Xe chở đá siêu khủng vẫn tàn phá QL12C

2014/6/18 14:46 - Nguồn : GTVT

Đoàn xe chở đá vẫn ngày đêm rầm rập hành quân trên QL12C

Cận cảnh hung thần HOWO...

12h30 ngày 16/6, tại đường rẽ QL1 lên QL12C, PV Báo Giao thông đã mục sở thị hai đoàn xe tải nặng, mỗi đoàn gần 20 xe rồng rắn chạy từ QL12C về khu vực cảng Vũng Áng và Khu công nghiệp Formosa. Đa số các xe đều mang BKS 37C, 38C, 90C, thậm chí cả 75C với các tên Mỏ đá Cơntria, Tiến Thuận, Hoành Sơn, Viết Hải, Quân khu 4, Ân Phát, Hoàng Đại... được dán trên đầu xe hoặc kính lái...

Đi sâu vào khu vực mỏ đá Cơntria và Quân khu 4, phóng viên đã bắt gặp từng đoàn xe xếp hàng dọc theo đường từ mỏ đá ra QL12C. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân là do những chiếc xe này đã được thông báo có người ghi hình xe chạy trên QL12 cách đó vài phút.

Tại chuyến thị sát QL1A vừa qua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trao đổi vấn đề xe quá tải trên QL12C với Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Quan điểm của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nêu rõ: Bộ GTVT chỉ cho phép sửa đường nếu địa phương xử lý được tình trạng xe quá tải. Bản thân Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ông Võ Kim Cự cũng đã cam kết với Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng quyết liệt về vấn đề này(!?).

Đáng quan tâm là đại đa số các xe chở đá trên đều thuộc dòng xe Howo, loại xe vốn được mệnh danh là “hung thần” tàn phá các tuyến giao thông trong thời gian qua. Trên thực tế, những phương tiện này tham gia chở đá đều sử dụng loại thùng xe có kích thước chiều cao lên đến gần 2m, gấp nhiều lần so với kích cỡ quy định mà cơ quan đăng kiểm cấp kiểm định tối đa là 650mm.

Tại hiện trường, PV đã trực tiếp điện thoại cho Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An Nguyễn Quý Khánh với mục đích khảo sát một vài biển số xe 37C sử dụng loại thùng hàng siêu khủng này. Ngay sau khi kiểm tra, lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An đều khẳng định những xe mà phóng viên cung cấp biển số đều sử dụng loại thùng xe không đúng với chủng loại, kích cỡ của phương tiện được cấp kiểm định. “Theo quy định, những trường hợp này đều vi phạm lỗi tự thay đổi kết cấu thùng hàng, mức phạt quy định cho hành vi này là khá nặng”, ông Khánh cho biết.

Trong khi đó, khảo sát của phóng viên tại khu vực Cảng Cửa Lò cách đây không lâu, một chiếc xe Howo nếu chở đá bằng mặt thành thùng đối với loại thùng mà chủ xe tự thay đổi, chỉ riêng trọng lượng đá đã lên đến trên 40 tấn, chưa kể tự trọng của xe. Trong khi theo quy định của Cục Đăng kiểm VN, tải trọng hàng hóa cho phép của xe Howo chỉ được chở đến 9.830kg.

Quá trình thực tế tại đây, chỉ trong 30 phút, chúng tôi đếm được hơn 100 lượt xe chở đá hành quân về Cảng Vũng Áng và Khu công nghiệp Formosa.

Kich thuoc thung xe howo vuot 3 lan so voi quy dinh cua dang kiem

Sửa đường… tiền mất, tật vẫn mang

Thống kê của bộ phận Thanh tra - An toàn thuộc Cục QLĐB II cho thấy, chỉ từ 5h - 18h ngày 16/6 đã có đến 830 lượt xe chở đá, loại từ 3 trục trở lên lưu thông trên QL12C.

Hệ quả là toàn bộ phần đường bên phải tuyến từ vị trí của 5 mỏ đá đi về cảng Vũng Áng và Khu công nghiệp Formosa đã hình thành những vệt hằn sống trâu chạy dọc theo lý trình gần 10km, từ Km 19+800 đến Km 27+200. Vị trí lún sâu nhất mà phóng viên khảo sát trước khi đơn vị quản lý đường tiến hành bảo đảm giao thông bằng cách cào bóc sống trâu có nơi lên đến hơn 10cm.

Ông Trương Quốc Dương - Phó Giám đốc Công ty cổ phần 496 cho biết, vừa qua, đơn vị đã tập trung cào bóc sống trâu, kết hợp vá láng lại một số vị trí mặt đường bị lún sâu với kinh phí ước tính lên đến gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng, giải pháp này chỉ mang tính tạm thời vì để đảm bảo giao thông cũng như chất lượng mặt đường, cần phải tiến hành cào bóc và thảm lại toàn bộ các vị trí bị hư hỏng trước mùa mưa.

Theo tính toán của Công ty cổ phần 496, kinh phí cào bóc, thảm lại mặt đường bị, hư hỏng lên đến gần 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, với thực tế lực lượng chức năng vẫn bất lực, không kiểm soát được xe quá tải hiện nay trên QL12C, việc sửa đường lại rơi vào tình trạng tiền mất mà tật vẫn mang.