Nâng ý thức chấp hành luật Giao thông: Không nhìn thấy cảnh sát, nhiều người phá luật
2015/3/16 4:42 - Nguồn : Đặng Thế Truyền*/VietnamNet
Nếu bạn gặp hình ảnh người tham gia giao thông ở các nước tiên tiến nghiêm túc và kiên nhẫn chờ trước đèn đỏ, dù giữa đêm khuya, không có bóng người nào, thì đừng ngạc nhiên. Đó là vì ý thức tôn trọng luật pháp của người dân các đã hình thành và thường xuyên được nâng cao từ khi họ còn rất nhỏ, ngồi trên ghế dành riêng cho trẻ em trong xe người lớn điều khiển.
Một lý do rất quan trọng nữa là người dân ở đó nhận thức rõ ràng rằng nếu vi phạm luật giao thông họ sẽ bị phát hiện và bị phạt. Với hệ thống giám sát điện tử tinh vi, chính xác và hiện nay qua vệ tinh được phủ sóng, hầu như mọi hành vi vi phạm luật giao thông đều bị ghi hình và sẽ bị xử lý trong vòng vài ba ngày sau khi vi phạm. Tính răn đe nghiêm khắc và thường trực của pháp luật buộc người tham gia giao thông phải tôn trọng pháp luật.
Hình ảnh sau vụ tai nạn xảy ra tối 10/3 giữa tàu hỏa và xe tải trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn thuộc tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Lâm Hưng Thơ/ Báo Lao động
Để khôi phục và củng cố được tính hữu hiệu của pháp luật trong hoạt động giao thông, buộc người dân phải tuân thủ pháp luật, VN phải đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để phương thức thực thi pháp luật. Cụ thể là:
1. Rà soát lại Luật Giao thông đường bộ, sửa đổi, điều chỉnh hoặc bổ sung nếu cần thiết để Luật phù hợp với những thay đổi lớn lao trong lĩnh vực giao thông thời gian gần đây. Hệ thống đường cao tốc mới hoàn thành giúp việc đi lại thuận lợi hơn nhiều, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy hiểm. Thói quen giao thông tuỳ tiện thậm chí đi ngược chiều trên đường cao tốc và vượt ngang đường sắt khi đường sắt sẽ được nâng cấp lên 200km/h sẽ gây ra tai nạn thảm khốc.
2. Phải đầu tư thoả đáng cho công tác bảo đảm an toàn giao thông. Ngay ở Thủ đô Hà Nội, hệ thống đèn giao thông vừa cũ kỹ vừa hoạt động không ổn định, nhiều lúc làm cho người đi đường không biết đường nào mà đi.
Súng bắn tốc độ cầm tay của CSGT chỉ ghi được hình xe chạy dưới 120km/giờ; rồi mỗi ca trực, quản lý đoạn đường vài km, nhưng chiến sỹ CSGT chỉ được bồi dưỡng mấy chục ngàn đồng! Như vậy khó tránh được tiêu cực, mà đã tiêu cực một lần, khó mà trở lại.
Số CGST thường trực ngoài đường ngày càng đông thêm, trong khi trên thế giới thì ngược lại. Đã bước sang Thế kỷ 21 được 15 năm rồi, mà CSGT Việt Nam vẫn ghi phiếu phạt, hoá đơn nộp phạt, ghi chép sổ sách y như thời bao cấp! Vì vậy, nếu không nhìn thấy bóng cảnh sát là khá nhiều người phá luật!
Ngay trên hệ thống đường cao tốc hiện đại vừa hoàn thiện, có cung đường tốc độ tối đa cho phép tới 120km/giờ, cao hơn ở Úc tới 10km/giờ (khoảng 9%), nhưng không hiểu theo tiêu chuẩn nào mà các biển báo nhỏ hơn rất nhiều so với các nước châu Âu, hay Úc, chữ nhỏ tí, mà với tốc độ cho phép, lái xe không thể nào nhìn rõ ở khoảng cách thích hợp.
3. Phải khôi phục tính nghiêm minh, công bằng, bình đẳng của pháp luật, mà một biện pháp hữu hiệu là: Gấp rút xây dựng hệ thống giám sát điện tử, việc mà các nước tiên tiến đã làm mấy chục năm nay, ngày càng hoàn thiện hơn. CSGT chủ yếu làm việc ở các trung tâm điều khiển, giám sát, chỉ huy, chứ không phải túc trực ngoài đường.
Giám sát điện tử đã được thế giới chứng minh là vô cùng ưu việt. Thứ nhất, giảm được nhân lực. Ngoài các trung tâm giám sát, chỉ cần một số CS tuần tra để xử lý những trường hợp đặc thù. Thứ hai, sẽ giảm tới mức tối thiểu quan hệ trực diện giữa CS và người vi phạm, từ đó tránh được các hiện tượng tiêu cực, cũng như sự can thiệp của một số người vào quá trình xử lý.
Giám sát điện tử là yếu tố quan trọng nhất tạo ra khả năng giám sát 24/24 và ở bất kỳ nơi nào. Vì vậy tạo cho người tham gia giao thông tâm lý luôn bị giám sát và hành vi vi phạm sẽ bị phát hiện và trừng phạt.
