TỪNG BƯỚC NGĂN CHẶN XE QUÁ TẢI

2015/2/2 9:41 - Nguồn : NGUYỄN HIẾU

PV: Xin ông cho biết tại sao ở nước ta tình trạng xe quá tải nhiều và kéo dài từ nhiều năm nay?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Quản lý, ngăn chặn xe quá tải lưu thông trên đường bộ ở nước ta đã có quy định và có chế tài xử phạt từ lâu, tuy nhiên do trong thời gian dài công tác này bị buông lỏng, kỷ cương phép nước trong lĩnh vực này chưa thực sự được thực hiện, đặc biệt từ khi hệ thống các trạm kiemr tra tải trọng xe cố định dừng hoạt động. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

PV: Hai năm trở lại đây và nhất là năm 2014 vừa qua, ngành Giao thông đã phát động mạnh mẽ công tác chống xe quá tải. Ông cho biết kết quả của công tác này trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Kết quả lớn nhất đạt được là sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính.

Kết cấu hạ tầng cầu, đường được bảo vệ, kéo dài tuổi thọ khai thác, giữ mặt đường êm thuận, giảm ách tắc giao thông, góp phần giảm tai nạn giao thông. Thị phần vận tải đang được cơ cấu lại hợp lý và tiến bộ hơn, tạo cơ hội phát triển cho các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy, đường biển.

Sau 09 tháng cả nước đồng kiểm soát tải trọng xe, đã đạt nhiều kết quả tốt: Theo số liệu từ phần mềm kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục ĐBVN, tính từ 01/4 đến 31/12/2014 các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động của 63 địa phương và 02 Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định Dầu Giây và Quảng Ninh đã kiểm tra được hơn 430.000 lượt xe, phát hiện hơn 57.000 xe vi phạm, chiếm 13,3% trong tổng số xe được kiểm tra.

Tỷ lệ xe quá tải đã giảm dần từ gần 50% (tháng 01 đến tháng 3), 22% (tháng 4), 12% (từ tháng 5 đến tháng 10), 9,6 (tháng 11) và 8,3% (tháng 12).

Cùng với xử lý vi phạm đối với xe quá tải, để quản lý từ gốc, Tổng cục ĐBVN và 63 địa phương đã tổ chức cho 3.044 doanh nghiệp đầu nguồn hàng ký cam kết không xếp hàng quá tải lên xe ô tô.

Nhiều địa phương đã thực hiện rất quyết liệt, đạt kết quả rất tốt, điển hình như Hải Dương, đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 4.213 xe vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước 33,27 tỷ đồng, tước Giấy phép lái xe 3.965 trường hợp; Nghệ An đã kiểm tra 10.133 xe, phát hiện và xử lý 3.744 xe vi phạm, hạ tải 20.798 tấn, phạt nộp kho bạc Nhà nước 14,624 tỷ đồng, tước Giấy phép lái xe 3.335 trường hợp; Cần Thơ đã kiểm tra 39.000 xe, phát hiện và xử lý 2.247 xe vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước 7,867 tỷ đồng; Bình Phước đã kiểm tra 32.046 xe, phát hiện và xử lý 3.139 xe vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước 10,284 tỷ đồng, tước Giấy phép lái xe 2.303 trường hợp; Thừa Thiên Huế đã kiểm tra hơn 14.250 xe, phát hiện và xử lý 2.990 xe vi phạm, hạ tải 2.500 tấn, phạt nộp kho bạc Nhà nước 8,43 tỷ đồng, tước Giấy phép lái xe 2.990 trường hợp.

PV: Như vậy tình trạng xe quá tải vẫn còn tồn tại và một số địa phương số lượng xe quá tải vẫn còn rất phức tạp, xe quá tải chạy công khai cả ngày, cả đêm, gây bức xúc trong xã hội. Vì sao? Chủ quan của ngành, địa phương và khách quan từ các chủ xe?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Ở bình diện chung cả nước lượng xe quá tải đã giảm nhiều và giảm sâu ở một số địa phương làm tốt như đã nêu ở trên.

