NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI - QUÁ KHỨ HÀO HÙNG, TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG

2015/2/2 11:25 - Nguồn : Ngô Đức Hành (thực hiện)

Phóng viên (PV):Thưa Chủ tịch, năm 2015 thật đặc biệt. Trước mắt chúng ta là kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, tiếp đó là kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Chúng ta cũng sẽ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngành Giao thông vận tải Việt Nam. Là một người trưởng thành từ ngành Giao thông vận tải, trong ông có cảm xúc đặt biệt gì?

 

Chủ tịch Ngô Thịnh Đức (NTĐ): Trong không khí mùa Xuân thì rất nhiều cảm xúc. Nói về ngành Giao thông vận tải của chúng ta thì lại càng đặc biệt. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký quyết định thành lập Bộ Giao thông Công chính là một trong 12 bộ của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Năm 1946, trong chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ” của chính quyền mới, Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh sự cần thiết của công tác GTVT: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”.

 

Trong những năm kháng chiến chống xâm lược, ngành GTVT non trẻ đã không chỉ cùng quân dân cả nước ngăn bước tiến quân thù mà còn xây dựng nhiều cung, đoạn đường phục vụ kịp thời việc vận chuyển quân, lương cho các chiến dịch; thiết lập các đường dây giao liên, giữ giao thông liên lạc thông suốt các miền. Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 và chiến thắng Mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn đất nước có phần đóng góp rất lớn của những con đường, những cây cầu và những đơn vị vận tải, giao liên của ngành GTVT.

 

Đường qua miền Tây Bắc cho xe, pháo tới Điện Biên Phủ; đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ suốt dãy Trường Sơn hay đường Hồ Chí Minh trên biển Đông... là những bản anh hùng ca bất hủ về chiến công của quân và dân cả nước, trong đó có sự đóng góp lớn của cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành GTVT Việt Nam. Quả thật, những chương lịch sử đó đầy hào hùng và bi tráng. Chúng ta có quyền tự hào.

 

PV: Chủ tịch vừa nói đến từ “bi tráng”. Không có chiến thắng nào mà không có mất mát, hy sinh. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, những cán bộ ngành GTVT Việt Nam đã ra trận như những người lính?

 

Chủ tịch NTĐ: Đúng vậy. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946, Bác Hồ kêu gọi: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Cách đây gần 50 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào giai đoạn ác liệt, ngày 17/7/1966 trên Đài tiếng nói Việt Nam, lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên: “... Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Những năm tháng đó, đáp lại lời kêu gọi của Bác Hồ “cả nước hành quân, cả nước cùng ra trận”, trong đó có cán bộ công nhân viên ngành GTVT của chúng ta. Các đơn vị thanh niên xung phong được lập mới, những kỹ su, cán bộ kỹ thuật vừa ra trường đã được tăng cường cho tuyến lửa Khu 4.

 

Cầu Năm Căn nối thông đường Hồ Chí Minh với huyện Đất Mũi - Cà Mau hợp long ngày 16/4/2014.

 

Chúng ta đã chiến đấu như những người lính trên mặt trận bảo đảm giao thông, đi trước mở đường... Lịch sử ngành GTVT nói riêng và lịch sử đất nước nói chung sẽ không bao giờ quên những tấm gương hy sinh quên mình, tinh thần xả thân vì sự thông suốt của những tuyến đường ra tiền tuyến với tinh thần “xe chưa qua nhà không tiếc”, “qua sông không cầu, chạy tàu không ga”, “địch phá, ta sửa, ta đi” “Sống bám cầu, bám đường chết kiên cường, dũng cảm”... Hình ảnh 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ tại Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn và rất nhiều thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, lái xe... đã ngã xuống dưới mưa bom, bão đạn ác liệt của kẻ thù, mãi mãi khắc sâu trong tâm trí các thế hệ chúng ta ngày nay.

 

Họ chính là hiện thân của truyền thống “dũng cảm, thông minh, sáng tạo” của ngành GTVT trong những năm tháng chiến đấu hào hùng.

 

PV: Thưa Chủ tịch, năm 2015 cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, trong đó có Đại hội Đảng bộ Bộ GTVT tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nếu như tính về mốc thời gian, Đại hội XII cũng là Đại hội sau 30 năm đổi mới. Là người từng giữ cương vị Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Bộ, Chủ tịch ghi nhận như thế nào về đóng góp của ngành GTVT trong 30 năm qua?

 

Chủ tịch NTĐ: Có thể nói, sau khi chiến tranh kết thúc, công cuộc xây dựng đất nước đã đặt ra cho ngành GTVT những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Một lần nữa, tinh thần “dũng cảm, thông minh, sáng tạo” của các cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành GTVT đã được phát huy.

 

Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 1986 khi đất nước bắt đầu công cuộc “đổi mới”, ngành GTVT đã luôn thể hiện vai trò là ngành kinh tế quan trọng, luôn nỗ lực phán đấu đi trước đi trước mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Các tuyến đường, cây cầu, sân bay, bến cảng... liên tục được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trên khắp mọi miền đã tạo ra những “mạch máu” giao thông quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Mạng lưới giao thông nông thôn, đường tới vùng sâu, vùng xa cũng cơ bản được hình thành góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống của nhân dân, đặc biệt là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Cảnh “nắng bụi”, “mưa lầy”, “cầu khỉ” hay ách tắc thường xuyên trên nhiều tuyến đường nay đã giảm hẳn. Các con đường rộng rãi, êm thuận, những cây cầu mới vượt sông giờ đây đã giúp người dân đi lại thuận tiện, nhanh chóng và an toàn hơn.

 

Trong những năm qua, nhiều công trình giao thông qui mô lớn, tầm cỡ khu vực và thế giới cũng đã và đang được xây dựng ở Việt Nam. Gần đây nhất là cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các đường ô tô cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Sài Gòn – Trung Lương, Cảng Thị Vải - Cái Mép và cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện cũng đang được xây dựng...Hầu hết các tuyến quốc lộ trên khắp đất nước đều được nâng cấp, cải tạo, mở rộng. Đặc biệt, trên Quốc lộ 1, cây cầu lớn cuối cùng trên tuyến là cầu Cần Thơ đã khánh thành năm 2010.

 

Các cầu Cao Lãnh, Vàm Cống đang được xây dựng, luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu đang được triển khai.

 

Cùng với đoạn Cần Thơ – Năm Căn đã hoàn thành vào năm 2006, trục giao thông huyết mạch của đất nước cơ bản đã được hoàn tất, thông suốt từ Lạng Sơn đến tận mũi Cà Mau. Một trục dọc thứ hai của đất nước cũng đã và đang hình thành. Dự án đường Hồ Chí Minh có điểm đầu Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) với quy mô 2 làn xe, dài 3.183 km. Dự kiến đến năm 2020, dự án sẽ thông xe toàn tuyến. Đó là đường Hồ Chí Minh con đường thực sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, an ninh và quốc phòng của đất nước trong giai đoạn mới.

 

Ở lĩnh vực đường sắt, tàu hỏa Bắc-Nam ngày càng có nhiều đội tàu, chất lượng phục vụ dần được nâng cao. Hàng không Việt Nam đã có thêm nhiều máy bay đời mới, hiện đại như Boeing B777, Airbus A321 đưa vào phục vụ hành khách. Các đội tàu biển, tàu sông của Việt Nam cũng vươn tới nhiều điểm đến mới cả trong nước và thế giới.

 

Năm 2014 vừa qua chúng ta tiếp tục thu được thành công trong việc tái cơ cấu ngành GTVT nhất là cải cách hành chính, huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...Có thể nói, ngành GTVT đã và đang nỗ lực thực hiện sứ mệnh của mình đối với đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

PV: Thưa Chủ tịch, nhân năm mới Ất Mùi ông có dự cảm gì?

 

Chủ tịch NTĐ: Là người gắn bó cả đời mình với ngành GTVT, nhìn lại chặng đường 70 năm qua, tôi nghĩ mỗi cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành GTVT đều có quyền tự hào rằng: Ngành GTVT đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong mỗi bước tiến của nước Việt Nam thân yêu đều có sự đóng góp của những con đường, cây cầu, sân bay, bến cảng...; đều có sự góp công của những bàn tay, khối óc của đội ngũ những người lao động ngành GTVT Việt Nam.

 

Truyền thống 70 năm “dũng cảm, thông minh, sáng tạo” vừa là “bệ phóng” nhưng đồng thời cũng đặt lên vai các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ngành GTVT hôm nay trọng trách nặng nề. Đó là phải làm sao cho xứng đáng với truyền thống cha anh.

 

Mặt khác, thời gian tới, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra cho ngành GTVT chúng ta những nhiệm vụ hết sức to lớn. Ngành GTVT không những phải tiến bước cùng đất nước, mà còn phải “đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế” hôm nay và mai sau.

 

Rõ ràng, truyền thống và tương lai đang đòi hỏi ngành GTVT phải nỗ lực hơn nữa, “dũng cảm, thông minh, sáng tạo” hơn nữa. Tôi có dự cảm ngành chúng ta sẽ ngày càng thực hiện xuất sắc sứ mệnh đó.

 

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai

 

PV: Xin cám ơn Chủ tịch!

 

 Nguồn: Tạp chí Cầu đường Việt Nam số Xuân Ất Mùi 2015