CCHC ngành GTVT hướng đến xã hội hóa dịch vụ công
2015/1/26 10:34 - Nguồn : Báo GTVT
Cục Hàng không VN đã rà soát 176 thủ tục hành chính,
thực hiện đơn giản hóa 155 thủ tục, trong đó đề nghị bãi bỏ 45 thủ tục
5 lĩnh vực chấm điểm tối đa
Vụ trưởng Vụ TCCB (Bộ GTVT) Trần Văn Lâm cho biết, căn cứ hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Vụ TCCB đã chủ trì tổng hợp kết quả tự đánh giá, chấm điểm chỉ số CCHC năm 2014, điểm số tự chấm là 57,6 điểm trên thang điểm 60.
Cụ thể, năm điểm số thuộc 7 lĩnh vực chấm điểm (gồm công tác chỉ đạo điều hành, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), cải cách bộ máy tổ chức, đổi mới cơ chế tài chính) đều đạt điểm tối đa.
Thang điểm của chỉ số CCHC theo quy định của Bộ Nội vụ là 100 điểm, trong đó điểm do Bộ Nội vụ đánh giá là 60 điểm và điểm điều tra xã hội học là 40 điểm.Thang điểm cụ thể được xác định trên 7 lĩnh vực (chỉ đạo điều hành, cải cách thể chế, CCTTHC, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đổi mới cơ chế tài chính và hiện đại hóa hành chính), tương ứng với 7 chỉ số thành phần, ba tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần.
Các Bộ, ngành thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm trên 7 lĩnh vực và gửi báo cáo Bộ Nội vụ kèm theo các tài liệu kiểm chứng và văn bản diễn giải. Bộ Nội vụ thành lập Hội đồng thẩm định và Tổ thư ký thực hiện việc rà soát, đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng. Đối với điểm điều tra xã hội học, Bộ Nội vụ chủ trì việc điều tra xã hội học thông qua phương pháp gửi ý kiến để xác định điểm.
Ở lĩnh vực hiện đại hóa CCHC, Bộ GTVT tự trừ 0,4 điểm do chưa có dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.
Đối với lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, ông Lâm cho biết, Bộ GTVT bị trừ hai điểm do tỷ lệ số lượng cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ được phê duyệt cơ cấu công chức theo vị trí việc làm đạt mức dưới 20%. “Hiện nay, mới phê duyệt được bốn đề án của bốn đơn vị. Tuy nhiên, các bộ, ngành khác cũng chưa phê duyệt”, ông Lâm bổ sung.
Liên quan đến những tồn tại cần khắc phục, ông Lâm cho biết, về cải cách thể chế và CCTTHC, mặc dù cả hai nội dung này được chấm điểm tối đa nhưng trên thực tế, hệ thống thể chế và thủ tục hành chính trong lĩnh vực GTVT vẫn còn nhiều bất cập, rườm rà. Nhiều dịch vụ công chưa đạt mức độ 3. Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công cũng chưa được thực hiện quyết liệt, chưa tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ, tăng chất lượng cung ứng dịch vụ công, chưa xóa bỏ hoàn toàn sự bao cấp của Nhà nước.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Lâm là do nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự chủ động vào cuộc. Việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công còn chậm. Về cải cách chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, ông Lâm cũng nêu rõ, công tác xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức ở từng cơ quan, đơn vị còn chậm.
Nhận thức của một số công chức khi thực hiện đề án vị trí việc làm còn hạn chế; Việc tính toán khối lượng một vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể…
Đáng nói hơn, theo ông Lâm, một số tổ chức mới thành lập từ năm 2012 đến nay vẫn chưa được Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu biên chế. Việc hiện đại hóa hành chính cũng chưa được như kỳ vọng do kinh phí cho các hạng mục công việc trong kế hoạch rất hạn chế. “Hiện chưa có kinh phí để xây dựng và triển khai các dịch vụ công trực tuyến”, ông Lâm nói.
Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công
Chỉ đạo công tác CCHC năm 2015, tại buổi họp Ban cán sự Đảng Bộ GTVT diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, năm 2013, theo công bố chỉ số CCHC (PAR index) của Bộ Nội vụ, Bộ GTVT dẫn đầu về chỉ số CCHC trong khối cơ quan ngang Bộ với số điểm 81,06. Trước đó, năm 2012, Bộ GTVT được xếp thứ 4. Kết quả trên đã khẳng định những nỗ lực của Bộ GTVT trong việc CCHC, CCTTHC, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, Bộ GTVT mới được 81 điểm, trong đó điểm chấm sự hài lòng của người dân chưa cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dư địa để phấn đấu vẫn còn khá lớn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Chúng ta phấn đấu không phải vì điểm số, không phải để được xếp thứ nhất, thứ nhì mà quan trọng hơn là dịch vụ của ngành phải đảm bảo sự hài lòng hơn của người dân và DN. Năm nay, theo đánh giá kinh tế sẽ khởi sắc. Muốn vậy, DN phải khởi sắc, người dân phải khởi sắc. Trách nhiệm QLNN của Bộ GTVT là phải tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho người dân, DN, phải làm sao để việc đi lại được thuận tiện hơn, cước phí vận tải giảm”.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo, những gì tư nhân làm được, DN làm được, dứt khoát chuyển. Những dịch vụ công mà Nhà nước không nhất thiết phải làm, hãy để tư nhân làm. Phải đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công.
Trước đó, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) Trịnh Thị Hằng Nga, hiện tại, Bộ GTVT đã có 16 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT và Cổng thông tin của các Cục quản lý chuyên ngành.
Ông Phạm Duy Ninh, Quyền Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ GTVT đã hoàn thiện hạ tầng và nền tảng cho dịch vụ công của Bộ (Hải quan 1 cửa). Được biết, theo kế hoạch, trong năm 2015, dự kiến có thêm 15 thủ tục sẽ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, 29 thủ tục được cung cấp ở mức độ 3 để đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.