KÝ ỨC VỀ VỊ CÔNG TRÌNH SƯ TÀI NĂNG
2014/9/11 10:5 - Nguồn : Trần Thạnh
Anh đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều gương sáng về sự tận tụy với nghề nghiệp và không bao giờ quản hy sinh gian khổ. Anh sống rất chân thành với đồng nghiệp và quí mến những người làm việc dưới quyền Anh.
Hầu như những công trình cầu lớn của ngành, Anh đều có sự tham gia của Anh, như: cầu Làng Giàng (Lào Cai), cầu Phủ Lý, cầu Ninh Bình, cầu Lò Đèn, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Tôi được làm việc bên Anh từ cầu Ninh Bình, cầu Non Nước, cầu A2 ngay chân núi Cánh Diều, đến cầu Hàm Rồng, qua nhiều thời kỳ giặc Mỹ đánh phá hủy diệt đường sắt.
Cụ thể, ba lần khôi phục cầu Ninh Bình, 3 lần làm lại cầu Đò Lèn và cầu Lèn C, đặc biệt cầu Hàm Rồng nhiều lần giặc liều mạng trước lưới lửa phòng không của quân dân Thanh Hóa kiên cường, chúng quyết cắt đứt cây cầu, nhưng “cầu ta, ta lại sửa lại đi” dưới những bàn tay dày dạn kinh nghiệm của anh chị em Đội cầu 19-5 anh hùng, Công ty cầu 3 kiên cường. Anh đã cùng chúng tôi, ngày đêm bám sát cầu đường sắt tuyến Hà Nội - Thanh Hóa...
Có một lần tôi nhớ như in lúc 9 giờ 15 phút ngày 4/7/1972 giặc phá cầu Đò Lèn. Ngay trưa hôm sau, Anh, anh Linh (phó ban) và tôi trưởng phòng kỹ thuật Công ty cầu 3, đã có mặt khảo sát cầu Đò Lèn, để có một phương án sửa chữa kịp thời, giúp đơn vị thi công, thông xe ngày 23/10/1972 và các ngày tiếp theo.
Ngày 26/6/1972 Giặc Mỹ lại đánh phá dữ dội cầu Hàm Rồng, cho dù máy bay bị bắn rơi, chúng vẫn liều mạng cắt đứt mạch máu giao thông nơi đây. Thanh niên và công nhân Công ty Cầu 3, làm việc suốt ngày đêm, đảm bảo thông tuyến chuyển hàng liên tục cho tiền phương, miền Nam ruột thịt... Cục diện chiến trường Nam Bắc thắng lớn, nhất là sau trận chiến Điện Biên Phủ trên không, quân dân Hà Nội dũng cảm bắn rơi nhiều pháo đài bay B52, buộc chúng phải ký hiệp định Paris ngày 21/1/1973, chấm dứt chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Thời cơ thuận lợi đã đến, Bộ GTVT động viên nhân tài vật lực toàn ngành đường sắt làm mới cầu Hàm Rồng. Tất cả công việc chuẩn bị thi công đều do đại diện Bộ là Thứ trưởng Hồng Xích Tâm và Tổng Công trình Sư Nguyễn Đình Doãn quyết định tại hiện trường...
Các đơn vị tham gia thi công có Công ty cầu 3, Công ty Cơ khí 6, Cục vật tư đường sắt, một bộ phận của bộ đội Công Binh v.v... Được sự giúp đỡ của Chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa cùng với cán bộ công nhân viên ngành giao thông vận tải tạo nên một thế trận: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Về mặt kỹ thuật thi công đều đặt lên vai Tổng công trình sư. Lịch trình kế hoạch thi công được tính chi tiết từng ngày, từng giờ, quyết tâm thông xe đúng ngày sinh Bác Hồ vĩ đại...
Vạn sự khởi đầu nan, công đoạn “làm sạch lòng sông” với hàng trăm tấn thép cầu cũ bằng phương pháp bắn mìn định hướng với yêu cầu không ảnh hưởng đến các công trình lân cận, nhất là nơi cư dân đang sinh sống phải an toàn tuyệt đối... Đúng 16 giờ, ngày 3/3/1973 phát lệnh phá dầm thép bờ nam; 17h ngày 6/3/1973, phá dầm thép nằm vắt trên trụ giữa; ngày 7/3/1973 phá đợt mìn cuối cùng, công đoạn bó thuốc nổ, được Anh tính toán tỉ mỉ từng khoang dầm, từng thanh dầm còn sót trên mố trụ... Bộ đội công binh với tinh thần “quân lệnh như sơn” đảm nhiệm trong tiếng nổ vang rền và kết thúc một cách mỹ mãn.
