CHỐNG TỰ TỬ VÀ GIÓ LỘNG TRÊN CÁC CÂY CẦU NHẬY CẢM
2014/12/2 15:46 - Nguồn : Kỹ sư VŨ ĐỨC THẮNG
Hai vấn đề đó tưởng chừng chẳng có gì liên quan đến nhau. Tuy nhiên, tự tử và gió lộng lại cùng xẩy ra trên lan can của nhiều cây cầu nhậy cảm, đặt ra cho những người làm nghề cầu đường những đề tài khoa học về nhân sinh, kỹ thuật và kinh tế cần phải suy nghĩ giải quyết gấp trong hoàn cảnh thực tế Việt Nam.
Rất nhiều cây cầu lớn là biểu tượng của khoa học và trí tuệ của người làm cầu, đạt những kỷ lục đẹp về chinh phục sông nước và cảnh quan diễm lệ, đang bị rơi vào tình cảnh đau lòng do những cái chết oan uổng làm tổn thương vẻ đẹp bình yên, bị hoen ố bởi những ám ảnh tâm linh mê tín, bị người dân đặt cho những cái tên rất xấu và phi lý như cầu tự tử cầu oan hồn, cầu bò lết.
Nguyên nhân trước mắt của tình cảnh đó hóa ra lại ở cái lan can cầu được xây dựng chưa tương xứng và thỏa đáng.
Dường như ngành giao thông chưa có những tiêu chuẩn chi tiết đầy đủ cho cấu trúc lan can cầu, coi đó là bộ phận nhỏ, cứ tùy nghi cho cầu lớn cũng cứ làm phỏng theo kiểu dáng lan can cầu nhỏ. Mặt khác dường như cũng chưa có những đề tài nghiên cứu kỹ càng thấu đáo về cải tiến cấu trúc lan can cầu, về sáng tạo kiểu lan can cầu mới có hiệu quả và mỹ thuật cao hơn, mặc dù nó rất quan trọng đối với an toàn giao thông.
Bài này mong được sự quan tâm lưu ý rằng cái lan can cầu tuy nhỏ, nhưng liên quan đến sinh mệnh con người và cuộc sống bình yên của cây cầu, cần được đầu tư trí tuệ và tiền bạc thích đáng để nghiên cứu đảm bảo an toàn về sinh mạng tâm linh con người và giữ gìn vẻ đẹp trong lành của công trình trong thiên nhiên và môi trường sống.
I.NGUY CƠ VÀ TAI HỌA CỦA VIỆC TỰ TỬ TRÊN CẦU ĐÃ HẾT SỨC NGHIÊM TRỌNG.
Nhũng người nào bị bế tắc thất vọng không còn sức yêu mến cuộc đời này vẫn có thể tìm rất nhiều cách và nhiều nơi để giải thoát. Nhưng đáng tiếc là gần đây ngày càng nhiều người tìm đến những cây cầu cao nhất đẹp nhất để từ giã cuộc đời.
Có thể xét một số ví dụ điển hình, trước tiên là với Cầu Bãi Cháy với chiều cao tĩnh không 50m trên vịnh Cửa Lục ở vùng non nước Hạ Long tuyệt đẹp. Liên quan những vụ nhảy cầu Bãi Cháy tự tử có nhiều câu chuyện truyền khẩu xuyên tạc quá giới hạn, trở thành mê tín hoang đường, thậm chí còn được kể cho khách du lịch để truyền đi khắp nơi. Phổ biến nhất là chuyện các cô hồn trên dòng Cửa Lục đã thành tinh hiện về quyến rũ người ta tự tử, được xào lại y như các chuyện ma cũ kỹ thời xưa. Thậm chí dân chúng hai bờ sông còn nói rằng có một nhà ngoại cảm đi qua cầu Bãi Cháy, bất giác, nghe thấy những tiếng khóc than kêu cứu của những oan hồn bị quỷ dữ sai đến đây bắt người thế mạng gây ra nhiều lo sợ.