Tuy nhiên còn khoảng (35 ÷ 40)% số xe vẫn cố tình chở hàng quá tải, ở một số địa phương số xe quá tải chiếm tỷ lệ cao hơn, ngang nhiên hoạt động. Những tồn tại này do những nguyên nhân sau:

1. Cả nước mới trang bị được 65 trạm kiểm tra tải trọng xe/63 tỉnh, thành phố và một số địa phương có trang bị bộ cân xách tay, lực lượng thực thi nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe rất mỏng, nên chưa thể kiểm soát được toàn bộ các đoạn đường bộ có xe quá tải lưu thông;

2. Trong quản lý hoạt động vận tải, vẫn còn tình trạng chủ hàng, chủ doanh nghiệp vận tải ép lái xe chở quá tải; một số khác vẫn móc nối với những phần tử môi giới và lực lượng kiểm soát tải trọng xe để vượt qua trạm kiểm tra tải trọng xe, một số lái xe còn chống đối lực lượng chức năng, phá hỏng thiết bị cân ...;

3. Lãnh đạo một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm, bất lực, thậm trí là tiêu cực; vì mục đích phát triển kinh tế của địa phương, của phạm vi ngành quản lý, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, một số địa phương, một số ngành, một số cá nhân có chức, có quyền lờ đi, thậm chí là ngầm chỉ đạo không xử lý xe quá tải của địa phương, không ngăn chặn các tổ chức, cá nhân đầu nguồn hàng (thuộc phạm vi quản lý) có hành vi xếp hàng quá tải lên xe ô tô ...

PV: Liệu công tác này có thể thành thường xuyên hay vẫn không thoát khỏi tính chất phong trào, thời vụ? Để hạn chế và chấm dứt xe quá tải cần những quy chế gì?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Công an; Tổng cục ĐBVN, Cục Cảnh sát Giao thông đường sắt, đường bộ và các địa phương sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ để kiểm soát tải trọng xe quyết liệt hơn và quyết tâm giải quyết cơ bản tình trạng xe quá tải trong năm 2015 và sẽ duy trì công tác này trong thời gian tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo kiểm soát tải trọng xe bằng các Công điện: Số 95/CĐ- TTg ngày 10/01/2013, số 1966/ CĐ-TTg ngày 19/11/2013 và gần đây nhất là Công điện số 16/CĐ- TTg ngày 07/01/2015 về việc “tiếp tục và xử lý triệt để tình trạng phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép”. Bộ GTVT và Bộ Công an ban hành Kế hoạch phối hợp số 12593, cuối tháng 12/2014, hai Bộ đã tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá và chỉ đạo tiếp tục thực hiện kiểm soát tải trọng xe.

Để hạn chế và chấm dứt tình trạng xe quá tải, trong Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 07/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể và giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phường và các Bộ, ngành liên quan; cả hệ thống chính trị của các địa phương phải vào cuộc; Hai Bộ GTVT và Công an đã giao Tổng cục ĐBVN và Cục Cảnh sát Giao thông đường sắt, đường bộ nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức, phương thức hoạt động kiểm soát tải trọng xe hiệu quả nhất; các cơ quan báo đài tăng cường tuyên truyền sâu rộng về kiểm soát tải trọng xe cả mặt tích cực và mặt tiêu cực.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014, nội dung chính là tăng chế tài, tăng mức xử phạt các hành vi xe ô tô chở hàng quá tải, quá khổ giới hạn. Các quy định của pháp luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu kiểm soát tải trọng xe. Tổng cục ĐBVN tin tưởng rằng công tác này sẽ được cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo quyết liệt hơn, các lực lượng chức năng ở các tỉnh, TP thực hiện quyết liệt hơn để đạt được mục tiêu đề ra.

PV: Xin cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn ■