MUÔN MẶT ĐƯỜNG PHỐ

2015/4/27 10:27 - CHU MẠNH CƯỜNG

Cùng với các nển văn minh, đường xá cũng ra đời phục vụ nhu cầu đi lại. Mới đầu, chúng chỉ là đường đất- lối mòn đi miết thì thành, sau đó đã được lát đá, đổ bê tông cho bề mặt rắn chắc tiện cho việc chuyên chở nặng. Được biết một con đường cổ nhất hãy còn đến nay là con đường dẫn tới thành phố Giza của Ai Cập.

Con đường này đã 4.600 năm tuổi, dài 12 kilômét và là đường đá cho thấy kỹ thuật thời xưa đã đạt trình độ điêu luyện.

Hiện nay, mỗi năm trên thế giới đều xây dựng vô số những con đường, từ đại lộ thênh thang bên rìa đô thị đến các ngõ phố chằng chịt trong khu dân cư đông đúc. Dù lớn dù nhỏ, mỗi con đường đều để lại trong lòng du khách một ấn tượng khó quên, nhất là khi có những công trình còn được ghi vào sách kỳ lục Guiness về vẻ hùng vĩ, hắc hiểm hay các đặc điểm kỳ lạ.

Dài nhất thế giới cũng là đường có xe chạy liên tục nhất phải kể tới Xa lộ Pan America (Đường xuyên châu Mỹ) - một con đường có chiều dài lên tới 48 nghìn kilômét xuyên qua 15 nước, bắt đầu từ vịnh Prudhoe Alaska Mỹ đến Canada,Trung-Nam châu Mỹ và kết thúc ở Ushuaia Argentina. Khi qua đây, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng rất nhiều cảnh đẹp ngoạn mục cùng các tiểu khí hậu thú vị.

Dài nhất ở một nước cũng như về chủng loại trên cả khu vực là Quốc lộ 1 của Australia. Nó dài đến 14.500 kilômét, nối kết tất cả các thành phố của lục địa. Đứng thứ hai sau nó về độ dài là quốc lộ Tran-Siberia Nga (11.000 kilômét) và Trans-Canada (8.030 kilômét).

Ngược lại, nhỏ hẹp và cao nhất là Cao lộ Fairy Meadows của Pakistan. Tuy chỉ dài 16 kilômét song con đường nằm ở độ cao lên đến 3.300 mét bên sườn của một ngọn núi trong vùng Gilgit- Baltistan. Và vì ở lưng chừng trời nên cả khu vực đã được các nhà leo núi người Đức đặt tên là Đồng cỏ tiên và năm 1995 được công bố là công viên quốc gia.

Đường dốc hoa Lombard

Lạnh lẽo, hoang vu nhất là Băng lộ McMurdo của Nam Cực. Một con đường đất tự nhiên phủ đầy tuyết, dài 1.440 kilômét xuyên qua một vùng đất lạnh giá. Do khí hậu khắc nghiệt, ở đây quanh năm vắng lặng, chỉ có các nhà khoa học của trạm US Antarctic và Amundsen-Scott làm việc.

Nhiều khúc cua nhất là Cung đường Jebel Hafeet của Tiểu vương quốc A rập thống nhất. Trên chiều dài 12 kilômét, có tới 60 khúc quanh và lên độ cao 1.200 mét băng qua núi Jebel Hafeet. Đường có ba làn- hai đi lên, một đi xuống, mặt nhẵn như gương. Trong khi leo núi, sẽ thấy phong cảnh hoang mạc hiện ra hấp dẫn như một câu chuyện cổ tích và cuối đường là một khách sạn xinh xắn, lôi cuốn.

Cũng có nhiều đoạn cong đẹp nhất là Song lộ Iroha-zaka của Nhật Bản. Đây là hai con đường uốn khúc song song, dài gần 10 kilômét của vùng núi Nikko, huyện Tochigi và có không dưới 48 chỗ ngoặt, đổ từ trên cao xuống thấp như một cái ruộng bậc thang hay dòng nước chảy ngoằn ngoèo quanh các ngọn đồi. Mỗi khúc có một tên riêng gắn với một chữ cái trong bảng tiếng Nhật.