Không hiểu sao ở nước ta việc phạt nguội đã được bàn nhiều năm nhưng đến nay mới chỉ là thí điểm phạm vi hẹp. Với trình độ công nghệ hiện tại trên thế giới và ở ta, chắc việc này không phải là bất khả thi. Mới chỉ mấy chiếc đồ chơi xe hơi gọi là Camera hành trình, và những chiếc điện thoại di động thông thường, mà người dân đã giúp CS bắt được không ít tên trộm, cướp và xử lý một số vụ vi phạm luật giao thông nghiêm trọng.
4. Thiết lập một Cổng thông tin điện tử về an toàn giao thông. Tất cả các trường hợp vi phạm đã bị xử lý được lập thành kho dữ liệu và mọi người có thể truy cập vào dữ liệu này. Cổng thông tin này có thêm chức năng tiếp nhận các video clip về các trường hợp vi phạm giao thông mà người dân ghi được. Các video clip này có thể giúp ích cho cảnh sát tham khảo để xử lý các vụ vi phạm, đồng thời tạo ra mạng lưới giám sát giao thông không chính thức rộng lớn.
5. Áp dụng hệ thống bằng lái bị trừ điểm. Có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước, ví dụ nước Úc, ở đó bằng lái xe được quy định một số điểm nhất định (ở Úc là 13 điểm). Bằng bị trừ hết điểm sẽ không còn giá trị và người có bằng đó phải đi thi lấy bằng khác từ đầu, nếu muốn tiếp tục lái xe.
6. CSGT áp dụng các phương pháp bí mật để giám sát xử lý các hành vi vi phạm như biện pháp bổ sung cho hệ thống giám sát điện tử. Biện pháp này đang được nhiều nước tiên tiến như Anh, Úc, Singapore áp dụng rất hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức của người dân. Tuy nhiên, khi áp dụng cần có chế tài nghiêm ngặt để ngăn chặn tiêu cực. Hình thức phạt nóng cần hạn chế ở mức tối thiểu, kèm với phương tiện kỹ thuật. Ở các nước tiên tiến, CSGT sử dụng thiết bị cầm tay nối mạng trực tiếp với Trung tâm dữ liệu, mọi hoạt động xử lý sai phạm được truyền thẳng và lưu trong kho dữ liệu.
7. Áp dụng công nghệ hiện đại có thể giảm bớt nhân lực. Chi phí nhân lực tiết kiệm được có thể đủ để đầu tư cho kỹ thuật. Không thể tăng nhân lực vô tận, trong khi hiệu quả không tăng.
8. Cùng với những quy định rõ ràng, minh bạch về hình thức “phạt nguội”, như thời hạn CSGT thông báo lệnh phạt cho người vi phạm, thời hạn nộp phạt, mức phạt bổ sung nếu quá hạn nộp..... đồng thời cải tiến biện pháp thu phạt, làm cho việc nộp phạt của người vi phạm thuận tiện, dễ dàng hơn.
Ở các nước tiên tiến có nhiều biện pháp như có thể nộp phạt bằng chuyển khoản qua ngân hàng thông qua mạng internet, máy ATM, hoặc tới các điểm thu phạt thuê như bưu điện, siêu thị.
Ở Vương Quốc Anh, nếu người vi phạm nộp phạt trong vòng 14 ngày sẽ được giảm giá 50%, nếu nộp sau 14 ngày thì phải nộp đủ 100%, nếu chây ì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Ở Úc có một bộ phận của chính phủ chuyên trách thu các khoản phạt hành chính. Nếu người bị phạt nộp chậm quá hạn, mức phạt sẽ bị tăng thêm. Tới mức nào đó vụ việc sẽ được chuyển sang toà án giải quyết. Khi đó, ngoài tiền phạt đã bị tăng, người phạt còn phải thanh toán toà phí, tiền luật sư... và chịu thêm các hình phạt khác theo luật định.
Tóm lại, phương pháp giám sát và điều hành giao thông hiện đại làm cho người tham gia luôn luôn cảm thấy bị giám sát khi tham gia giao thông, dù không hề nhìn thấy cảnh sát.
Với những biện pháp có hệ thống và toàn diện này, tôi tin rằng hiệu lực của Luật pháp sẽ dần được khôi phục, củng cố và tăng cường. Ý thức tuân thủ của người dân dần được nâng cao, trật tự kỷ cương xã hội được bảo đảm, xã hội VN sẽ văn minh hơn.
Đây là quá trình đổi mới sâu rộng, và không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu chúng ta ngại khó, hay vì lý do nào đó không đổi mới căn bản, tình trạng giao thông lộn xộn không bao giờ chấm dứt, và với hệ thống đường giao thông ngày càng tốt hơn, tốc độ nhanh hơn, tai nạn còn khủng khiếp hơn./.
* Tác giả nguyên là Thư ký của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; nguyên Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải; Cử nhân ĐH Sư phạm Ngoại ngữ HN; Cử nhân ĐH Tổng hợp Quốc gia Australia - ANU; Thạc sĩ ĐH Harvard, Hoa Kỳ; Tiến sĩ Kinh tế, Viện Kinh tế học Việt Nam.