Vận tải nhân dân trong chiến tranh giải phóng và vấn đề phát huy sức mạnh của vận tải nhân dân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
2015/1/12 16:10 - Nguồn : Đại tá, TS ĐÀO ĐỨC ĐĂNG*
Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ với đơn vị nữ TNXP trên đường 20 quyết thắng
Trong các cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta ở thế kỷ XX, vận tải nhân dân (VTND) (gồm lực lượng và phương tiện vận tải (PTVT) do nhân dân trực tiếp tổ chức và quản lý) chính là “dòng sữa mẹ nuôi dưỡng các lực lượng vũ trang cách mạng”[1].
Ở Nam Bộ, ngay thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, các tổ chức vận tải nhà nước lần lượt được hình thành như: Ban tiếp tế Sài Gòn - Chợ Lớn, Ban tiếp tế miền Đông... Các ban tiếp tế sau này được thống nhất thành Ban vận tải liên tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tháng 12 năm 1948, Ban tiếp tế cùng với nhân dân vận chuyển bằng PTVT thủy và thô sơ trên các cung chặng, theo hình thức dây chuyền: Dân quân các tỉnh Sa Đéc, Mỹ Tho, Tân An vận tải bằng thuyền từ địa phương đến Cái Bèo; Ban vận tải liên tỉnh miền Đông Nam Bộ vận chuyển bằng thuyền từ Đồng Tháp Mười lên Cần Gié; chặng cuối do dân công các tỉnh Tân An, Chợ Lớn… gánh bộ về đến An Nhơn Tây. Số lượng dân công huy động có khi đến 3.000 người. Ngoài huy động số lượng lớn nhân dân làm công tác vận tải (CTVT), ta còn thương lượng với một số nhà buôn, chủ nhà máy xay, chủ thuyền ở Sài Gòn - Chợ Lớn, dùng PTVT của họ và giấy tờ do địch cấp, áp dụng hình thức “vận tải bình phong” để vận chuyển lúa từ miền Tây, Trung Nam Bộ về Sài Gòn xay xát, sau đó chở lên các tỉnh miền Đông. Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ còn dựa vào sự giúp đỡ của Việt kiều, bí mật đưa thuyền vận chuyển hàng bán ra nước ngoài rồi mua lại một số hàng cần thiết như vũ khí, thuốc men, nguyên liệu, hóa chất...chuyển về nước. Trong điều kiện vận tải khó khăn, thiếu thốn, nhưng tinh thần của VTND rất cao “có đoàn ghe bị địch bắt gần hết. Có người bị bắt ba bốn lần, địch cạo trọc đầu, thả ra, tóc chưa kịp dài lại bị bắt nữa”[2].
Trên chiến trường Bắc Bộ, từ những ngày đầu kháng chiến, để bảo đảm cho nhân dân và lực lượng vũ trang chiến đấu, CTVT chủ yếu dựa vào nhân dân. Lượng vật chất huy động phục vụ bộ đội chủ lực mỗi lúc một tăng, có đợt tới hàng trăm tấn gạo, đạn và phải sử dụng hàng vạn ngày công của nhân dân để vận tải. Do thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” nên việc vận chuyển phục vụ chiến đấu của nhân dân chủ yếu dùng sức người gồng gánh, mang vác và sử dụng các phương tiện thô sơ như xe cút kít, xe súc vật kéo, xe đạp thồ… Sau này, việc huy động vật chất khó khăn, phải kết hợp huy động từ xa, LLVT chuyên trách từng bước được hình thành. Tuy nhiên, việc tiếp tế cho LLVT vẫn phải dựa vào dân là chủ yếu. Trung ương Đảng chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương “vận động nhân dân tham gia chuẩn bị chiến trường, giúp bộ đội phương tiện chuyên chở, giao thông, tiếp tế lương thực”; “huy động nhân dân sửa chữa đường sá, cầu cống cần thiết cho việc hành binh và vận tải, tổ chức những đoàn chuyên chở”. Việc huy động nhân dân làm CTVT rất linh hoạt, có thể theo đợt, cho cả chiến dịch, thời gian huy động ngắn hoặc dài tùy theo công việc. Các đội thanh niên xung phong từ trung ương đến địa phương được tăng cường cho bộ đội, tham gia vận chuyển, làm cầu đường và bảo đảm giao thông. Tính đến hết chiến dịch Điện Biên Phủ đã có khoảng 10.000 đội viên, đoàn viên tham gia vận chuyển, bảo đảm giao thông ở các tuyến đường 1B, 13, 41, 15… Sau chiến dịch Biên giới (1950), nhu cầu giao lưu hàng hóa phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân vùng giải phóng ngày càng nhiều và cấp bách, doanh nghiệp vận tải (DNVT) quốc gia được thành lập, có tên là Sở Vận tải thuộc Bộ Giao thông công chính. Hệ thống của Sở Vận tải bao gồm: các chi sở, đoàn xe hơi, Xưởng sửa chữa xe ô tô (V202). Song song với nhiệm vụ vận tải phục vụ đời sống nhân dân, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là phục vụ cho kháng chiến. Trong chiến cuộc Đông - Xuân (1953 – 1954), ta đã huy động toàn bộ số xe của Sở Vận tải lên để phục vụ chiến dịch. Như vậy, trong kháng chiến chống Pháp, VTND bao gồm: dân công huy động từ các địa phương, từ các tổ chức quần chúng và của DNVT… Chỉ tính riêng trong chiến dịch Điên Biên Phủ, ngoài lực lượng VTQS, ta huy động 260.000 người, 180 ô tô của Hội đồng cung cấp trung ương, 28 xe quốc doanh của Bộ Giao thông Vận tải, 20.991 xe đạp thồ, 7.000 xe cút kít, 300 xe ngựa, 1.000 xe trâu bò kéo và hơn 10 triệu ngày công vận tải, để chuyển tới mặt trận 14.950 tấn gạo, 1.470 tấn thực phẩm chưa kể vũ khí đạn…[4].
