Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông “xê dịch” thời gian về đích
2015/4/4 15:29 - Nguồn : Châu Như Quỳnh/Dân Trí
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, so với hợp đồng ký kết, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm gần 2 năm, tiến độ điều chỉnh là hoàn thành 31/12/2015. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu đảm bảo tiến độ này, nhưng thực tế dự án có rất nhiều khó khăn từ năng lực nhà thầu, cách điều hành của Ban Quản lý Dự án nên khả năng đến quý I/2016 thì dự án mới có thể kết thúc.
“Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang từng bước khắc phục xử lý, yêu cầu tổng thầu Trung Quốc đảm bảo nhân sự đầy đủ theo hợp đồng. Phía Trung Quốc đồng tình quan điểm này và sẽ tăng cường nhân lực, trang thiết bị, giải pháp thi công để đẩy nhanh tiến độ” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ phải xê dịch thời gian về đích đến quý I/2016
thay vì 31/12/2015 như đã cam kết (ảnh: Hữu Nghị)
Hiện nay tổng thầu Trung Quốc đang khó khăn trong việc huy động thêm nguồn lực tài chính - vốn lưu động của nhà thầu. Bộ GTVT đã yêu cầu nhà thầu đáp ứng khối lượng, trong tháng 4 này tổng thầu phải chuyển đủ số tiền đang còn nợ (hiện đã chuyển hơn 100 tỷ đồng), yêu cầu tổng thầu hàng tháng phải hoàn thành bao nhiêu %, giải ngân bao nhiêu %.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, gần nhất, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ ga La Thành, để hoàn thành ga mẫu và sẽ đấu thầu đoàn tàu, đưa về để xin ý kiến người dân một cách rộng rãi, cầu thị.
“Ban Quản lý Dự án Đường sắt phải lập tiến độ tổng thể xong hạ tầng cơ sở. Chúng tôi tin tưởng cuối năm nay sẽ cơ bản hoàn thành phần bê tông, sắt thép, còn đoàn tàu và điện thì phụ thuộc vào nhà chế tạo. Chúng tôi đang quyết tâm cao nhất và cố gắng nếu có xê dịch về thời gian kết thúc dự án, sẽ không nhiều” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án và việc thu xếp vốn, người phát ngôn của Bộ GTVT - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng do lập dự án từ năm 2005 nhưng đến năm 2009 mới triển khai nên hầu hết dự án đều phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD.
“Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng vốn để làm cơ sở tiếp tục vay vốn của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Ngân hàng này thấy việc bổ sung vốn này là cần thiết và đang yêu cầu tiêu hết số tiền hiện có để tiếp tục giải ngân. Về tiến độ thực tế, hiện mới tiêu hết 60% số vốn, từ nay đến cuối năm phải tiêu 40% và kết thúc hiệp định vay vốn lần 1 là tiêu hết tiền. Gần cuối sẽ tiếp tục đàm phán để vay bổ sung” - Thứ trưởng Trường thông tin.
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km khổ 1.435 mm, tốc độ đoàn tàu 80 km/h, sử dụng vốn ODA Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Toàn tuyến đường sắt đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.
Được biết, với hệ thống đường sắt đô thị, hiện ngành giao thông đang đầu tư bằng rất nhiều nguồn vốn tài trợ từ nhiều nước, sự hoạt động của các tuyến này khác nhau nên vấn đề kết nối tuyến cũng được đặt ra. Về việc này, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ đảm bảo kết nối sao cho dùng 1 thẻ vé để đi được các tuyến.
“Ở các nước, thẻ vé có thể đi được xe buýt, tàu điện ngầm, thậm chí là cả xe đạp. Chúng ta đang đi theo hướng này. Dù thẻ có công nghệ khác nhau nhưng đều có bộ phận chuyển đổi nên chúng ta không đáng lo ngại” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thông tin.