Dân hai bờ cho rằng đã có người nhẩy cầu tự tử từ khi cầu chưa hoàn thành, và đến nay ít nhất có 20 vụ chưa kể các vụ được can ngăn giải cứu.
Vụ việc đáng chú ý gần đây nhất, là khoảng 10 giờ sáng 20/5/2014, những người đi trên cầu Bãi Cháy thấy một thanh niên chỉ chừng 20 tuổi leo lên ngồi lên lan can cầu, một chân vắt ra phía ngoài, có biểu hiện như đang trong cơn mê muội. Lực lượng bảo vệ đã khuyên can, giải thích yêu cầu người thanh niên này trèo xuống nhưng không nhận được sự hợp tác. Người này còn dọa nếu ai đến gần sẽ nhẩy xuống nước ngay lập tức, khiến mọi người phải dạt ra xa. Trong lúc người thanh niên này đang mải gọi điện thoại cho người nhà cho nên không chú ý đến phía sau, lực lượng công an đã khéo léo tiếp cận, áp sát, ôm chặt, đưa người thanh niên này xuống mặt cầu.
Qua quan sát và xem xét 3 ảnh này đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: Tại sao cây cầu cao lớn nhất nước như Cầu Bãi Cháy lại có bộ lan can mỏng manh đơn giản, chỉ như cái ban công của căn nhà 1 tầng lầu? Nhìn kỹ ảnh số 2 và 3 mới hình dung ra bên dưới là mặt nước cao thăm thẳm với cần cẩu và tầu thuyền nhỏ tý xa xăm, và mạng người quá mong manh trước không gian bao la vời vợi.
Trước đó, lúc 13 giờ 30 ngày 28/06/2012, một nam thanh niên đã treo mình trên chiếc thang dây tự tạo, thả xuống từ lan can cầu Bãi Cháy. Ngay khi phát hiện ra sự việc, nhân viên quản lý cầu và lực lượng chức năng đã đến khuyên can, nhưng thanh niên này dọa: “Mọi người chỉ cần chạm vào đầu dây thôi, tôi sẽ nhảy ngay”. Người vợ và gia đình của thanh niên này cũng đã ra hiện trường và hết sức khuyên can nhưng vô ích. Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ lơ lửng (từ 13 giờ 30 phút đến 15 giờ 30 phút), người này đã buông mình từ độ cao 50 mét xuống mặt nước.
Sau vụ này, dư luận có nhiều trách cứ vì sao có tới 2 giờ mà không tìm được cách gì giải cứu, sao không đặt thiết bị tầu thuyền có đệm êm giảm sốc đón sẵn dưới sông, thậm chí có người còn đòi truy cứu trách nhiệm xem có ai vô cảm. Tuy nhiên có nghiên cứu kỹ tình huống mới thấy lời nguyền của người tự tử không thể coi thường. Ở độ cao 50m không có tầu thuyền nào hứng nổi người rơi. Và đặc biệt là sự gắn kết của người muốn nhẩy với sợi dây là vô cùng lỏng lẻo, nắm lấy hay thả ra hoàn toàn thuộc quyền của người tự tử, nằm ngoài ý chí của mọi người.
Suốt thời gian căng thẳng và rùng rợn trước mạng người treo sợi tóc, không có cách gì tiếp cận và vô hiệu hóa đối tượng như mọi cuộc giải cứu bình thường khác. Người ta chỉ còn cách duy nhất là đứng thương lượng dỗ dành thuyết phục, và sau cùng phải bất lực, không ai dám kéo dây lên để trở thành người bấm nút kết liễu một mạng người.
Quan sát tấm ảnh và suy ngẫm kỹ, ta thấy thực là đáng tiếc vì cái lan can cầu mong manh sơ hở, đến nỗi ai muốn hoặc ai mê muội lú lẫn cũng có thể trèo qua. Đáng sợ hơn, ta còn thấy rõ các người thương thuyết và quan sát cố sức túm tụm lại, vươn đầu và cả nửa người ra ngoài lan can, đến giới hạn cực độ chông chênh nguy hiểm, có thể lộn cổ rơi xuống nếu gió thổi hoặc hoa mắt chóng mặt giật mình. Đây quả là bức ảnh cực kỳ sống động và rùng rợn, có thể làm tư liệu sắc bén cho ai quan tâm đến An toàn giao thông.