Bướng bỉnh nhất là Cao tốc Hanshin của Nhật Bản. Do đất đai chật hẹp, lại ở giữa một thành phố đông đúc như Osaka nên người ta đã làm đường xuyên qua ba tầng nhà, từ tầng năm đến tầng bảy của tòa nhà chọc trời 16 tầng Gate Tower và cho nó đổ xuống đại lộ phía dưới, góp một phần đường trong hệ thống 239 kilômét xuyên qua ba tỉnh của nước này.

Ghê sợ nhất là Tử lộ North Yungas của Bolivia, còn gọi El Camino De la Muerta - Đại lộ tử thần hàng năm cướp đi sinh mạng của vài trăm người. Con đường dài 70 kilômét xuyên qua dãy Cordillera Andes nối thủ đô La Paz và Coroico. Vì có nhiều khúc gấp, thiếu lan can và hay gặp sương mù, tại đây cứ hai tuần có một vụ tai nạn xe cộ lao xuống vực. Năm 2006, địa phương đã mở một giao lộ cắt qua nó nên đã giúp cho North Yungas đỡ đông hơn.

Đường trên biển dài nhất là Hải lộ của Mỹ. Dài 205 kilômét. Phần lớn cả con đường đều nằm trên biển, chạy qua hai hòn đảo và 42 cây cầu ở vịnh Florida. Nó ra đời vào năm 1938 sau khi một trận bão phá hủy tuyến đường sắt trên biển là con đường đi lại chủ đạo bấy giờ. Để đi hết hải lộ, trung bình phải mất bốn tiếng. Trong thời gian đó, bốn bề ngợp gió, sóng lộng cùng những cánh chim hải âu rợp trời.

Đa tầng và phức tạp nhất là Giàn đường Judge Harry Pregerson của Mỹ. Nhằm đảm bảo giao thông thuận tiện, người ta đã xây dựng đường xá của Los Angeles ở các độ cao khác nhau, với nhiều tầng bậc mà mỗi tầng gồm nhiều cầu đường đan xen và dành riêng cho một loại xe cộ. Có mặt từ năm 1993, đây là một hệ thống đường cao tốc đa hình và liên tục nhất nước Mỹ.

Hầm đường bộ lớn nhất là Hầm Laerdal của Na Uy. Dài 24,5 kilômét, xuyên qua núi nối Laerdal và Aurland - Sogn og Fjordane. Nó được xây dựng trong núi để tránh khí hậu mùa đông khắc nghiệt, tuyết rơi dầy đặc cản trở đi lại. Thời gian thi công chỉ trong năm năm từ 1995-2000, và người ta đã phải dỡ bỏ 2,5 triệu mét khối đá khỏi lòng núi để có một lối đi khổng lồ với hai làn xe chạy suốt ngày đêm qua ba động.

Hầm đường bộ hắc hiểm nhất là Hầm Guoliang của Trung Quốc. Chỉ dài 1,2 kilômét, rộng bốn mét song nó khiến cho hành khách luôn phải thót tim vì những đoạn tranh tối, tranh sáng khi xe cộ đi lộ thiên ngang sườn núi Taihang- Hunan. Vì nhu cầu đi lại vào năm 1972, dân làng Guoliang gần đó đã đục núi làm đường và hoàn tất công trình năm 1977.

Cầu đường cao nhất là Cầu Millau của Pháp, bắc qua sông Tarn và ở trên cao 340 mét. Vì cao như vậy nên nó thường xuyên phải chịu sức gió lên tới 150 kilômét /giờ.

Nhanh nhất thế giới là Cao tốc Col De Turini của Pháp. Một con đèo trên dãy Alps cao hơn mặt biển hai kilômét. Nằm trong cuộc thi Monte Carlo, tại đây tài xế được cho phép phóng xe với tốc độ 160 kilômét /giờ.

Cấu hình đẹp nhất là Đại Tây Dương lộ - Atlanterhavsveien của Na Uy. Chỉ dài tám kilômét và là một phần của quốc lộ 64 băng qua Đại Tây Dương nối Kristiansund với Molde song nó là con đường đẹp nhất châu Âu thế kỷ 20. Nhìn từ trên cao, trông như những con sóng thần hoặc những con rắn vặn mình phi thân giữa các mũi đất lệch.

