Cầu Long Biên - Những câu chuyện không giống ai
2014/8/1 19:16 - Nguồn : Hoàng Mạnh Hà – Ảnh: Quang Ngọc, Nguyễn Bá Hải, Tư liệu
Từ khi khánh thành cho tới nay, đã hơn 100 năm có lẻ, người Hà Nội đã kể không biết bao câu chuyện về cây cầu huyền thoại này và tôi tin người Hà Nội sẽ còn vẫn kể, chừng nào cầu Long Biên vẫn còn… những câu chuyện không giống ai và rất… Hà Nội.
Vì sao giao thông trên cầu Long Biên bị ngược?
Câu chuyện đầu tiên được lưu truyền trong dân gian là tên gọi của cây cầu. Cầu được đặt tên chính thức là cầu Doumer- Doumer lấy từ tên Paul Doumer, vị toàn quyền Đông dương người Pháp lúc bấy giờ, người đã có công đầu trong việc vận động và quyết định xây cầu, trong lễ khánh thành, theo thói lịch sự xã giao của người Pháp, vị toàn quyền có hỏi một quan chức đại diện của triều đình phong kiến Hà Nội lúc bấy giờ bằng tiếng Pháp đại ý rằng: “Các ngài muốn đặt tên cây cầu là gì ?”.
Do không thành thạo tiếng Pháp, phần do tính sĩ diện và nhanh hẩu đoảng cố hữu của những người làm quan chức nhỏ Việt Nam từ xưa tới nay mà vị quan tưởng rằng vị toàn quyền Pháp hỏi ông ta “Ngài thấy cây cầu thế nào?” mà vị quan chức đã trả lời bừa bằng 1 câu tiếng Pháp bồi rằng “Loong Bi-en” với ý nói là “rất dài”, những người Pháp tưởng rằng đó là mong muốn về tên cây cầu của phía nhà cầm quyền Việt Nam nên đã lưu lại và đặt tên cầu là “Long Biên” song song với tên gọi kiểu Pháp là cầu Doumer.
Cầu Long Biên năm 1915, khi đó có tên là cầu Paul Doumer do được đặt theo tên
của Toàn quyền Đông Dương khi đó là Paul Doumer.
Câu chuyện thứ 2 là về chiều giao thông của cây cầu: Rất nhiều người lần đầu tiên tới cầu Long Biên sẽ thắc mắc tại sao cầu Long Biên có thiết kế đi về bên trái ngược hẳn với hệ thống giao thông đi về bên phải của Việt Nam.
Đã có rất nhiều lý giải cho chuyện này như cầu Long Biên làm để phục vụ cho người Pháp chở vũ khí đi từ trung tâm Hà nội qua Gia Lâm và các tỉnh Đông bắc Việt nam, xe chở vũ khí thì nặng và khi về lại trung tâm Hà nội thì chỉ còn xe không nên trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều, điều này làm cho cầy cầu sau một thời gian vận hành bị nghiêng và giải pháp đổi chiều đi của cầu được tính tới để cân bằng lại cầu, có 1 giả thuyết nữa là thiết kế đi như vậy để cân bằng trọng lực với chiều chảy của dòng nước…
Tôi thì lại võ đoán rằng những người thiết kế đã chủ đích như vậy: Do đặc thù địa lý trung tâm Hà Nội, thị trấn Gia Lâm và sông Hồng đoạn chảy qua cầu Long Biên, những người thiết kế đã cố tình làm như vậy để khi người và phương tiện đi vào trung tâm Hà Nội, từ đầu cầu bên phía Gia Lâm họ đã được nhìn thấy toàn cảnh trung tâm Hà Nội, điều này có tác dụng tâm lý rất hay giống như một lời chào của Hà Nội với người tham gia giao thông trên cầu “Chào bạn tới Hà Nội” , một phần cũng có tác dụng giúp thị giác của người đi trên cầu quen dần với không gian của đô thị Hà nội mà chỉ ít phút nữa họ sẽ tới nơi.
Ngược lại khi di chuyển từ Hà nội qua phía Gia Lâm bạn sẽ nhìn thấy trước mắt một không gian mênh mông của sông nước, núi rừng….thị giác của bạn sẽ được “dọn dẹp” một phần nào sự náo nhiệt của đời sống thị thành và quen dần với khung cảnh của các tỉnh vùng Đông Bắc như Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh mà có thể bạn sắp đi qua.
Bảng ghi thời gian xây dựng cầu 1899 – 1902
Trong miền ký ức…
Sự dốt nát và sỹ diện của viên quan chức phong kiến người Việt, sự nhầm lẫn của người Pháp, những tranh cãi về việc đi bên trái chưa có hồi kết cũng không ngăn cản được một sự thật rằng: Long Biên là một cây cầu đẹp.
Nhìn từ xa vào ban ngày, cầu Long Biên giống như một con rồng sắt già đang nằm nghỉ còn vào ban đêm bạn lại thấy cầu Long Biên giống như một cô gái đẹp đang nghiêng mình soi bóng xuống sông Hồng với những đường nét vô cùng mềm mại và thanh thoát được cộng hưởng bởi hệ thống đèn chiếu sáng kiểu cũ với ánh sáng vàng ấm áp.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhà tôi ở thị trấn Gia Lâm cũ, nay là phố Ngọc Lâm quận Long Biên Hà nội. Trong ký ức của tôi thì đó là 1 thị trấn đẹp như trong cổ tích với lối quy hoạch kiến trúc hài hòa gồm nhà ga xe lửa, nhà máy, công viên, hồ nước, chợ, nhà thờ…. Cả thị trấn bám theo một con phố chính dẫn thẳng lên cầu Long Biên.
Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi…
(Vè dân gian)
Trước khi cầu Chương Dương được xây dựng thì phố Gia Lâm là con phố huyết mạch và toàn bộ các phương tiện giao thông muốn vào trung tâm Hà nội đều phải đi qua đây để lên cầu Long Biên. Bọn trẻ con chúng tôi có 1 thú vui là chiều chiều sau khi đi học về rồng rắn kéo nhau đi lên dốc cầu Long Biên để xem ô tô xe máy, thỉnh thoảng có những ô tô chở rau củ quả phải giảm tốc độ bò lên dốc cầu là cơ hội để bọn nhóc chúng tôi chạy theo xe lấy được thứ gì đó thò ra khỏi thùng xe … Những tài xế và phụ xe chỉ đuổi chúng tôi cho có lệ, đôi khi họ còn ném cho chúng tôi một vài trái dưa, vài quả mận hay đôi khi là hẳn 1 gói kẹo đang ăn dở- kẹo luôn luôn là nỗi thèm khát của bọn nhóc chúng tôi lúc bấy giờ.
Một vài đứa nhà nghèo có thêm một nghề phụ là đứng ở dốc cầu Long Biên và đợi xem có những người dân quê từ Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang chở nông sản lên Hà nội bán bằng xe đạp, do chở nặng lên một mình họ không thể đẩy xe từ cuối dốc lên tới mặt cầu và phải trả 100 - 150 đồng cho 1 lần phụ đẩy.
Cách nhà tôi 6 - 7 nhà có 1 ngõ nhỏ. Từ sáng tới tối luôn có 1 bà cụ già ngồi đầu ngõ miệng nhai trầu bỏm bẻm nhìn mọi người qua lại, lần nào đi qua chúng tôi cũng đều hỏi “ Bà ơi mấy giờ rồi?” và lần nào cũng nhận được câu trả lời giống nhau “3 giờ!” kèm theo 1 nụ cười trong veo như trẻ con của bà cụ. Mọi người bảo bà cụ bị điên từ khi 25 tuổi, ấy là cái ngày chồng sắp cưới của bà vì giận dỗi ghen tuông gì đó đã nhảy từ trên cầu Long Biên xuống sông Hồng tự vẫn. Lúc đó là 3 giờ chiều.
Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối liền trung tâm Hà Nội
và thị trấn Gia Lâm (quận Long Biên ngày nay)
Vào mùa lũ, chúng tôi thường theo một người đàn ông đứng tuổi bị tâm thần tên là Khoa điên rồng rắn đi lên cầu Long Biên rồi dừng lại ở chỗ dòng nước sông Hồng chảy xiết nhất và đợi, mỗi khi có 1 thân cây, 1 bó củi trôi từ phía thượng nguồn về là anh Khoa điên lại phóng mình thẳng xuống dòng nước để vớt, cuối ngày vớt được bao nhiêu chúng tôi đem bán lấy tiền mua kem ở 1 xưởng làm kem đá gần đó.
Có những hôm 7 đứa chúng tôi và anh Khoa điên chỉ mua được 3 cây kem và phải chia nhau mỗi người mút một chút. Kem thực ra chỉ có nước đá cộng với đường hóa học nhưng nó giúp chúng tôi có khái niệm thế nào là vị ngọt trong một đời sống thường nhật đa phần là chua cay mặn đắng lúc bấy giờ.
Hôm nào không có cái gì để vớt, anh Khoa điên thường lấy 1 cục gạch non vẽ xuống đất 1 hình người với nhiều huyệt đạo chằng chịt rồi ấn ấn vào những huyệt đạo như người đang châm cứu, nghe đồn trước khi bị điên anh Khoa là bộ đội đặc công nước giỏi với nhiều chiến công, anh bị điên là do ảnh hưởng của 1 loại chất độc gì đó trong 1 trận đánh quan trọng ở miền Nam.
Ô Quan Chưởng – Cầu Long Biên ( ảnh tư liệu của Pháp 1920)
Nói về bộ đội, sát cạnh nhà bác ruột tôi chỉ cách cầu Long Biên chừng 200-300 mét có 1 ông bộ đội xuất ngũ và làm quan chức của 1 xí nghiệp chuyên sửa chữa bảo dưỡng cầu Long Biên. Nhà của vị quan chức này là 1 trong những chiếc nhà tầng đầu tiên ở khu đó và tôi nghe mấy người hay đưa chuyện ngoài quán nước nói rằng toàn bộ cái nhà đó được hàn bằng sắt lấy ở cầu Long Biên về chứ không phải được xây bằng gạch hay bê tông như những nhà thông thường.
Cái mà tôi ấn tượng nhất không phải là ngôi nhà đó mà phía sau nhà ông cán bộ nọ (cũng như nhà bác tôi) có 1 cái hồ rất lớn, nhà ông ta có hẳn 1 cái cầu bằng sắt rất dài hàn thẳng ra 1/3 lòng hồ, phía cuối cây cầu là 1 chiếc “cầu tõm” cũng được hàn bằng sắt. Có lần tôi đã hỏi bác tôi trước mặt quan khách rằng tại sao bác không làm 1 cái “ cầu tõm” giống như thế để tự hào với mọi người thì bị bác tôi véo cho một cái vào mông đau chảy nước mắt và mắng là trẻ con thì biết gì mà nói linh tinh.
Những năm 89-90 khi đó tôi đã 13-14 tuổi nhưng vẫn là 1 cậu bé nhút nhát mặt búng ra sữa, mỗi lần lên cầu Long Biên chơi tôi thường được 1 chị công nhân tên Thuận làm ở đội sơn sửa bão dưỡng cầu của ông cán bộ cạnh nhà bác tôi gọi lại nói chuyện, chị thích tôi vì chị không có con và chị bảo mặt tôi giống mặt người yêu cũ của chị.
Tôi được chị kể rằng công việc của chị là 1 công việc rất thú vị, chị và một nhóm phải làm 1 việc là cạo gỉ sét và sơn lại cầu Long Biên từ đầu bên này tới đầu bên kia, sơn hết một lượt cầu thì quay lại sơn tiếp vì thời gian để sơn hết cầu thường kéo dài có khi là hết cả năm. Chị còn bảo công việc quen đến nỗi chỉ cần nhìn vào nhịp cầu đang được sơn, nhìn vào thanh giằng nào đang được bảo dưỡng là có thể biết hôm đó là ngày mấy tháng mấy, còn bao lâu nữa thì tới mùa xuân mùa hạ mùa đông, còn bao lâu nữa thì tới tết và còn bao lâu nữa thì hoa gạo nở…
Lúc đó, tôi đã từng ước lớn lên cũng sẽ xin vào đội sơn cầu Long Biên như chị và mỗi năm sẽ sơn lại cây cầu theo những gam màu mà tôi thích, những thanh sắt nào thừa tôi sẽ đem về nhà hàn thành 1 cái nhà giống như nhà của ông cán bộ kia cho bố mẹ tôi hãnh diện với hàng xóm láng giềng.
Cây cầu trong ký ức…
Vào mùa đông, cầu Long Biên như được khoác thêm cho mình 1 làn áo mỏng tang bằng sương mù trông vô cùng mềm mại và gợi cảm. Đứng yên một chỗ và quan sát, bạn sẽ thấy những chiếc xe qua lại đột ngột chui ra từ trong sương lừ lừ tiến qua trước mắt bạn rồi lại lừ lừ chui tọt vào đám sương mù khổng lồ phía trước. Sau 12h đêm đèn trên cầu được tắt bớt và sương mù cũng nhiều lên, cả cây cầu chìm trong biển sương và tầm nhìn chỉ hạn chế còn vài mét.
