Được mùa vải, lại khóc ròng
2014/6/22 16:43 - Nguồn : Quốc Cường - Xuân Thái
Thời gian gần đây, nơi “vựa vải” lớn nhất miền Bắc, đâu đâu cũng rợp một màu đỏ vàng của vải. Những sọt vải trĩu mọng được bà con vận chuyển trên các tuyến đường đổ ra quốc lộ 31, chất đống trước cả những hiên nhà, báo hiệu một vụ bội thu của vải thiều Lục Ngạn.
Năm nay vụ vải đến sớm, bà con nông dân đang khấp khởi mừng thầm vì vải được mùa. Thế nhưng, niềm vui của người trồng vải chưa được bao lâu thì nỗi lo khác lại ập đến. Câu chuyện vải “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa” lại khiến bà con thêm đau đầu.
Vải thiều Lục Ngạn năm nay được mùa nhưng giá rẻ đến thê thảm
Ông Nguyễn Quý Thành - người trồng vải xã Phượng Sơn - cho biết, năm nay giá vải bị giảm nhiều lần so với những mùa trước. Do dự cạnh tranh của thị trường và tư thương, dân buôn vải ép giá xuống. Ông Thành trăn trở: “Tôi và nhiều bà con khác cũng không ngờ năm nay giá vải lại rớt một cách thê thảm như vậy. So với những năm trước, giá vải đã giảm hẳn hơn một nửa”.
Hiện các thương lái thu mua tại các điểm mua bán, tập kết chỉ với giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg với loại vải chất lượng. Còn loại vải có quả bị nám, thâm đen thì có giá dưới 6.000 đồng/kg. Thời điểm này năm ngoái, giá vải thu mua tại vườn ít nhất cũng trên 15.000 đồng/kg đối với vải ngon.
Hiện bộ phận thương lái đến từ Trung Quốc thu mua với giá cao hơn so với các thương lái nội địa, tuy nhiên giá chênh lệch không đáng kể. Trên tuyến quốc lộ 31, mỗi ngày vẫn còn hàng trăm xe tải, xe container nằm chờ để thu mua vải. Tuy nhiên, do yêu cầu của các thương lái quá cao nên lượng vải thu mua được chẳng đáng là bao. Các thương lái phải gom hàng lại từ nhiều điểm cân, thu mua mới đủ chuyến hàng.
Theo nhiều người trồng vải, năm nay giá vải “đặc sản” của Lục Ngạn giảm kỷ lục như vậy là do các thương lái Trung Quốc không tổ chức thu mua rầm rộ như mọi năm.
Những năm trước, nhiều người thu mua nhưng lại xảy ra tình trạng người dân bị ép giá. Năm nay, thương lái Trung Quốc đến địa bàn thu mua ít hơn nhưng họ chỉ mua những loại vải hạng 1, ngon và đẹp nhất. Còn vải thường thì sẽ bị loại bỏ, chất đống, nông dân đành ngậm ngùi bán lại với mức giá thấp hơn rất nhiều.
Bà Lê Thị Nhung (42 tuổi) ở xã Nghĩa Hồ - Lục Ngạn cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1 ha đất vườn trồng cây vải. Tính ra sẽ thu được khoảng 100 tấn vải, như vậy tổng thu nhập trong vụ vải thiều năm nay sẽ là 65 - 70 triệu đồng. Trừ chi phí về giống, phân bón và nhân công, chắc chỉ còn thu lại được khoảng 40 triệu đồng. Còn đối với những gia đình có sản lượng thấp, chất lượng vải kém hơn, nếu trừ hết chi phí có khi chỉ hòa vốn”.
Các gian ki ốt chứa vải mong được giá...
Theo lời bà Nhung thì năm nào cũng vậy, người nông dân ở đây làm lụng vất vả, nhưng sản phẩm làm ra vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Thương lái mua với giá cao thì nông dân được lời, còn nếu bị ép giá cũng đành cắn răng mà chịu bởi không bán ngay thì không để lâu được.
Nhiều bà con nông dân than thở và đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ và giúp bà con nông dân sớm tìm đầu ra cho sản phẩm, tránh việc sản phẩm bị phụ thuộc vào một thị trường chủ yếu là Trung Quốc nữa. Hiện bà con đã làm chủ được công nghệ, quy trình sản xuất nên chất lượng sản phẩm cũng không kém tiêu chuẩn của các nước khác.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng Phòng kinh tế Hạ tầng huyện Lục Ngạn - cho biết, hiện giá vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn đang dao động ở ba mức: Mức giá thấp nhất từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, mức trung có giá từ 10.000 - 13.000 đồng/kg, tại một số nơi, giá vải thiều vẫn có giá từ 13.000 - 17.000 đồng/kg.
Theo đó, giá vải thiều thấp nhấp tập trung tại khu vực Phố Kim, xã Phượng Sơn, bởi bà con từ các huyện lân cận như Lục Nam, Lạng Giang, Chí Linh (Hải Dương) cũng mang vải đến giao thương. Trong khi chất lượng các loại vải đó kém hơn rất nhiều so với vải Lục Ngạn nên giá sẽ “đuối” hơn. Còn tại khu vực xã Phi Điền, Giáp Sơn, chiều qua (19/6) vải bà con vẫn giữ được giá 17.000 đồng/kg.
Theo ông Hà, tổng sản lượng vải mỗi năm Lục Ngạn thu được khoảng 90.000 tấn, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 40.000 tấn, số vải còn lại sẽ được tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Địa phương liên tục thực hiện các cuộc xúc tiến thương mại với các tỉnh thành như Lạng Sơn, Lào Cai và TP HCM cũng như liên hệ với các nhà máy để tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, năng lực sản xuất, đóng hộp của các nhà máy trong nước chỉ tiêu thụ được 3.000 tấn mỗi năm.
Quốc Cường - Xuân Thái