Ninh Bình: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ tạo đà phát triển kinh tế
2014/6/10 12:38 - Nguồn : Nguyễn Thơm
Dự án cải tạo, mở rộng QL1A đoạn cửa phía Nam TP Ninh Bình đến Dốc Xây đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Xuân Trường
Đồng bộ và hiệu quả
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và chương trình hành động của Tỉnh ủy, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đã dần được hoàn thiện; công tác đầu tư, quản lý và khai thác sử dụng công trình được tăng cường; nguồn lực xã hội được huy động đảm bảo cân đối giữa lợi ích xã hội, nhà nước và các bên tham gia. Qua đó, tạo được mối liên kết vùng để phát triển kinh tế- xã hội một cách bền vững.
Đối với hệ thống hạ tầng giao thông, tỉnh đã huy động tổng hợp nguồn lực cho công tác đầu tư và bảo trì sau xây dựng đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Hoàn thiện các tuyến quốc lộ hiện có theo tiến độ thực hiện của từng dự án như: Tuyến đường bộ ven biển; tuyến Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình và tuyến quốc lộ 12B đoạn tránh qua thị trấn Nho Quan; kế hoạch xây dựng, nâng cấp cơ bản 6 tuyến đường tỉnh; kế hoạch xây dựng hệ thống đường vành đai qua thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, các thị trấn: Nho Quan, Yên Ninh, Phát Diệm; kế hoạch xây dựng hệ thống các nút giao thông trên địa bàn, chuyển đổi một số bến xe trong trung tâm thành phố Ninh Bình, các thị trấn Nho Quan, Phát Diệm và xây dựng một số bãi đỗ xe tĩnh; lập kế hoạch triển khai thực hiện 4 tuyến đường thủy nội địa Trung ương quản lý và 18 tuyến đường thủy nội địa do tỉnh quản lý, hệ thống các cảng thủy nội địa…
Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện rà soát, điều chỉnh hồ sơ thu hồi đất, phương án GPMB cho các tuyến đường cao tốc Bắc-Nam; trình đề án chỉnh trị cửa Đáy, đồng thời chuẩn bị hồ sơ vận động vốn WB, kêu gọi nhà đầu tư tài trợ cho dự án; phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói thầu Quy hoạch sân bay Ninh Bình...
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lập kế hoạch thực hiện các công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống sông trục huyện Yên Khánh, kế hoạch xây dựng Âu Kim Đài, trạm bơm đầu mối Âu Lê và các công trình phụ trợ, hệ thống sông trục từ tuyến đường Bái Đính đến cống Đầm Vân để ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 3 công trình nâng cấp, cải tạo hệ thống đê sông và kế hoạch thực hiện 23 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và vệ sinh môi trường nông thôn; đầu tư xây dựng 8 công trình phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp…
Trong công tác xây dựng nông thôn mới, tỉnh cũng đã triển khai huy động tổng hợp nguồn vốn đầu tư cho các công trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 theo hướng lồng ghép. Qua đó, bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi, cơ sở hạ tầng được cải thiện, nhận thức của nhân dân chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2013 đã có 3 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ninh Bình được xếp trong top 10 toàn quốc về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong những năm qua tỉnh đã quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch theo các tuyến liên hoàn và theo từng sản phẩm du lịch. Phân kỳ đầu tư đến năm 2015 tập trung vào đầu tư hạ tầng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh, hạ tầng các loại du lịch cuối tuần, du lịch trên sông, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với hội nghị, hội thảo… Các cơ quan chức năng của tỉnh đã thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với 9 dự án cơ sở lưu trú từ 3-5 sao, nâng cấp 3 khu du lịch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án xây dựng Quảng trường và Tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế.
Trong 2 năm 2012-2013, công tác phát triển hạ tầng đô thị gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành Tài nguyên - Môi trường đã hướng dẫn cấp huyện xây dựng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, trong đó đảm bảo quỹ đất để xây dựng các khu đô thị, khu chức năng. Các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, có phương án huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, đảm bảo đủ điều kiện nâng cấp đô thị theo lộ trình được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua.
