"Ông Tây" xây cầu dân sinh ở Việt Nam
2014/6/13 9:17 - Nguồn : Tuổi Trẻ
Ông mỉm cười, đầu lắc lư theo nhạc: “Tôi rất thích bài hát này và rất yêu quí đất nước các bạn. Tôi còn biết bài hát có liên quan đến cuộc đấu tranh chống xâm lược của các bạn cách đây hơn 30 năm”. Và đó chưa phải là câu chuyện duy nhất đáng nói về người công dân Thụy Sĩ đang đổ mồ hôi xây những chiếc cầu treo nghĩa tình tặng nông dân nghèo tỉnh Bến Tre: Toni Ruttimann.
Xem hàng tá giấy tờ giao dịch mà Toni gửi lãnh đạo tỉnh Bến Tre trong nửa năm qua, tôi rất ngạc nhiên vì bao giờ bên dưới chữ ký của mình, Toni cũng đều ghi thêm dòng chữ “Toni Ruttimann- Bridgebuilder” (Toni - người xây cầu). Thậm chí ngay trong dòng đầu tiên của bài viết “Mặt trời không bao giờ lặn” được đưa lên mạng Internet cuối tháng 10-2004, Toni cũng nói tới chuyện xây cầu: “Tôi đã bước vào VN với một hi vọng giúp xây cầu cho người nông dân”.
Người xây cầu
Trò chuyện với Toni, tôi hiểu rằng ông đam mê việc xây cầu hơn bất cứ điều gì khác trên đời này. Bằng chứng rõ nhất có lẽ là cuộc sống độc thân của ông khi đã ở vào tuổi 37. Những năm qua Toni đã ngao du qua gần chục quôc gia như: Ecuador, Campuchia, Honduras, Mexico, Nicaragua, VN... chỉ để làm một việc duy nhất: xây cầu tặng nông dân nghèo.
Những nơi Toni đặt chân đến chắc chắn sẽ có những cây cầu treo rất đẹp, rất vững chắc được mọc lên. Cũng chẳng ai thuê mướn ông làm điều đó. Mọi việc có lẽ xuất phát từ những chuyến công tác xã hội, làm cầu, làm đường giúp dân tại quê hương Thụy Sĩ của ông hồi trung học. “Những ngày ấy thấy các kỹ sư làm cầu tôi thấy hay và để ý, bắt chước làm theo. Ban đầu thử làm những chiếc cầu nhỏ, dần dần rút kinh nghiệm và làm được cầu lớn như bây giờ. Có lẽ đó là cái nghiệp của tôi” - Toni tâm sự.
Trò chuyện với Toni, tôi thấy suy nghĩ và việc làm của ông không giống bất cứ ai mà tôi đã từng nghe nói đến. Sau khi hoàn tất chương trình trung học, ông không học đại học mà bắt đầu “tương lai” của mình bằng việc đi vận động kinh phí, sắt thép, dây cáp của bạn bè, người thân và chủ động liên hệ với chính phủ các nước để... xin được làm cầu tặng dân nghèo! Quyển sổ tay của Toni ghi tên hơn 200 cây cầu trên khắp thế giới được xây dựng bởi bàn tay, tấm lòng của ông và những người bạn của mình: Ecuador 105 cây cầu, Colombia 14, Honduras 34, Campuchia 35, Mexico 29, VN 8...
Tôi đã là người Bến Tre!
Ông Toni được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba
Đông đảo người dân Bến Tre tham gia làm cầu treo cùng với Toni 12g trưa, trời nắng như thiêu đốt. Lưng áo đã ướt đẫm mồ hôi, mặt đỏ gay vì nắng táp, nhưng Toni vẫn lê từng bước khó nhọc đẩy những ống gỗ to dùng để quấn dây cáp đã sử dụng xong vào một góc sân của Đoạn Quản lý giao thông thủy bộ Bến Tre. Ông Trịnh Văn Y, chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Bến Tre, tiết lộ: “Từ tháng 10-2004 đến nay, mỗi lần đến đây là Toni làm việc như vậy đấy. 5 giờ sáng đạp xe từ thị xã đến công trường làm việc một mạch đến hai, ba giờ chiều mới ăn cơm trưa rồi làm việc đến tối mịt mới đạp xe về nghỉ”.