 

Cung đường Tian Men Shan, Tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

Không chỉ xa lộ, những tuyến phố, ngõ ngách cũng độc đáo không kém. Một ví dụ điển hình là con phố Ebenezer Place của Scotland – tuyến phố ngắn nhất thế giới. Phố này chỉ dài 2,06 mét và có duy nhất một địa chỉ là khách sạn Mackays và cũng chỉ là cái cửa của khách sạn trên. Ebenezer Place đã ra đời từ năm 1887 và tồn tại đến nay như một phố chính của Wick, Caithness cho dù chỉ dài có vài bước chân.

Ngược lại, Yonge của Canada là phố dài nhất hiện nay, tận 56 kilômét gồm bốn làn và là một trong các con đường huyết mạch giúp Canada phát triển suốt thế kỷ 18. Khởi hành từ hồ Ontario Toronto, con phố kết thúc ở hồ Simcoe và nằm dọc theo quốc lộ 11.

Spreuerhofstrabe của Đức cũng là ngõ phố chật hẹp nhất, nơi bo nhất của ngõ là 31 centimét và nơi nở nhất là 50 centimét. Nằm ở Reutlingen, Baden-Wurttemberg, cái ngõ đã ra đời từ năm 1727 sau khi thành phố bị thêu rụi trong một trận hỏa hoạn một năm trước và là ngõ phố thứ 77 trong sổ địa chính. Do nhỏ hẹp nên khi qua đây người ta phải nghiêng người sang một bên, những ai béo quá sẽ không lách nổi.

Baldwin của New Zealand là phố dốc nhất khiến xe cộ đi lại rất khó khăn. Nó chỉ dài 350 mét song dựng đến 35 độ, từ chỗ cao 30 mét lên chỗ cao hơn 100 mét. Và cứ đi 2,86 mét thì độ cao lại tăng thêm một mét. Bắt đầu từ một điểm thấp giữa thung lũng Lindsay Creek, con phố đạt tới đỉnh cao bên sườn núi Signal, ngoại ô thành phố Dunedin.

Lombard của Mỹ là phố không những dốc mà còn ngoằn nghèo, đan xen nhất giữa các nhà cửa và vườn hoa công cộng. Chạy giữa đồi Nga và hai phố Hyde và Leavenworth - San Francisco, tuyến phố này chỉ dài 400 mét song có đến tám khúc rẽ và để tránh va chạm thì xe cộ chỉ được di chuyển với tốc độ tám kilômét / giờ và đi một chiều từ trên xuống dưới. Sở dĩ có hiện tượng như vậy là vì địa hình thẳng đứng, nhiều đoạn nghiêng tới 27% nên người ta phải làm các khúc quanh cũng như quy định vận tốc thật chậm để dễ bề xử lý.

Đường 9 De Julio của Argentina là phố rộng nhất và chiếm kỷ lục về số làn đường. Tuy chỉ dài gần một km song con đường rộng đến 91 mét với 12 luồng xe. Mỗi khi đèn đỏ, người đi bộ phải bước thật nhanh mới băng nổi qua đường. Tuyến phố này đã có từ thế kỷ 19 tại thủ đô Buenos Aires và được thông làn cũng như mang tên mồng chín tháng bảy để kỷ niệm ngày quốc khánh của đất nước.

Putrajaya của Malaysia là phố có đường bùng binh (vòng tròn ngã tư) vĩ đại nhất. Bình thường, mỗi đường bùng binh đều rất nhỏ, khi đông người bao quanh thì dường như chẳng ai thấy nó nữa, tuy nhiên ở Putrajaya, Kualar Lumpur con đường này hiện ra rất rõ vì có chiều dài lên tới 3,4 kilômét vòng quanh một quả đồi và nhiều công viên cây xanh. Swindon của Anh cũng là phố gây bối rối, lẫn lộn nhất do có tới năm đường bùng binh nhỏ xếp thành một vòng tròn lớn giữa trung tâm đô thị với hàng chục dấu chỉ đường. Rốt cuộc là hành khách hay bị lạc do đi sai đường, va chạm xe cộ và cướp giật. Vì thế, Swindon đã được bình là đường phố đáng sợ thứ tư của Anh ■



GỬI Ý KIẾN