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành VTQS từng bước xây dựng chính quy, hiện đại. Tuy nhiên, lực lượng, PTVT trong quân đội được tăng cường không nhiều, trong khi nhiều xe hư hỏng hoặc đến kỳ phải sửa chữa, bảo dưỡng nên tiếp tục phải huy động lực lượng VTND. Theo thống kê đến năm 1955, ở miền Bắc, Sở Vận tải có 196 xe, tư nhân có 2.777 xe (1.133 xe tải, 712 xe khách, 912 xe taxi và xe du lịch)[5]. Hàng năm số lượng xe tăng lên đáng kể, các DNVT từ trung ương đến các địa phương đều phát triển mạnh, tính đến quý 3/1964 ở miền Bắc có khoảng 9.403 ô tô, với 340 kiểu của 109 mác xe. Nhiều chủ xe tư nhân tìm gặp chính quyền cách mạng tự nguyện đóng góp công sức. Nhân dân ở các địa phương cũng tích cực tham gia CTVT và bảo đảm giao thông với các phong trào như “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, động viên hàng trăm nghìn nam nữ phục vụ trên các tuyến vận tải. Chỉ tính riêng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta đã huy động 10.000 xe ô tô, 311 toa tàu hỏa, 32 tàu biển, 223 thuyền và 544 xe đạp thồ. Nhiều gia đình còn tự tay dỡ nhà mình, lấy gỗ, ván lát đường cho xe đi...
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra), địch sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao, với cường độ mạnh, độ chính xác cao... để đánh phá hệ thống cầu đường, LLVT, vì vậy CTVT của ta gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, các khu vực phòng thủ được chuẩn bị trước từ thời bình, nên LLVT của ta, trong đó có VTND đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, hệ thống giao thông vận tải (GTVT) được đầu tư, nâng cấp đồng bộ; tạo ra khả năng và tiềm lực vận tải lớn để sẵn sàng huy động. Để phát huy tốt hiệu quả của lực lượng VTND, kế thừa và phát huy truyền thống của lực lượng này trong chiến tranh giải phóng, ngành VTQS cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, quán triệt quan điểm CTVT toàn dân của đường lối chiến tranh nhân dân, nhằm xây dựng hệ thống GTVT vững chắc, phục vụ phát triển kinh tế, gắn với quốc phòng
Sau gần 30 năm thực hiện đường lối của Đảng, hệ thống GTVT nước ta được đầu tư khá đồng bộ ở tất cả các phương thức vận tải, là điều kiện và động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển, đẩy mạnh sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, góp phần tạo thế trận quốc phòng – an ninh vững chắc. Số DNVT trong cả nước tăng nhanh, đặc biệt là các DNVT ô tô tư nhân... tạo ra tiềm lực GTVT rất lớn, là nguồn huy động dồi dào. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn còn tư tưởng xem nhẹ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị vận tải và khả năng huy động khi chiến tranh xảy ra. Việc liên doanh, liên kết với nước ngoài ở một số nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp thường nằm ở khu vực trọng điểm, các trục lộ giao thông chính, các bến cảng lớn nên ta khó giữ được yếu tố bí mật về mạng đường và khả năng vận tải của khu vực phòng thủ. Do đó, phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh hoạt động vận tải để nâng cao trách nhiệm với Tổ quốc khi cần huy động lực lượng, phương tiện. Cùng với đó, phải xây dựng hệ thống GTVT vững chắc phục vụ phát triển kinh tế, gắn với quốc phòng. Cần chú trọng đến quy hoạch mạng đường, điều tiết hoạt động vận tải giữa các phương thức trên cơ sở lợi ích kinh tế và lợi ích quốc phòng.