Toni chẳng quan tâm đến một đoàn khách đang tiến về phía mình. Ông vẫn miệt mài làm việc trong tiếng gò hàn đinh tai nhức óc và dưới cái nắng khủng khiếp. Phải khó khăn lắm tôi mới nhận được cái gật đầu của Toni đồng ý tiếp chuyện với tôi ngay tại công trường. Mọi đề nghị chụp ảnh Toni tại một trong những cây cầu treo mà ông đã làm hay vào phòng khách Đoạn Quản lý giao thông thủy bộ trò chuyện... đều bị ông lịch sự từ chối: “Tôi phải cùng các bạn công nhân Bến Tre chuẩn bị mọi việc để ngày mai tiến hành lắp ráp cây cầu ở xã Khánh Thạnh Đông, huyện Mỏ Cày. Thời gian không còn nhiều nữa!”.
Đến lúc này ông Dương Duy Phong, giám đốc Đoạn Quản lý giao thông thủy bộ, mới nói thật: “Ông ấy làm việc như thế đấy, chưa xong việc thì chưa vào nhà. Ông đã làm được sáu cây cầu treo ở Bến Tre, nhưng chưa bao giờ ông dự khánh thành cả. Làm xong, ông thu dọn đồ nghề rồi bắt tay làm cây cầu khác ngay”.
Toni cho rằng mình được đến VN xây cầu như một duyên nợ. Khi đang làm cầu ở Campuchia, một vị đại sứ VN tại Phnom Penh giới thiệu Toni với Sở Ngoại vụ TP.HCM. Và nơi này tiếp tục giới thiệu ông về phía nam đất nước hình chữ S, mà sau này ông mới biết vùng đất có hệ thống sông rạch chằng chịt này còn gọi là đồng bằng sông Cửu Long. “Nhiều ngôi làng có những con đường ximăng nhỏ dẫn đến thường chỉ rộng khoảng 2m. Tuy nhiên khi tới một con sông, mương thì chúng dừng lại, và người dân phải băng ngang bằng xuồng hay phà” - Toni không kìm được xúc động khi nhìn thấy người dân gặp quá nhiều khó khăn trong đi lại, và ông đã viết những dòng này gửi cho bạn bè của mình trên khắp thế giới để mong nhận được sự hỗ trợ.
Nơi đầu tiên mà Toni bắt tay làm cầu ở ĐBSCL là huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. “Khi tôi đang lắp ráp cây cầu Trà Bồng ở xã Nhị Mỹ thì một người đứng tuổi tên Mai Sơn (tên thường gọi của ông Trịnh Văn Y) từ tỉnh Bến Tre tìm đến đề nghị tôi giúp làm cầu cho nông dân. Khi biết ông nguyên là lãnh đạo tỉnh Bến Tre, bây giờ về hưu nhưng vẫn cống hiến phần còn lại của cuộc đời mình cho việc tình nguyện xây cầu, làm đường cho người nông dân nghèo, tôi rất hạnh phúc vì đã gặp được người cùng chí hướng. Vì thế tôi đồng ý đến tỉnh Bến Tre với ông Mai Sơn hai ngày sau đó”.
Cầu treo Tài Phú ở huyện Giồng Trôm Đến Bến Tre trong ngày mưa dầm, Toni không ở lại thị xã mà cùng Sở GTVT xuống xã Phước Long, huyện Giồng Trôm để khảo sát nơi sẽ làm cầu treo. Trên đường cuốc bộ ra hiện trường, Toni bị ngã lăn quay do đường trơn trượt, lầy lội. Ngay khi gượng đứng lên để ra sát bờ sông xem xét, Toni lại bị ngã xuống rạch. Một bập dừa nước xóc vào lưng làm ông bất tỉnh phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ bảo Toni phải nghỉ dưỡng ba ngày, nhưng mới đến ngày thứ hai ông lặng lẽ “chuồn” khỏi giường bệnh đến Sở GTVT đề nghị tiếp tục đi khảo sát làm cầu treo.
