Xử lý dứt điểm “tiếng bom” trên cầu Thăng Long trước Tết

2015/1/20 21:4 - Nguồn : TCCĐ (t.hợp)
"Bom nổ" trên đầu dân và nguyên nhân
 
Nhiều ngày qua, trên tầng 2 cầu Thăng Long xuất hiện những tiếng động “lạ”, đặc biệt là về đêm, khiến cuộc sống của người dân khu vực tổ 10 - xã Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) bị ảnh hưởng.
 
Có mặt tại khu vực dân cư gầm cầu Thăng Long, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi liên tục nghe thấy những tiếng “rầm rầm, huỳnh huỵch” phát ra. Thoáng nghe, nhiều người cho rằng đó là tiếng ép cọc bê tông tại một công trường xây dựng nào gần đó. Song thực tế, những tiếng động “lạ” này phát ra từ tầng 2 của cây cầu mới sửa chữa.
 

Khe co giãn tại khu vực trụ N6 trên tầng 2 cầu Thăng Long là “thủ phạm” gây ra những tiếng động “lạ”.
 
Bác Nguyễn Công Không - Bí thư chi bộ tổ dân phố số 10 cho biết: “Khoảng 1 tháng nay, những tiếng động mạnh này liên tục xuất hiện. Cứ mỗi khi có ô tô đi qua khu vực cầu này là tiếng động lại phát ra. Ban ngày thì thưa thớt thế này thôi, chứ đêm đến thì ầm ầm, không thể ngủ nổi.”
 
Theo quan sát của chúng tôi, khi những chiếc ô tô di chuyển đến khu vực trụ N6 trên đường dẫn lên tầng 2 cầu Thăng Long thì tiếng động phát ra. Xe càng lớn thì tiếng động càng mạnh.
 
Anh Nguyễn Văn Kiểm - Tổ trưởng tổ an ninh tự quản nói: “Ban đêm, nhà tôi đóng cửa kính mà cánh cửa cứ rung xoành xoạch”. Anh Kiểm còn châm một nén hương cắm trên phòng tầng 2 để làm “thí nghiệm” về sự rung động này. Mỗi khi tiếng động “lạ” từ trên cầu phát ra, cây hương lại đung đưa nhẹ, tuỳ mức độ tương ứng với độ lớn của tiếng động.
 
Ông Nguyễn Hữu Chấn, một người dân có nhiều năm kinh nghiệm làm cầu đường, khẳng định, sở dĩ âm thanh lớn như vậy là do khe co giãn gặp sự cố và buổi tối “bom” nổ to hơn vì mật độ xe tải siêu trọng đi lại nhiều. Ông Chấn cũng tỏ ra lo lắng tới việc chất lượng của cây cầu sẽ bị ảnh hưởng.
 

Mỗi khi có xe đi qua, tấm thép phía trên lại rung lên bần bật.
 
Ông Trần Hậu Tiềm, Tổ trưởng tổ dân phố số 10 nói: “Tổ dân phố chúng tôi có hơn 300 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu. Hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi tiếng động này, nhất là các hộ ở gần chân cầu. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm sửa chữa lại khe co giãn để cầu Thăng Long không bị xuống cấp, người dân cũng đỡ khổ”.
 
Đứng trên tầng 2, tại điểm được cho là phát ra những tiếng động “lạ” trên, chúng tôi thấy một tấm thép lớn đặt giữa khe co giãn cứ “nhảy tưng tưng” mỗi khi có xe qua lại (tầng 2 chỉ dành cho ô tô lưu thông), đồng thời phát ra tiếng động vọng xuống phía dưới.
 
Tìm đến Công ty quản lý đường sắt Hà Thái (Tổng Công ty đường sắt Việt Nam), đơn vị chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng các khe co giãn trên tầng 2 cầu Thăng Long, chúng tôi được ông Hoàng Hoà Bình, Phó Phòng Kỹ thuật, giải thích về nguyên nhân của sự cố trên. Theo đó, lò xo và tai cốc (các bộ phận chịu lực của tấm thép phía trên) của khe co giãn này bị vỡ, dẫn đến việc xe đi qua sẽ gây ra tiếng động.
 
