Đường sắt khổ 1m: Tư duy viển vông của 'Bộ Đường sắt'
2014/6/10 9:39 - Nguồn : Đất Việt & TCCĐ
Đồ cổ thời tiền sử
PV: Vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa xin Bộ GTVT cho phép lập đề án nghiên cứu xây dựng thêm 1 tuyến đường sắt khổ 1m chạy song song với tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM hiện nay, để phục vụ nhu cầu vận tải trước mắt và trong tương lai. Ông đánh giá như thế nào về tính thực tế của đề án này?
TS Trần Đình Bá: Đây là một ý tưởng thật hài hước, tôi coi đó là sáng tạo vĩ đại nhất trong 69 năm lịch sử và 30 năm đổi mới của Bộ Giao thông Vận tải. Đề nghị này phản ảnh sự luẩn quẫn bế tắc của “Bộ Đường sắt” do yếu kém về tư duy đường sắt, bảo thủ giấu dốt, không chịu đổi mới, không chịu học hỏi sáng tạo. Bởi vì, loại đường sắt khổ 1m trên thế giới được coi là "đồ cổ" thời tiền sử, họ đã không sử dụng từ lâu. Chúng ta không những không nâng cấp lên được mà lại có ý tưởng xây thêm 1 tuyến đường như vậy, thì thật là xa rời thực tế.
Nếu thực hiện đề án này, Tổng Công ty ĐSVN nên thành lập thêm Tập đoàn bảo tàng đường sắt và chuyển qua Cục Bảo tồn bảo tàng – Bộ VHTT&DL để khai thác chức năng “du lịch hoài cổ" nếu dự án này được triển khai theo kiểu “cố đấm ăn xôi".
PV: Theo nội dung được đề cập trong đề án thì Tổng cục ĐSVN cho rằng, việc xây dựng thêm nhằm đảm bảo nhu cầu vận tải trong thời gian chờ xây đường sắt tốc độ cao. Vì đường sắt tốc độ cao dự kiến hoàn thành vào năm 2050, như vậy từ nay đến thời điểm đó còn 36 năm vẫn phải sử dụng đường sắt đơn, nên việc xây thêm 1 tuyến đường sắt nữa là cần thiết. Ông nhìn nhận ra sao về tình trạng sử dụng đường sắt hiện nay, đã đến mức quá tải chưa.
Có nhiều đánh giá cho rằng chúng ta chưa sử dụng hết được công suất của đường sắt, điều này có đúng?
TS Trần Đình Bá: Một tuyến ĐS khổ 1m lạc hậu đã là một điều nhức nhối, nó như một “vòng kim cô” trói vào cổ không thể cải thiện được, nay lại thêm 1 tuyến đường như vậy nữa có lẽ càng nhức nhối thêm.
Tôi không đồng tình với lập luận, nếu có đường sắt đôi khổ 1m thì sẽ khai thác được hơn 100 đôi tàu/ngày đêm thay vì 25 đôi tàu như đường đơn hiện nay, đây là một toan tính “đếm cua trong lỗ".
Nó cũng không khác gì toan tính của các GS-TS cho rằng đường sắt khổ 1m kiên cố hóa bằng tà vẹt bê tông cốt thép, dự ứng lực sẽ chạy được 120 km/h, hành trình HN- TP HCM sẽ là 15 tiếng, hoàn toàn không khả thi, bất hợp lý.
Dự án “đồ cổ" này đang trả giá nhiều tỷ USD nhưng hành trình hiện nay lại đi lùi từ 29 tiếng xuống 32 tiếng . Thiệt hại kinh tế của dự án này gấp nhiều lần Vinasahin, Vinalines nhưng chưa thấy tiến sỹ nào đứng ra nhận trách nhiệm mình là tác giả sáng kiến .
Mặt khác, hiện nay, đúng là chúng ta chưa khai thác hết công suất đường sắt nhưng ở ý khác. Việt Nam đang lãng phí một hệ thống đường sắt quốc giá trị giá trên 30 tỷ USD rất quý giá chạy dọc đất nước như một động mạch chủ tối ưu nhưng không thể cải tiến, phát triển.
Những tư duy bảo thủ kìm hãm tới mức “bần cùng hóa" tuyến đường sắt, vắt kiệt sực lực của nó, biến đường sắt quốc gia thành một kho “đường sắt đồ cổ" lạc hậu nhất thế giới và đang trở thành gánh nặng cho toàn xã hội mỗi năm ngốn thêm 1200 tỷ đồng từ thuế của dân để nuôi đường sắt
Nếu như chúng ta mở rộng kỹ thuật từ 1m sang 1.435 thì rất tốt.
Nên chấm dứt ý tưởng dại dột này
PV: - Theo đánh giá khách quan của ông thì liệu Việt Nam có thể tự mình làm được tuyến đường sắt khổ 1m với nội lực hoàn toàn như lãnh đạo Tổng cục ĐSVN đề xuất?
TS Trần Đình Bá: Dĩ nhiên là làm được nhưng sẽ rất tốn kém và vô bổ vì đó vẫn là là “đồ cổ thời tiền sử” , đó là một ý tưởng làm nghèo đất nước của nhóm lợi ích .
Không nên thực hiện đề án viển vông này Không nên thực hiện đề án viển vông này
Từ dự án kiên cố hóa đường sắt 1m với tham vọng chạy 120km/h đến dự án làm đường đôi khổ 1m đều là những tư duy đi lùi với sự phát triển.
