MỘT SỐ ĐỀ XUẤT ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO TRÌ KHAI THÁC CẦU DÂY VĂNG
2015/2/3 9:49 - Nguồn : PGS. TS. TỐNG TRẦN TÙNG
Đây là một khối tài sản có giá trị hàng trăm ngàn tỉ đồng, có kết cấu rất phức tạp cần được quan tâm đặc biệt trong việc bảo trì, khai thác để đảm bảo an toàn khai thác, duy trì tuổi thọ theo thiết kế và nhất là cảnh báo, ngăn chặn được những sự cố có thể xảy ra dẫn đến những tác hại khôn lường về mặt kinh tế và xã hội. Thực tế vừa qua đã có những sự cố kỹ thuật, thậm chí là sự cố công trình xảy ra đối với cầu Bính, cầu Cần Thơ, đã và đang được khắc phục với chi phí hàng trăm tỉ đồng, và vẫn còn có những sự cố kỹ thuật đối với một số cây cầu khác như Bãi Cháy, Mỹ Thuận, Kiền đã xảy ra nhưng chưa được quan tâm xử lí dứt điểm.
Trong khi đó, đội ngũ các chuyên gia trong nước hiện nay nắm được bản chất ứng xử của loại kết cấu này cũng như hiểu biết sâu về kỹ thuật, công nghệ và những vấn đề liên quan đến bảo trì khai thác chúng đang rất hạn chế. Kết cấu càng phức tạp thì ứng xử của nó dưới các tải trọng và tác động thường xuyên hay ngẫu nhiên lại càng khó tường minh nên càng khó kiểm soát bằng các biện pháp thông thường. Việc có riêng quy trình bảo trì khai thác cùng với một hệ thống quan trắc tương ứng là rất cần thiết cho những cây cầu này.Hiện nay, hệ thống quan trắc ngày càng được nghiên cứu phát triển, hoàn thiện từ các dụng cụ, thiết bị đo đạc, các loại cảm biến đa năng như cảm biến dây căng, các chương trình, phần mềm xử lý, phân tích và đánh giá các kết quả quan trắc thu được cho đến các phương pháp, hình thức cảnh báo, biện pháp xử lý ... đang được đưa vào ứng dụng ngày càng nhiều đã góp phần quan trọng và quyết định đến chất lượng của việc kiểm soát này.
Năm 2003, sau khi phát hiện những bất cập được thể hiện trong quy trình bảo trì khai thác cầu Mỹ Thuận do tư vấn nước ngoài biên soạn và bàn giao lại, Bộ đã giao nhiệm vụ, cấp kinh phí cho Viện KHCN nghiên cứu biên soạn Quy trình bảo trì khai thác cầu dây văng. Mặc dầu quy trình này đã được nghiệm thu nhưng Cục Đường bộ sau khi xem xét đã không chấp thuận sử dụng kết quả nghiên cứu này mà đã ban hành một Quy trình tạm thời bảo trì khai thác cầu Mỹ Thuận. Đến giữa năm 2012, theo đề xuất của tổ cố vấn, Tổng cục Đường bộ đã bố trí kinh phí và giao cho một số đơn vị tư vấn tổ chức nghiên cứu biên soạn Quy trình bảo trì khai thác riêng cho các cầu Bãi Cháy, Kiền, Đa Krông, Mỹ Thuận.
Tuy vậy đến nay chỉ mới phê duyệt ban hành đối với cầu Đa Krông và Mỹ Thuận. Tháng 12/ 2013, TCĐBVN phối hợp với Công ty NeoStrain (Ba Lan) đã tổ chức Hội thảo “Hệ thống quan trắc cho công trình cầu các kinh nghiệm của Ba Lan và Việt Nam”. Các báo cáo tại hội thảo đã đã đánh giá những vấn đề bất cập của các hệ thống quan trắc đã được triển khai lắp đặt cho một số cầu. Ví dụ như cầu Cần Thơ đã được lắp đặt hệ thống quan trắc dành riêng cho giai đoạn khai thác với chi phí lên đến hơn hai mươi tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ tháng 3/2013 nhưng cho đến nay, các mục tiêu được đặt ra cho hệ thống quan trắc này như “đánh giá sự làm việc của kết cấu, phát hiện sự xuống cấp, suy giảm hiệu suất, nắm bắt biến đổi của kết cấu theo thời gian, cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch quản lý bảo trì hiệu quả v.v” vẫn chưa thực hiện được do chưa được đào tạo, hướng dẫn. Được biết là trong hệ thống này chưa có phần mềm quản lí và phân tích dữ liệu thô. Cầu Bãi Cháy tuy đã được lắp đăt hệ thống quan trắc ngay từ giai đoạn thi công và đã được bàn giao cho cơ quan quản lý nhưng sau đó lại bổ sung thêm hệ thống quan trắc cho giai đoạn khai thác với một lượng kinh phí không nhỏ. Các cầu Bính, Rạch Miễu, Trần Thị Lý và Nhật Tân được lắp đặt hệ thống quan trắc cho giai đoạn thi công có kết hợp cả cho giai đoạn khai thác. Các hệ thống quan trắc này do các đơn vị tư vấn và cung cấp thiết bị khác nhau của nước ngoài thực hiện như VSL, Freyssinet, Niponkoe- Chodai, NTT Data... trên cơ sở khả năng về thiết bị, dụng cụ đo, phần mềm xử lí và kinh nghiệm của từng hãng. Kết quả là việc quản lí hệ thống này và nhất là việc xử lí, đánh giá, thu thập, lưu trữ các số liệu quan trắc còn tồn tại nhiều bất cập, mô hình tổ chức và đội ngũ vận hành chưa đáp ứng được yêu cầu quản lí, khai thác, xử lí và lưu trữ số liệu của hệ thống quan trắc này. Nguyên nhân chính là khi thực hiện công việc này, các đơn vị tư vấn thiết kế và các nhà cung cấp, lắp đặt chưa có một nhiệm vụ thư và yêu cầu kinh tế kỹ thuật thống nhất được đặt ra bởi chủ đầu tư.
