Nhật sẽ cấp lại vốn để triển khai Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1).
2015/4/2 9:18 - Nguồn : Báo GTVT
Mô hình phối cảnh dự án đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi
Trong buổi họp báo tổ chức sáng (1/4), ông Masuda Chikahiro - Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam cho biết, đối với Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), Nhật Bản sẽ tiếp tục cấp lại vốn để dự án được tiếp tục triển khai.
Tuy nhiên, khi nối lại vốn ODA cho dự án, Nhật Bản sẽ đề xuất một cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Cụ thể, ông Chikahiro cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính và đang thảo luận để đi đến cơ chế có bên thứ ba độc lập giám sát và có đánh giá về dự án. Nếu dự án có dấu hiệu chậm trễ hay có bất kỳ dấu hiệu bất thường trong đấu thầu hay thực hiện chậm hơn so với cam kết thì bên thứ ba thì sẽ đánh giá và đưa ra kết luận độc lập”.
Ông Mori Mutsuya- trưởng đại diện JICA Việt Nam cũng cho rằng, rút kinh nghiệm, hai bên Việt Nam và Nhật bản sẽ bắt tay làm việc nghiêm túc để không xảy ra vụ việc tương tự.
Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (giai đoạn 1) do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư; JTC đứng đầu liên danh với các công ty con của Nhật Bản khác và một số công ty Việt Nam được chọn làm nhà tư vấn cho dự án. Tháng 3/2014, ông Tamio Kakinuma - Giám đốc Công ty JTC thừa nhận với cơ quan công tố Tokyo việc đã “lại quả” 80 triệu yên (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho một dự án ODA ở Việt Nam.
Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt, khám xét đối với 6 cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Trong đó, ông Trần Quốc Đông (SN 1964), nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về phía JTC, cựu Giám đốc Tamio Kakinuma và 2 lãnh đạo khác của công ty này cũng bị buộc tội vi phạm Luật phòng chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản vốn nghiêm cấm hành vi hối lộ cho các quan chức của nước ngoài.
Hiện nay, tại Việt Nam, JICA đang thực hiện 150 dự án hợp tác kỹ thuật và hợp tác vay vốn. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu cả về số lượng và tổng kinh phí trong các quốc gia nhận viện trợ trên thế giới mà JICA đang hợp tác hỗ trợ.
JICA cho biết, trong năm 2015, cơ quan này tiếp tục triển khai 13 dự án mới và mời đài thọ 83 khóa đào tạo cho Việt Nam. Ngoài việc tiếp tục cung cấp ODA cho các dự án hạ tầng đã ký kết trong tài khóa 2014, JICA sẽ mở rộng tài trợ vốn sang các hoạt động liên quan tới ngăn chặn mua bán người; dự án triển khai sổ tay sức khỏe bà mẹ và trẻ em, các chương trình thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, các dự án nông nghiệp...