Tổng cục trưởng đường bộ sẽ chịu trách nhiệm nếu sập cầu

2017/6/20 8:49

Điều kiện cấp giấy phép lưu hành xe siêu trường, siêu trọng đã khá đầy đủ, các đơn vị cần mạnh dạn thực hiện.

Toàn cảnh cuộc đối thoại giữa Tổng cục Đường bộ VN với các doanh nghiệp

Tại Hội nghị đối thoại về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện và lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng được Tổng cục Đường bộ VN tổ chức vào hôm nay (19/6), nhiều ý kiến cho rằng, dù đã được cải tiến nhưng vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí đi lại.

Thủ tục rườm rà làm tăng giá cước vận tải

Chủ doanh nghiệp vận tải Hồng Quyên (Nam Định) nêu ý kiến, doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc khi xin giấy phép lưu hành xe quá khổ, quá tải tại Cục Quản lý đường bộ I. Đơn cử, khi doanh nghiệp xin giấy phép lưu hành xe quá khổ, quá tải từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam, xe của doanh nghiệp có tổng tải trọng nhỏ hơn hoặc bằng 35 tấn thì được đi trên QL1, còn lớn hơn phải đi theo đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trên đường Hồ Chí Minh việc lưu thông gặp nhiều khó khăn về dịch vụ mỗi khi xe hỏng hóc. Khi doanh nghiệp thắc mắc về vấn đề này, cán bộ cấp phép của Cục Quản lý đường bộ I không trả lời rõ mà chỉ nói doanh nghiệp xem lại quy định tải trọng cầu đường. Trong khi đó, các Sở GTVT và Cục Quản lý đường bộ III lại cấp phép cho doanh nghiệp tổng tổ hợp xe là 48 tấn đối với xe 6 trục được đi trên QL1.

Giải thích về việc này, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I cho biết sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, cầu nào đang gặp sự cố sẽ phân luồng theo hướng tuyến phù hợp nhất. Thời điểm đó, một số cầu yếu, hư hỏng nên bất đắc dĩ phải cấp phép theo tuyến khác.

Không đồng ý với cách trả lời này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, năm 2015, Tổng cục đã công bố tải trọng cầu đường và được cập nhật thường xuyên trên website của Tổng cục. Trong hai kỳ cấp giấy phép lưu hành quá khổ, quá tải liền nhau thì cầu, đường sẽ không có nhiều biến động, cho nên khi cấp phép phải chấp nhận kết quả doanh nghiệp đã khảo sát, kiểm định cầu đường ở kỳ cấp phép trước, không bắt doanh nghiệp phải đi khảo sát thêm nữa.

"Đối với cầu yếu, trong 6 tháng hoặc 1 năm mới cần kiểm định lại. Các đơn vị quản lý phải cập nhật thường xuyên về biến động tải trọn cầu yếu và theo hướng này để cấp phép. Việc này các đơn vị phải nghiêm túc xem xét lại. Tổng cục sẽ chịu trách nhiệm việc này. Nếu sập cầu thì Tổng cục trưởng sẽ chịu trách nhiệm, tại sao không cấp cho doanh nghiệp?", ông Huyện nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN đánh giá, việc phân cấp về cho các Sở GTVT, các Cục Quản lý đường bộ cấp phép lưu hành xe quá khổ, quá tải đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Thanh, vẫn còn một số Sở, Cục thủ tục cấp phép kéo dài, có thể do hiểu quy định không đến nơi, đến chốn, không rõ ràng, gây phiền hà. Bên cạnh đó, thời hạn giấy phép quá tải, quá khổ quá ngắn, chỉ có 90 ngày, khiến doanh nghiệp phải đổi nhiều lần, tốn kém thời gian và chi phí. Thêm nữa, ông Thanh cho rằng, chi phí khảo sát, thẩm định cầu đường cũng gây tốn kém cho doanh nghiệp. Chính điều này làm cho giá thành, giá cước vận tải hàng hóa tăng cao, hiện nay chi phí vận tải cao so với khu vực là vì những chi phí này.

Vì vậy, ông Thanh kiến nghị giảm thời gian cấp phép bằng cách bỏ một số thủ tục. "Nên chăng bỏ thủ tục yêu cầu doanh nghiệp phải khảo sát gia cường cầu, đường để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Thời hạn giấy phép hiện nay 30 ngày cho một lần cấp là quá ngắn, thời hạn của giấy phép nên phù hợp với lô hàng hay hợp đồng vận chuyển của doanh nghiệp hoặc nâng thời hạn lên 6 tháng hay 1 năm", ông Thanh nói.

