Ngành Giao thông vận tải với Ngã ba Đồng Lộc

2018/7/17 17:37 - Ngô Đức Hành

“Cột biểu tượng ngành Giao thông vận tải” tiếp tục góp phần tôn vinh những chiến công oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận giao thông vận tại ở Ngã ba Đồng Lộc; ghi dấu tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc, một trong những địa danh huyền thoại

Ngã ba của lòng yêu nước và tự hào dân tộc

 

Mười cô gái thanh niên xung phong san lấp hố bom. Ảnh: Internet

 

Ngã Ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) có vị trí rất quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc – Nam qua địa bàn Hà Tĩnh, là giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh. Đầu tháng 4/1968, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá tuyến đường số I từ cầu Thượng Gia đến Cổ Ngựa thuộc xã Tiến Lộc (Can Lộc ). Ngày 20/4/1968, đường số I bị cắt đứt tại đây ta chuyển hướng vận tải sang tuyến đường 15 trên vùng rừng núi phía tây của tỉnh .

 

Lúc đó, Ngã ba Đồng Lộc là nơi duy nhất cho con đường vận tải chiến lược đi qua. Nhận rõ vị trí quan trọng của Đồng Lộc, địch tập trung đánh phá ác liệt khu vực này ngay từ đầu. Trong tháng 7 ném bom hạn chế (từ tháng 4 đến tháng 10/1968), chúng đã đánh vào Ngã ba 1863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn Rốc Két và đạn 20 mm. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày nhiều nhất là 103 lần bay với trên 800 quả bom các loại. Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom. Cùng một lúc chúng ném các loại bom đào, bom phá, bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường...Đế quốc Mỹ hy vọng biến Ngã Bã này thành điểm chết, “trở về thời kỳ đồ đá”, thành một bãi hoang không bóng người, không một chuyến xe qua. Nhưng chúng đã nhầm.

 

Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và vị trí chiến lược của Ngã ba Đồng Lộc trên tuyến giao thông vận tải ở địa phương, toàn quân, toàn dân Hà Tĩnh và ngành Giao thông vận tải đã dồn sức cho Đồng Lộc để giải toả điểm chốt, giữ vững mạch máu giao thông. Các tổ quan sát, đếm bom, cắm tiêu, tổ rà phá bom, bộ phận ứng cứu đường cùng với mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông, giữ gìn trật tự an ninh khu vực Ngã ba Đồng Lộc được hình thành. 7/8 đại đội thuộc Tổng đội TNXP P18 do Tỉnh đoàn điều động và ngành GTVT phụ trách gồm các đại đội từ C552 và C557 được điều về với hơn 1.000 người rải rác trên tuyến từ cầu Cơn Bạng đến Khe Giao. Về lực lượng ngành GTVT gồm có: Tổ cơ giới giao thông do Uông Xuân Lý làm tổ trưởng, ½ đại đội chủ lực cầu, ½ đại đội chủ lực giao thông (trong đó có anh hùng La Thị Tám ), 3 đội công trình II, II và IV, tổ máy gạt I Cục Công trình I.

 

Quá trình chiến đấu , đảm bảo giao thông vận tải ở Ngã ba Đồng Lộc còn có sự đóng góp rất to lớn của nhân dân và lực lượng dân quân du kích của Đồng Lộc và các xã Quang Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc, Xuân Lộc, Trung Lộc, Phú Lộc, Sơn Lộc v.v...Hàng vạn người được huy động ra mặt đường làm nhiệm vụ giải toả giao thông, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, chăm sóc thương binh. Nhiều gia đình đã nhường nhà, nhường vườn để làm kho, mở đường tránh, đường xế, làm nơi cứu thương. Nhiều gia đình đã sẵn sàng dỡ nhà, đưa ván ra lát đường, chống lầy cho xe qua.

 

Chỉ trong 5 tháng, chúng ta đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Trong tháng 7/1968 ta đã phá 1780 quả bom, góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm đường mới từ Khiêm Ích, Truông Kén, Bãi Dịa 6 km. Quân và dân các xã đã góp 185.400 ngày công với 42.620 người phục chiến đấu, đào đắp 95.209 m3 đất đá, vận chuyển 45 m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy. Tổng quân số toàn bộ mặt trận lúc cao điểm nhất là 16.000 người. Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “ toạ độ chết” năm xưa. Tuy vậy, chiến thắng Đồng Lộc vẫn còn vang vọng mãi đến mai sau.

