Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm ATGT đồng loạt trên các tuyến cao tốc, QL1A, QL14
2015/3/31 9:6
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia (UBATGTQG) Khuất Việt Hùng; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Tư pháp; lãnh đạo FPT, Hanel tham dự cuộc họp.
Tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG đã báo cáo về tiến độ triển khai Đề án xây dựng hệ thống giám sát và bảo đảm trật tự ATGT theo mô hình xã hội hóa, theo đó, sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT - Phó Chủ tịch Thường trực UBATGTQG có ý kiến chỉ đạo về chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT (Thông báo Kết luận số 492/TBKL-VP ngày 29/12/2014), trong đó yêu cầu các bộ, ngành và các đơn vị trong ngành GTVT triển khai các chương trình cụ thể để nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành giao thông, từ tháng 1/2015, UBATGTQG đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai theo hướng xây dựng Đề án thí điểm trước, trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện chính sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Khuất Việt Hùng Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG Khuất Việt Hùng báo cáo tiến độ Đề án tại cuộc họp
Ông Khuất Việt Hùng cho biết, UBATGTQG đã tổ chức các cuộc họp với các bên liên quan (Bộ GTVT, Bộ Công an, Tập đoàn FPT…) để thống nhất các nội dung liên quan. Theo ông Khuất Việt Hùng, đến thời điểm hiện nay, đã có một số nội dung triển khai tương đối cụ thể, trong đó Tập đoàn FPT đã làm việc với VEC để khảo sát toàn bộ đoạn tuyến dự kiến sẽ thực hiện thí điểm và tất cả vị trí để lắp đặt hệ thống giám sát xử lý vi phạm, bảo đảm ATGT. UBATGTQG cũng đã làm việc với Cục CSGT (Bộ Công an) và chủ trì làm việc với các bên liên quan, tuy nhiên vướng mắc đó là về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội cho rằng, về mặt chủ trương việc lắp đặt hệ thống giám sát, xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm ATGT là rất cần thiết và cấp bách; bởi theo Trung tướng Đỗ Đình Nghị, trước đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thực hiện xây dựng hệ thống giám sát xử lý vi phạm, bảo đảm ATGT theo mô hình xã hội hóa.
Trên cơ sở đó, Trung tướng Đỗ Đình Nghị thống nhất đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn FPT đầu tư xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm ATGT trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đồng thời gấp rút hoàn thành văn bản pháp quy quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, Trung tướng Đỗ Đình Nghị cũng nêu lên một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó cơ chế cho nhà đầu tư như thế nào cần phải họp bàn kỹ.
Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm ATGT Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm ATGT
đồng loạt trên các tuyến cao tốc, QL1A, QL14. Ảnh minh họa
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá thời gian qua, các bộ, ngành, đơn vị liên quan, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ GTVT đều rất quyết tâm, nhằm tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Vì vậy, cần phải quyết tâm triển khai xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm ATGT càng sớm càng tốt, tuy nhiên phải trên cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng cũng không vì ràng buộc của pháp luật mà không đưa ra được sáng kiến, vận động, năng động, sáng tạo.
Bộ trưởng đề nghị việc triển khai xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm ATGT thực hiện đồng loạt trên các tuyến đường cao tốc đã đưa vào vận hành, trên QL1A, đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên (QL14); Bộ trưởng giao Thứ trưởng phụ trách chủ trì, cùng các cơ quan liên quan trong Quý II/2015 triển khai đồng loạt trên các tuyến đường này; làm việc với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh lại toàn bộ cơ sở pháp lý; làm việc với các Nhà đầu tư BOT, để mở rộng từng dự án BOT, bổ sung lắp đặt hệ thống xử lý vi phạm, trật tự ATGT; đồng thời làm việc với các Nhà đầu tư, đầu tư theo hướng sau này sẽ thu lại cả gốc và lãi của hợp đồng BOT.
Để triển khai nhanh, Bộ trưởng yêu cầu không tổ chức đấu thầu mà lựa chọn, xin chỉ định các Nhà đầu tư lớn, đủ năng lực (Viettel, VNPT, Hanel, FPT…), phải thống nhất về tiêu chuẩn (Bộ Công an đã ban hành); đồng thời thống nhất với Bộ Công an khi hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để cung cấp toàn bộ số liệu khi có cho công an sử dụng làm căn cứ xử phạt và việc lắp đặt các trạm giám sát phải có cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, ban hành (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) về tính hợp chuẩn theo quy định.
Về dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các nội dung liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ trưởng giao Thứ trưởng phụ trách chủ trì cùng Vụ ATGT và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh lại báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ trong đầu tháng 4/2014.
Bộ trưởng cũng đồng ý kiến nghị Chính phủ cho phép sửa Nghị định 107, 171/NĐ- CP theo quy trình bình thường, không rút gọn; đồng thời phải có tổng kết đánh giá, rà soát tất cả các nhóm hành vi, hành vi cụ thể và có cân đối giữa các mức độ hành vi khác nhau. Bộ trưởng yêu cầu cần phải cân đối, tính toán để đảm bảo tính khả thi (phù hợp quy định của Hiến pháp 2013, các bộ luật có liên quan, tính khả thi khi triển khai thực hiện), nhưng điều quan trọng nhất đó là cần phải có thời gian để tuyên truyền, phổ biến, vận động, tạo dư luận xã hội khi đưa vào thực hiện những điều khoản sửa đổi, nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng tiếp thu các ý kiến của các bộ, thống nhất phải có tổng kết, đánh giá và tăng mức xử phạt vi phạm để đảm bảo tính răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật. Về các hành vi vi phạm khác (say rượu, vượt quá tải…), Bộ trưởng yêu cầu vẫn triển khai thực hiện theo đúng quy định (Nghị định 107, 171), sau đó sẽ căn cứ vào tổng kết, đánh giá để điểu chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế.
Nguồn: baogiaothong.vn