Hoàn thành cầu vượt QL46B sau 180 ngày thi công
2015/1/30 8:58 - Nguồn : Báo GTVT
Những người thợ cầu của liên danh hai nhà thầu đang khẩn chương hoàn thiện nốt hạng mục thi công cuối cùng
Trắng đêm “thần tốc” làm cầu
Mặc dù tiến độ thi công theo hợp đồng là 15 tháng, nhưng trước nhu cầu đảm bảo ATGT tại nút giao QL46B với QL1 và đường sắt Bắc - Nam cũng như tăng cường khả năng kết nối giao thông từ TP Vinh, thị xã Cửa Lò với các huyện miền Tây xứ Nghệ, sau 180 ngày thi công, những người thợ cầu của liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp và Công ty CP Đầu tư 468 đã đưa công trình cán đích đảm bảo chất lượng và tính mỹ thuật cao...
Ngày 29/1, những người thợ cuối cùng tại công trình thi công cầu vượt QL 46B giao với QL1 và đường sắt Bắc - Nam đã rút khỏi công trường để chuẩn bị cho Lễ khánh thành công trình vào ngày 31/1, thời điểm cả nước chuẩn bị kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
Gặp chúng tôi khi vừa bàn giao xong hạng mục cuối cùng, kỹ sư Phạm Chiến Hữu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp thông tin một cách ngắn gọn: Dự án cầu vượt QL46B giao QL1 và đường sắt Bắc - Nam được khởi công ngày 4/8/2014, theo thiết kế cầu dài 395,5 m, mặt cầu rộng 12 m, gồm 9 trụ, 2 mố và 10 nhịp dầm Super T do liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp và Công ty CP Đầu tư 468 thi công theo tiến độ ban đầu là 15 tháng.
Chỉ vào biểu đồ tiến độ chi tiết của dự án, kỹ sư Hữu cho biết: 180 ngày đêm vừa qua thực sự là một chặng đường đầy thử thách với đội ngũ kỹ sư, công nhân của hai nhà thầu: “Theo thợp đồng, thời gian thi công là 15 tháng kể từ ngày khởi công, nhưng trước yêu cầu cấp bách của dự án, chủ đầu tư và ban lãnh đạo hai công ty đều đặt mục tiêu hoàn thành dự án trước Tết Âm lịch 2015. Để rút ngắn tiến độ còn một nửa, gần 20 kỹ sư trong ban điều hành ngoài việc phải thuộc lòng các thông số kỹ thuật trong bản vẽ thiết kế, các mốc tiến độ thì cuốn sổ theo dõi nhật ký công trình luôn là vật bất ly thân của mỗi người”- anh Hữu nói.
Đã từng tham gia với cương vị tư vấn giám sát ở cả chục công trình cầu, đường lớn nhỏ trong cả nước, nhưng với Dự án cầu vượt QL46B, kỹ sư Vũ Đức Hùng, Tư vấn trưởng dự án cũng phải “kính nể” tinh thần quyết tâm của nhà thầu. Kỹ sư Hùng cho biết: Suốt quá trình thi công nhà thầu luôn huy động tối đa nhân lực, thiết bị, lúc cao điểm nhất, hai nhà thầu huy động tới gần 300 kỹ sư công nhân, chia làm 8 mũi, thi công ba ca và thực hiện đồng thời nhiều hạng mục để rút tiến độ.
Bản thân kỹ sư Hùng cũng nhiều lần trắng đêm cùng nhà thầu nghiệm thu hạng mục công trình: “Đợt thi công hạng mục bệ và thân trụ P3, P4, cả đội Tư vấn giám sát đã phải thức trắng tới…7 đêm liên tiếp để giám sát thi công và kịp thời nghiệm thu từng hạng mục, tạo điều kiện để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Hay như những lúc lao dầm, bất kể đêm ngày, Tư vấn giám sát cũng phải bám sát hiện trường, theo sát bên cạnh nhà thầu chỉ đạo công nhân đưa các vị trí dầm vào đúng vị trí thiết kế”, kỹ sư Hùng chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV thì bên cạnh việc đẩy tiến độ, công tác quản lý chất lượng cũng được các nhà thầu đặc biệt chú trọng bằng việc sử dụng 100% bê tông tươi được phối trộn theo tiêu chuẩn kỹ thuật riêng. Cùng đó, nhà thầu chủ động thuê đơn vị thí nghiệm độc lập lấy mẫu, kiểm tra chất lượng tất cả các vật liệu đầu vào trước khi thi công đại trà, nhờ đó, quá trình nghiệm thu không có bất cứ hạng mục công trình nào phải sửa chữa, làm lại ảnh hưởng đến tiến độ.
Phó giám đốc Sở GTVT Nghệ An, người phụ trách toàn bộ Dự án nâng cấp mở rộng QL1 qua Nghệ An, đồng thời cũng nhiều đêm thức cùng kỹ sư, công nhân thi công tại dự án này, ông Phạm Hồng Quang cho rằng: Chúng tôi xác định đây là dự án có ý nghĩa lớn về mặt xã hội của địa phương, nhất là khi QL1 đã hoàn thành nâng cấp. Trên tinh thần đó, bản thân lãnh đạo Sở cũng như anh em trong Ban QLDA đã thường xuyên bám công trường, kịp thời xử lý, giải quyết những vướng mắc kịp thời, nhằm giúp nhà thầu đảm bảo được tiến độ cũng như chất lượng mà chủ đầu tư yêu cầu.
