NĂM MÙI NÓI CHUYỆN CON DÊ
2015/2/9 15:57 - Nguồn : TRẦN THẾ PHỔ
Kết hợp thiên can với địa chi làm lịch để tính thời gian, dê đứng hàng thứ 8 là chi Mùi còn gọi là Vị - sau ngựa (Ngọ) trước khỉ (Thân) của hệ lịch can chi 12 con vật. Giờ Mùi kéo dài từ 13 đến 15 giờ, con người vừa ăn trưa và nghỉ ngơi xong, đang sung sức bước vào buổi lao động chiều. Tháng Mùi là tháng sáu âm lịch, nắng đã nhạt, thời tiết sáng sủa nhất trong năm. Cây cối tươi tốt, ra hoa kết quả nhiều nhất và con người cũng vừa thu hoạch xong vụ chiêm, hứa hẹn sự no đủ. Người ta cho rằng những người sinh năm Dê (tuổi Mùi) thường mưu trí, nhiệt tình, năng động, tài giỏi, thành đạt và gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong đời. Câu ca dao: Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi / Riêng tôi sao lại ngậm ngùi tuổi Thân, có thể bắt nguồn từ những chiêm nghiệm trên.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình ảnh dê xuất hiện khá đa dạng, sinh động, hấp dẫn và đầy ngụ ý. Chúng ta gặp “dê” (dương) ở nhiều lĩnh vực ngôn từ: tự nhiên và xã hội, sách vở và giao tiếp thực tiễn.
Dê hiện diện trong nhiều loại địa danh: từ núi đồi, sông suối, bến đảo, ga, chợ đến tên lãnh thổ hành chính các cấp: Đảo Dê nằm trong quần đảo Cô tô – Quảng ninh. Suối Dê chạy ở huyện Vĩnh cửu – Đồng nai. Xã Dương Xá (Hà Nội), huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), tỉnh Bình Dương v.v...
Dê vốn được dùng phổ biến làm thực phẩm và dược liệu nên tên nó cũng được đặt cho nhiều loài thực vật - nhất là những cây trồng để ăn và làm thuốc: cây tiết dê, cỏ móng dê, cà dái dê, cây sừng dê, dâm dương hoắc, dương tử tô,...
Dê còn được lấy làm đối tượng cho hàng trăm câu ngạn ngữ, phương ngữ, tục ngữ, thành ngữ, ca dao sinh động, dân dã mà thâm thuý. Cà kê dê ngỗng đánh giá sự kể lể tản mạn, dài dòng, huyên thuyên những chuyện lặt vặt, vớ vẩn. Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng là kinh nghiệm về chăn nuôi những con vật có ích với điều kiện kinh tế hoặc xác định, lựa chọn những hoạt động phù hợp với năng lực, hoàn cảnh... của người chăn nuôi. Máu bò cũng như tiết dê, tra tự điển thành ngữ, tục ngữ thấy giải nghĩa là: nhìn nhận coi hai chuyện, hai sự việc, sự vật chẳng khác gì nhau mấy, tương tự như câu Lòng trâu cũng như dạ bò, Lòng vả cũng như lòng sung Riêng câu này xin bàn lại tí chút. Ngay trong câu thành ngữ này việc dùng từ có sự khác biệt tinh tế giữa tiết / huyết / máu. Người ta có thể ăn tiết canh dê, uống rượu huyết dê, nhưng chưa thấy lấy máu bò làm tiết canh, uống rượu máu bò dù đó là các bợm rượu! Phải chăng câu này có nghĩa chê bai cách nhìn nhận đánh giá mù mờ qua hình thức bề ngoài (?). Bán bò tậu ruộng mua dê về cày mỉa mai cách thức làm ăn tham lam vô lối,trái khoáy, không biết tính toán hoặc bỏ sở trường nhắm mắt làm liều để chuốc lấy kết quả chẳng ra gì.Tán rộng một chút hiện nay có nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế đầu tư đa ngành, ngoài ngành mà mình chẳng có chút kiến thức kinh nghiêm gì, dẫn đến lỗ chổng vó, và đã có phá sản Tỉnh ra đã muộn mới sinh cái chuyện cơ cấu lại, rút vốn, rồi lại tái cơ cấu... Nếu đúng vậy thì câu này có thể coi như một câu “sấm truyền”!