Chuyện ở cầu Bãi Cháy khó mà kể hết, nhưng không thể quên kể thêm chuyện người trẻ nhất đã tự tử ở đây là một em gái tên là NVT mới 16 tuổi, còn trong lứa tuổi được pháp luật bảo vệ đặc biệt, đã nhẩy cầu ngày 23/6/2009. Cũng thật là hy hữu khi vớt lên vẫn thấy còn thở nhưng rồi cũng chẳng sống được lâu. Vấn đề cần đặt ra là: hiệu quả bảo vệ của cái lan can ở đây thế nào mà cả các em vị thành niên trong giây phút nông nổi cũng có thể dễ dàng bước qua.
* **
Trở về Hà Nội, cũng nhiều cầu có người tự tử hoặc bị bọn tội phạm lợi dụng gây án phi tang vật chứng.
Vụ nổi tiếng gần đây nhất là tại cầu Thanh Trì, cây cầu hoành tráng giữa sông Hồng kéo dài nhiều cây số, là niềm tự hào của những người xây dựng cầu đã thành công từ thời kỳ ban đầu đầy khó khăn mới mẻ. Vậy mà một tội phạm xuất thân từ thư sinh yếu ớt cùng với môt kẻ trợ thủ vừa hết tuổi trẻ con lại có thể dễ dàng ném được xác nạn nhân xuống sông Hồng qua thành cầu vào một đêm tháng 10/2013.
Tai hại cho cầu Thanh Trì là bị gắn tên vào một chuyện xấu truyền đi khắp nơi. Biết bao nhiêu tốn kém vô vọng để mò kim đáy bể, ròng rã 9 tháng huy động hết khả năng tầu thuyền và nhân lực của cải, cầy sới từng tấc đất suốt sáu bẩy chục km dòng sông để quyết tìm bằng được xác nạn nhân mà đành thất vọng. Chính lúc tưởng chừng phải ngưng lại thì đột nhiên ngày 18/7/2014 bất ngờ tìm thấy nạn nhân nổi lên ở hạ lưu gần cầu.
Những chi phí tốn kém ấy của gia đình và xã hội bỏ ra, nếu biết trước để bỏ vào xây dựng cho cầu Thanh Trì có một thành cầu tốt hơn thì cũng có thể tránh những tai họa đáng tiếc xẩy ra.
* **
Đi tiếp vào miền Trung còn có một cây cầu dây võng hoành tráng mới xây cao to nhất, dài 1856m, nhịp chính dài 405m cao 30m, nhịp biên gồm 2x129m, thân tháp cao 90m, bắc qua cửa sông Hàn Giang ở nơi đẹp nhất Thành phố. Từ ngày 19/7/2009 đưa vào sử dụng đến nay đã có rất nhiều vụ nhẩy cầu.
Điển hình là vụ gần đây, vào lúc 19h ngày 15/7/2014, chị N.T.N. chỉ mới 23 tuổi, đi bộ lên cầu rồi bất ngờ trèo qua lan can nhảy xuống mặt nước sông Hàn. Lực lượng cứu hộ cùng cơ quan chức năng nhanh chóng cứu vớt. Đến 21h35, nạn nhân được đưa vào bờ thì đã chết, và được biết chị N. đã có chồng và 2 con, đã nhẩy cầu chỉ trong một lúc bức xúc vì buồn chuyện gia đình.
