Metro Bến Thành-Suối Tiên: Bị phạt 2,5 tỉ mỗi ngày vì chậm giao mặt bằng, lỗi tại ai?

2014/12/26 18:52 - Nguồn : Kiên Giang
 
UBND tỉnh Bình Dương lý giải việc chậm giao mặt bằng do doanh nghiệp chây ì trong việc bàn giao mặt bằng. Doanh nghiệp thì khẳng định do chính quyền làm sai. Dự án metro số 1 nằm trong tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km (đi qua địa phận Q.1, Bình Thạnh, Q.2, Q.9, Thủ Đức thuộc TPHCM và huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương). 
 
Hiện các gói thầu xây dựng của tuyến metro số 1 đã đồng loạt khởi công các hạng mục. Trong đó vị trí cuối cùng còn lại mà tỉnh Bình Dương chậm giao mặt bằng thuộc gói thầu đi trên cao. Theo hợp đồng đã ký kết với liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 6, TP.HCM phải bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công chậm nhất vào cuối năm 2012. Song do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, TP.HCM nhiều lần đề nghị gia hạn và thời hạn cuối cùng được chốt vào ngày 30-9-2014. Tuy vậy, đến thời điểm hiện nay dự án vẫn kẹt mặt bằng.
 
Nhì nhằng tranh cãi
 
Dự án đã được khởi công từ năm 2008. Có khoảng 1.000 hộ dân, đơn vị bị ảnh hưởng phải giải tỏa. Tính đến nay, toàn dự án chỉ còn mỗi Công ty TNHH TMDV Vĩnh Phát (gọi tắt là Công ty Vĩnh Phát) chưa bàn giao mặt bằng, với diện tích gần 2ha. Ông Nguyễn Văn Lộc - Bí thư thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết chính quyền ấn định lịch cưỡng chế từ ngày 21.12. Tuy nhiên, khu đất đến nay vẫn còn nguyên hiện trạng. 
 
Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty Vĩnh Phát nói với phóng viên Một Thế Giới: "Không hề có chuyện doanh nghiệp chây ì. Lý do chưa thể bàn giao mặt bằng là vì tỉnh Bình Dương chưa đáp ứng các nguyện vọng của doanh nghiệp".  Theo bà Lương, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định số 3552, ngày 21.12.2012, về việc thu hồi đất của Công ty Vĩnh Phát. Thế nhưng, mãi đến ngày 29.7.2014, Phòng TNMT thị xã Dĩ An mới công bố, giao cho doanh nghiệp. Trước đây, khu đất và tài sản trên đất của công ty được bồi thường 52 tỉ đồng. Bà liên tục khiếu nại, mỗi lần khiến nại, tỉnh lại điều chỉnh bổ sung. 
 
Qua 7 lần điều chỉnh bổ sung trong vòng hơn 1 năm (từ ngày 5.4.2013- 9.7.2014), số tiền bồi thường mới được nâng từ 52 tỉ đồng lên 125,1 tỉ đồng. Phía doanh nghiệp khẳng định UBND tỉnh áp dụng khung giá đất đền bù tùy tiện và bất nhất. Dù doanh nghiệp nhiều lần khiếu nại nhưng không được giải đáp. Trao đổi với báo Pháp Luật TPHCM mới đây, ông Nguyễn Tấn Thảo - Giám đốc Trung tâm Quỹ đất thị xã Dĩ An cho biết diện tích giải tỏa ở Công ty Vĩnh Phát là 1,97 ha và số tiền bồi thường là 125 tỉ đồng. Nhiều lần lãnh đạo UBND thị xã Dĩ An gặp đại diện Công ty Vĩnh Phát để làm việc, đối thoại và vận động nhưng phía doanh nghiệp này vẫn không đồng ý với mức giá bồi thường trên.
 
“Phía Công ty Vĩnh Phát vẫn đang khiếu nại về việc kê biên tài sản, chính sách về giá đền bù... Hiện nay chính quyền địa phương đang tiến hành giải quyết khiếu nại của công ty. Nhưng vì lo ngại việc chậm trễ bàn giao mặt bằng ảnh hưởng tiến độ thi công tuyến metro số 1 và đã quá hạn hơn một tháng so với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nên UBND thị xã Dĩ An đã ra quyết định cưỡng chế Công ty Vĩnh Phát” - ông Thảo cho biết.
 