PV: Nếu triển khai đề án này, khó khăn lớn nhất nằm ở đâu, thưa ông? Khi hiện nay, Nhật Bản cũng đã đưa thêm nhiều điều kiện khi cho VN vay nguồn vốn ODA sau vụ hối lộ quan chức ĐSVN vừa qua?
TS Trần Đình Bá: Vì đây là ý tưởng viễn vông, phản khoa học, phi thực tiễn, không hợp lòng dân nên tôi thiết nghĩ không cần phải xem xét khó khăn.
PV: Nếu được đưa ra ý kiến đóng góp cho Bộ GTVT để có quyết định đúng đắn trước đề xuất này của Tổng công ty ĐSVN, ông có ý kiến gì? Vì sao ạ?
TS Trần Đình Bá: Tôi nghĩ Bộ nên chấm dứt ngay ý tưởng vô cùng dại dột này , cùng với việc phải chấm dứt ngay dự án kiên cố hóa đường sắt khổ 1m bằng tà vẹt tiêu chuẩn Nhật Bản 1.067 và ý tưởng đường sắt cao tốc 300 km/h để tập trung cho dự án mở rông hiện đại đường sắt khổ 1.435 tốc độ cao.
Đây là dự án tối ưu nhất vừa xóa sổ được đường sắt đồ cổ để có chỗ cho đường sắt hiện đại 1.435 tốc độ cao, sử dụng hạ tầng nền đường, hệ thống cầu hầm tín hiệu, nhà ga làm giảm đầu tư công, tiết kiệm được hàng chục tỷ USD mà lại nhanh chóng có ngay đường sắt hiện đại sánh vai cùng các cường quốc đường sắt trên thế giới .
Nên huy động sức mạnh của toàn dân thi công toàn bộ 3000 km đường sắt trên cả các tuyến TP.HCM- HN, HN- Hải Phòng và HN – Lào Cai chỉ trong vòng 1 năm theo bài học kinh nghiệm thi công đường dây 500KV.
Việt Nam sẽ nhanh chóng có 100 % hệ thống đường sắt quốc gia 1.435 tiêu chuẩn hòa mạng quốc tế với vốn đầu tư chỉ 5 đến 6 tỷ USD bằng vốn nội lực mà không phải vay ODA, vừa tạo điều kiện tiêu thụ nhiều triệu tấn xi măng sắt thép đang dư thừa, tạo được công việc cho hàng trăm đơn vị thi công cơ giới đang nằm chờ, giải quyết công việc cho hàng vạn lao động.
PV:- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xin phép Bộ GTVT lập đề án xây dựng thêm tuyến đường sắt khổ một mét, song song với tuyến hiện tại
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ một mét hiện nay được xây từ thời Pháp thuộc, tiêu chuẩn kỹ thuật và vận tốc thấp nên chỉ đáp ứng năng lực chạy tàu tối đa 25 đôi/ngày đêm. Nhiều đoạn bán kính đường cong nhỏ, nền đường hẹp nên chỉ khai thác được tối đa 18 đôi tàu/ngày đêm.
Một lãnh đạo ngành giải thích, đường sắt tốc độ cao dự kiến hoàn thành vào 2050, từ nay đến đó còn hơn 35 năm và toàn bộ việc vận tải đường sắt dồn lên con đường đơn khổ một mét hiện tại. “Việc nghiên cứu nhằm làm rõ sự cần thiết phải xây thêm đường sắt song song cũng như lộ trình triển khai và phương án phân kỳ đầu tư, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cao nhất”, vị này lập luận và cho biết thêm, sau khi có đường sắt cao tốc, tuyến xây thêm này sẽ chuyển qua chạy tàu hàng và tàu khách địa phương.
Ngành đường sắt tính toán, nếu thêm một tuyến đường đôi thì năng lực khai thác sẽ gấp 4 lần hiện nay (hơn 100 đôi tàu/ngày đêm), góp phần giảm sự quá tải đang đè lên đường bộ.
Nếu được chấp thuận, vị này khẳng định Đường sắt Việt Nam hoàn toàn có thể tự xây dựng mà không cần thuê nước ngoài, với cách làm từng đoạn ưu tiên như đề xuất với đường sắt cao tốc.
Theo một chuyên gia đường sắt, đề xuất này là bất ngờ bởi trong Chiến lược điều chỉnh phát triển mà Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng thì từ nay đến 2020 được xác định là “thời kỳ chuẩn bị những điều kiện cần thiết” từng bước xây dựng mới đường sắt đôi, khổ 1,435m trên trục Bắc - Nam với tốc độ khai thác 160-200 km/h.
Góp ý điều chỉnh chiến lược này hồi tháng 4/2014, VNR nhấn mạnh, nếu xác định đường sắt là phương tiện chủ đạo về vận tải hành khách trên trục Bắc - Nam, thì nên đồng thời cải tạo đường sắt hiện có và xây mới một tuyến cao tốc. VNR cho rằng nên nghiên cứu xây mới đường khổ 1,435m, điện khí hoá, tốc độ thiết kế 350 km/h và chỉ để chở khách chứ không dùng chung cho cả tàu hàng.
Trao đổi với PV, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, lập luận của ngành đường sắt là trong khi chờ có đường sắt cao tốc thì cần thêm một tuyến đường quy mô vừa phải, phù hợp điều kiện nguồn lực làm đường sắt cao tốc còn khó khăn. “Tuy nhiên, đó mới là đề xuất của Tổng công ty, Bộ chưa chấp thuận ngay mà còn phải lắng nghe ý kiến từ nhiều cơ quan, nhất là các chuyên gia rồi mới đưa ra quyết định”, ông Thăng nói.