Con dê đi vào ca dao, hát ru, dân ca: Ru em buồn ngủ buồn nghê / Con tằm chín đỏ, con dê chín mùi (muồi) / Con tằm chín đỏ để lại mà nuôi / Con dê chín mùi làm thịt em ăn. Khó có thể tìm được sự hữu lý của lời ru này, nhưng nó vẫn tồn tại lâu đời. cả trong nam ngoài bắc. Tiện đây kể chuyện một ông người miền nam đã đọc cho nghe mấy câu ca dao: Bắp non mà nướng cửa lò / Đố ai de được con đò Thủ thiêm, hay câu Cam sành gọt vỏ còn the / Thấy em còn nhỏ anh de để dành. Ông này bình rằng chữ de có nghĩa là gần gũi, o bế, de để dành thật có duyên! Ghi nhận, nhưng câu ca này ở ngoài bắc đọc là ... Thấy em còn nhỏ anh ve để dành. Ve trong từ ve vãn có nghĩa là tán tỉnh, dụ dỗ và có lúc từ này là một động từ đứng độc lâp như ve gái... Phải chăng từ ve mới chính là từ gốc của từ de(?). Đây là cách phát âm của một số vùng miền, như đi về thành đi dzề/ đi dzìa ; vui vẻ thành dzui dzẻ ... Dzí dầu cầu dzán đống đinh / đóng đi đóng lại cái đinh cong dzòng. Nghĩ cũng có lí.
Dê cũng có mặt trong chuyên ngụ ngôn. Truyện Hai con dê cái của “ông vua” viết truyện ngụ ngôn người Pháp La Phông – ten (Jean de La Fontaine – 1621- 1695) có nội dung như đã biết: qua chiếc cầu hẹp, hai con dê đi ngược chiều và tranh nhau qua, nên cùng ngã xuông khe. Câu kết của câu chuyên này tác giả viết đại ý: Câu chuyện về tai nạn trên đây chẳng phải là mới trên con đường của thần rủi may. Chuyện này đươc học giả Nguyễn văn Vĩnh (1882- 1936) dịch thành thơ trong đó có đoạn ... Nào ai có nhường ai đâu / Ganh nhau cho đến đâm đầu xuống khe / Câu này chẳng những chuyên dê / Bước đường danh lợi người đi cùng đường ! Sang thể kỉ 21, nhà thơ Nguyễn Đình viết mới hai câu này: Chuyên này chẳng mới trên đời / Bước đương danh lợi loài người khác đâu. Cũng trong chuyên hai con dê qua cầu, vượt qua một câu chuyện ngụ ngôn, TS Nguyễn sĩ Dũng lại đề cập đến vấn đề khác: ....Tự do, Pháp luật và Đạo đức:... Xin phân tích điều trên từ ... việc hai con dê cùng qua một chiếc cầu. .... Bài học nói trên là một bài học về đạo lý. Đạo đức dạy rằng nếu hai con dê biết nhường nhịn nhau, thì chúng sẽ không bị rơi vào tình cảnh cả hai cùng lăn tòm xuống suối. .... Tuy nhiên, không phải bao giờ đạo đức cũng là một công cụ hiệu năng.... Nếu cả hai con dê trắng và đen đều có đạo đức như nhau, thì việc qua cầu sẽ không phải dễ: chúng sẽ nhường nhau, mà không con nào chịu qua trước cả. .... [khi này] đạo đức có thể gây ra sự tốn kém về thời gian... nhưng vấn đề vẫn còn đó....[Việc] cùng qua một chiếc cầu thì nên như thế nào vẫn không được làm rõ.... Nếu trong hai con dê có một con đạo đức yếu kém hơn, thì con này bao giờ cũng sẽ qua cầu trước. Đạo đức vì vậy ... bị lạm dụng.... Pháp luật mới có thể giải quyết được .... Tuy nhiên, pháp luật cũng không nên bị lạm dụng. Bởi vì việc lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến tự do. Trong lúc đó, tự do mới là một giá trị tự thân và mới là một giá trị tuyệt đối. Những con người tự do cần có pháp luật là để tránh được sự xung đột với nhau. Mọi việc lạm dụng [ pháp luật] vượt qua sự cần thiết nói trên đều chứa đựng rủi ro biến pháp luật trở thành xiềng xích... Trong trường hợp[này] thì quy định của pháp luật chỉ nên là: con dê nào bước chân lên cầu trước thì có quyền qua trước. ... Tuy nhiên, nếu hai con dê cùng bước chân lên cầu một lúc thì sao? Ở đây, chúng ta sẽ có hai cách tiếp cận pháp lý khác nhau.... thứ nhất, lần đầu tiên con đê đen qua trước; lần thứ hai con trắng qua (hoặc ngược lại). Và cứ như thế thay phiên nhau mà qua cầu... thứ hai, bắt thăm (hoặc oẳn tù tỳ) con nào thắng thì con ấy qua trước. Trong hai cách tiếp cận này, cách tiếp cận thứ nhất có vẻ đạt được công bằng ở mức cao hơn, nhưng gây ra tốn kém nhiều hơn. Bởi vì rằng không có hệ thống thống kê và ghi nhận các lần hai chú dê qua cầu sẽ rất khó xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi chú và rất khó giải quyết được tranh chấp. Cách tiếp cận thứ hai đạt công bằng ở mức thấp hơn, nhưng đạt hiệu quả kinh tế ở mức cao hơn. Việc rút thăm (hoặc oẳn tù tỳ) là rất dễ dàng và chẳng gây tốn kém gì đáng kể. Làm luật thì nên chọn được giải pháp dễ dàng thực hiện nhất và ít tốn kém nhất. Chính điều này sẽ dẫn chúng ta đến một cuộc sống thanh bình và thịnh vượng hơn.[ theo Tạp chí Tia Sáng].
