Khách bị chậm, hủy chuyến bay sẽ được bồi thường nhiều hơn

2014/8/6 9:16 - Nguồn : GTVT

Gần đây, tình trạng chậm, hủy chuyến triền miên của các hãng hàng không khiến hành khách rất bức xúc. Xin ông cho biết, quy định hiện hành bảo vệ quyền lợi của khách như thế nào?

Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải

 

Trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 đã quy định nghĩa vụ của người vận chuyển khi vận chuyển hành khách, quyền của hành khách. Theo đó, người vận chuyển phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm (Điều 164). Cơ chế giải quyết tranh chấp quyền lợi và thiệt hại bằng Toà án (Điều 172), bằng Trọng tài (Điều 173). Đây là chế độ bồi thường thiệt hại theo hợp đồng vận chuyển hành khách giữa người vận chuyển và từng hành khách, một loại hợp đồng dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Năm 2007, Bộ GTVT sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, đã ban hành Quyết định số 10 về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại, nêu rõ trách nhiệm của người vận chuyển, mức tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại, phương thức và thời hạn trả tiền khi hủy chuyến.

Tuy nhiên, Quyết định số 10 ra đời đã 7 năm, không còn phù hợp. Chính vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan liên quan đề xuất, báo cáo Bộ trưởng sớm sửa đổi bằng một thông tư mới, trong đó sẽ thay đổi các hình thức và mức tiền bồi thường của hãng hàng không với khách hàng.

Ông có thể nói rõ hơn mức tiền bồi thường dự kiến cho hành khách trong thông tư sắp ban hành?

Mức tiền bồi thường bắt buộc không được quá thấp vì phải thoả mãn một phần thiệt hại chung của hành khách không được sử dụng dịch vụ với chất lượng được cam kết do lỗi của người vận chuyển, buộc phải ở lại sân bay trong khoảng thời gian nhất định.

Nhưng mặt khác, trong trường hợp chậm, hủy chuyến bay, người vận chuyển vẫn phải đảm bảo tiếp tục thực hiện hợp đồng vận chuyển, cung cấp các dịch vụ thiết yếu tối thiểu cho hành khách trong thời gian chờ đợi tại sân bay theo quy định. Do vậy, mức tiền bồi thường không được quá cao, trở thành gánh nặng bất hợp lý cho các hãng hàng không

Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và khoa học để đảm bảo hài hòa quyền lợi của hành khách và hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không, đồng thời đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, ngay trong tháng này, Cục Hàng không VN phải hoàn thiện dự thảo 2 Thông tư thay thế các quy định cũ về vận chuyển hàng không, hoạt động hàng không chung, theo hướng bổ sung quy định trách nhiệm của các hãng hàng không trong trường hợp chậm, hủy chuyến và về bồi thường ứng trước không hoàn lại theo hướng tăng mức bồi thường.

Đặc biệt, Thông tư mới sẽ có những quy định để hành khách nắm được thông tin và chủ động bảo vệ quyền lợi của mình khi bị chậm, hủy chuyến bay. Cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát việc hãng hàng không thực hiện nghĩa vụ của mình với hành khách.

Hiện nay, khách muốn đổi vé, giờ bay thì phải trả phí, trong khi các hãng hàng không chậm chuyến làm thay đổi lịch trình của khách thì không phải trả tiền. Ông có thấy điều này là bất hợp lý?

Đây là một nội dung chúng tôi đang phải tính toán kỹ lưỡng khi nghiên cứu ban hành thông tư mới để bảo đảm tốt nhất quyền lợi của hành khách. (Theo quy định hiện nay thì khách chậm chuyến không được bồi thường bằng tiền mặt).

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng vừa có văn bản yêu cầu các hãng hàng không không được thu phí đổi vé trong trường hợp chậm, hủy chuyến.

Thực tế, việc phải bồi thường thiệt hại cho hành khách cộng với việc chậm, huỷ chuyến bay sẽ gây thiệt hại rất lớn cho hãng hàng không cả về kinh tế lẫn uy tín. Với quy định mới, các hãng hàng không sẽ phải áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực, tuân thủ nghiêm các quy định về khai thác tàu bay, đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng không… để giảm bằng được tình trạng chậm, huỷ chuyến bay.

Cảm ơn ông!

Đình Quang (Thực hiện)

Khách bị chậm, hủy chuyến bay có quyền gì?

Quyết định số 10/2007 của Bộ GTVT quy định khi chuyến bay bị hủy 24h so với giờ hành khách đã mua vé thì hãng hàng không phải trả tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách với mức: 100.000 đồng với các đường bay dưới 500km; 200.000 đồng với các đường bay trên 500 km; 300.000 đồng với các đường bay trên 1.000 km.

Tuy nhiên, hãng hàng không được miễn trách nhiệm trả tiền này nếu chuyến bay bị hủy mà hành khách được thông báo trước 24h so với giờ khởi hành trên vé hoặc không liên hệ được với hành khách qua địa chỉ mà hành khách đã đăng ký khi mua vé...

Khi chậm chuyến, Thông tư 26/2009 của Bộ GTVT quy định, chậm trên 20 phút thì cứ 15 phút hãng hàng không phải thông báo, xin lỗi hành khách. Nếu chậm trên 2 giờ phải phục vụ nước uống, trên 3 giờ phục vụ đồ ăn, trên 6 giờ phục vụ chỗ nghỉ, trên 12 giờ phải đổi chuyến cho hành khách.