Chủ tịch 'làm thuê'

2015/2/19 18:11 - Nguồn : Chí Hiếu/VnE
Đã hơn một tháng trôi qua từ ngày hoàn tất mua thêm 21 triệu cổ phần của Tổng công Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4), phần hình ảnh của ông Trần Tuấn Lộc vẫn bị bỏ trống trên website của doanh nghiệp này dù tên ông đã xuất hiện trong Hội đồng quản trị.
 
Với việc nắm trên 51% cổ phần tại Cienco4, thay thế Nhà nước để trở thành cổ đông chi phối, ông Lộc hoàn toàn có thể đảm nhiệm vị trí chủ tịch, song chức danh của ông hiện chỉ là phó chủ tịch hội đồng quản trị.
 
Hai chức danh cao nhất tại doanh nghiệp vẫn là người cũ, khi ông Nguyễn Quang Vinh vẫn ngồi ghế chủ tịch, còn tổng giám đốc do ông Nguyễn Tuấn Quỳnh đảm nhiệm. Hai lãnh đạo cao nhất tại Cienco 4 hiện nắm giữ một tỷ lệ cổ phần rất nhỏ nên sẽ không quá lời khi nói họ đều là “người làm thuê” cho phó chủ tịch Trần Tuấn Lộc, người nắm giữ cổ phần chi phối tại đây.
 
Trước khi được biết là người quyền lực nhất tại một trong những doanh nghiệp xây dựng có bề dày của ngành giao thông, ông Lộc đứng đầu một doanh nghiệp xây dựng đóng tại TP HCM. 5 năm trước, đây chỉ là một nhà thầu không mấy tên tuổi. Chỉ hai năm trở lại đây, doanh nghiệp này nhanh chóng nổi lên khi tham gia nhiều dự án cầu đường theo hình BOT tại khu vực phía Nam.
 
Do đó, thương vụ mua lại Cienco 4 đến nay vẫn được giới chuyên gia trong ngành giao thông coi là một “ẩn số”.
 

Ông chủ thực sự - Phó chủ tịch Cienco 4 chỉ ngồi ghế Phó chủ tịch
và bức ảnh về ông vẫn còn thiếu
 
Tuy nhiên, câu chuyện những ông chủ thực sự chỉ “buông rèm điều hành” như tại Cienco 4 không phải là cá biệt trong bối cảnh công cuộc cổ phần hóa đang diễn ra tấp nập trong ngành giao thông vận tải.
 
Trước đó nữa, tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng sau khi sở hữu lượng cổ phần chi phối cũng không “giành” ghế chủ tịch của người tiền nhiệm.
 
Hiện ông Nguyễn Huy Hiền vẫn tại vị chức chủ tịch. Ông Tuấn từ phó chủ tịch hội đồng quản trị, nay đã kiêm thêm chức tổng giám đốc.
 
“Dù là chủ tịch nhưng không nắm cổ phần chính nên tôi cũng xác định đi làm thuê cho nhóm cổ đông chiến lược. Đến lúc nào còn tại vị thì nghĩa là mình còn làm được việc, nếu không cũng nhẹ lòng mà ra đi”, ông Hiền chia sẻ.
 
Cũng là chủ tịch không nắm cổ phần chi phối như ông Hiền, song tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), chiếc ghế của ông Phạm Dũng có vẻ chắc chắn hơn khi không một cổ đông nào nắm số vốn chi phối. 
 
Cơ cấu cổ đông tại Cienco1 khá cân bằng khi không một cổ đông chiến lược nào sở hữu quá 35% vốn điều lệ - ít nhất là trên sổ sách chính thức. Trong số này, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khán và Hassyu cùng nắm 28%; cán bộ công nhân viên trong tổng công ty nắm giữ gần 11% và cổ đông ngoài nắm giữ 23,12% thông qua IPO.
 
Dù là “phận làm thuê”, song có người nói rằng những trường hợp trên vẫn "còn may" so với những người đồng nhiệm trước “cơn lốc” cổ phần hóa năm qua của ngành giao thông.
 
Bởi thực tế, đã có gần một chục lãnh đạo khác phải chấp nhận rời nhiệm sở sau khi các nhà đầu tư tư nhân mạnh tay rót tiền mua lại. Ví dụ rõ nhất phải kể đến là tại Tổng công ty Vận tải thủy.  Ông Nguyễn Ngọc Đích tại vị trên ghế chủ tịch chỉ được ít ngày sau lần IPO. Đến đợt thoái vốn lần 2 ngay sau đó, ông đành phải chuyển sang công việc điều hành để nhường lại ghế chủ tịch cho cổ đông mới là ông Nguyễn Thủy Nguyên.
 
Hay tại Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, chủ tịch Nguyễn Công Tài đã phải nhượng lại ghế ngay khi hoàn thành bán 65% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này.
 

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, việc chủ tịch còn tại vị sau khi hoàn thành cổ phấn hóa cho thấy họ vẫn còn được nhóm cổ đông mới tin tưởng trong việc duy trì doanh nghiệp phát triển. “Tuy nhiên, nếu phải rời đi thì cũng không hẳn do yếu kém mà cũng có thể vì không 'ăn rơ' khi doanh nghiệp thay đổi mô hình, đó là chuyện bình thường”, ông Thăng nhìn nhận.