Tóm lại, cho đến nay, mục đích, yêu cầu của việc lắp đặt hệ thống quan trắc chưa được xác định thống nhất bởi một qui định hay yêu cầu kỹ thuật để làm căn cứ. Cần quan trắc, đo đạc những đại lượng gì, ở những vị trí nào? Mật độ vị trí đo liên quan đến số lượng điểm đo, số lượng các đại lượng đo hợp lí nhất tối thiểu là bao nhiêu là đủ để thỏa mãn yêu cầu cần thiết cho việc phân tích dữ liệu để không yêu cầu đường truyền và băng thông quá lớn khi chuyển các dữ liệu về máy chủ? Việc lựa chọn thiết bị đo, dụng cụ đo cần đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu chất lượng sản phẩm theo những tiêu chuẩn nào? Phần mềm quản lí và phân tích dữ liệu thô cần đáp ứng những tiêu chí gì? Để vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc sau khi lắp đặt thì yêu cầu về tổ chức và bộ máy nhân sự ra sao, cán bộ vận hành phải qua quá trình đào tạo như thế nào?...... Tất cả những câu hỏi này phải được làm rõ trong một quy định thống nhất đóng vai trò như là nhiệm vụ thư khi đặt hàng để lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, lắp đặt và các nhà cung cấp thiết bị, dụng cụ đo.
Trước thực trạng nêu trên và để việc lắp đặt hệ thống quan trắc sắp tới cho cầu Mỹ Thuận, cầu Kiền theo kế hoạch của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và sau này cho các cầu khác đạt được hiệu quả kinh tế kỹ thuật, xin được đề xuất một số ý kiến như sau:
1. Tổng cục đường bộ Việt Nam cần có một tổ chức đầu mối để lưu trữ tập trung các dữ liệu quan trắc của tất cả các cầu dây văng, được trang bị phần mềm quản lí và phân tích dữ liệu thô, có đội ngũ kỹ sư hiểu và nắm được ứng xử của kết cấu cầu dây văng, huy động được các chuyên gia để định kỳ tiến hành đánh giá sự làm việc của kết cấu, kịp thời phát hiện sự xuống cấp, suy giảm khả năng khai thác do những tác động bất thường để đưa ra các giải pháp can thiệp phù hợp, nắm bắt biến đổi của kết cấu theo thời gian và cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch quản lý bảo trì hiệu quả.
2. Dự thảo các quy trình bảo trì khai thác các cầu dây văng trước khi được Vụ kết cấu hạ tầng trình Bộ ban hành cần được một Hội đồng thẩm định cấp bộ tập hợp được các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này xem xét đóng góp ý kiến.
3. Cần khẩn trương tổ chức nghiên cứu, biên soạn và trình bộ ban hành các văn bản pháp quy kỹ thuật đối với việc thiết kế lắp đặt hệ thống quan trắc cho cầu dây văng. Có như vậy, mới đảm bảo hiệu quả kinh tế kỹ thuật với chi phí lắp đặt tối thiểu. Có như vậy, các bộ phận triển khai thực hiện như các Ban quản lí dự án, tư vấn, nhà thầu, nhà cung cấp lắp đặt và cơ quan quản lí khai thác cầu mới có căn cứ thống nhất để triển khai thực hiện đối với các bước thiết kế lắp đặt hệ thống, kiểm soát ứng xử của kết cấu trong quá trình thi công xây lắp, trong giai đoạn vận hành khai thác, nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn công trình, duy trì được tuổi thọ, cảnh báo được những nguy cơ, những rủi ro, phân tích và lưu trữ được đúng các dữ liệu cần thiết cho việc xử lý khi có sự cố bất thường xảy ra.... Để thực hiện công việc này, cần có cơ chế, chính sách để huy động được sự tham gia của những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cả trong và ngoài nước.
4. Cần thành lập Hội đồng cấp Bộ để thực hiện công tác thẩm định các văn bản pháp quy kỹ thuật nói trên trước khi trình Bộ trưởng ký quyết định ban hành. Hội đồng cần có sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm không chỉ về quản lí nhà nước, về biên soạn tiêu chuẩn mà cả các chuyên gia có kinh nghiệm về thiết bị và công cụ, dụng cụ đo lường, về phấn mềm phân tích và xử lí số liệu đo và chuyên gia về ứng xử của kết cấu cầu dây văng.
5. Tổ chức lựa chọn đơn vị thiết kế và lắp đặt hệ thống quan trắc cho các cầu dây văng do Bộ quản lí cũng như thẩm định Hồ sơ thiết kế lắp đặt hệ thống quan trắc cho các cầu dây văng này trước khi phê duyệt cần có sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.