GS Ngô Bảo Châu:“Tiêu chí hàng đầu để tuyển dụng giảng viên và giáo sư ĐH là khả năng nghiên cứu khoa học"

2014/8/1 11:13 - Nguồn : Lê Phương

GS Ngô Bảo Châu chia sẻ với các đại biểu là diễn giả, chuyên gia giáo dục tại chương trình Đối thoại Giáo dục Việt Nam với chủ đề Cải cách Giáo dục Đại học
 
Thông qua chất và lượng của các bài báo cáo khoa học đăng trên các tạp chí hoặc hội nghị chuyên môn cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa về chất lượng chung của đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu ở các ĐH Việt Nam. Đáng lo ngại chính là quy trình xây dựng và cải tiến đội ngũ này ở nước ta đi ngược hoàn toàn với giáo dục thế giới. Thực trạng này nếu tiếp diễn không những chất lượng ĐH tiếp tục ì ạch ở thứ hạng thấp mà sẽ còn đi giật lùi so với cả các nước láng giềng đang bước tiến nhanh và vững chắc.
 
GS Ngô Bảo Châu đã chỉ đích danh một trong những tồn tại khiến các ĐH Việt Nam gặp khó khi xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học đạt chất lượng cao chính là thu nhập. Ở Việt Nam, chế độ thu nhập của cán bộ nghiên cứu, giảng dạy đại học được điều chỉnh bởi những quy định chung về thang lương của công viên chức nhà nước. Lương giảng viên trẻ mới ra trường rất thấp, chính sách hỗ trợ dù có nhưng không giải quyết được căn bản vấn đề.
 
“Với thang lương hiện tại, mức lương cơ bản của giảng viên đại học không đảm bảo cho họ một mức sống trung lưu cao trong xã hội. Trong khi đó, chính mức sống là điều kiện cần cho một hệ thống giáo dục tốt. Vì nó thể hiện mức độ ưu tiên của xã hội đối với giáo dục ĐH và để nghiên cứu tốt nhà khoa học cần thời gian tư duy tự do chứ không phải mãi lo chuyện “cơm gạo”.
 
Bên cạnh đó, quy trình xây dựng, cải tiến đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu ở các ĐH hiện vẫn là tập trung bồi dưỡng mọi nguồn lực để đưa chính những sinh viên tốt nghiệp của trường mình trở lại làm giảng viên. Trong khi đó các nước phương Tây hạn chế tối đa ứng viên tốt nghiệp từ trường mình. Các trường chỉ ưu tiên tuyển người mình tạo ra nên thiếu sự cạnh tranh của các nguồn khác.
 
GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh: “Tiêu chí hàng đầu để tuyển dụng giảng viên và giáo sư ĐH là khả năng nghiên cứu khoa học. Chỉ những người “sống và thở” ở tiền tuyến của tri thức nhân loại mới có khả năng hiểu và truyền tải những kiến thức nền tảng và những phát kiến tiên tiến nhất cho lực lượng lao động trí não tương lai”. Ngược với thế giới, tiêu chí hàng đầu trong tuyển chọn giảng viên là năng lực nghiên cứu khoa học thì Việt Nam quy trình này nặng tính hành chính.
 
GS Ngô Bảo Châu trao đổi với bà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM.
 
Trước những vấn đề đó, GS Ngô Bảo Châu đề xuất, quy trình tuyển chọn giảng viên ĐH cần có sự thống nhất cho tất cả các trường tiến tới tạo thị trường tuyển dụng thông suốt trong cả nước. Quyết định của hội đồng tuyển dụng cần được minh bạch hóa, lý lịch tuyển dụng cần được công khai. Lấy việc bổ nhiệm GS làm nhiệm vụ trọng tâm cho việc thực hiện tự chủ khoa học của các trường chứ không phải là một phẩm tước danh dự như hiện nay. Bên cạnh thu nhập thông thường, giảng viên cần có mức thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phải rõ ràng, minh bạch.
 
TS Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ cũng nhìn nhận rằng cũng cho rằng tỉ trọng nghiên cứu tại Việt Nam lại nghiêng về các viện nghiên cứu chứ không phải các trường. Nhiều năm chúng ta không dành sự quan tâm thích đáng cho các trường trong việc nghiên cứu khoa học. Con tàu giáo dục ĐH đã được đặt vào đường ray rồi, được cấp nhiên liệu rồi nhưng vì sao vẫn ì ạch. Các hiệu trưởng dù được trao quyền tự chủ nhưng chưa dám thực hiện vì quen nếp sống bao cấp nên chưa mạnh dạn bước vào kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, cũng do cơ chế bao cấp mà các trường dù được trao tự chủ mọi thứ mà chỉ thiếu tài chính không thì không thể thực hiện được.
 

Thậm chí, TS Quân đã chia sẻ rằng “Với cơ chế hiện nay, đơn giản chỉ riêng vấn đề lương cho GS Ngô Bảo Châu mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ như tôi cũng không quyết được thì cơ chế tài chính còn rất gian nan”.