Đồng Tháp Mười và quốc lộ 30

2016/6/15 22:51 - Chu Đức Soàn

Lời mở đầu: Đồng Tháp Mười là một vùng đất lúa của Đồng bằng sông Cửu Long, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, góp phần đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực thành một trong những nước xuất khẩu lúa gạo quan trọng trên thế giới. Để phát triển nông nghiệp có phần đóng góp không nhỏ của hệ thống giao thông thủy, bộ. Trong hệ thống giao thông đó quốc lộ 30 có vị trí đặc biệt quan trọng.

Quốc lộ 30 được bắt đầu tại ngã ba Thái Trung, điểm giao nhau Quốc lộ 1A thuộc xã An Hữu, huyện Cái Bè (Tiền Giang). Từ ngã ba này đi xuống phía Nam theo quốc lộ 1A chừng 3km là đến đầu cầu Mỹ Thuận, cầu dây văng hiện đại đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, qua sông Tiền Giang. Quốc lộ 30 dài trên 120 km chạy dọc theo bờ bắc sông Tiền. Huyện Cái Bè nằm phía tây tỉnh Tiền Giang, Cái Bè là bờ phía Bắc của cây cầu Mỹ Thuận, là cửa ngõ đi thành phố Vĩnh Long và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Là một huyện trên vựa lúa của đồng bằng sông Cửu Long, nên kinh tế chủ yếu của Cái Bè là nông nghiệp với nghề chính là trồng lúa và cây ăn trái và là huyện xếp hàng đầu về tiềm lực kinh tế vườn của tỉnh Tiền Giang về chuyên canh các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Nơi đây cách ngã ba đầu tuyến quốc lộ 30, không xa, là chợ nổi Cái Bè đặc trưng cho văn hoá sông nước Miền Tây. Chợ Cái Bè diễn ra trên sông, gần như suốt ngày đêm, với nhiều ghe thuyền đi lại tấp nập, có đủ các ghe thuyền từ miệt vườn xa xôi về đây bán hàng và mua hàng. Chính vì vậy mà hàng hóa ở chợ rất phong phú và đa dạng, từ hàng vải, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản... cho tới cả đồ ăn, thức uống cũng không thiếu. Khu vực buôn bán trái cây nằm ở vàm chợ nổi, dọc theo cù lao Tân Long, dài tới cả cây số. Ghe thuyền từ chở đầy trái cây đủ loại như: Chôm chôm, xoài, sầu riêng, dưa hấu... Ở chợ nổi Cái Bè, còn có những sản vật nổi tiếng nhất vùng này, đó là trái cây chuyên canh của Tiền Giang như: Vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh long Cổ Cò, khóm (dứa) Tân Lập, cam, bưởi, quýt Cái Bè... Giá cả ở đây rẻ đến bất ngờ.

Quốc lộ 30 đi tiếp về phía Tây qua xã Bình Hàng Trung đi vào tỉnh Đồng Tháp, tại thị trấn Mỹ Tho (huyện Cao Lãnh). Thị trấn Mỹ Thọ là cửa ngõ phía Đông Nam thành phố Cao Lãnh, là nơi Quốc lộ 30 giao với tuyến đường Hồ Chí Minh (N2), tuyến đường N2 còn là một phần của Đường Hồ Chí Minh, nằm trong quy hoạch ngành giao thông vận tải đường bộ, tại khu vực Nam bộ. Đây là 1 trong 3 trục chủ yếu: Quốc lộ 1A ở phía Đông, Quốc lộ N1 ở phía Tây và N2 ở giữa. Trục dọc nối Quốc lộ 22 và Quốc lộ 30 xuyên qua khu vực Đồng Tháp Mười. Với giao thông thuận lợi và nằm sát với thành phố Cao Lãnh, thị trấn Mỹ Tho là trung tâm tổng hợp và là đô thị vệ tinh của thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thành phố Cao Lãnh là tỉnh lị của tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây còn là một trong các trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười, có thể xem là điểm tựa và cơ sở hậu cần cho sự phát triển bền vững của một trong sáu vùng kinh tế lớn của Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Đồng Tháp còn là một trong 13 tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở miền Tây Nam Bộ.

Vùng đất này được các Chúa Nguyễn khai phá và đã có lưu dân Việt đến vùng Sa Đéc khẩn hoang, lập ấp vào khoảng thế kỷ 17. Tỉnh Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có 50km đường biên giới giáp với Campuchia. Ngoài những cánh đồng lúa, Đồng Tháp nổi tiếng với những cánh ruộng sen. Cây sen nơi đây đã trở thành đặc sản. Hệ thống giao thông đường bộ qua các trục quốc lộ 30, 80, 54 cùng với quốc lộ 1A gắn kết vùng Đồng Tháp với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực. Về giao thông đường thủy đi dọc theo chiều dài tỉnh là sông Tiền Giang và chi lưu của sông Tiền là sông Cao Lãnh và sông Đình Trung. Quốc lộ 30 có nhiều đoạn đi men theo 2 sông này. Đặc biệt là quốc lộ 30, sau khi đi qua trung tâm Cao Lãnh tại các tuyến đường phố: Nguyễn Huệ, 30/4, đã đi sát ngay bên bờ sông Tiền rộng lớn. Tỉnh Đồng Tháp hiện có 12 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trong đó đáng chú ý nhất là di tích lịch sử - văn hoá - khảo cổ Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười) - đây là địa điểm còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học gắn với nền văn hóa Óc Eo.

