Bộ GTVT đối thoại với DN vận tải đường bộ
2015/3/12 14:41 - Nguồn : Tiến Mạnh
Thứ trưởng Lê Đình Thọ trong buổi đối thoại với doanh nghiệp vận tải ngày 11/3
Giải đáp nhiều vấn đề “nóng”
Hội trường Bộ GTVT không đủ chỗ ngồi vì đại diện các doanh nghiệp vận tải đến dự quá đông. Trong thời gian chỉ một buổi sáng, đã có tới 26 ý kiến, kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp vận tải, bến xe, gửi tới lãnh đạo Bộ GTVT được ghi nhận và trả lời thấu đáo.
Mở đầu phần đối thoại, ông Lê Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nêu câu hỏi: “Có nên coi taxi là phương tiện công cộng vì loại hình vận tải này hiện mỗi năm vận chuyển đến 120 triệu khách?”. Ông Bình cũng phản ánh, Tết vừa rồi hàng nghìn xe taxi bị dừng hoạt động đột ngột do qui định mới về niên hạn sử dụng xe taxi tại các đô thị đặc biệt rút ngắn còn 8 năm, trong khi taxi tại các tỉnh vẫn là 12 năm. Điều này dẫn tới nguy cơ taxi được đăng ký, cấp phù hiệu ở các tỉnh rồi đưa về thành thị hoạt động.
Trả lời kiến nghị cấm UBER hoạt động tại Việt Nam của ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM do nhà cung cấp phần mềm này không đăng ký kinh doanh vận tải, ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã rất quyết liệt cho thanh kiểm tra các doanh nghiệp có sử dụng phần mềm của UBER để kinh doanh vận tải và phối hợp với các địa phương xử lý vi phạm. Hôm nay (12/3), Bộ GTVT sẽ chính thức làm việc với UBER để làm rõ các qui định pháp luật về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho rằng, vận tải taxi đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của nhân dân, nhưng hiệu năng sử dụng so với xe buýt lớn, xe buýt nhanh, tàu điện thì không thể so sánh. Taxi chỉ chở được bốn khách trong khi các loại phương tiện trên có sức chở rất lớn. Bên cạnh đó, phải cân đối hài hòa lượng taxi trên đường với các loại phương tiện khác. Tuy nhiên, việc đưa taxi vào loại hình vận tải công cộng hay không sẽ được nghiên cứu để có những sự ưu đãi hơn.
Về niên hạn sử dụng đối với taxi, ông Ngọc cho biết, cơ sở để rút ngắn niên hạn sử dụng taxi tại các đô thị là do các xe tại đây có cường độ hoạt động, mật độ và mức độ ô nhiễm lớn hơn. Tuy nhiên, qui định này mới có hiệu lực nên cũng cần phải tiếp tục theo dõi.
Trước kiến nghị của ông Lê Đình Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng về việc xem xét điều chỉnh tải trọng sơ-mi rơ-moóc sản xuất trong nước tương xứng với tải trọng của xe nhập khẩu, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho rằng, để điều chỉnh được tải trọng thiết kế sơ-mi rơ-moóc, các doanh nghiệp phải chứng minh được chiếc xe đó có thiết kế cao hơn. Cục Đăng kiểm VN sẽ căn cứ vào hồ sơ thiết kế và làm việc với hiệp hội vận tải để điều chỉnh...
Tỏ ra bức xúc, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nam Nguyễn Xuân Trường cho biết, hầu hết xe tải vận chuyển vật liệu cát sỏi trên địa bàn tỉnh hiện nay đều rơi vào tình trạng chở quá tải. Trước đây, nhập xe Trung Quốc (HOWO) có kích cỡ, tải trọng khác nhau nên khi chưa kiểm soát tải trọng, xe chạy bằng thùng thì được 20 khối nhưng nay xe ba chân chỉ chạy được 6 khối, bốn chân được 8 khối nên giá thành vận tải tăng rất cao, doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Vì thế cần điều chỉnh tải trọng lên hợp lý.
Trả lời kiến nghị này, ông Hình cho rằng, qui định cho phép xe thân liền 3, 4 trục chở đến 24 và 30 tấn, nhưng nếu xe cụ thể thì phải căn cứ vào thiết kế. Thiết kế ở mức nào, phải chấp hành mức đó, như vậy mới bảo đảm an toàn cho cầu đường và an toàn của xe…
Bộ GTVT cầu thị
Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều hoan nghênh sự cầu thị của cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải. Bằng chứng là chỉ hơn một năm đã tổ chức ba cuộc đối thoại và sau đó đã có nhiều tháo gỡ cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Bộ GTVT đã tổ chức liên tiếp các hội nghị đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cách đi thẳng vào vấn đề để giải quyết, trao đổi khiến doanh nghiệp rất đồng tình. Vì thế theo ông Thanh, qua các cuộc đối thoại này cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp đều phải lắng nghe, thấu hiểu để cùng phát triển.
Trao đổi với PV bên lề hội nghị, ông Lê Đình Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng tâm sự: “Trong cuộc đối thoại lần trước (tháng 9/2014), chúng tôi đã có kiến nghị về việc cải tạo phương tiện sơ-mi rơ- moóc và đã được Bộ GTVT cũng như Cục Đăng kiểm VN rốt ráo giải quyết phần lớn các qui định, điều chỉnh tải trọng trục của xe sơ mi rơ-moóc trong nước so với nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều qui định, giải pháp như: Chế độ bảo hiểm, thiết bị GSHT để quản lý phương tiện, qui định mức chênh lệch cho phép tới 10%... đã tháo gỡ vướng mắc, bất cập cho doanh nghiệp”.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, tất cả ý kiến, kiến nghị tại hội nghị sẽ được các cơ quan của Bộ ghi nhận, nghiên cứu chỉnh sửa và bổ sung với mục tiêu nâng cao công tác quản lý của nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển và đảm bảo quyền lợi của người dân.