Ra quân triển khai "Năm trật tự văn minh đô thị và đảm bảo TTATGT 2015"
2015/1/5 18:18 - Nguồn : Nguồn: Bộ GTVT
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng dự Lễ ra quân
Giảm tối thiểu 5% TNGT, 7 điểm ùn tắc
Triển khai Năm trật tự văn minh đô thị và đảm bảo TTATGT, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu giảm từ 5 – 10% TNGT đường bộ, đường sắt, không để xảy ra TNGT đường thuỷ nghiêm trọng. Thành phố cũng phấn đấu giảm 7 – 10 điểm ùn tắc giao thông trong tổng số 46 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc trên địa bàn thành phố năm 2014; Đẩy mạnh công tác chỉnh trang hè đường phố, giữ gìn trật tự đô thị…
“Trong năm 2015, cùng với việc phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn đảm bảo chất lượng, an toàn, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các công trình phụ trợ phục vụ công tác tổ chức giao thông, trong đó có camera giám sát giao thông; tổ chức lại 59 nút giao thông trọng điểm; quy hoạch sắp xếp các bến xe liên tỉnh, tuyến vận tải hành khách liên tỉnh; mở rộng vùng hoạt động của xe buýt”, ông Viện nói.
Tổ chức phong trào không dàn trải, nóng vội
Phát biểu tại Lễ ra quân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Năm 2014, Hà Nội đã hoàn thành vượt mức mọi chỉ tiêu, kế hoạch. Riêng trong lĩnh vực quản lý đô thị, ATGT, chống ùn tắc giao thông, thành phố đã có bước chuyển biến đáng kể".
UBND TP Hà Nội tiếp tục chọn năm 2015 là năm trật tự, văn minh đô thị.
Thống nhất cao với chủ trương của Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội tiếp tục chọn năm 2015 là năm trật tự, văn minh đô thị, trong đó tập trung vào lĩnh vực giao thông đô thị, nhằm chuyển biến về ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông, đưa công tác quản lý đô thị vào nề nếp hơn, văn minh hơn, trật tự hơn, Phó Thủ tướng cũng khẳng định TP Hà Nội đã xây dựng và ban hành một kế hoạch, hành động triển khai với nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể.
Sang năm 2015, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội cần nghiêm túc triển khai 4 nội dung. Trước hết cần tiếp tục tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT, văn minh đô thị, đặc biệt cả hệ thống chính trị phải vào cuộc vận động người dân Thủ đô thực hiện. “Việc này phải làm thường xuyên với cách làm phong phú, đa dạng từ cấp thành phố tới cấp cơ sở. Hà Nội có nhiều mô hình tốt, cần nhân rộng”, Phó Thủ tướng nói.
Kế đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Nội phải thực hiện đồng bộ, lâu dài, kiên trì các giải pháp về tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, đặc biệt tại các điểm thường xảy ra tai nạn, ùn tắc, các nơi mất TTATGT, trong đó có việc duy tu, duy trì chất lượng hạ tầng giao thông, thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm.
Trong lĩnh vực quản lý đô thị, Hà Nội cần chọn những vấn đề bức xúc, bức thiết trong cuộc sống, những khâu đột phá, trọng tâm để tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ví dụ như phong trào đường thông, hè thoáng, phong trào không vứt rác bừa bãi… Tổ chức phong trào không dàn trải, không nóng vội, đặt ra các nhiệm vụ cụ thể ở từng khu vực, ở nông thôn, đô thị, khu trung tâm. Cần huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong cuộc vận động toàn dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị của Hà Nội.
Cuối cùng, trong quá trình triển khai, Phó Thủ tướng đề nghị thành phố cần chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Đề nghị HĐND các cấp, UBMTTQ các cấp cần giám sát thực hiện chủ trương này để thực hiện có hiệu quả, thiết thực./.
Chủ tịch thành phố: “Không ở đâu đi lại lộn xộn như Hà Nội”
Ngày 30/12, tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 01 về “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo dành phần lớn thời gian chỉ rõ những tồn tại trên địa bàn. Ông Thảo cho rằng, đường phố đã trật tự hơn nhưng vẫn còn nhếch nhác.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, nhiều "điểm đen" có nguy cơ ùn tắc giao thông trở lại
Báo cáo một năm thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014” cho thấy, hiện nay trên địa bàn thành phố còn 46 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông - đã giảm 30/70 điểm so với năm 2011. Trên địa bàn còn 39 điểm đen về tai nạn giao thông – đã giảm 21/60 điểm.
Trong năm, cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý hơn 609.000 trường hợp, phạt hành chính hơn 115 tỷ đồng, tạm giữ 18.066 lượt phương tiện. Cảnh sát đường thủy, công an các quận, huyện, thị xã kiểm tra xử lý 3.515 trường hợp, xử phạt hơn 2 tỷ đồng. Cảnh sát trật tự xử lý 177.471 trường hợp, phạt hành chính hơn 64 tỷ đồng.
Với tốc độ gia tăng xe máy, ô tô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lo ngại, nhiều “điểm đen” trên địa bàn Hà Nội có nguy cơ tái phát ùn tắc. Để giảm ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội còn mong người dân Thủ đô đi ra đường trật tự được như ở thành phố Hồ Chí Minh.
“Tất cả chúng ta đều biết không đâu đi lại lộn xộn như Hà Nội. Muốn đi lại không lộn xộn phải nghiên cứu cải tạo giao thông, dành các tuyến phố làm nơi đỗ xe, tổ chức phân làn, phân luồng và giáo dục ý thức của người Hà Nội đi đúng làn đường”, ông Thảo nói.
Ngoài ra, ông Thảo cũng yêu cầu các đơn vị phải khắc phục tình trạng nhếch nhác, bụi bặm tối tăm phố phường của Hà Nội. Vì hiện nay, đường phố Hà Nội không tuân theo một quy hoạch nào, bảng biển chỗ thì treo dọc, chỗ thì treo ngang, hè phố thì bị lấn chiếm làm nơi rửa xe, bán hàng.