Khánh thành cầu vượt sông dài nhất Việt Nam
2014/6/8 16:11 - Nguồn : Châu Như Quỳnh/Dân Trí
Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư là 137 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Hàn Quốc là 100 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 37 triệu USD.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Bộ GTVT, TP Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Thịnh
Cầu được khởi công từ cuối năm 2011 và dự kiến thi công trong 36 tháng, tuy nhiên sau 28 tháng triển khai đơn vị thi công đã hoàn thành dự án và vượt tiến độ 8 tháng so với kế hoạch. Cây cầu có chiều dài là 5.487m (trong đó cầu dài 4.480m và đường hai đầu cầu dài 1.007m) với điểm đầu tuyến theo lý trình của dự án tại Km4+313m (nút giao QL32 với tuyến tránh thị xã Sơn Tây); điểm cuối tuyến theo lý trình của dự án tại Km9 + 800m (vượt qua đê tả sông Hồng khoảng 200m kết nối với Quốc lộ 2C).
Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Ban Quản lý Dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư dự án. Nhà thầu thi công gói thầu xây lắp chính của Dự án trị giá 85,603 triệu USD là nhà thầu GS Engineering & Construction Corp (Hàn Quốc); Tổng công ty XDCT giao thông 1 (CIENCO1) là nhà thầu phụ đặc biệt tại dự án; Liên danh Yooshin - Sambo (Hàn Quốc) là đơn vị Tư vấn lập Thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công.
Cầu Vĩnh Thịnh là cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam tính tới thời điểm này
Cầu Vĩnh Thịnh là cầu bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu, đây là cầu vượt sông có chiều dài lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Cầu được thiết kế xây dựng đảm bảo được động đất cấp 8.
Khổ thông thuyền của cầu Vĩnh Thịnh là 80×10m, mặt cắt ngang cầu thiết kế rộng 16,5m với 4 làn xe chạy. Cầu chính có kết cấu dầm hộp liên tục gồm 9 nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực, thi công đúc hẫng cân bằng. Cầu dẫn nhịp có kết cấu dầm Super-T, chiều dài mỗi nhịp 40m. Đường đầu cầu thiết kế với cấp đường cấp III đồng bằng. Tốc độ thiết kế 80km/h. Mặt cắt ngang đường thiết kế bề rộng nền đường 17,5m, bề rộng mặt đường 16,5m.
Cầu do các kỹ sư, công nhân Việt Nam và Hàn Quốc thi công với chất lượng tốt, có tính mỹ thuật cao là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự vui mừng khi cây cầu mơ ước nhiều đời qua của nhân dân sống ở 2 bờ sông Hồng tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội đã thành hiện thực. Đây không chỉ là cây cầu đường bộ dài nhất mà còn là cầu vượt sông dài nhất Việt Nam cho tới thời điểm này.
Theo Thủ tướng, ngoài dự án cầu Vĩnh Thịnh, hiện Hàn Quốc đang tài trợ vốn vay ODA cho 12 dự án giao thông khác tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời cảm ơn Chính phủ và Nhân dân Hàn Quốc đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng các công trình và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, khẳng định Việt Nam cam kết sử dụng tốt nguồn vốn tài trợ để xây dựng các công trình đảm bảo chất lượng. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục thi đua, nỗ lực phấn đấu để đưa vào sử dụng nhiều công trình tốt, góp phần hiện đại hóa-công nghiệp hóa và đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.
Cầu được xây dựng với nguồn vốn vay ODA ưu đãi của Hàn Quốc trong vòng 40 năm, lãi suất 0,5% và 10 năm không tính lãi
Khi được đưa vào sử dụng, cầu Vĩnh Thịnh sẽ kết nối 2 trục hướng tâm (Quốc lộ 32 và Quốc lộ 2), các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang; đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông cho các trục đường hướng tâm như Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía nam và ngược lại.
Theo quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội, cầu Vĩnh Thịnh sẽ là cầu chính trên tuyến đường vành đai 5, tuyến đường sẽ kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, các điểm du lịch góp một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và các mặt văn hoá, du lịch của Thủ đô Hà Nội.