Cầu Long Biên – Di sản văn hóa trên đất Hà thành
2014/8/1 18:18 - Nguồn : Nguyễn Vũ (tổng hợp)
Là cây cầu đặt khúc đường sắt đầu tiên chạy xuyên các nước Đông Dương, thông suốt tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, cầu Long Biên được thực dân Pháp xây dựng nhằm phục vụ cho việc khai thác, bóc lột tài nguyên và nhân lực Việt Nam đưa về chính quốc. Tuy nhiên, trái với mong muốn ấy, cầu Long Biên lại trở thành "một phần" của Thủ đô và đất nước Việt Nam bởi những gì nó chứng kiến và tham gia suốt từ khi ra đời cũng như ý nghĩa tinh thần, giá trị biểu tượng mà nó mang lại cho người dân cả nước.
Vị trí được chọn để xây cầu đúng ngay vị trí mà chiếc tàu của Pháp nổ súng bắn vào Ô Quan Chưởng và Cửa Bắc trước đó. Cầu gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30m và cao 13,5m tính mức nước thấp nhất. Phía hữu ngạn có cầu vòm dài 800m, toàn thân cầu là 2.500m. Nét độc đáo nhất của cây cầu là đường bộ hai bên, đường sắt ở giữa lối đi bên trái. Thay cho những công nhân Trung Quốc được tuyển trước đó, bằng sự khéo léo, tinh nhanh, năng động, chính những người thợ Việt Nam đã lắp ráp các cấu kiện kim khí, tán đinh chốt, sử dụng cần cẩu... dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư người Pháp, cầu xây đúng vị trí mà chiếc tàu của thực dân Pháp nổ súng bắn vào Ô Quan Chưởng và Cửa Bắc mở đầu xâm lược Việt Nam khi xưa.
Tháng 2/1902 khánh thành cầu, cũng là nối liền con đường Hà Nội – Hải Phòng và đặt khúc đường sắt đầu tiên của đường sắt xuyên Đông Dương. Khi ấy, Long Biên là một trong bốn cây cầu lớn nhất thế giới, nổi bật nhất ở Viễn Đông. Nhưng, cũng như đa số cơ sở hạ tầng mà thực dân Pháp xây dựng ở Việt Nam, cây cầu chủ yếu phục vụ cho mục đích khai thác, bóc lột tài nguyên và nhân công Việt Nam đưa về chính quốc.
Cây cầu đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện của cả dân tộc. Hai sự kiện nổi bật trong thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam là cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, trả lại quyền độc lập cho dân tộc Việt Nam. Tiếp đến là những năm tháng chiến tranh ác liệt chống Mỹ, tuy chịu nhiều bom đạn nhưng cầu Long Biên vẫn đứng vững đến ngày nay. Cầu Long Biên là một phần của thủ đô Hà Nội, vì thế mọi biến cố có tầm vóc quốc gia xảy ra tại Hà Nội đều có sự chứng kiến và tham gia của cây cầu. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, cầu Long Biên đã chứng kiến khoảnh khắc năm 1945 thực dân Pháp rút lui, trả lại quyền tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam, khi hàng ngàn người dân ngoại ô qua cầu nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Cũng chính cây cầu này đã trung thành, bền bỉ, vững vàng trong suốt những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt của dân tộc mà không hề gục ngã hay bị vô hiệu hóa. Từ năm 1965 – 1972, cầu Long Biên hứng chịu 14 lần ném bom của giặc Mỹ, trong đó lần thiệt hại nặng nhất là vào tháng 9/1972 với 3 nhịp cầu gãy gục, 4 cột trụ và 1500m cầu bị hỏng. Chỉ sau 4 tháng (1/1973) cây cầu nối hậu phương với tiền tuyến của nhân dân Việt Nam đã lại nhanh chóng được sửa chữa, đưa vào sử dụng, không chỉ thông suốt con đường cho xe tăng, súng đạn chi viện tiền tuyến mà còn chứng kiến trọn vẹn niềm hạnh phúc vỡ òa khi miền Nam giải phóng, nước nhà thống nhất.
"Sống" qua ba thế kỷ, lại trải qua bao biến động với nắng gió thời gian, chiến tranh tàn phá, cầu Long Biên giờ chỉ còn một nhịp kép phía Bắc, một nhịp kép phía Nam cộng thêm với nửa nhịp kép nằm giữa sông còn giữ được vóc dáng nguyên bản. Các nhịp cầu bị bom đánh đổ đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu có độ khẩu nắn đặt trên các trụ xây mới, tuy nhiên sức bền của cây cầu cũng đã trở thành vấn đề người dân Thủ đô phải quan tâm, cân nhắc. Là tác phẩm nghệ thuật của bàn tay, khối óc con người, vẻ đẹp của cầu Long Biên còn được tô đậm thêm lên nhờ thời gian và giá trị lịch sử mà nó mang trên mình. Kể từ thời điểm khánh thành (năm 1903) với danh xưng "một trong bốn cây cầu lớn nhất thế giới" hay "công trình sắt thép đồ sộ nhất bán đảo Đông Dương" cho đến bây giờ, cầu Long Biên vẫn không bị "khuất lấp" giữa những cây cầu hiện đại khác mà trái lại, dường như huy hoàng hơn bởi chính vẻ gỉ sét, già nua, đầy thương tích của mình.
Kể từ khi có cầu Chương Dương và Thăng Long, cầu Long Biên chỉ dành cho người đi xe đạp và những đoàn tàu. Đến nay, mỗi ngày cầu chứng kiến vài chục chuyến tàu qua lại. Cầu trở thành bạn của mọi người dân ngoại thành. Mỗi sáng, từng đoàn xe thồ than, rau xanh, cây cảnh... vào nội thành, công nhân, viên chức đến cơ quan, nhà máy; các bạn học sinh, sinh viên đến trường. Ngược đường là những người đi chợ hoa quả Long Biên. Gió sông thổi qua cầu, thổi đi những giọt mồ hôi mặn mòi, vất vả. Buổi tối, từng tốp học sinh đợi nhau về. Họ cười nói ríu rít. Những xe than, sọt thồ rỗng không lại thanh thản qua cầu. Từ sáng đến tối, cầu luôn nhộn nhịp như thế. Đèn cao áp mắc sáng trên cầu. Để rồi sáng sáng, các cụ trong nội thành qua cầu, đi bộ xuống bãi giữa tập thể dục, tận hưởng không khí trong lành nguyên sơ của bãi ngô mùa phun râu, hay dầu bạc hà chập chờn trong gió sớm. Người từ bãi lên cầu bán bí đỏ, cà chua, khoai, lạc, đỗ... vài bà cụ Gia Lâm cắp thúng hoa thiên lý xanh ngọt ngào qua cầu đi rao trong phố cổ...
Cầu Long Biên đã trở thành biểu tượng của sự trường tồn, của vẻ đẹp và các giá trị lịch sử quá khứ cũng như hiện tại, là di sản văn hóa trong sự phát triển tương lai của Hà Nội.