Kết quả khảo sát, kiểm định cầu đường của doanh nghiệp đã

thực hiện được pháp sử dụng cho doanh nghiệp khác - (Ảnh minh họa)

Lắp camera giám sát cấp phép

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho rằng, theo quy định, đối với kiện hàng dài trên 20m và rộng 3,5m phải có lực lượng chức năng dẫn đường. Tuy nhiên, lực lượng dẫn đường hiện gặp nhiều khó khăn. Với kiện hàng chiều dài nhỏ hơn 30m và khổ nhỏ hơn 4m nên giao cho doanh nghiệp tự lo dẫn đường. Về việc xử phạt vi phạm tải trọng trục, ông Tiến kiến nghị phải trên 30% mới xử phạt thay vì 20% như hiện nay. Hiện, các doanh nghiệp đang lúng túng trong xếp hàng để không vi phạm tải trọng trục và hàng quá khổ, quá tải đã được cấp phép nên bỏ xử phạt tải trọng trục.

Trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết sẽ tiếp thu và chỉ đạo các đơn vị giải quyết, tạo điều kiện tối đa. Tải trọng cầu đường đã được công bố, tới đây các Sở GTVT phải mạnh dạn thực hiện công tác cấp phép lưu hành xe siêu trường, siêu trọng để giảm bớt thời gian đi lại cho doanh nghiệp. "Đây là việc thể hiện rõ trách nhiệm của các Sở GTVT. Các Sở GTVT ủy thác quốc lộ đã tiền kiểm tra, kiểm định phải đảm bảo trách nhiệm cho Tổng cục về tải trọng cầu đường. Sập cầu, người cao nhất của Tổng cục phải chịu trách nhiệm nhưng các đơn vị dưới cũng không ngồi yên được", ông Huyện khẳng định.

Về công tác khảo sát, kiểm định cầu trước khi cấp phép lưu hành xe quá khổ, quá tải, ông Huyện cho biết, kết quả kiểm định cầu mà doanh nghiệp đã khảo sát được sử dụng trong vòng 1 năm mà không phải khảo sát lại. Doanh nghiệp này đã kiểm định cầu đường thì doanh nghiệp khác cũng được sử dụng. Nếu không có thiên tai, địch họa, cầu sẽ vẫn đảm bảo, trường hợp đặc biệt cầu có sự cố sẽ được kiểm định ngay. "Đây thể hiện là trách nhiệm, bản lĩnh và trình độ quản lý của cơ quan cấp phép. Nếu cứ sợ trách nhiệm, dân biết kêu ai?", ông Huyện nói.

Đối với kiến nghị kéo dài thời hạn giấy phép, ông Huyện cho rằng việc giữ nguyên thời hạn 3 tháng như hiện nay là hợp lý. Với thời gian cấp là hai ngày, không có vấn đề gì lớn. "Nếu đơn vị cấp phép nào có tiêu cực, doanh nghiệp phản ánh ngay đến đường dây nóng để xử lý. Nơi cấp phép tại các Cục quản lý đường bộ, Sở GTVT phải lắp camera giám sát hoạt động cấp phép, lưu giữ lại hình ảnh để có cơ sở xử lý", ông Huyện khẳng định.

Liên quan đến đề xuất giao cho doanh nghiệp dược dẫn đường, ông Huyện cho rằng, những trường hợp đơn giản không phải đi ngược chiều, không phải phân làn. Việc này sẽ có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Về đề xuất nới xử phạt tải trọng trục lên 30%, ông Huyện cho biết, quy định này nên giữ nguyên như cũ, nếu tăng lên trên 20% mới xử phạt sẽ phá vỡ kết cấu đường.

Nguồn: Baogiaothong



GỬI Ý KIẾN
Quyết liệt giải tỏa vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực gầm cầu

Trong tháng 11 năm 2023, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức phối hợp kiểm tra, xử lý, giải tỏa vi phạm lấn chiếm tại các khu vực gầm cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội với các vi phạm như: xây dựng nhà tạm, tập kết vật liệu xây dựng, họp chợ…