Rối rắm giải phóng mặt bằng Quốc lộ 19

2015/4/20 15:15

Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công

Ngày 17/4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã kiểm tra toàn tuyến dự án nâng cấp mở rộng QL19 theo hình thức đầu tư BOT qua 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định, để tìm ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án và giải quyết những vướng mắc về công tác GPMB.

Gia Lai: Dân đòi đền bù cả đất ruộng nằm ngoài hành lang

Tại Gia Lai, đại diện chủ đầu tư - ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 (Công ty BOT 36.71) cho biết: Toàn dự án qua Gia Lai có tổng chiều dài 22,7km (km108 đến Km131+300). Tính đến ngày 17/4, tiến độ thi công đạt 57% khối lượng (chậm 1%), trên công trường nhiều đơn vị thi công đã triển khai thảm bê tông nhựa lớp 1. Giá trị thực hiện đạt 264/459,2 tỷ đồng.

Theo hợp đồng, dự kiến đến ngày cuối tháng 12/2015 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên nhà thầu đã tính toán về năng lực thi công, đặc biệt là thời tiết tại khu vực Tây Nguyên nên đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Thời gian kết thúc dự án sẽ kết thúc vào tháng 10/2015.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm việc tại Gia Lai

Hiện nhà đầu tư đang tập trung chỉ đạo nhà thầu tích cực thi công trên toàn tuyến. Thế nhưng, vấn đề GPMB tại cao điểm đỉnh đèo Mang Yang (thuộc xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) vẫn còn lúng túng. Ông Vương Chí Thiện, Phó giám đốc Công ty BOT 36.71 cho biết, điểm đỉnh đèo phải hạ xuống khoảng 10m, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc khoảng 200 chiều dài (khu vực có 2 hộ dân). Đây là điểm rất quan trọng và là con đường độc đạo nên cần phải sớm giải phóng để đảm bảo thi công.

Tại cuộc họp ngày 17/4, nhiều thành viên đóng góp ý kiến, thế nhưng vẫn chưa thể có giải pháp tối ưu. Ông Hồ Sĩ Trọng, Phó chủ tịch huyện Mang Yang cho biết: Hai hộ dân ngăn cản thi công tại điểm đỉnh đèo Mang Yang hiện nay do giá đền bù. Nguyên nhân là khi thi công, tim đường mới (do cải tuyến) dịch vào phía nhà dân 7m, hành lang đường bộ dịch chuyển theo khoảng 13m. Huyện cũng chưa có quy hoạch tái định cư cho hai hộ dân này.

Phó chủ tịch huyện báo cáo, chính quyền địa phương đã linh hoạt áp giá đền bù mới ở mức cao nhất, đồng thời giải thích cho họ hiểu các quy định về đền bù giải tỏa của tỉnh Gia Lai. 2 hộ dân này đã hiểu và không đòi hỏi về giá đền bù nữa. Tuy nhiên, mới đây, họ lại có đơn yêu cầu đền bù tiếp diện tích đất nông nghiệp nằm xa tuyến đường gắn liền với diện tích thổ cư được áp giá đền bù. Theo ý kiến người dân lân cận thì ý của hai hộ dân này là “đòi được chút nào, hay chút đó", ông Trọng, Phó chủ tịch huyện Mang Yang cho biết.

Không để người dân định cư tại vị trí nguy hiểm

Ông Lê Văn Hạnh, Phó Gíam đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho rằng, không thể tái định cư hai ngôi nhà tại đỉnh đèo Mang Yang vì rất nguy hiểm. Lý do đưa ra là, khi đào sâu đắp cao tại hai bên đỉnh đèo, như vậy cần phải có phương án kiên cố hóa hai bên vị trí này. Nhà hai hộ dân nằm phần trên ta luy dương tại đỉnh đèo, cao hơn mặt đường mới khoảng 10m. Đồng quan điểm với ông Hạnh, ông Võ Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Khu vực hai bên mái ta luy khá cao, chắc chắn sẽ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở khi mưa.Việc đào sâu xuống sâu hơn mặt đường cũ ảnh hưởng đến trực tiếp những hộ dân hai bên đường.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị chủ đầu tư quan tâm đến vấn đề an toàn giao thông, chống sạt lở, vệ sinh môi trường… Thứ trưởng yêu cầu, đơn vị đầu tư phải tổ chức thi công lại một cách khoa học; cần huy động thêm thiết bị, chủ động nguồn nguyên vật liệu để đẩy nhanh tiến độ thi công, sao cho đến hết tháng 7/2015 phải cơ bản xong phần móng và lớp mặt dưới, kiên cố hóa đoạn đèo Mang Yang, tránh sạt lở dẫn đến ùn tắc giao thông trong mùa mưa.