Trở về trước nữa, rạng sáng 9/3/2013, anh N.Đ.A. (24 tuổi) đi tổ chức sinh nhật cho em trai. Kết thúc cuộc nhậu lúc 3 giờ sáng, anh cùng một số người bạn lên cầu Thuận Phước dạo chơi. Khoảng 10 phút sau, anh trèo qua lan can, rơi xuống sông ở độ cao 30 mét. Người thiệt mạng có em trai cùng chị gái ra tỉnh làm ăn đã 10 năm nay, vẫn sống hòa thuận. Việc rơi người thật là bất ngờ chẳng khác nào sự nhầm lẫn vô ý trượt chân.
Từ những điển hình này có thể đặt ra vấn đề: Vì sao mà một người con gái yếu ớt lại có thể dễ dàng bước qua lan can cầu như đi chợ? Vì sao một người đi dạo chơi cùng bạn bè sau cuộc nhậu mừng sinhnhật lại có thể nhầm lẫn trèo qua lan can cầu vô tư như đi tìm chỗ ngả lưng?
Xem kỹ tấm ảnh cầu Thuận Phước ta mới rõ là cái lan can của nó cũng đơn giản và mảnh dẻ so với chiều cao và qui mô hoành tráng của cây cầu. Nếu nó cao hơn, có sức cản trở hơn, chắc có thể giúp cho những người dại dột lú lẫn phải thức tỉnh dừng chân.
* **
Xa hơn nữa, về phương nam có cầu Cần Thơ, một cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam. Phần dàn dây văng dài 1010m, với nhịp giữa dài 550m, nhịp biên 2x230m, bắc qua sông Hậu Giang, là ước vọng ngàn đời chinh phục dòng sông từ thuở tổ tiên ta khai hoang dựng nước.
Ngày 24/4/2010, hàng triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước thỏa lòng hướng về hai bờ sông Hậu. Trên cầu chật cứng dòng người sát vai chào đón lễ thông xe.
Vậy mà chỉ qua 3 ngày sau, vào đêm 27 tháng 4 đã có một đôi nam nữ đang hòa trong dòng người dạo chơi trên cầu, bỗng nhiên nắm tay nhau nhẩy xuống sông Hậu. Những người đang ngắm cảnh sửng sốt lao tới, kịp nắm lấy được người con gái, còn người con trai vẫn rơi tuột xuống khoảng không. Mọi người bất lực, chỉ còn biết tuyệt vọng nhìn theo suốt gần 3 giây cho đến khi người con trai biệt tăm dưới làn nước cuộn xoáy mịt mù. Mấy ngày sau mới tìm được người xấu số và được biết người con gái là sinh viên một trường cao đẳng ở Cần Thơ, mới 21 tuổi, còn chàng trai là người ở miền quê huyện Phong Điền 22 tuổi, cùng quyết chết theo nhau để bảo vệ tình yêu vĩnh cửu.
Từ đó cho đến nay, có người ghi chép được trong 4 năm qua, ít nhất đã có 26 người nhẩy qua thành cầu Cần Thơ tự tử.
Gần đây nhất, ngày 30/8/2014, một thiếu nữ dừng xe trên cầu rồi bất ngờ gieo mình xuống sông tự vẫn.
Với chiều cao 40m thì nếu người rơi xuống cũng khó mà toàn mạng. Tuy nhiên, cũng đã có ghi nhận được 8 người còn sống trong tình huống kỳ lạ hiếm có, và tất nhiên là có sống cũng không thể lâu, vì thương tật nặng nề cả thể xác lẫn tinh thần.
Trường hợp điển hình là có một em trai tên là Giầu, quê ở Cần Thơ, buồn vì người yêu từ bỏ, gia đình la mắng, đùng đùng lên cầu Cần Thơ nhẩy xuống. May sao vớt được, ngay lúc còn thoi thóp thì câu đầu tiên nói ra với nhân viên cứu hộ là: “Làm ơn cứu con sống, cứu con sống với”.
Điều đó chứng tỏ rằng: nhiều người tự tử vẫn là nóng nẩy nhất thời chưa cân nhắc kỹ, đến cận kề cái chết thì mới thức tỉnh, thấy tiếc cho cuộc sống trên đời này là quý giá vô cùng, nhưng nhận ra được thì đã muộn, không còn cơ hội trở lại đường trần.