Hai là, xây dựng phương án huy động LLVT phù hợp với khả năng, tiềm lực vận tải từng vùng, miền
Địa lý trên từng vùng, miền là yếu tố tác động rất lớn đến phát triển hệ thống giao thông và lực lượng VTND. Vì vậy, căn cứ phương án tác chiến chiến lược và tác chiến khu vực phòng thủ, hệ thống vận tải các cấp trong quân đội phải xây dựng phương án huy động LLVT phù hợp với khả năng, tiềm lực vận tải từng vùng, miền, bộ, ngành, địa phương. Muốn vậy, phải thường xuyên khảo sát, nắm chắc tiềm lực GTVT quốc gia và trên từng vùng, miền...; phương án huy động phải xác định cụ thể: phương thức huy động; số lượng lái xe, thợ kỹ thuật, phương tiện vận tải huy động; trường hợp huy động. Ngoài nhiệm vụ phục vụ tại chỗ cho phương án tác chiến trên các vùng, miền cần phải có phương án huy động hỗ trợ cho tác chiến ở các vùng, miền bên cạnh có LLVT nhân dân chậm phát triển.
Ba là, phát huy tốt khả năng sở trường của từng phương thức vận tải phục vụ chiến tranh, kết hợp với huy động toàn dân bảo đảm, bảo vệ GTVT.
Hiện nay, chủ trương của Nhà nước là phải điều tiết, thúc đẩy phát triển đồng bộ các phương thức vận tải, tạo khả năng khai thác hiệu quả, nhất là cho phát triển kinh tế, gắn với nhiệm vụ quốc phòng. Mỗi phương thức vận tải có những ưu điểm, hạn chế nhất định, nên huy động phải chú trọng đến sử dụng hiệu quả, phát huy sở trường của từng phương thức vận tải. Phương thức vận tải đường không có khả năng vận chuyển, tiếp tế nhanh, nhưng chi phí cao, khả năng bảo đảm, bảo vệ khó khăn; phương thức vận tải đường thủy vận chuyển được khối lượng lớn, nhưng phụ thuộc vào điều kiện luồng lạch, không khép kín chu trình vận chuyển; phương thức vận tải đường sắt, khối lượng vận tải lớn, chi phí vận chuyển thấp, nhưng mạng đường sắt hạn chế, khi bị địch đánh phá khả năng khắc phục chậm, gây ùn tắc; phương thức vận tải đường bộ bằng ô tô, cơ động nhanh, có khả năng khép kín chu trình vận chuyển, tuy nhiên khối lượng vận chuyển hạn chế; phương thức vận tải đường bộ bằng phương tiện thô sơ – sức người, khả năng giữ bí mật tốt, vận chuyển trên tất cả các loại đường, nhưng khả năng vận chuyển thấp. Căn cứ vào khả năng, sở trường của từng phương thức vận tải để tính toán, quyết định huy động theo giai đoạn chiến tranh; các cấp chiến lược, chiến dịch hay chiến thuật.
Do quá trình vận tải luôn phải “lộ thiên”, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và mức độ đánh phá của địch, nên cùng với huy động LLVT trực tiếp vận chuyển, phải kết hợp huy động toàn dân bảo đảm, bảo vệ GTVT.
Bốn là, VTQS các cấp đóng quân trên địa bàn phải làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng VTND
Thế trận VTQS trên các địa bàn phụ thuộc rất nhiều vào mạng đường giao thông và lực lượng VTND ở các khu vực phòng thủ. Vì vậy, phải nắm được thực lực vận tải, quan hệ tốt với chính quyền địa phương sở tại để tham mưu giúp địa phương phát triển mạng đường, LLVT phục vụ phát triển kinh tế, gắn với quốc phòng, an ninh bằng các hình thức tích cực, phù hợp để thường xuyên làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho các tổ chức quần chúng trong việc tham gia CTVT khi có tình huống xảy ra.
Trong chiến tranh, LLVT là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Ngay từ thời bình, chúng ta phải xây dựng lực lượng VTND vững mạnh, kế thừa tốt những giá trị, kinh nghiệm huy động của ngành VTQS trong chiến tranh giải phóng để phát triển phù hợp trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vận tải trong mọi tình huống.
* Học viện Hậu cần