“Chúng tôi cũng biết chủ đầu tư và bên TP.HCM liên tục có văn bản hối thúc tỉnh Bình Dương giao mặt bằng và cảnh báo nguy cơ phải bồi thường 2,5 tỉ đồng/ngày cho nhà thầu vì chậm bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, do vướng việc bồi thường, vận động doanh nghiệp nhiều lần nhưng đều không thành” - ông Thảo cho hay.
Ngày 28.11.2014, Văn phòng Chính phủ cũng đã ra công văn chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương phải giải quyết khiếu nại của Công ty Vĩnh Phát theo quy định pháp luật song đến nay vụ việc vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
 
Giải phóng mặt bằng không dễ 
 
Theo tìm hiểu của phóng viên Một Thế Giới, UBND thị xã Dĩ An đã ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất của Công ty Vĩnh Phát. Tuy nhiên, thực tế việc cưỡng chế không thể tiến hành. Công ty Vĩnh Phát là doanh nghiệp kinh doanh xe cơ giới hạng nặng. Hiện khu đất của công ty này tập kết hơn 400 xe hạng nặng đủ loại như: Xe xúc, xe lu, xe đào đất, xe móc đất, cần cẩu… Mỗi xe có trọng lượng từ 50 – 70 tấn. Chính quyền Bình Dương dù có lực lượng cưỡng chế hùng hậu cũng bất lực, không biết cách nào để di dời số tài sản này. 
 

Khó giải phóng mặt bằng của công ty Vĩnh Phát vì còn nhiều tranh cãi
 
Đại diện Công ty Vĩnh Phát cho biết không còn khu đất nào khác để chứa hết 400 xe cơ giới “khủng” này. Doanh nghiệp đã hợp tác với Công ty TNHH Vĩnh Phú - trụ sở km số 8 đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, thuộc xã Quang Minh, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội. Vấn đề là kinh phí di dời toàn bộ số xe khủng này ra Bắc ngót nghét...10 tỷ đồng. Do vậy, doanh nghiệp đã đề nghị UBND tỉnh Bình Dương và thị xã Dĩ An tạm ứng số tiền này nhưng không được đáp ứng. "Chỉ cần cơ quan hành chính trả lời các khiếu nại và hỗ trợ kinh phí, chúng tôi sẽ chủ động di dời bàn giao mặt bằng"-bà Nguyễn Thị Lương nói. 
 
Theo bà Lương, những nguyện vọng chính đáng của bà đã bị tỉnh Bình Dương phớt lờ. Bà bày tỏ mong muốn được làm việc trực tiếp với chủ đầu tư TP HCM để tìm giải pháp tốt nhất, không gây ảnh hưởng dự án metro, đảm bảo cho doanh nghiệp không bị thua thiệt. Về thắc mắc của bà Lương sau hai năm mới nhận được quyết định thu hồi đất, đại diện UBND thị xã Dĩ An giải thích với báo chí rằng khi cơ quan chức năng gửi quyết định thu hồi đất tới công ty thì bà Lương (người đại diện của công ty) đi vắng, những người khác trong công ty không chịu ký nhận. 
 
Sau đó quyết định này đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường Bình Thắng theo đúng quy định. Còn số tiền bồi thường đã được cơ quan chức năng tính toán, có phương án hỗ trợ hợp lý nhất cho Công ty Vĩnh Phát. Dự kiến hôm nay (26.12), UBND tỉnh Bình Dương tổ chức cuộc họp với Công ty Vĩnh Phát để bàn giải pháp rốt ráo cho vụ việc nhưng bà Lương cho Một Thế Giới biết bà đang nằm viện điều trị bệnh đột quỵ.
 
Tuyến metro số 1 được khởi công ngày 28.8.2012, dự kiến đưa vào sử dụng vào đầu năm 2018 với tổng mức đầu tư ban đầu (năm 2007) gần 17.400 tỉ đồng bằng vốn vay ODA của chính phủ Nhật (hơn 14.400 tỉ đồng) và vốn ngân sách. Song năm 2011, tổng vốn đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng lên, thành hơn 47.300 tỉ đồng do biến động giá nguyên nhiên liệu, tăng khối lượng cho dự án, cập nhập tỉ giá…

Liên quan đến các “điểm nghẽn” mặt bằng, trong buổi kiểm tra tiến độ dự án vào đầu tháng 8.2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh Bình Dương cấp bách giải tỏa mặt bằng và trong lúc chờ phải tạo điều kiện cho nhà thầu khoan thăm dò địa chất, làm cơ sở thiết kế chứ không thể vì một vài trường hợp làm ảnh hưởng đến lợi ích chung.