Lái xe quá chén bị phạt hình sự:Nhiều nước đã bỏ tù
2015/4/15 15:33
Trước việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị hình sự hóa hành vi chở hàng quá tải trọng và điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định.
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ VN cho biết: "Thứ nhất, xe quá tải nếu vượt quá 150% là phá hoại tài sản, cụ thể là cầu đường giao thông, nếu như vậy thì phải hình sự hóa.
TCĐB kiến nghị xử lý hình sự theo hai phương án. Phương án 1 là xây dựng một điều khoản quy định về tội trên.
Phương án 2 là có văn bản hướng dẫn áp dụng khoản 4 điều 202 Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tương tự hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn nêu trên. Thứ hai, xử lý hình sự đối với hành vi điều khiển xe mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá quy định, cũng bởi vì, hiện nay, đã tạm thời dừng hình thức thu xe, còn hình sự hóa thì Nghị định 171 sẽ quy định cụ thể và đây là trách nhiệm của Ủy ban ATGTQG".
Tổng cục đường bộ đề xuất xử lý hình sự hành vi lái xe quá chén
Tổng cục đường bộ đề xuất xử lý hình sự hành vi lái xe quá chén Theo ông Huyện, trong hồ sơ của Tổng cục đường bộ bao gồm tất cả, là bởi vì Tổng cục đồng ý với ý kiến của Ủy ban ATGTQG, hồ sơ là hồ sơ chung.
Ông Huyện nhấn mạnh: "Chúng tôi chỉ làm công tác đảm bảo kết cấu hạ tầng đường bộ cụ thể là vấn đề xử lý xe quá tải, còn các trường hợp uống rượu bia rồi điều khiển xe thì Tổng cục đồng tình với ý kiến của Ủy ban ATGTQG. Nhưng chắc chắn sau này sẽ xử lý hình sự hóa".
Trước đó, trong hồ sơ gửi lên Bộ GTVT, theo TCĐB, thống kê của các nhà chuyên môn, trên toàn quốc có tới 45% số vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát lái xe có uống bia, rượu.
Hiện nay nhiều nước phạt tù với lái xe uống rượu bia quá mức như: Pháp, Thụy Điển, Đài Loan (Trung Quốc) quy định phạt tù đến 2 năm, Trung Quốc quy định phạt tù đến 3 năm. Đức cấm hoàn toàn lái xe uống rượu bia, vi phạm sẽ phạt tù ngay. Còn nước Anh phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, phạt tiền 5.000 bảng nếu lái xe uống rượu quá mức quy định.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự nước ta chỉ mới quy định truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt tù từ 3-10 năm với lái xe khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác. Để đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn, tránh nguy hiểm cho xã hội đối với lái xe trong tình trạng uống rượu, bia quá mức mà chưa gây tai nạn, TCĐB kiến nghị áp dụng khoản 4, điều 202 Bộ luật Hình sự để xử lý.
Theo đó, đối với hành vi lái xe trên đường mà có nồng độ cồn trong máu vượt quá 100mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ áp dụng tội “vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Trước đó, ngày 30/3, tại cuộc họp dự thảo báo cáo Thủ tướng về các nội dung liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cụ thể là đề xuất tịch thu phương tiện của lái xe vi phạm nồng độ cồn của UBATGT Quốc gia, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Thay vì áp dụng tịch thu phương tiện ngay, các cơ quan chức năng chỉ nên tăng mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông có vi phạm nồng độ cồn”.
Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh, cần có thời gian để tuyên truyền, phổ biến, vận động, tạo đồng thuận xã hội. Người đứng đầu ngành giao thông cũng giao các đơn vị chức năng hoàn chỉnh lại báo cáo để trình Thủ tướng vào đầu tháng 4.
Nguồn: baodatviet