Đà Nẵng "thật tay" trảm nhà thầu, Bộ trưởng Thăng mới chỉ "đe"

2014/6/7 16:32 - Nguồn : Thái An
Thông tin từ UBND Đà Nẵng cho biết, đơn vị này vừa thực hiện những biện pháp mạnh tay nhằm lập lại trật tự các đơn vị xây dựng.
 
4 nhà thầu là Cty TNHH MTV Tân Hội Phát, Cty CP Bình Trung, Cty CP ECICO (đều đóng trên địa bàn Đà Nẵng) và Cty CP Thành An (Quảng Trị) đã bị loại bỏ vì yếu kém làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thi công công trình.
 

Đà Nẵng rất quyết liệt trong chỉ đạo xử lý nhà thầu kém
 
Ngoài việc loại bỏ các nhà thầu yếu kém,UBND thành phố còn yêu cầu UBND huyện Hòa Vang và BQL các dự án Tái định cư làm việc lại với 3 nhà thầu gồm Cty TNHH Tư vấn xây dựng và Thương mại Long Minh, Cty TNHH Tân Hưng, và Cty CP đầu tư và dịch vụ Seaprodex đang thi công các dự án do đơn vị mình quản lý phải cam kết thời gian hoàn thành hạng mục công trình và hoàn thành hồ sơ quyết toán thi công.
 
Trong trường hợp nhà thầu không cam kết hoặc hết thời gian cam kết mà vẫn không thực hiện đúng tiến độ đã cam kết thì cho phép chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án chấm dứt hợp đồng và thực hiện theo trình tự nêu trên.
 
Đề xuất mức xử phạt vi phạm hợp đồng với nhà thầu thi công chậm trễ. Đối với các nhà thầu có năng lực yếu, tên các nhà thầu không thực hiện đúng cam kết, đúng tiến độ, có năng lực yếu sẽ được thông báo rộng rãi. Các nhà thầu trên sẽ không được phép tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc dự án đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố.
 
Việc thẳng tay loại bỏ 4 nhà thầu yếu kém chứng tỏ Đà Nẵng khiến dư luận nhớ tới những chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ông cũng nhiều lần lớn tiếng đòi "xử" nhà thầu tới dọa trảm chủ đầu tư vì tiến độ, chất lượng công trình.
 
Cụ thể, dù bức xúc trước năng lực kém của nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc), trong thi công tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại gói thầu A4 và A5 đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch.
 
Trước những phàn nàn về khó khăn của nhà thầu này, Bộ trưởng Thăng đã chỉ đạo cho cấp dưới làm việc với lãnh đạo công ty. Bộ trưởng dọa: "Trong trường hợp phía Keangnam không có giải pháp cụ thể thì sẽ chấm dứt hợp đồng tại gói thầu chậm tiến độ".
 
Tiếp đó, liên quan tới hàng loạt các dự án bị chậm tiến độ, đội vốn, trong đó có nhiều dự án liên quan tới nhà thầu Trung Quốc. Cụ thể là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị đội vốn gần 100% khiến dư luận bức xúc.
 
Bộ GTVT đã công bố danh sách hàng loạt những thầu ngoại yếu kém, không đủ năng lực. Trong đó có 4 nhà thầu Trung Quốc.
 
Theo đó, có 57 nhà thầu chưa đáp ứng được yêu cầu có khá nhiều nhà thầu đang thi công ở các dự án giao thông lớn tại Việt Nam.
 
Cụ thể, các công ty của Hàn Quốc gồm Keangnam, Posco thi công đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Công ty xây dựng Hanshin (Hàn Quốc) thi công đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây chưa đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình thi công dự án.
 
Đối với các công ty của Trung Quốc, gồm Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thi công đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông; Công ty Xây dựng Quảng Tây; Tổng công ty cầu đường Trung Quốc; Công ty cổ phần hữu hạn viễn thông Trung Hưng (ZTE – Trung Quôc) là những công ty chưa đạt yêu cầu.
 
Ở trong nước một số tổng công ty lớn cũng chưa đáp ứng được yêu cầu như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8); Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco); Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex)…
 

Chỉ thẳng nhà thầu năng lực kém, nhưng khi xử lý Bộ trưởng chỉ đe: "Nếu không tích cực đẩy nhanh tiến độ, Bộ GTVT sẽ "cấm cửa" các nhà thầu này tham gia vào những dự án giao thông khác của Việt Nam".