Công văn Số : 106 /HCĐ-HĐKH

2014/8/27 9:39 - Nguồn : Hội KHKT Cầu đường Việt Nam

Kính gửi : Bộ Giao thông vận tải

 

Hội KHKT Cầu đường Việt Nam nhận được Công văn số 9711/BGTVT – KCHT ngày 08/8/2014 của Bộ GTVT về việc góp ý kiến dự thảo “Quy định hướng dẫn cắm biển tải trọng cầu theo QCVN41:2012/BGTVT” do Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự thảo, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam xin có ý kiến như sau :

 

1.Về nội dung của Quy định:

 

Theo nội dung của phần phạm vi áp dụng :“ Quy định này hướng dẫn cắm biển tải trọng cầu theo QCVN41:2012/BGTVT trên cơ sở kết quả kiểm toán, đánh giá cầu theo Quy định về kiểm toán, đánh giá tải trọng cầu được Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Quyết định số /QĐ/BGTVT ngày tháng 8 năm 2014 . Quy định này hướng dẫn cắm biển tải trọng cầu để các loại xe có số lượng trục khác nhau, có tải trọng khác nhau có thể hợp pháp qua cầu, không gây nguy hiểm cho kết cấu.”

 

Bản chất của Dự thảo “Quy định về kiểm toán, đánh giá cầu” là : “…Đánh giá và cắm biển tải trọng cầu được thực hiện cho các cấu kiện, trên cơ sở đó sẽ có đánh giá cho toàn cầu. Ở điều kiện hiện tại việc này đồng nghĩa với đánh giá cầu để cắm biển tải trọng cầu thông qua đánh giá kết cấu nhịp.” (trích phạm vi áp dụng của Dự thảo Quy định về kiểm toán, đánh giá cầu – trang 1, dòng 11 từ dưới lên). Nghĩa là, trên cơ sở đánh giá cấu kiện của kết cấu nhịp (kết cấu phần trên) để đánh giá toàn cầu và cắm biển tải trọng . Vấn đề này rất không hợp lý về kinh tế, kỹ thuât và không khả thi. Xin nêu một số trường hợp xảy ra trong thực tế :

 

- Hiện tại, Bộ GTVT đang triển khai Dự án mở rộng QL1 từ 2 làn xe thành 4 làn xe . Rất nhiều công trình cầu trên tuyến được thiết kế, thi công mở rộng để đảm bảo đủ chiều rộng yêu cầu . Một số cầu đang khai thác nếu có vấn đề về cấu kiện của kết cấu nhịp sẽ được đánh giá theo các điều khoản quy định này và cắm biển hạn chế tải trọng. Như vậy, trong 1 cầu sẽ có ½ cầu bị hạn chế tải trọng, ½ cầu làm mới sẽ không cắm biển hạn chế tải trọng.

 

- Trường hợp khác, trên tuyến Quốc lộ đang khai thác, một số công trình cầu có vấn đề với một vài cấu kiện của kết cấu phần trên, tiến hành đánh giá theo các điều khoản của “Quy định về kiểm toán, đánh giá cầu” và “Quy định về hướng dẫn cắm biển tải trọng cầu”, thực hiện cắm biển hạn chế tải trọng nếu cấu kiện đó không đạt như quy định . Như vậy, các phương tiện bắt buộc phải tăng bo hàng khi qua cầu, hoặc Bộ GTVT không muốn ách tắc các phương tiện, phải bố trí phà cạnh các công trình này. Có thể đưa ra rất nhiều trường hợp bất hợp lý về mặt kinh tế, vô lý về kỹ thuật nếu tuân thủ quy định này.

 

Trong thực tế, Bộ GTVT đã xử lý rất nhiều công trình cầu khi bị sự cố, rủi ro, đều tiến hành đánh giá, sửa chữa theo tải trọng thiết kế, khai thác và sau đó cho các phương tiện lưu thông bình thường. Điển hình thời gần đây là sửa chữa cầu Bính - Hải Phòng (thay 30m dầm chủ, 2 dây cáp văng phía thượng lưu), cầu Bến Thủy cũ - Nghệ An (nắn chỉnh lại một số thanh bi cong do va quệt) v.v..

 

Vì vậy, ngày 13/08/2014 Hội KHKT Cầu đường Việt Nam đã có ý kiến tại văn bản số 105/HCĐ-HĐKH kiến nghị nên xem xét lại phương pháp, mục tiêu, phạm vi triển khai khi tham gia vào dự thảo “Quy định về kiểm toán, đánh giá cầu”

 

2.Kiến nghị :

 

2.1.Trong trường hợp đối với các công trình cầu đã được thiết kế theo Quy trình thiết kế cầu cống theo trạng thái giới hạn 22TCN 18-79 (tải trọng thiết kế H30, kiểm toán với xe bánh XB80), Tiêu chuẩn thiết kế cầu 22TCN 272-05 (tải trọng thiết kế HL93), khi các bộ phận của cầu (bao gồm kết cấu nhịp, mố, trụ, đường 2 đầu cầu v.v…) có vấn đề, thì tiến hành đánh giá, sửa chữa theo tải trọng thiết kế và cho khai thác bình thường .

 

2.2.Chỉ tiến hành đánh giá, cắm biển tải trọng đối với các công trình cầu yếu, không thiết kế theo 2 quy trình trên, khi chưa đủ điều kiện thay thế và nâng cấp .

 

Hội KHKT Cầu đường Việt Nam xin được gửi tới Quý Bộ các ý kiến đóng góp nêu trên để Quý Bộ tham khảo và xem xét.