Vì vậy, trong thực tế, cái lan can cầu là vật cản, đã giúp rất nhiều người tỉnh ngộ quay về không dám vượt qua.
Nhìn lại cái lan can cầu Cần Thơ trong ảnh bên, ta cũng thấy nó mảnh mai quá so với khoảng không cao rộng. Giả dụ, nếu nói dại, có người nào nhất thời mê muội lú lẫn cũng đều dễ dàng bước qua nó như một cơn gió lướt, như một hơi thở thoáng qua.
Có thể người thiết kế các cầu nhạy cảm cũng chưa lường trước đầy đủ những tấn bi kịch sẽ xẩy ra trên cây cầu yêu quí của mình trong điều kiện thực tế ở Việt Nam. Họ không có lỗi về thiết kế, bởi đã làm đúng tiêu chuẩn và pháp quy.
Vì vậy việc chống tự tử trên cầu cần có những nghiên cứu từ tận gốc để sửa đổi nâng cấp và tìm ra giải pháp sáng tạo hiệu quả mạnh mẽ hơn.
II. GIÓ LỘNG GIÓ XOÁY ĐÃ THÀNH NHÂN TỐ UY HIẾP AN TOÀN VÀ HẠ THẤP NĂNG LỰC NHIỀU CÂY CẦU NHẬY CẢM.
Quy chuẩn thiết kế cầu đã có quy định chặt chẽ về tính toán lực gió.
Các cầu lớn và có hình dạng đặc biệt còn được tính toán kỹ và làm mô hình đưa vào hầm gió nhân tạo thổi hơi từ mức nhẹ nhàng đến độ mãnh liệt, hoặc mô phỏng trong máy tính để xem xét kỹ càng, đảm bảo cho cầu đứng vững trong mọi tình huống khắc nghiệt nguy hiểm nhất do gió mưa dông bão gây ra.
Tuy nhiên, dường như chỉ mới được xem xét kỹ sự tương tác giữa gió và các bộ phận tĩnh của cây cầu. Còn tương tác giữa gió và con người cũng như các phương tiện qua cầu thì chưa được nghiên cứu đầy đủ lắm.
Vì vậy mới có chùm ảnh kèm theo từ Báo Quảng Ninh, ghi lại sự nguy hiểm và vất vả khủng kiếp của ngừơi tham gia giao thông trên cầu Bãi Cháy khi bị gió lộng gió xoáy ở độ cao 50m trên mặt nước.
Ảnh 1 chụp lúc gió mới mạnh, mọi người đi đứng đã loạng choạng khó khăn phải túm tụm vào nhau che gió cho nhau. Ảnh 2 chụp lúc gió giật, các xe gắn máy bị đổ chồng lên nhau trước mũi ô tô. Ảnh 3 là cảnh đoàn xe bị đổ chồng lên nhau, và hành khách bất lực trước cảnh mưa rơi mù mịt, bên lề có người còn đứng được, có người ngã dụi vào lề bị xe đè xuống.
Mới nhìn qua trong ảnh, ta cứ tưởng các xe ôtô có vẻ như thờ ơ vô cảm không cứu vớt bạn đường. Nhưng xem kỹ thì với luồng gió như vậy, chính xe 4 bánh cũng khó khăn, cố giữ lấy thân mình cho khỏi đổ, bởi thân xe cũng bị gió giật chao đảo, khó ăn lái, non tay cũng lật, nguy hiểm cao độ không chụp xuống riêng ai.
Các bức ảnh cho thấy cầu Bãi Cháy quá trống trải, các lan can cầu đều không góp phần che đỡ chút nào trước gió lộng gió xoáy. Tất cả đều phơi mình trước sự đe dọa của sức mạnh thiên nhiên hung bạo.
Tình hình này phải chăng là chưa dự liệu trước trong thiết kế, bởi nếu thấy trước thì đã không cho phép xảy ra tình cảnh nguy hiểm như trong ảnh.