Ngày 10/3/1973, Anh phát lệnh khởi công cầu Hàm Rồng, nổ pháo báo hiệu, Công ty Cầu 3 thả chín phao xuống dòng sông Mã, nước chảy xiết, được neo chặt tại thời điểm tập kết để chuẩn bị làm vòng vây cho trụ giữa... Anh có biệt tài, tự thiết kế thi công ngay tại hiện trường, nên rất chủ động việc chỉ huy thi công. Anh giao cho chúng tôi, phòng kỹ thuật Công ty Cầu 3, đo đạc cự ly hai mố và trụ phải chính xác, tuy rất khó khăn, người trần mắt thịt sống trần gian làm việc dưới âm phủ, nhưng có sự chỉ đạo của Anh, chúng tôi vững tâm bớt lo lắng... Ngày 1/5/1973, đổ bê tông bịt đáy trụ giữa. Rất khẩn trương thi gan với sự hung hãn của dòng nước, Anh vác xi măng, miệng hô tay làm, sức mạnh sôi động hẳn lên chỉ vài giờ sau vòng vây không bị nước tràn...
Tất cả thở phào như mở cờ trong bụng... Đúng 20 giờ ngày 3/5/1973, cờ Đoàn thanh niên Công ty Cầu 3 cắm trụ trên trụ, một thành công quyết định của công trình, trước sự vui mừng của hàng trăm cán bộ công nhân viên trên công trường. Song song với thi công mố trụ, Anh chỉ đạo Công ty cơ khí 6, chạy đua với thời gian cùng cục vật tư Tổng cục đường sắt chuyển hàng nghìn tấn thanh cầu thành phẩm, xa hàng trăm cây số, sang bờ nam sông Mã, phục vụ cho công tác lắp ráp tại thực địa cũng là một kỳ công không kém. Anh nghiên cứu cách xiết bulông tinh chế, trên cao bằng sức người, sao cho đảm bảo chất lượng, kể cả định lượng “suất ăn” lúc bấy giờ cho công nhân xiết bulông, coi như có thực mới vực được đạo...
Đúng 20 giờ ngày 10/5/1973, Anh phát lệnh: Công ty Cầu 3 bắt đầu kéo qua dầm nặng 732 tấn trên 500m hệ thống ray và cầu dẫn. Kéo từ Nam sang Bắc, qua bốn ngày đêm, đúng 18 giờ ngày 15/5/1973 cầu tới đích an toàn tuyệt đối đúng vào vị trí . 7 giờ sáng ngày 19/5/1973, Tổng công trình sư Nguyễn Đình Doãn phát lệnh thông xe kỹ thuật cho đoàn tàu đi qua trong tiếng hò reo của nhân dân hai bên bờ sông Mã. Với 69 ngày đêm, thi gan với sông Mã, chúng ta đã hoàn thành cầu Hàm Rồng, làm cho kẻ thù kính nể, niềm tự hào của cán bộ công nhân viên ngành GTVT, lập thành tích kỷ niệm 83 năm ngày sinh Bác Hồ vĩ đại. Anh lại cùng chúng tôi lại lên đường... với âm vang “Tiếng hát át tiếng bom”. Thông xe tiếp các cầu Đò Lèn, Cầu Ninh Bình và năm 1975, tham gia khởi công cầu Thăng Long (Hà Nội). Anh luôn quan tâm tới đồng nghiệp tạo điều kiện cho nhiều anh chị em theo học các lớp của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (1956) và trường Đại học GTVT Hà Nội (1960)... nhằm đào tạo lớp trẻ mai sau...
Năm 1984, Anh nghe tin tôi vào Nam, công tác Anh tìm gặp gia đình tôi thăm hỏi, để lại trong tôi và đồng nghiệp nhiều ấn tượng không thể nào quên... Năm 2012, Anh được nhà nước tặng huy hiệu cao quí: Huân chương Độc lập hạng Nhì