Con dê còn đi vào trò chơi. Trẻ em Việt Nam khi chơi trò dung dăng dung dẻ chúng cầm tay nhau xoay vòng tròn và hát bài đồng dao vui nhộn: Dung dăng dung dẻ / Dắt trẻ đi chơi / Đến cửa nhà trời / Lạy câu lạy mợ / Cho cháu về quê / Cho dê đi học / Cho cóc ở nhà / Cho gà bới bếp / Ù à, Ù ệp / Ngồi xệp xuống đây. Một trò chơi khác hình ảnh dê trở nên sinh động, gần gũi hơn, trò chơi Bịt mắt bắt dê. Nếu là trò của trẻ em, trò chơi này thường tổ chức trong những buổi chiều, hoặc tối, thực hiện trong một khu vực hẹp sân hay bãi. Một em nhỏ bịt mắt để đuổi bắt các bạn, trong khi đó nhiều em khác giả làm dê vừa di chuyển vừa kêu be be để xác định chỗ đứng của mình rồi lẩn nhanh đi tránh bị bắt (vì nếu bị bắt em đó sẽ phải đóng vai bịt mắt). Trò chơi này nếu là của thanh thiếu niên còn ngộ nghĩnh hơn. nó thường được tổ chức trong các lễ hội dân gian. Một con dê được thả vào sân hoặc bãi được rào che chắn, hai người tham gia chơi ( tất nhiên một nam, một nữ) bịt mắt để đuổi bắt con dê kia. Cả ba đều khoác áo tơi ( hoặc không), chân đeo lục lạc nên phát ra những âm thanh giống nhau khi chạy nhảy, khiến hai người khó phân biệt đâu là người đâu là dê, vì vậy nhiều lúc không bắt được dê mà túm, ôm nhầm... nhau, gây nên sự sảng khoái của người xem lẫn người chơi. Bình về trò chơi này đã có câu ca: Chơi trò bịt mắt bắt dê / Để cho cô cậu đễ bề ... với nhau !
Lĩnh vực hội họa, điêu khắc, hình tượng dê trong kiến trúc, tạo hình, trang trí, cũng được được thể hiện khá đa dạng trên bia, miếu, đình, chùa,công sở... với đủ loại chất liệu: đất, đá, vữa, bạc, đồng, gỗ, mực, sơn... và bằng nhiều kỹ thuật: tạc, đắp, nặn, xăm, chạm, khắc, đúc, nung, vẽ... Trong lục súc, có lẽ dê là hình tượng đầu tiên xuất hiện ở các chùa chiền cổ xưa - nơi vốn thường chỉ thấy hình ảnh các loài vật linh thiêng, cao quý (long, li, quy, phượng...). Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh (niên đại đầu thế kỷ 17) có hơn 50 bức chạm nổi trên lan can đá, trong đó một bức chạm ba con dê: một con nằm nhởn nhơ trên cỏ, hai con khác ngẩng nhìn bầu trời có ánh mặt trời có mây bay. Cũng nghe nói trên bia, khánh đá và các đồ thờ cúng nhiều chùa khác có chạm khắc hình tượng con dê. Tranh vẽ dê cũng xuất hiện khá sớm, đặc sắc nhất là bức Lục hợp đồng xuân của dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội) vẽ cảnh ông già ngắm xem 6 cháu đang nô đùa với dê và bức tranh Bịt mắt bắt dê của làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) vẽ cảnh một chú dê vừa chạy trốn vừa ngoái nhìn đôi thanh niên nam nữ mắt bịt kín đang lần mò tìm bắt nó. Câu chuyện Hai dê qua cầu có rất nhiều tranh minh họa; ngoài ra còn nhiều tranh vẽ dê xua cũng như nay với những ẩn dụ tinh tế, sâu sắc.