Toni tâm sự: “Không chỉ thấy nông dân khổ vì những con đường bị cắt ngang bởi sông rạch, một trong những lý do để tôi quyết định đến đây làm cầu là do bị ngã đến hai lần. Nếu không có đường tốt, không có cầu thì trẻ em sẽ bị ngã nhiều hơn, nguy hiểm hơn”. Và dù Toni không nói ra, nhưng khi đọc bài viết “Mặt trời không bao giờ lặn”, tôi nhận ra còn có hàng tá lý do khác tác động thúc giục Toni đến và ở lại thật lâu với người dân Bến Tre nghèo khó này. Đó là việc ông chủ tịch tỉnh Bến Tre đã đến cùng ăn hủ tiếu lúc 6 giờ sáng và chúc sức khỏe Toni trước khi bắt đầu một ngày làm việc bận rộn. Đó là lời đề nghị chân thành của ông chủ tịch “xin” được đóng góp kinh phí với Toni để làm được nhiều cầu hơn cho người nông dân.
Đó là tinh thần quật khởi của người dân Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sự nhiệt thành của người nông dân vượt quá sức tưởng tượng của Toni khi tham gia làm cầu. Ông đề nghị có 50 người giúp căng dây cáp thì có 100 người kéo đến với những nụ cười thật vô tư... Toni yêu mến người dân xứ dừa đến mức đã tự học tiếng Việt để giao tiếp và trò chuyện với người nông dân. Toni bập bẹ tiếng Việt: “Tôi đã là người Bến Tre”.
Những chiếc cầu treo nghĩa tình
Trong những năm vượt đại dương đến những nước nghèo làm cầu giúp dân, Toni đã bị những cơn sốt rét rừng hành hạ đến vàng vọt. Và một lần làm cầu trên đất nước Campuchia, Toni bị ngã gãy chân, nằm liệt giường trong suốt một năm trời. Khi vết thương bắt đầu bình phục, việc đầu tiên mà Toni nghĩ đến vẫn là xây cầu. Mấy năm nay, vừa liên hệ với những người bạn giúp đỡ sắt thép, dây cáp làm cầu, Toni vừa đấu tranh tư tưởng để tập luyện phục hồi chức năng cho đôi chân. Kể từ khi đến Bến Tre, Toni đi từ thị xã đến các huyện làm cầu bằng xe đạp để tập luyện cho đôi chân sớm bình phục.
Ông Trịnh Văn Y cho biết: “Toni là một người rất đặc biệt. Ông giúp tỉnh rất nhiều nhưng chi tiêu cho cá nhân rất tiết kiệm và không muốn tỉnh phải lo cho ông bất cứ chuyện gì cả”. Ông Y kể cho tôi nghe hàng chục câu chuyện tiết kiệm của Toni và bảo rằng chính ông cũng phải học ở Toni những điều đó. Khi từ Thụy Sĩ qua, sau khi rời sân bay là Toni đón chuyến xe tốc hành đến Bến Tre chứ không bao giờ để tỉnh cho xe đưa rước"
Ban đầu, ông cũng khước từ đề nghị của UBND tỉnh hỗ trợ một phòng khách sạn, mà ông tự đi tìm nhà trọ rẻ tiền. Về sau UBND tỉnh thấy ngại nên đã tìm cách “lừa” cho Toni vào ở một phòng khá “bèo” ở khách sạn Hùng Vương. Mỗi buổi sáng Toni chỉ ăn bánh mì và làm việc cật lực đến chiều mới ăn cơm. Khi thì ông ăn với anh em công nhân, khi thì ăn với bà con nông dân ở công trường, khi thì lang thang tìm quán cơm chay ven đường nào đấy.
