Đẩy nhanh Dự án BOT cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến
2015/4/11 18:23 - Nguồn : Nguồn: Bộ GTVT
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu đến 30/4, nhà thầu nào không thực hiện góp vốn
đủ sẽ loại ra khỏi khỏi liên danh
Tại buổi làm việc, đại diện chủ đầu tư, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh Vũ Văn Khánh cho biết, công tác triển khai của Liên danh chậm, chưa phát huy được năng lực kinh nghiệm của các thành viên và cả liên danh. Nguyên nhân là do có đến 8 nhà đầu tư tham gia vào liên danh nên thiếu sự thống nhất.
“Do đó, ngày 25/3/2015, tỉnh Quảng Ninh đã mời các nhà thầu họp cùng tỉnh. Liên danh nhà đầu tư cũng đã ký bản cam kết với nhiều nội dung, trong đó phải hoàn thành ngay bộ máy tổ chức; quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc; vấn đề góp đủ vốn chủ sở hữu theo đúng tỷ lệ… và nhất là phải bắt đầu thi công các hạng mục trước ngày 10/5/2015”, ông Khánh cho biết.
Đại diện tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn khác của dự án như: điều chỉnh lại thiết kế đối với cầu chính từ kết cấu dầm thép sang dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, phần cầu dẫn cả hai đầu Quảng Ninh, Hải Phòng và khu vực nút giao cuối tuyến của dự án,…
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng, đại diện cho 8 nhà đầu tư cho biết, tổng số vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư phải đóng góp là 800 tỷ đồng. Đến nay, 6 nhà đầu tư gồm: Cienco1, Công ty Cái Mép, Tập đoàn Phúc Lộc, Tập đoàn Cường Thịnh Thi, Công ty Công Thành và Công ty Phương Thành đã hoàn thành xong công tác góp vốn chủ sở hữu lần hai đủ kinh phí để triển khai công việc của dự án trong 2 tháng. Còn 2 nhà đầu tư là Tập đoàn SE (Nhật Bản) và Tập đoàn Trung Nam vẫn chưa góp tiền vốn chủ sở hữu vào doanh nghiệp dự án.
Mô hình cầu Bạch Đằng
Để đẩy nhanh tiến độ, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP.Hải Phòng đã đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc để đảm bảo tiến độ công trình.
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh và đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là Quảng Ninh đã chủ động khởi xướng thực hiện công trình.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, nếu nếu không có sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thì dự án đã khó có thể thực hiện được.
Dự án rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, tác động to lớn đến khu vực kinh tế Đông Bắc và cả nước.
“Mặc dù Dự án này do Quảng Ninh khởi xướng nhưng chúng tôi luôn quan tâm, có trách nhiệm đối với dự án này”, Bộ trưởng nói.
Để triển khai tốt dự án, Bộ trưởng Đinh Thăng yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường làm Trưởng ban để điều hành, chỉ huy toàn bộ công việc của dự án. Bộ trưởng yêu cầu Ban chỉ đạo phải có quy chế làm việc rõ ràng, cụ thể. Đặc biệt, trong thời gian đầu, Ban chỉ đạo phải họp giao ban tuần vào ngày chủ nhật tại hiện trường để tập trung chỉ đạo và tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho dự án.
“Doanh nghiệp dự án cũng phải thành lập ngay trụ sở tại hiện trường để bám sát và nắm rõ công việc nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình. Doanh nghiệp dự án mà có trụ sở ở Hà Nội thì làm sao nắm rõ được tình hình triển khai dự án và gỉai quyết các vấn đề phát sinh”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế phải khẩn trương rà soát, hoàn thiện các phương án thiết kế theo tinh thần tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất nhưng phải đảm bảo tính khả thi.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, chậm nhất đến 30/4, các nhà đầu tư phải hoàn thành việc góp toàn bộ vốn chủ sở hữu, đơn vị nào không thực hiện sẽ loại ra khỏi khỏi liên danh.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng và đường dẫn hai đầu cầu được khởi công ngày 25/02/2015 với tổng mức đầu tư 7.662 tỷ đồng. Nhà đầu tư BOT của dự án là liên danh: Công ty CP đầu tư Cái Mép, Công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Công ty CP tập đoàn Phúc Lộc, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cenco1), Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành, Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty CP đầu tư và xây dựng Trung Nam, Tập đoàn SE (Nhật Bản) với thời gian hoàn vốn 30 năm. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 31/12/2016.