Tranh dân gian Việt Nam về trò chơi bịt mắt bắt dê
Dê cũng có nhiều hình ảnh tiêu biểu đi vào văn thơ, góp phần tạo nên những tác phẩm nổi tiếng thuộc nhiều thể loại và ở mọi thời đại. Từ các áng văn chính luận sắc bén chống giặc như Hịch tướng sĩ (thế kỷ 13) của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có nhắc đến hình ảnh con dê để trách mắng bọn sứ giả triều Nguyên: Tắc lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (thế kỷ 19) của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chê trách kẻ làm tay sai cho giặc dày xéo non sông đất nước: Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó. Sự “đanh đá” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: ... Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ / Lại đây cho chị dạy làm thơ / Ong non ngứa nọc châm hoa rữa / Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa. Xin nói ra ngoài một chút, người viết bài này đã có lần nghe nhà thơ Xuân Diệu (người đã phong tặng nữ sĩ là Bà chúa thơ nôm ) bình câu thơ trên, đai ý: Ở đây có nhiều các bác, các chị, các anh giỏi ngoại ngữ Anh, Pháp,Nga, Hoa... xin dịch dùm chữ cỏn. Không phải là con dê nhỏ, con dê bé, con dê non ... nó cỏn kia !. Thời hiện đại cũng có nhiều nhà thơ viết về con dê. Nhà thơ Lê Đạt (Giải thưởng Nhà nước về văn học ngệ thuật) viết về con dê: ... Rừng động xanh / Ai dừng được xuân / Mấy dê non buồn sừng húc gió / Cẫng lên, cỡn lên / Be be xuân ... Thơ ông, người khen cũng lắm kẻ không hiểu ông cũng không ít.
Trở lại chuyện con dê. Có một chuyện kể ( và viết): trong một đàn dê bao giờ cũng có một chú dê đực đầu đàn, sáng sáng khi được thả từ chuồng ra, chàng ta đứng chắn cửa và giao hoan với tất cả các nàng dê. Hẳn là ngoa ngoắt, thử tinh một đàn dê trung bình có khoảng 30 con, mà phần lớn là dê cái, thế thì cần bao nhiêu thời gian để bầy dê ra hết chuồng ?! Từ chuyện kể đó dê ta bị đeo vào mình những cặp từ như Máu dê thể hiện cái ham hố sinh dục mạnh mẽ của đàn ông (và chỉ của đàn ông – đàn bà có tính đó được gọi là ngựa), Râu dê chỉ bộ râu dậm và cong và cũng ám chỉ người có máu dê; Dê cụ ám chỉ kẻ rất dâm đãng; Thói dê khái quát bản tính ham chinh phục người khác giới; và một động từ - dê gái .... Thật ra từ xa xưa, dê đã bị dồn vào sống trong môi trường khắc nghiệt, kham khổ, bị vây quanh bởi bao nhiêu kẻ thù là các loài ăn thịt, bầy dê lại không có khả năng tự vệ,thì mãnh lực tính dục cũng là quy luật để duy trì giống loài. Lạ cho con người lại đem cái tập tính và quy luật sinh tồn của loài dê để nói về cái xấu xa của chính con người. Thật oan cho con dê!. Nhưng đó có thể là chuyện sau này khi con người ngày càng ... sâu sắc thêm. Xưa, con người không chê về con dê đến mức thế. Con dê đã đươc đưa vào đồ tế lễ với những lời ghi nhận... Dê vốn thuộc loài tế lễ... Để phòng khi tế thánh, tế thần... Hễ có việc lấy dê làm trước / Dê dâng vào người mới lạy sau ... Đấy là chuyên thánh thần còn chuyện thế tục, thì vị trí con dê đâu cũng có xoàng: Thế gian ba sự khôn chừa / Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ. Lại có cả anh chàng tếu táo ước ao: Kiếp sau xin chớ làm người / làm con dê đực đứng nơi ... cửa chuồng. Chuyện đã định hình, bây giờ khen chê gì thì dê vẫn là ...dê!.
Cứ cà kê dê ngỗng mãi, chẳng dứt được. Xin trở lại chuyện thời sự: trong phiên họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII ( tất nhiên có nhiều việc quan trọng) xin trích một tin: Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội: ... “Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, chúng ta đã hoàn thành đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu KTXH mà Đảng và Quốc hội đã đề ra trong năm 2014 (13/14 chỉ tiêu đều đạt và vượt, trừ chỉ tiêu “số lao động qua đào tạo” chưa đạt). Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ này đã tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để kỳ vọng trong năm 2015, chúng ta sẽ đạt và vượt kế hoạch cao hơn 2014, tạo sự thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm do Đảng và Quốc hội đề ra”, .... Một đánh giá và một lời hứa cho một năm sắp qua và một năm sắp đến. Một tin hấp dẫn khác, cũng trong kì họp này Chính phủ đã quyết định tăng lương cho một số đối tượng, bình quân khoảng 8%, tính ra cũng khoảng chín mươi ngàn đồng.Thôi thế là vui. Năm mới dành chút tiền lương tăng của tháng đầu để làm bữa vui mừng tết, mừng xuân, để nhâm nhi và ngâm nga:
Năm Ngọ mã đáo thành công.
Năm Mùi dê béo, rượu nồng phủ phê.