Giải pháp được đưa ra vẫn là không chống nổi thì cấm.
Theo bản tin cập nhật ngày 16/09/2014, Công ty quản lý cầu phà Quảng Ninh cho biết, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành cấm xe thô sơ, xe máy qua cầu Bãi Cháy khi gió giật cấp 6. Cấm hoàn toàn các phương tiện khi gió bão giật cấp 10. Khi cấm cầu ở mức gió giật cấp 6, đơn vị sẽ bố trí ô tô chở người và phương tiện thô sơ, xe máy qua cầu Bãi Cháy để đảm bảo an toàn.
Đây là một biểu hiện kịp thời hạ thấp năng lực thông xe qua cầu để cứu nguy.
Nhưng cách giải quyết như thế chỉ là biện pháp tình thế trong những dịp có thể nắm chắc được tình hình mưa gió kéo dài tương đối lâu, như khi dự báo có bão và có kế hoạch chống bão trong vài ngày.
Tuy nhiên trong thực tế tai họa gió lộng, gió quẩn, gió giật, gió dông, vòi rồng, lốc xoáy do nhiễu loạn thời tiết cục bộ tại không gian hẹp trong khe núi vịnh biển đồng trống, lại diễn ra bất thường và đột ngột, ập đến ngay mà lại tan nhanh, khó mà kiểm soát dự báo xử lý kịp thời.
Có nhiều khi lên cầu rồi, dông gió mới ập đến thì rất dễ gây hoảng loạn va quyệt, nếu không chạy kịp thì chỉ còn biết phó mặc cho trời. Đến lúc cơ quan quản lý biết được, rồi đo được tốc độ gió, rồi lại tính toán cho ra kết quả xem nó đáng xếp vào cấp mấy để làm căn cứ ra lệnh xử lý theo quy định, thì có thể cơn dông và tình huống nguy hiểm đã xong rồi.
Đặc biệt là nếu có vòi rồng lốc xoáy gió giật thì việc đối phó rất khó chủ động, có khi trở tay không kịp.
Do đó trên các cầu nhậy cảm thì cần phải có các kết cấu lan can đặc biệt để che chở cho các xe lớn xe nhỏ và người qua cầu được an toàn.
III. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
Nước ta ngày càng có nhiều các cầu lớn trên các vịnh biển khe núi dòng sông đồng trống với các điều kiện khí hậu và tâm lý dân sinh đặc biệt. Vì vậy xin đề nghị một số vấn đề cấp thiết như sau:
1. Xin được khẩn cấp triển khai nội dung công việc “CHỐNG TỰ TỬ VÀ GIÓ LỘNG TRÊN CÁC CÂY CẦU NHẬY CẢM”, đưa ngay vào chương trình nghiên cứu An toàn giao thông của Bộ để kịp thời đảm bảo an toàn về sinh mạng, yên ổn về tâm linh con người, giảm bớt khổ cực nguy hiểm khi qua cầu, và giữ gìn vẻ đẹp trong lành của công trình giữa thiên nhiên và môi trường sống.
2. Xin khẩn cấp tổng kết đánh giá có hệ thống tình hình tự tử và gió lộng trên các cây cầu nhậy cảm ở Việt Nam để có căn cứ xếp hạng và lập danh sách các cầu nhậy cảm để có trình tự kế hoạch ưu tiên xử lý.
3. Đề nghị đầu tư bổ xung ngay cho các cầu nhậy cảm những trang thiết bị chống tự tử và chống gió, theo 3 kiểu dáng kiến nghị tùy theo thực tế như sau:
3.1. Đơn giản nhất là lắp thêm các bộ khung thẩm mỹ có lưới ngăn phía dưới các lan can cầu để che chắn chống rơi người.
3.2. Lắp thêm các bộ khung thẩm mỹ hoặc cải tạo cho lan can cầu có độ cao thích đáng để gây khó và làm nản lòng người nào có ý đồ tự tử, đồng thời chống leo trèo phá hoại, tăng thêm ấn tượng vững vàng, tránh nỗi sợ hãi mơ hồ cho người điều khiển phương tiện và đi bộ qua cầu.