 

Hình ảnh Đồng Lộc quật khởi vươn lên vẫn còn ghi đậm trong tâm khảm của người dân Hà Tĩnh và là niềm tự hào của nhân dân cả nước, nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc mãi mãi là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

 

Ngành Giao thông vận tải tri ân với tất cả tấm lòng

 

Đài tưởng niệm liệt sỹ ngành GTVT hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc

 

Sự hy sinh anh dũng của 10 nữ TNXP và hàng vạn chiến sĩ, bộ đội, công nhân giao thông, thanh niên xung phong và nhân dân tại Ngã ba huyết mạch đã trở thành biểu tượng cống hiến to lớn của hàng triệu thanh niên vì nước quên thân, không tiếc tuổi xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. “Uống nước nhớ nguồn” luôn là nghĩa cử đối với quá khứ của cán bộ, công nhân viên lao động ngành GTVT. Toàn Ngành đã có nhiều đóng góp để góp phần tri ân đối với những người đã ngã xuống.

 

Cột biểu tượng ngành GTVT xây dựng năm 1992

 

Cột biểu tượng mới được khánh thành

 

Năm 2012 nhân kỷ Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2012); 44 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khánh thành Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ ngành GTVT tại Ngã ba Đồng Lộc. Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ ngành GTVT được xây dựng trên khu vực nhà bia cũ, mở rộng quy mô lên 2.960m2, với không gian sân hành lễ, sân dâng hương...Công trình gồm: Đài biểu tượng cao 9,68m, có diện tích bề mặt 256 m2; 14 bia ghi danh có kích thước cao 2,5 m, rộng 1,5 m… Tổng mức đầu tư công trình trên 14 tỷ đồng, là nơi ghi danh và tưởng niệm 842 Anh hùng, liệt sĩ ngành GTVT hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn Hà Tĩnh. Công trình được khởi công ngày 3/8/2011, do Sở GTVT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, được Chính phủ, Bộ GTVT, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo và giao cho Sở GTVT Hà Tĩnh trực tiếp tổ chức xây dựng.

 

Năm 2013, “Đài tưởng niệm nhân dân hy sinh tại Đồng Lộc” cũng được ngành GTVT đầu tư xây dựng. Công trình vườn hoa và đài tưởng niệm nhân dân hy sinh tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc được đầu tư xây dựng các hạng mục công trình với kinh phí là 4,4 tỷ đồng; Tổng công ty xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco 4) tài trợ kinh phí.

 

Năm 2018, để góp phần kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968-24/7/2018), dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cán bộ, công nhân viên, lao động toàn Ngành GTVT tham gia xây dựng mới “Cột biểu tượng ngành giao thông vận tải”. Biểu tượng ngành GTVT tại Ngã ba Đồng Lộc cũ được xây dựng từ những năm mới tách tỉnh Hà Tĩnh, năm 1992 nên bị xuống cấp. Công trình bao gồm các hạng mục: Cột biểu tượng, bia dẫn tích, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật...; Cả 3 phương án đều có tổng mức đầu tư trên dưới 4 tỷ đồng và được khởi công từ ngày 18/5/2018 và giao cho Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

 

Cột biểu tượng được xây dựng mới trên nền cũ, nơi giao nhau giữa ba tuyến đường Lạc Thiện - Đồng Lộc, Khe Giao - Đồng Lộc, Ba Giang - Đồng Lộc. Công trình được sử dụng chất liệu đá hoa cương nguyên khối trắng và xanh. Ngoài ra, còn có các hạng mục phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật khác, hệ thống đèn chiếu sáng, bia dẫn tích… Với việc tôn tạo biểu tượng, cần đảm bảo tính lịch sử, xây dựng biểu tượng mới trên nền biểu tượng hiện tại, theo hướng trùng tu, tôn tạo đảm bảo tính trường tồn, hợp lý hơn cho công trình. Đồng ý thay đổi chiều cao biểu tượng, có điều chỉnh hài hòa, cân xứng ở 3 phân khúc; không làm bia dẫn tích độc lập ở chân núi; ngôi sao vàng chuyển cao lên đỉnh biểu; dòng chữ “Ngã ba Đồng Lộc” ở sườn núi được thiết kế lớn hơn, nổi bật hơn; chất liệu đảm bảo tính bền vững của công trình.

 

Sáng 14/7/2018, công trình Cột biểu tượng ngành giao thông vận tải tại Ngã ba Đồng Lộc đã hoàn thành. Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, “Cột biểu tượng ngành Giao thông vận tải” tiếp tục góp phần tôn vinh những chiến công oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận giao thông vận tại ở Ngã ba Đồng Lộc; ghi dấu tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc, một trong những địa danh huyền thoại"./.



GỬI Ý KIẾN
Quyết liệt giải tỏa vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực gầm cầu

Trong tháng 11 năm 2023, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức phối hợp kiểm tra, xử lý, giải tỏa vi phạm lấn chiếm tại các khu vực gầm cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội với các vi phạm như: xây dựng nhà tạm, tập kết vật liệu xây dựng, họp chợ…