Bộ trưởng Thăng đau đầu vì đại biểu nói về số liệu ảo của ngành mình?
2014/6/5 12:42 - Nguồn : NGỌC QUANG
Ông Lê Văn Học – nguyên Hiệu trưởng Đại học GTVT, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ xem lại quy hoạch cảng hàng không, sân bay.
Đường sắt, đường bộ, đường thủy đều yếu
Theo Đại biểu Học, chỉ riêng đường bộ cao tốc quy hoạch đến năm 2020 đã có 22 tuyến với tổng chiều dài là 6000km trong đó lớn nhất là tuyến Bắc Nam. Tính trung bình kinh phí đầu tư là 10-15 triệu USD/1km thì kinh phí cho đường bộ cao tốc từ nay tới năm 2020 cũng đã lên tới 80 tỷ USD.
Ngành đường sắt hiện nay quy hoạch cũng chưa rõ ràng, chậm đổi mới. Tuyến Bắc Nam dài 1.730km xây dựng cách đây hơn 100 năm hầu như không thay đổi, mặc dù lịch sử giao thông thế giới cho thấy khoảng cách từ 500 – 2000km thì đường sắt là phương tiện có ưu thế nhất, không loại phương tiện nào so sánh được.
ĐBQH Lê Văn Học - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Lâm Đồng).
Hiện nay, nhìn vào các giải pháp tránh quá tải và phá hủy cầu đường thì với đường sắt và đường thủy hầu như không đảm nhiệm nổi, cho thấy nhà nước đầu tư vào đường sắt và đường thủy những năm gần đây rất hạn chế. Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam chỉ vận chuyển hành khách cũng đã quá viển vông chưa thực hiện được.
Ngành đường thủy và hàng hải như Vinaline đã có quy hoạch nhưng không thực hiện được vì thiếu tính khả thi. Đáng lẽ theo dự kiến năm 2011 – 2020 sẽ mua và đóng mới khoảng 160 con tàu, dự kiến 100 nghìn tỷ, nhưng sau đó các nhà khoa học phản biện thì giảm xuống 68 nghìn tỷ. Bây giờ không hiểu đã thực hiện đến đâu và đến năm 2020 thì ngành này sẽ thế nào?
Quy hoạch hàng không, số liệu có ảo?
Đại biểu Học nhấn mạnh: “Tôi nêu lại các số liệu như vậy về quy hoạch đường bộ, đường sắt, đường thủy để nhắc lại vấn đề điều chỉnh lại quy hoạch hàng không Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sao cho khả thi hiệu quả.
Trong thời gian qua, báo chí và các nhà khoa học đã lên tiếng rất nhiều về quy hoạch cảng hàng không và sân bay của nước ta. Nhiều sân bay quá, có những sân bay chỉ cách nhau hơn 100km, thí dụ như sân bay Nội Bài, sân bay Cát Bi, sân bay Thanh Hóa... và sẽ xây dựng sân bay rất lớn là sân bay Long Thành, tốn rất nhiều kinh phí, trong khi đó chúng ta đã có 4 sân bay quốc tế vệ tinh gần sân bay Tân Sơn Nhất hoặc sân bay Long Thành, đó là sân bay Phú Quốc, sân bay Cần Thơ, sân bay Cam Ranh và sân bay Đà Lạt”.
Đại biểu Học nhận định, hiện tại chưa cần mở rộng thì 4 sân bay vệ tinh nói trên đã đủ khả năng đạt đến hơn 20 triệu hành khách/năm đến năm 2020 và năm 2025.
“Ngành hàng không dân dụng và giao thông vận tải không thể dựa vào những nhu cầu ảo, dự báo thiếu chính xác và chưa tin cậy để làm quy hoạch gây lãng phí, hiệu quả thấp, tốn kém cho xã hội. Tôi đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch ngành hàng không và dự báo số lượng hành khách, hàng hóa vào 2020 và 2030, tầm nhìn 2050 một cách chính xác”, Đại biểu Học nói.
ĐBQH Lê Văn Học cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất và các sân bay vệ tinh có thể đáp ứng tốt nhu cầu đi lại tới năm 2025. Ảnh minh họa.
Đại biểu Lê Văn Học nêu thí dụ từ số liệu thống kê của TP.HCM hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất có 76.800 chuyến/năm, trong khi số liệu để làm dự án sân bay Long Thành hoặc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì lấy số liệu là 120 nghìn chuyến/năm, như vậy gấp 1,5 lần. Vậy theo số liệu của TP.HCM thì đến năm 2020 sân bay Tân Sơn Nhất chưa hề quá tải.
Ngoài ra, phải dựa vào một số tiêu chí khác để điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không, sân bay. Thí dụ, vận tải hàng không có số lãi trên số vốn rất thấp, 10 năm qua thị trường vận tải hàng không quốc tế lỗ hơn 50 tỷ USD, có số lãi chỉ khoảng 5%, có lúc lãi -4% như năm 2001 vì có vụ khủng bố 11/9.
Ông Học chốt lại: “Thị trường hàng không Việt Nam và khu vực châu Á Thái Bình Dương chỉ phát triển dưới 10%/năm, do vậy lượng khách đi máy bay Việt Nam chỉ khoảng 150 triệu lượt vào năm 2020. Tuổi thọ máy bay cũng phải tính đến, của thế giới hiện nay trung bình là 11,7 năm và Mỹ là 12,7 năm. Năm 2010, tuổi thọ trung bình máy bay của thế giới như với Boeing 747 là 19 năm. Đây là tiêu chí rất quan trọng để quy hoạch và mua máy bay”.