Cũng theo ông Bình, Công ty QLĐS Hà Thái chỉ quản lý hệ thống cột điện và 8 khe co giãn trên tầng 2 của cầu Thăng Long. Các khe co giãn này được làm từ năm 1985, khi Liên Xô (cũ) làm cầu cho chúng ta, đến nay đã rất cũ và dão.
 
Trong 8 khe co giãn trên, có 6 khe thuộc dầm thép trên cầu đã được thay mới hoàn toàn trong đợt sửa chữa cầu vừa qua, sử dụng công nghệ hiện đại hơn. Còn lại 2 khe thuộc dầm bê tông tại đường dẫn hai bên lên cầu là vẫn còn nguyên.
 
Ông Bình cho biết, sự cố trên là chuyện thường xuyên xảy ra do các khe co giãn này đã quá cũ kỹ. Hàng năm, công ty phải liên tục kiểm tra, bảo dưỡng, song chỉ có thể sửa trên kết cấu của khe co giãn cũ chứ không thể thay mới vì công ty chỉ là đơn vị duy tu, bảo dưỡng.
 
“Các phụ tùng chúng tôi phải mua trong nước, chất lượng không được tốt như mua ở nước ngoài nên cứ phải liên tục bảo dưỡng mà vẫn xảy ra sự cố, được một thời gian lại phát ra tiếng kêu” - ông Bình lắc đầu.
 
Sau khi nhận phản ánh của PV, Công ty QLĐS Hà Thái đã cho thợ kỹ thuật lên kiểm tra và khắc phục sự cố. Các cán bộ công ty bày tỏ mong muốn có một dự án thay mới 2 khe co giãn cũ kỹ còn lại này để người dân không còn phải chịu đựng những tiếng động khó chịu nói trên.
 
Hoan hô Bộ trưởng Đinh La Thăng
 
Theo đó, do khe co giãn trên tầng 2 cầu Thăng Long bị hỏng, mỗi khi có phương tiện đi qua, các tấm thép va đập với nhau tạo thành những tiếng động lớn, dội xuống khu dân cư. Xe càng to, chạy càng nhanh thì tiếng động càng khủng khiếp, nhất là về ban đêm, khiến cuộc sống sinh hoạt của khu dân cư này bị ảnh hưởng rất lớn.
 
 

Khe co giãn trên cầu Thăng Long bị hư hỏng nên mỗi khi có xe đi qua, các khe co giãn này phát ra những tiếng động kinh hoàng, dội xuống khu dân cư.
 
Tiếp nhận những phản ánh của báo chí, Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá nhanh tại hiện trường. Qua đó, Bộ GTVT xác định, cầu Thăng Long đã được đưa vào khai thác, sử dụng hơn 30 năm. Trong quá trình khai thác, kinh phí bảo trì hàng năm còn hạn chế nên các hạng mục cần đại tu sửa chữa lớn vẫn chưa được đáp ứng yêu cầu.
 
Hai khe co giãn kép trên phần cầu dẫn thuộc trụ ON6 và OB6 của đường ô tô cầu Thăng Long do Liên Xô (cũ) chế tạo đã cũ và hư hỏng lớn, chưa được đại tu, thay thế, dẫn đến hiện tượng gãy lò xo hình đĩa, đứt bu lông cường độ cao, bong, vỡ mối hàn tay hãm cốc, mòn và cong vênh các tấm thép. Mặc dù đã được đơn vị quản lý nhiều lần sửa chữa khẩn cấp nhưng các khe co giãn này vẫn xảy ra các đứt gãy, hư hỏng và đây là nguyên nhân gây ra những va đập mạnh ở khe co giãn khi có các phương tiện giao thông chạy qua. Đặc biệt, khi có các xe tải hạng nặng chạy qua, khe co giãn này đã phát ra những tiếng động lớn, ảnh hưởng đến khu dân cư sinh sống trong khu vực.
 

Qua xem xét đánh giá, hai khe co giãn trên cầu dẫn thuộc trụ ON6 và OB6 đường ô tô cầu Thăng Long nếu trên không thể tiếp tục sửa chữa do không có phụ kiện thay thế tương đương. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông và không ảnh hưởng đến dân cư sinh sống trong khu vực, Bộ GTVT giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khẩn trương tiến hành thay thế đồng bộ hai khe co giãn trên cầu dẫn thuộc trụ ON6 và OB6 xong trước Tết Nguyên đán 2015.