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại địa điểm này nhiều loại hình di tích, như di tích cư trú, mộ táng, kiến trúc..., phân bố trên địa bàn rộng, đặc biệt, tại khu vực này đã phát hiện được tượng thần Vishnu, Shiva bằng đá sa thạch, có khắc hoa văn và minh văn... và Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại phường 4, thành phố Cao Lãnh. - Quốc lộ 30 tiếp tục đi theo hướng Tây Bắc thành phố, ven bờ sông Cao Lãnh và sông Tiền rồi đi qua xã Bình Thành và thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình). Ta có thể cảm nhận được ở nơi đây có 3 vùng tương đối khác biệt nhau: Vùng ven, vùng cù lao và vùng sâu. Vùng ven (Tân Phú, Tân Thạnh, An Phong và mặt ngoài xã Bình Thành) đất đai nơi đây màu mỡ phì nhiêu, cây cối xanh tốt do phù sa bồi đắp hàng năm và con người tạo lập; Vùng Cù lao (Tân Huề, Tân Quới, Tân Hòa, Tân Long, Tân Bình) là phần đất nổi giữa sông Tiền, đất đai màu mỡ thích nghi với các loại cây trồng; Vùng sâu là phần đất rộng lớn, thường gọi là vùng sâu Đồng Tháp Mười, với đặc điểm trủng sâu, chua phèn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân địa phương có nhiều nổ lực đào kênh, trồng cây gây rừng để tạo địa hình hiểm trở chống giặc. Tuy nhiên ở vùng này có một đặc điểm là thường vào mùa mưa là mùa nước nổi. Mùa nước có từ tháng 7 đến tháng 12, cao điểm là tháng 9 - 10 nước dâng cao 3 đến 4m, nước dâng lên và từ từ rút xuống; đồng ruộng đều bị ngập nước, có vùng như biển nước mênh mông. Mùa khô từ tháng 01 đến tháng 6, vào mùa nầy nước kiệt, nông dân sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Thanh Bình có hệ thống sông rạch chằng chịt, hệ thống kênh đào thuận lợi cho giao thông đường thủy, cung cấp nước tưới tiêu cho đồng ruộng và có nhiều tôm cá. Ngoài đường thủy, quốc lộ 30 chạy dọc theo tả ngạn sông Tiền, nằm vắt qua vùng ven của Huyện, đóng vai trò huyết mạch trong hệ thống giao thông nối với các Huyện khác trong và ngoài Tỉnh tạo mối liên hệ mật thiết với nhiều vùng.

- Quốc lộ 30 đi qua Thị trấn Thanh Bình nằm trên 2 trục đường quốc lộ 30 và đường tỉnh 843. Từ đây cách vườn quốc gia Tràm Chim chừng 8km về hướng Bắc. Vườn quốc gia Tràm có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với mênh mang sông nước, một màu xanh của rừng Tràm ngút ngàn và thảm thực vật phong phú với hơn 130 loài thực vật khác nhau. Vùng đất này cũng chính là nơi cư trú loài chim Sếu đầu đỏ nổi tiếng trên thế giới với những vũ điệu thiên nhiên làm mê hoặc lòng người. Hệ chim nước của VQG Tràm Chim đa dạng và giàu có với 231 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm 1/4 tổng số các loài chim tìm thấy ở Việt Nam. Nơi đây có rất nhiều loài chim quý hiếm xuất hiện nơi đây nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN như: Ngan cánh trắng, Cốc đế, Giang sen, Bồ nông chân xám, Già sói,... và đặc biệt là loài Sếu đầu đỏ, đây là loài chim nước lớn nhất trong họ Hạc - một tài sản thiên thiên vô giá của Tràm Chim cần được bảo vệ vì đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.