Hôm 31-3, trong lúc gia công các bộ phận cầu treo của Đoạn Quản lý giao thông thủy bộ Bến Tre, một công nhân lỡ tay cắt thừa khoảng 20cm dây cáp soe4, Toni tặc lưỡi buồn rười rượi: “Tiếc quá!”. Ông Dương Duy Phong nói: “Toni tiếc cũng phải, bởi toàn bộ sắt thép, dây cáp làm cầu treo ở Bến Tre đều do một tay ông ấy đi xin ở nhiều nước chuyển qua. Đó còn là tấm lòng của những người bạn ông ấy nữa. Hôm trước khi mở container hàng Toni gửi qua, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy có một ống thép tròn dài chừng hai tấc nhét trong đó. Tới khi thấy Toni cắt ra làm nắp đậy trụ thép cầu treo mới thấy ông tiết kiệm như thế nào”.
Tháng 10-2004, Toni đồng ý giúp Bến Tre làm hai cây cầu treo. Thế nhưng khi làm xong, trước khi về nước nghỉ tết Toni đã chủ động đề nghị sẽ hỗ trợ thêm cho tỉnh này 18 cây cầu nữa. Trong thời gian người dân Bến Tre đón Tết Ât Dậu vui vẻ, thì bên kia đại dương Toni vẫn khập khiễng lê từng bước khó nhọc đến gặp những nhà tài trợ xin từng mét dây cáp, từng cây sắt để thực hiện lời hứa.
Mới đây khi trở lại, Toni đã đề nghị xây tặng thêm cho Bến Tre đủ số... 50 cây cầu treo (mỗi cây 300 triệu đồng, trong đó Toni hỗ trợ 2/3 kinh phí). Hàng trăm tấn dây cáp, sắt thép đã được chuyển về Bến Tre sau tết. Và ngày 31-3-2005, con tàu MSC Sariska 209A chở hơn 53,6 tấn dây cáp đủ để làm 30 cây cầu treo còn lại mà bạn bè Toni gửi đã cập Tân Cảng.
Khi tôi viết bài này, Toni và những người nông dân Bến Tre đã làm xong cây cầu treo thứ bảy và tiếp tục bắt tay làm số còn lại. Các cầu Tài Phú ở xã Lương Phú, cầu Kinh Mới ở xã Hưng Nhượng (huyện Giồng Trôm), cầu Bình Phú, cầu Phú Trạch 2 ở xã Cẩm Sơn, cầu Bến Xoài ở xã Tân Thành Bình, cầu Dừa ở xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày) và cầu An Thuận ở xã Mỹ Thành An (thị xã Bến Tre) đã được đưa vào sử dụng trong niềm vui khôn tả của hàng ngàn người dân chân lấm tay bùn.
Có lẽ trong suốt cuộc đời làm cầu từ thiện của mình, Toni sẽ không bao giờ quên hình ảnh bà mẹ VN anh hùng Đặng Thị Mận, 95 tuổi, ở ấp Thanh Bình 1, xã Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày), mừng rơi nước mắt khi đứng giữa cây cầu treo lắc lư bắc qua con sông cạnh nhà. Hôm Toni đến lắp dây cáp cho cầu, bà Mận kêu con cháu dắt ra cạnh cầu cho bà xem “ông Tây” làm. Khi vừa lót tấm ván cuối cùng, bà Mận lò dò bước lên cầu và bật khóc vì quá hạnh phúc. Còn Toni nở một nụ cười mãn nguyện.
Toni thú thật cho tới bây giờ ông chưa hề có sự nghiệp gì cho riêng mình cả. Nhưng ông đang rất hạnh phúc với công việc làm cầu từ thiện tặng người nông dân nghèo trên khắp thế giới. “Sau khi làm xong cầu ở Bến Tre, ông sẽ đi đâu, làm gì?” - tôi hỏi. Toni trầm ngâm một hồi rồi nói bằng tiếng Việt: “Sẽ làm cầu tiếp, nhưng chưa biết đi đâu nữa!”.