Thứ trưởng Đông đề nghị chính quyền địa phương cần giải quyết triệt để, sớm hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng 200 mét tại đỉnh đèo Mang Yang ngay trong tháng 4 này. Đối với 2 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp thì bắt buộc phải di dời và chốt giá đền bù thỏa đáng phần đất ở. Phần đất nông nghiệp không bị ảnh hưởng sẽ không đền bù. Với 5 hộ còn lại tuy chịu ảnh hưởng gián tiếp nhưng rủi ro sụt lở sau này cũng rất cao nên địa phương cũng cần nghiên cứu phương án di dời sao cho hợp lý nhất.

Nhiều người dân tại tỉnh Bình Định ngăn cản thi công liên quan đến xác định nguồn gốc đất đai

Bình Định: Chốt 29/4 hoàn thành GPMB

Tại dự án BOT QL19 tỉnh Bình Định, nhà thầu đang khó khăn do phải thi công kiểu chắp vá, mặt bằng bị ngắt ra từng đoạn. Lý do là do người dân không chịu nhận đền bù hoặc nhận rồi lại trả lại không đồng ý bàn giao mặt bằng. Ông Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thừa nhận rằng: Trong thời gian qua chỉ lo sốt sắng cho việc GPMB ở QL1 mà ít sâu sát hơn đối với QL19.

Tuy đã cận kề mùa mưa (tháng 6) nhưng công tác GPMB tại dự án BOT QL19 vẫn còn nhiều vướng mắc. Ông Vương Chí Thiện, Phó Giám đốc công ty TNHH BOT 36.71 (C.ty 36.71) cho biết nguyên nhân dẫn đến chậm GPMB là do lịch sử công tác quản lý đất đai tại địa phương trước đây và việc xác định nguồn gốc đất để tính toán áp giá đền bù, hỗ trợ. Chính vì vậy sau nhiều thời gian mà Bộ GTVT “đặt mốc” thời gian nhưng vẫm không thể hoàn thành kế hoạch đề ra.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm việc tại Bình Định

Theo ý kiến của lãnh đạo hai huyện Tây Sơn và Thị xã An Nhơn, nguyên nhân chậm GPMB là do trước đây việc quản lý lỏng lẻo việc quản lý cấp đất, xác định ranh giới giữa hành lang đường bộ với phần đất nhà người dân. Trong đó diện tích đất thực tế nhỏ hơn đất được cấp trong sổ đã dẫn đến kiện tụng. Ngoài ra, trước đây nhiều nhà dân không chấp hành theo quy định về hành lang ATGT đường bộ nay được hưởng đền bù, hỗ trợ đã khiến cho các nhà dân chấp hành thấy bất công và phát sinh khiếu kiện vì không thỏa đáng.

Thị xã An Nhơn hiện nay tổng số hộ chưa nhận tiền đền bù hỗ trợ là 212 hộ. Hiện thị xã An Nhơn đã bàn giao chính thức mặt bằng cho đơn vị chủ đầu tư Công ty 36.71 là 9/13 Km; Tại huyện Tây Sơn còn 36 trường hợp (7 hộ thống nhất, 29 hộ vẫn còn thắc mắc).

Đoạn BOT Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Bình Định có chiều dài 33Km từ Km17+027- Km50, trong đó GPMB dọc tuyến 2 bên là gần 66Km. Theo hợp đồng tiến độ thi công đến 31/12/2015. Tính đến nay đã triển khai được 57% (chậm 2%), ước đạt 279/499 tỉ đồng.

Sau khi Báo Giao thông đăng tải hai bài báo “QL19 chậm tiến độ vì người dân không nhận đền bù” ngay lập tức UBND tỉnh Bình Định đã có những chỉ đạo sát sao hơn. Cụ thể đã bổ sung thêm nhân sự mới để thực hiện việc GPMB tại thị xã An Nhơn. Tại huyện Tây Sơn thì Phó chủ tịch UBND huyện Đỗ Văn Sỹ đã đến từng nhà hộ dân tuyên truyền giải thích cụ thể cho những nhà dân hiểu.

Tại buổi họp, ông Ngô Đông Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cam kết với Thứ trưởng Đông đến 30/4 ngày giải phóng Miền nam sẽ giải phóng hoàn toàn mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị kiểm tra lại những gì còn vướng mắc trong GPMB tại Thị xã An Nhơn và Tây Sơn. Các công trình công cộng cần phải di dời sớm để thi công. Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Bình Định có giải pháp để thực hiện được cam kết bàn giao mặt bằng vào 30/4 để đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 10/2015.

Nguồn: baogiaothong