Đây cũng là lúc từng đoàn xe đạp thồ của các bà các chị các mẹ từ các vùng nông thôn chở nông sản vào trung tâm Hà Nội để bán ở chợ đầu mối Bắc Qua, cả một không gian rộng lớn râm ran tiếng trò chuyện, tiếng cười, tiếng tròng ghẹo nhau của những nhóm người cùng xóm cùng làng mà tuyệt nhiên bạn không nhìn thấy ai, những dáng lưng ong phụ nữ cong mình đạp xe lướt qua trước mắt bạn trong thoáng chốc rồi lại biến mất. Rất nhiều câu chuyện được kể đan xen nhau nhưng không hề bị gián đoạn hay lẫn lộn vì mọi người luôn nhận ra nhau nhờ âm vực địa phương và nội dung câu chuyện…
Sau rất nhiều năm khi đã trở thành 1 người làm phim chuyên nghiệp và tiếp cận với rất nhiều hiệu ứng âm thanh hiện đại khác nhau, tôi vẫn cho rằng âm thanh vào những đêm mùa đông trên cầu Long Biên những năm 80-90 thế kỷ trước là thứ âm thanh gợi cảm nhất mà tôi từng được nghe.
Vào mùa Xuân, cầu như khoác áo mới
Mỗi khi xa Hà nội và vô tình nhìn thấy, nghe thấy bất cứ điều gì liên quan tới cầu Long Biên và sông Hồng là mắt tôi lại sáng lên, một người bạn là nhà thơ đương đại nói với tôi rằng “ Mày không thể sống xa cầu Long Biên và sông Hồng được đâu, tao thấy trong huyết quản của mày có phù sa sông Hồng chảy trong đó”. Tôi không tin lắm vào nhận xét của người bạn vì đám nhà thơ đương đại bây giờ hay cho mình cái quyền suy nghĩ, phán xét và nói năng linh tinh khác người nhưng có một sự thật mà tôi rất khó chối bỏ : Sông Hồng và cầu Long Biên là một cái gì đó thật đặc biệt trong tôi.
Cái đẹp thường mong manh, cầu Long Biên cũng không phải là ngoại lệ và đã nhiều lần phải đứng trước những thử thách cam go của số phận, khi thì bị trúng bom B52 của người Mỹ và gẫy mất mấy nhịp, khi thì được đem ra mổ xẻ bàn tới bàn lui rằng có nên đập bỏ để xây 1 cây cầu mới “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” hay không.… rất may là cho tới ngày hôm nay cầu Long Biên vẫn tồn tại như hiện trạng ban đầu của nó.
Vật đổi sao dời, những người bạn thời niên thiếu của tôi cho tới nay người thì không còn, người thì ly tán, tôi đã trở thành một người làm phim rong ruổi chọn bốn phương tám hướng làm nhà, thỉnh thoảng có dịp về thăm nhà và đi qua cầu Long Biên tôi vẫn hay mỉm cười nghĩ về những ước mơ thời niên thiếu của mình, tôi chẳng thực hiện được bất cứ một ước mơ nào trong số đó.
Hình ảnh cây cầu gắn liền với tuổi thơ của bao người con Hà Nội
Nhà tôi đã không còn ở phố Gia Lâm cũ mà chuyển vào một khu phố mới, thị trấn Gia Lâm cổ tích của tôi đã không còn mà giờ là trung tâm của quận Long Biên Hà nội, tôi cũng không còn được thấy sông Hồng mùa lũ nước chảy cuồn cuộn đỏ đục phù sa vì ở phía thượng nguồn người ta đã chặn dòng nước để làm thủy điện, xe ô tô không còn đi ở cầu Long Biên và cũng chẳng còn ai đi bán nông sản bằng xe đạp thồ nên bọn trẻ con khu phố tôi cũng không còn tập trung ở dốc cầu Long Biên nữa.
Vào những đêm Đông, sẽ rất khó để nghe được tiếng các bà các cô vừa đạp xe vừa nói chuyện oang oang giữa bồng bềnh sương khói vì tất cả mọi người đều đi bằng xe máy….nhưng thấp thoáng đâu đó tôi vẫn cảm thấy có 1 anh Khoa điên, 1 chị Thuận thợ sơn cầu đang cong lưng cạo gỉ sét hay một đôi trai gái cãi nhau và anh chàng cả giận mất khôn trèo qua lan can nhảy thẳng xuống sông Hồng đang cuồn cuộn chảy vào lúc 3h chiều.
Có khi nào miền ký ức của tôi cũng đang bị tắc vào thời điểm những năm 80-90 của thế kỷ trước giống như bà cụ điên luôn trả lời câu hỏi “Mấy giờ rồi?” là “3 giờ!” không nhỉ?
Tôi đã cố gắng để kể những câu chuyện mới về cầu Long Biên - một trong những tình yêu lớn của tôi mà không biết phải bắt đầu từ đâu… có lẽ tôi là người chỉ có khả năng kể những câu chuyện đã cũ.