Cầu vượt QL 46B giao QL1 và đường sắt Bắc - Nam hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc và
TNGT trên tuyến mà còn tạo động lực phát triển KT-XH cho các huyện miền Tây xứ Nghệ
Một năm, kỹ sư trẻ rút tiến độ hai công trình
Một ngày khoan hai cọc, hai ngày đúc một dầm, ba đêm lao một nhịp, bốn tháng xong hạ bộ, 6 tháng hoàn thành cầu… Thông tin ngắn gọn mang đậm chất của dân kỹ thuật mà Kỹ sư trẻ Bùi Thanh Bình, Phó Chỉ huy công trường phía Công ty CP Đầu tư 468 đảm nhận thi công chia sẻ với chúng tôi liên quan đến tiến độ của nhà thầu tại công trình cầu vượt QL46B giao QL1 và đường sắt Bắc - Nam. Một con số mà đến khi về đích kỹ sư Bình vẫn còn hết sức bất ngờ sau những gì anh và gần 100 kỹ sư, công nhân của 468 triển khai trong 180 ngày qua.
Sau công trình đầu tay – cầu Khe Ang hoàn thành tháng 8/2014 sau 5 tháng thi công, chàng kỹ sư 26 tuổi Bùi Thanh Bình một lần nữa được Ban Giám đốc công ty tin tưởng giao trọng trách Phó Chỉ huy trưởng - phụ trách hai mũi thi công cọc khoan nhồi. Kỹ sư Bình chia sẻ: Khác với cầu Khe Ang, dự án này đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp hơn, đơn cử như việc thi công cọc khoan nhồi, do cấu tạo địa chất nên mỗi mũi khoan phải đạt độ sâu tối thiểu 50 m - sâu gần gấp hai lần cọc thông thường… mới đến nền đá. Điều này đồng nghĩa với thời gian thi công một cọc cũng kéo dài gấp hai lần, trong khi biểu đồ tiến độ đã ấn định đến đầu tháng 10 phải kết thúc thi công cọc khoan nhồi và bệ trụ. Vì vậy, để hoàn thành 33 cọc khoan nhồi của năm trụ, đơn vị phải điều động tới hai dây chuyền khoan để thi công cùng lúc.
Ngoài ra, ảnh hưởng từ mặt bằng chật hẹp cũng gây cản trở việc đẩy nhanh tiến độ thi công, theo Kỹ sư Bình thì nếu như ở các dự án xây dựng cầu khác, muốn đẩy nhanh tiến độ thì chỉ cần tăng máy, thêm dây chuyền là xong, nhưng với dự án cầu vượt QL46B giao QL1 và đường sắt Bắc - Nam việc thêm máy thêm dây chuyền là… không thể. Lý do là cầu mới được thi công trên nền đường cũ, trụ cầu sát với đường đang khai thác, chân trụ cũng là chân công trường, vì thế toàn bộ thiết bị phục vụ thi công gần như đều “bất di, bất dịch”.
Cách duy nhất mà nhà thầu chọn để hóa giải những khó khăn trên, theo Kỹ sư Bình chính là việc Ban Chỉ huy công trường chủ động lên phương án thi công chi tiết cho từng hạng mục, tính toán chi tiết từ việc chọn vị trí đặt thiết bị, đường vận chuyển vật liệu… Ngoài ra, thường xuyên cắt cử bốn đến năm công nhân chuyên làm nhiệm vụ cảnh giới, phối hợp với lực lượng CSGT điều tiết phương tiện và đảm bảo giao thông.
Rút tiến độ để người dân được hưởng lợi
Đó là tinh thần, đồng thời cũng là “mệnh lệnh thép” được lãnh đạo tỉnh Nghệ An quán triệt xuống chủ đầu tư và các nhà thầu mà Phó Giám đốc Ban QLDA CTGT Nghệ An, kiêm Giám đốc điều hành dự án Trần Đình Dũng bật mí về một trong những lý do phải đưa Dự án QL46B giao QL1 và đường sắt Bắc - Nam về đích sớm: “Nút giao QL 46B với QL1 và đường sắt Bắc Nam vốn là một trong những “điểm nóng” về ùn tắc và TNGT tại cửa ngõ phía Bắc của TP Vinh, nơi thường xuyên xảy ra các vụ va chạm giữa phương tiện đường bộ với đường bộ, phương tiện đường bộ với đường sắt. Cách đây hai năm, cũng tại vị trí này đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm giữa phương tiện đường bộ và đường sắt, cướp đi sinh mạng của năm người trong một gia đình”, lãnh đạo Ban QLDA CTGT Nghệ An chia sẻ.
Trên tinh thần đó, tại công trình này, ngay khi triển khai thi công dự án, với vai trò chủ đầu tư, Ban QLDA CTGT Nghệ An đã yêu cầu các nhà thầu xây dựng biểu đồ tổng thể thi công toàn bộ dự án trong 6 tháng. Quá trình thi công, Ban đã chỉ đạo nhà thầu huy động tối đa nhân lực, thiết bị, tài chính, thi công ba ca liên tục để đẩy nhanh tiến độ dự án. Hàng ngày, Phó giám đốc ban trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra tiến độ, đôn đốc nhà thầu và giải quyết tại chỗ các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
Giám đốc Sở GTVT Nghệ An Nguyễn Hồng Kỳ cho rằng, với yêu cầu cấp bách, đơn vị thi công đã ngày đêm quyết liệt, vượt khó để đưa công trình vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2015, giúp cho nhân dân TP Vinh và khu vực lân cận đi lại được thuận lợi. Về mặt lâu dài, công trình hoàn thành còn giúp cho tỉnh Nghệ An xóa đi một điểm “nóng” về ùn tắc và TNGT, đồng thời trở thành hệ thống giao thông đồng bộ kết nối cảng Cửa Lò, cửa khẩu Thanh Thủy với QL1, góp phần phát triển kinh tế khu vực phía Tây Nghệ An và vùng phụ cận.