Đường hơn 2 tỷ đồng một mét bị 'treo' 10 năm

2015/3/19 9:9 - Nguồn : vnexpress

Dự án đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) có chiều dài 570 m, rộng 50 m, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt vào cuối năm 2005 với tổng mức đầu tư là 383 tỷ đồng. Đến tháng 9/2014, mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng gấp gần 3 lần tương đương số tiền 1.139 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án này, quận Hai Bà Trưng phải thu hồi 41.240 m2 đất tại 4 phường Đống Mác, Thanh Lương, Bạch Đằng, Thanh Nhàn, liên quan tới 670 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng.

Dự án có điểm đầu nối với ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân, điểm cuối giao với đê Nguyễn Khoái. Sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng sẽ thay thế cho đoạn đường rộng chưa đầy 10 m, thường xuyên xảy ra ùn tắc từ ngã tư Trần Khát Chân - Lò Đúc lên đê Nguyễn Khoái.

Tổng số hộ dân nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng là 661 và 7 tổ chức, cơ quan đơn vị. Đến nay, gần 400 hộ đã nhận tiền đền bù, tuy nhiên chỉ một số ít bàn giao mặt bằng.

Có gia đình đã chuyển sang các khu tái định cư nhưng vẫn quay nhà cũ để kinh doanh, buôn bán. "Dỡ nhà nửa năm nay rồi, nhưng nhìn xung quanh chưa thấy ai phá và không thấy ai nói gì nên cứ tạm bán mũ bảo hiểm ở đây", chị Đinh Thị Hồng, nhà B1, tổ 6 phường Thanh Lương chia sẻ. Theo chị Hồng, ngôi nhà mặt tiền ở đường Trần Khát Chân được đền bù với mức giá cao nhất là 55 triệu đồng mỗi mét vuông, "cầm trên tay gần 2 tỷ đồng mua nhà gần hết, còn vài miệng ăn, giờ không bán hàng cũng không biết làm gì".

Theo kế hoạch, con đường này sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động cuối năm 2015, nhưng hiện chỉ lác đác một số nhà ven đê Trần Khát Chân đang được tháo dỡ.

Nhiều hộ dân vẫn bám trụ bên cạnh những căn nhà bị dỡ. Họ cho rằng, mức giá đền bù những ngôi nhà nằm trong ngõ, dao động từ 20 đến 40 triệu đồng mỗi mét vuông là thấp.

Việc tháo dỡ, giải tỏa vẫn án binh bất động tại phía cuối dự án, khu vực nối với đê Nguyễn Khoái. Lý giải về sự chậm trễ này, Ban quản lý dự án hạ tầng tả ngạn (chủ đầu tư) cho biết, 131 hộ dân thuộc phường Thanh Lương và 60 hộ phường Bạch Đằng mới chỉ làm xong khâu lập biên bản kiểm đếm, đo đạc, cộng với chính sách giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi nên chưa đưa ra được quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ.

Đại diện Ban quản lý dự án hạ tầng tả ngạn cũng thừa nhận việc giải phóng mặt bằng còn chậm. Hiện nay còn 215 hộ dân và 6 cơ quan với tổng số tiền bồi thường 380 tỷ đồng chưa được phê duyệt. Chủ đầu tư dự kiến hoàn thành phê duyệt trong quý I và chi trả cho người dân trong tháng 4 để hoàn thiện giải phóng mặt bằng trong quý II, thi công các gói thầu xây lắp và sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm nay.

Trước đó, đầu tháng 3 khi thị sát các dự án trọng điểm của Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã nhận định nếu không có biện pháp kịp thời thì tuyến đường này cùng 12 công trình khác khó có thể đảm bảo tiến độ, về đích trong năm nay.