Áp dụng công nghệ thu phí không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh

2015/3/12 18:0 - Nguồn : Nguồn: Đại Lộ
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải đã giao cho Công ty cổ phần TASCO và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai thí nghiệm tại 3 trạm thu phí, gồm: Hoàng Mai, trạm Km604+700 Quốc lộ 1 và trạm Km1813+650 trên đường Hồ Chí Minh trong tháng Ba. Tiếp đó, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng lần lượt áp dụng công nghệ thu phí này cho tất cả các tuyến đường bộ trên toàn quốc, bao gồm cả hệ thống đường cao tốc.
 

Bộ GTVT kiểm tra thử nghiệm tại trạm thu phí không dừng qua Quảng Phú (Quảng Bình) (ảnh laodong.com.vn)
 
Công nghệ thu phí không dừng được thí điểm áp dụng tại 3 trạm thu phí trên là công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) do Hoa Kỳ phát triển và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Công nghệ này có nhiều ưu điểm như: chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác đến 99,99%, dễ được chủ phương tiện giao thông chấp thuận (do thẻ RFID được cấp miễn phí).
 
Để sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng, chủ phương tiện sẽ áp được phát một thẻ định danh E-tag (miễn phí) để dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này có thể nạp tiền bằng nhiều kênh khác nhau như nạp trực tiếp, qua mạng internet, qua ngân hàng, qua thẻ cào, gửi tin nhắn bằng điện thoại.
 
Sau khi xe được gắn thẻ E-tag chạy vào làn thu phí không dừng, hệ thống nhận diện xe bằng công nghệ Laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống Atena phát tín hiệu để đọc thẻ E-tag.
 
Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe. Nếu tài khoản thu phí của xe đủ điều kiện, thanh chắn barrier sẽ mở tự động để xe qua, tin nhắn SMS sẽ gửi về số điện thoại đã đăng ký.
 
Trường hợp tài khoản thu phí của xe không đủ tiền hoặc xe không dán thẻ E-tag đi vào làn thu phí tự động, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ thu phí một dừng (MTC). Toàn bộ giao dịch thu phí tại trạm bao gồm ECT và MTC đều được chuyển và lưu trữ trên mạng trung tâm dữ liệu của hệ thống. Tại bất kỳ thời điểm nào, nhà đầu tư BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều có thể kiểm soát được thông tin dữ liệu này qua mạng internet.
 
Bên cạnh hệ thống thu phí không dừng, Bộ Giao thông Vận tải cũng nghiên cứu áp dụng công nghệ cân xe tự động cảm biến thạch anh thay thế cho hệ thống cân tĩnh đang được sử dụng hiện nay. Công nghệ này được đánh giá phù hợp với nhiều loại hình thái thời tiết; đặc biệt công nghệ này cho phép tốc độ xe có thể dao động từ 1-230km/giờ, nhưng độ chính xác vẫn lên tới 98%.
 
Khi xe đi qua hệ thống cân tự động này, thông tin về tải trọng phương tiện quá tải sẽ được hiển thị ngay trên bảng điện tử VMS đặt bên lề đường. Tất cả hình ảnh, thông tin, dữ liệu chi tiết về tải trọng mọi phương tiện đi qua trạm cân đều được chuyển về lưu trữ tại trung tâm dữ liệu. Kết quả cân xe sẽ được sử dụng để xử phạt các phương tiện vi phạm tải trọng.
 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên QL 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thuộc Dự án thu phí không dừng kết hợp kiểm soát tải trọng xe tại các dự án mở rông QL 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOT, nhằm đảm bảo yêu cầu cung cấp dịch vụ thu phí hiện đại, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát và hướng tới sự hài lòng cao nhất cho người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, việc sử dụng hệ thống cân động còn góp phần tiết kiệm ngân sách của nhà nước ( do giảm lực lượng cán bộ hoạt động thường xuyên tại trạm cân) và mang lại hiệu quả cao hơn trong quá trình kiểm soát tải trọng xe.