bảo trì khác nhau như: bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ (Sửa chữa vừa, sữa chữa lớn). Có khác thì chỉ là nguồn kinh phí, công cụ và phương thức đầu tư khác nhau. Nếu các dự án ngân sách hiện nay sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ thì kinh phí cho các dự án BOT, cao tốc được xác định ngay từ khi đàm phán hợp đồng dự án. Chi phí để bảo trì dự án BOT, cao tốc không lấy ở chi phí đầu tư xây dựng ban đầu mà lấy từ nguồn để lại sau khi tổ chức thu phí.

“Nếu các dự án ngân sách hiện nay chưa đáp ứng được 100% yêu cầu về vốn bảo trì thì đối với các dự án BOT, cao tốc luôn phải đảm bảo đúng định mức đề ra và theo sát với hợp đồng đã ký. Chính vì thế về nguyên tắc, đường BOT, cao tốc có chất lượng tốt hơn đường ngân sách”, ông Điệp cho biết.

Hiện định mức bảo trì đường BOT đang có hai trường hợp. Một trường hợp là các hợp đồng BOT ký trước năm 2014, khi chưa áp dụng định mức tại bộ tiêu chuẩn cơ sở TCCS 07:2013/TCĐBVN và Quyết định số 3409 của Bộ GTVT ban hành ngày 8/9/2014 và các hợp đồng BOT từ năm 2015 áp dụng định mức mới.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, Quyết định 2777 của Bộ GTVT ban hành năm 2015 đã giao Tổng cục thoả thuận kế hoạch và kinh phí bảo trì với nhà đầu tư BOT và tuân theo các quy định như đối với đường sử dụng nguồn ngân sách. Việc đánh giá chất lượng quản lý bảo trì của các dự án BOT cũng được thực hiện giống như các Cục QLĐB và các Sở GTVT đang thực hiện.

Thực tế trong thời gian qua, khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động cùng với đó là hàng loạt các dự án BOT giao thông đã được đưa vào khai thác, sử dụng, chất lượng đường sá đã nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, cũng còn không ít những đoạn đường xuống cấp, hư hỏng chưa được sửa chữa kịp thời gây bức xúc cho người dân. Vẫn còn đó hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xuất hiện tại một số dự án, tuyến đường chưa được khắc phục kịp thời. Một số tuyến do không bảo đảm các yếu tố an toàn kỹ thuật gây mất ATGT. Đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí BOT ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ lưu thông của phương tiện, gây ức chế cho lái xe…

Chính vì thế, việc lần đầu tiên Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB của Chính phủ quy định xử phạt các đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì không bảo đảm các yêu cầu theo quy định vừa mới được ban hành đã được người dân, doanh nghiệp, người tham gia giao thông hoan nghênh và coi đó là một bước tiến về chính sách để bảo đảm lợi ích các bên.

PV

Box: ‘Các định mức, công việc ở cả lĩnh vực bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ mà nhà đầu tư phải làm đã được xác định chi tiết, cụ thể. Khi có định mức rõ ràng rồi sẽ dễ giám sát việc thực hiện công tác bảo trì của các nhà đầu tư BOT”Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN).



GỬI Ý KIẾN