3.3.Thiết kế và trang bị các kiểu lan can kết hợp vừa chống tự tử vừa chống gió trên các cầu nhậy cảm như hình vẽ kiểu dáng kèm theo. Dàn chống gió được làm uốn cong vào lòng cầu theo hình dáng khí động học để che gió. Cấu trúc của nó gồm tầng dưới là khe thông gió đủ mức điều hòa cần thiết, tầng trên là kính cường lực để ngắm cảnh lấy sáng, và tầng trên nữa là lớp chắn bức xạ mặt trời. Nhờ lan can kiểu này mà không ai rơi được xuống sông, xe và người được bảo vệ trước mọi nguy hiểm ngoại lai, an toàn trước dông gió bất thường.
4. Đề nghị khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học để thực thi các ý tưởng chống tự tử và gió lộng. Trước mắt xin gợi ý vài vấn đề cấp thiết nhất như sau:
4.1.Bổ xung hệ thống thiết bị khảo sát dông gió, vòi rồng, gió lốc, gió giật ngay tại cầu và nghiên cứu kỹ các chế độ khí tượng cục bộ ngay tại vị trí các cầu nhậy cảm để lập dự án và kế hoạch chống bão, chống dông, chống gió.
4.2. Nghiên cứu lý thuyết về các dạng khí động học của lan can chống dông gió để chọn ra dạng đường cong tối ưu phù hợp với hướng gió và quy luật gió ở từng vị trí cụ thể của nơi cần xử lý.
4.3. Nghiên cứu chi tiết hơn về cộng hưởng giao động của cầu với điều kiện gió khi có màn lan can chống gió.
4.4. Kiểm định khả năng cộng hưởng và triệt tiêu tiếng ồn tiếng rít của mưa gió tác động vào cấu trúc của cầu.
Đánh giá lại và tính toán chính xác các khả năng cộng hưởng khi xuất hiện nhiệt độ, độ ẩm, và lượng nước trong gió ở mức độ tương thích quật vào các dây văng gây nên các hợp âm kinh dị biến dạng thành tiếng cầu dây văng than khóc trong mưa gió.
Các tác nhân này không nhất thiết phải lớn nhất và thường xuyên, mà có khi chỉ một luồng mưa gió nhỏ thôi nhưng phù hợp với tần số giao động riêng của một số bộ phận cầu nào đó sẽ gây ra cộng hưởng mà phát ra các hợp âm và giai điệu hòa nhau rồi méo mó thành tiếng động bí ẩn kỳ lạ. Bởi vậy nó không thường xuyên, có lúc đột nhiên xuất hiện như ma quỷ ra oai, nhưng khi có người đợi chờ để khảo sát và kiểm chứng thì không thấy nó, mà vẫn chỉ cảm nhận được những rung động quen thuộc của trạng thái an toàn.
Chính vì vậy mà có người tưởng rằng chỉ riêng mình mới có tài năng thần diệu được ma quỷ nhắn nhủ giao lưu than thở, có người lại thấy rùng rợn sợ hãi thêu dệt nên nhiều chuyện quái đản hoang đường. Làm rõ và kiểm soát được chuyện này sẽ ngăn chặn từ nguồn gốc các câu chuyện mê tín dị đoan, đảm bảo cho người qua cầu an tâm mạnh dạn điều khiển phương tiện được chính xác an toàn.
5. Đề nghị tiến hành ngay trước tiên là việc cải tạo bổ xung nâng cấp bộ lan can cầu Bãi Cháy và một số cầu đang có nhiều nhậy cảm bức xúc. Đó là nơi đang cần cấp thiết chống nạn tự tử và gió lộng để bảo vệ hình ảnh đẹp của cây cầu và giảm bớt nỗi khó khăn cực nhọc nguy hiểm cho người và xe qua cầu mỗi khi bất chợt có giông tố vòi rồng cuồng phong ập tới.