Từ thị trấn men theo bờ sông Tiền, quốc lộ 30 đi qua các xã Tân Thanh, An Phong. Đến ngã ba An Long (huyện Tam Nông) giao với tỉnh lộ 844 và qua kênh Trung Ương là đến thị xã Hồng Ngự. Thị xã có 3 phường và 4 xã được công nhận là đô thị loại IV, là nơi tập trung giao lưu kinh tế, có lịch sử văn hóa dạng sông nước Nam bộ. Trong quá trình phát triển, thị xã Hồng Ngự vẫn giữ được truyền thống mang đậm nét vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Với lợi thế và vị trí ảnh hưởng trong vùng, do đó thị xã Hồng Ngự của tỉnh Đồng tháp là một trong ba cụm đô thị với trục hành lang quốc lộ 30 từ Thanh Bình, Thị xã Hồng Ngự đến Huyện Hồng Ngự và Tân Hồng. Với tầm quan trọng đó thị xã Hồng Ngự đã được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Đồng Tháp về nông nghiệp và kinh tế biên giới, góp phần phát triển chung cho cả khu vực kinh tế vùng Đồng Tháp Mười và vùng biên giới Việt Nam - Campuchia. Tại thị xã Hồng Ngự, nơi sông Tiền được rẽ ra làm đôi, bao lấy cù lao Long Khánh. Phía Nam giáp với huyện Phú Tân. An Giang.

Ngoài thị xã mang tên Hồng Ngự, các xã bao quanh thị xã đều thuộc huyện Hồng Ngự. Địa bàn huyện Hồng Ngự nằm ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp, tiếp giáp với tỉnh Preyveng (Campuchia); nằm trên tuyến đường thủy quốc tế, sông Tiền đi qua Campuchia rồi đổ về Việt Nam, vì thế Hồng Ngự là nơi đàu nguồn sông Tiền đổ vào Việt Nam. Tuyến đường tỉnh 841, liên thông với tuyến Quốc lộ 30, kết nối thành phố Cao Lãnh với thị xã Hồng Ngự và cửa khẩu Thường Phước, tạo thành thế đối trọng với khu kinh tế biên giới Tân Châu - Vĩnh Xương (tỉnh An Giang), đã tạo cho huyện Hồng Ngự có điều kiện thuận lợi trong quan hệ đối ngoại và phát triển kinh tế cửa khẩu, giao lưu kinh tế, văn hóa với các huyện và các tỉnh trong vùng. Sông Tiền hay Tiền Giang là nhánh hạ lưu bên trái (tả ngạn) của sông Mê Kông, chảy từ đất Campuchia vào đồng bằng Nam Bộ, qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, rồi đổ ra biển Đông. Cả hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, và tạo thành vùng đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích khoảng 3,3 triệu hecta đất nông nghiệp, nơi đang có khoảng 18 triệu người đang sinh sống.

Quốc lộ 30

Điều đặc biệt là Cù lao Long Khánh, khá rộng, nằm giữa 2 nhánh sông Tiền, nên đã tạo nên thành xã: Xã Long Khánh và sông Tiền, là nơi tọa lạc một ngôi đình cổ đã ngoài trăm tuổi. Đó là đình Long Khánh - một ngôi đình gắn với đời sống tâm linh của người dân trong vùng, có giá trị văn hóa, lịch sử và cả kiến trúc đặc trưng của vùng Đồng Tháp. Đến đây quốc lộ 30 rẽ lên theo hướng Đông Bắc, đến thị trấn Sa Rái, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, thì rẽ lên hướng Bắc. Đây là một huyện làm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản... Thương mại dịch vụ: thương mại dịch vụ của huyện còn khá khiêm tốn. Lãnh đạo huyện và lãnh đạo của tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây tỉnh Đồng Tháp đang kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà và mở khu công nghiệp Tân Thành B, ưu tiên cho sản xuất thức ăn gia súc và sản xuất công nghiệp. Đến đây quốc lộ 30 qua xã Tân Hộ Cơ và kết thúc tại cửa khẩu Dinh Bà, thuộc xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng. Cửa khẩu Dinh Bà, đã và đang góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường bộ.

Khi Campuchia xây xong tuyến lộ Niết Lương, nơi có đường Xuyên Á đi qua, thì từ Đồng Tháp đến thủ đô của Campuchia sẽ gần hơn và có thể đi bằng môtô trong ngày, thuận tiện đi đến các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài 2 cửa khẩu quốc tế chính thức là Thường Phước (Hồng Ngự) và Dinh Bà (Tân Hồng), tỉnh Đồng Tháp còn 5 cặp cửa khẩu phụ đang hoạt động là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho phép nhân dân hai nước làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá qua lại biên giới, tạo điều kiện cho cư dân sinh sống ở hai bên biên giới qua lại thuận tiện hơn, hai bên sẽ đẩy nhanh hợp tác xuất khẩu, trao đổi hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tân Hồng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện nước thứ ba qua lại biên giới dễ dàng.



GỬI Ý KIẾN
Quyết liệt giải tỏa vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực gầm cầu

Trong tháng 11 năm 2023, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức phối hợp kiểm tra, xử lý, giải tỏa vi phạm lấn chiếm tại các khu vực gầm cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội với các vi phạm như: xây dựng nhà tạm, tập kết vật liệu xây dựng, họp chợ…