Với thế mạnh phát triển công nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các ngành liên quan xây dựng đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn đến năm 2020. Theo phương án điều chỉnh, sẽ đưa ra khỏi quy hoạch, không triển khai xây dựng 2 khu công nghiệp Xích Thổ, Sơn Hà và đưa vào quy hoạch khu công nghiệp ven biển Kim Sơn theo mô hình kinh tế ven biển. Hiện nay, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế ven biển Kim Sơn đang hoàn thiện để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, cơ chế huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng ven biển.
Đối với hạ tầng điện, đến nay nhiều dự án đầu tư nâng cấp điện đã được triển khai, đảm bảo chất lượng và tiến độ như dự án đầu tư nâng cấp công suất trạm 220V Ninh Bình, trạm 110V Kim Sơn… với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân. Việc đầu tư nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn được lồng ghép thực hiện trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020. UBND tỉnh cũng đã có tờ trình đề nghị Trung ương xem xét bổ sung 2 dự án Nhà máy nhiệt điện Kim Sơn và Khu công nghiệp Khánh Phú vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2030 để làm cơ sở lập kế hoạch kêu gọi vốn đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện để bổ sung nguồn năng lượng cho quốc gia, tạo tiền đề phát triển khu kinh tế tổng hợp gắn liền với phát triển hệ thống đô thị trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quy hoạch phát triển thương mại, hệ thống phân phối hàng hóa thu hút nhiều dự án hạ tầng thương mại lớn. Đồng thời cải tạo hệ thống chợ, triển khai mô hình thí điểm chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…Thường xuyên tổ chức xúc tiến thương mại theo kế hoạch, tổ chức triển khai phát triển thương mại điện tử trên địa bàn, xây dựng cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin giá cả, thị trường.
Cùng với việc phát triển hệ thống hạ tầng các ngành kinh tế, tỉnh cũng rất quan tâm đến việc phát triển hạ tầng văn hóa, xã hội như: Triển khai đề án chính quyền điện tử giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn 2020; dự án xây dựng Trường Đại học Hoa Lư Bệnh viện Sản-Nhi, Bệnh viện Ung bướu, bệnh viện đa khoa cấp huyện; đồng thời triển khai nâng cấp cải tạo trạm y tế tuyến xã, xây dựng xã đạt chuẩn y tế Quốc gia giai đoạn 2011-2020 theo lộ trình; xây dựng Đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ cao phục vụ phát triển nông nghiệp; đầu tư, tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử, di tích cách mạng…, ưu tiên các di tích nằm trong vùng phát triển du lịch trọng điểm và các di tích ở những vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn.
Cần đầu tư tập trung, có trọng điểm
Có thể nói, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh trên mọi lĩnh vực như: Giao thông; thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; du lịch, hạ tầng đô thị; khu cụm công nghiệp; điện; thương mại; văn hóa xã hội… đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai tích cực có hiệu quả, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội. Bước đầu các công trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần duy trì và tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ cụ thể thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra như: xây dựng cơ chế huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Sơn, Tam Điệp; công tác chuyển đổi hình thức đầu tư đối với một số dự án sử dụng ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ; kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thị vào các khu, cụm công nghiệp; quy chế xây dựng và quản lý thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh; xây dựng đề án kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2012-2015…
Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phát huy sức mạnh nội lực và công tác xã hội hóa để Nhà nước và nhân dân cùng tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, toàn diện nhằm đưa kinh tế của tỉnh phát triển bền vững, là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế khá của khu vực. Tỉnh cũng xác định đầu tư tập trung, có trọng điểm vào các công trình lớn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó ưu tiên các dự án thuộc vùng sâu, vùng xa để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện để Ninh Bình xây dựng cơ chế đặc thù trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp công nghệ cao và Khu công viên động vật hoang dã nhằm phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng ven biển Kim Sơn để phát huy việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế biển có tốc độ bồi tụ hằng năm lớn nhất Việt Nam, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh và cả nước.
Đồng thời tỉnh cũng kiến nghị các bộ, ngành quan tâm cùng với tỉnh tập trung nguồn vốn, chỉ đạo thực hiện 13 dự án trọng điểm, có ý nghĩa liên vùng trên địa bàn tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2011-2020.